Thư thả, kho báu mở ra
Tình cờ xem được đoạn clip nói trên, tôi nhớ lại bản thân mình ngày xưa. Từ lúc còn là sinh viên, tôi đã lao vào nghiên cứu các phương thức làm giàu, các hình thức đầu tư, lãi kép, v..v, để sớm trở thành triệu phú trước tuổi 30. Tôi đọc sách rất nhiều và tất nhiên không thể thiếu self-help (tự lực). Self-help là thể loại một là bị dè bỉu, hai là khiến người đọc đắm chìm quá mức. Những cuốn sách chưa bao giờ là vấn đề. Tôi nhận ra: không phải việc đọc hay suy nghĩ, mà chúng ta phải thực hành thì mới tạo ra chuyển biến nhìn thấy được. Bằng cách dấn thân với cuộc sống thực, tôi thay đổi rất nhiều về tư duy. Cách tôi nghĩ gì về giá trị của chính mình là thứ quyết định quan hệ của tôi với đồng tiền.
Tuyệt đối không làm gì không phải là cách đúng đắn để tiến lên. Ngay cả những bậc thiền sư ngồi yên vô mục đích cũng vì một mục đích cụ thể. "Thoải mái" mà Johnny Trí Nguyễn đề cập là một trạng thái tồn tại trong tâm trí hơn là thể chất. Không làm gì trong tình huống hỗn loạn và ngừng suy nghĩ quá mức cần thiết là cách để dập tắt những tư tưởng đang đè nén tâm thức chúng ta xuống. Khi tâm trí không còn rào cản, những khả năng mới sẽ xuất hiện. Kết quả là bạn không phải gồng lên mà mọi thứ được thực hiện trơn tru.
Trước khi đạt được khả năng làm ít mà gặt hái được nhiều, bạn cần trải qua những bài học khó chịu trong đời sống nội tâm mà chẳng mánh khóe nào giúp bạn nhảy cóc được.
Vật lộn cho sự tồn tại của bản thân dẫn tới sự sụp đổ nhanh chóng
Lúc còn làm giám sát kỹ thuật ở công ty cũ, tôi làm việc với C - một nữ nhân viên kinh doanh gây ấn tượng ban đầu tràn đầy năng lượng. C từng đi du học nên cấp trên tỏ ra rất kì vọng. C cũng thể hiện sự quyết đoán của một tài năng trẻ. Tôi để ý mỗi lần gọi điện cho khách hàng, C thường hay đi ra ngoài hoặc một chỗ vắng người, thay vì ngồi tại bàn làm việc để ngay lập tức cập nhật với đồng nghiệp nội dung đã trao đổi. Báo cáo công việc hằng ngày đối với khách hàng tiềm năng hầu như là những phản hồi tốt về việc cân nhắc sử dụng dịch vụ của công ty. Các cuộc gặp gỡ đều do C tự đi một mình. Suốt hai tháng thực tập C không chốt thành công kể cả một hợp đồng nhỏ. Ngẫu nhiên có một dịp trò chuyện với một người bạn đang làm cho doanh nghiệp khách hàng tiềm năng mà C chăm sóc. Bạn tôi nhận xét dịch vụ dùng thử miễn phí của chúng tôi có nhiều lỗ hổng. Bạn đã phản hồi đầy đủ với C, nhưng không thấy vấn đề được xử lý, vì vậy bên bạn quyết định không đăng ký. Tôi khá ngạc nhiên nhưng chưa vội báo lại với cấp trên, bới hiểu lầm có thể xảy ra và sự việc không thuộc thẩm quyền mà tôi nên quan tâm. Một thời gian ngắn sau, giám đốc cũng biết được câu chuyện theo cách tương tự mà tôi đã kể. Công ty không sa thải mà thuyên chuyển C xuống vị trí tiếp tân.
Trường hợp của C tôi gặp vô số lần tại nơi làm việc, kể cả với nhân viên của mình khi bắt đầu khởi nghiệp. Trách nhiệm kỹ thuật nằm ở phía nhóm của tôi. Chúng tôi chỉ mới phát triển dịch vụ ở giai đoạn đầu nên chưa hoàn hảo là lẽ đương nhiên. Thay vì thế, C xem đó là chuyện cá nhân (take it personal), lo sợ không được coi trọng, bị đánh giá thấp, mà C có cái nhìn sai lệch với nhiệm vụ. Đôi khi, chấp nhận bị nhìn nhận yếu kém là cách tích cực nhất để tiến lên. Lo sợ mất đi một chức vụ, một công việc, một lời đánh giá tốt, theo luật hấp dẫn, không mời mà cứ thế xảy ra. Bấu víu vào từng cơ hội để tồn tại khiến bạn bị vắt kiệt trong khi chưa làm được những việc cần làm, những thứ thực sự đóng góp lớn lao cho sự nghiệp lâu dài. Mất mát sẽ là cái giá rất nhỏ nếu bạn làm việc một cách nỗ lực và chính trực. Khi một cánh cửa đóng lại, nhiều cánh cửa khác sẽ mở ra. Có thể bạn nhận ra đó không phải công việc dành cho mình, và tìm thấy công việc trong mơ. Có thể bạn làm việc quá tốt khiến người đến trước lo sợ cho vị trí của họ, và giờ bạn làm việc cho người sếp biết đánh giá đúng năng lực. Có thể mối làm ăn đó đầy mờ ám và khi mọi chuyện đổ bể, bạn thở phào và thầm cảm ơn mình đã chọn làm người lương thiện.
Thứ quyết định giá trị và mức thù lao của bạn không phải cấp trên hay khách hàng của bạn, mà là...
Nếu bạn nghĩ mình chỉ nhận được một xu thì bạn sẽ không nhận được một ngàn đồng. Bạn là người quyết định mình đáng giá bao nhiêu với đối phương. Thu nhập của bạn không được quyết định bởi người chủ hay khách hàng. Nó mọc ra từ tâm trí. Nếu bạn không tin mình có giá trị, làm việc nặng nhọc nhiều giờ cũng chỉ mang đến kết quả xoàng xĩnh.
Có nhiều người chọn cách tự kỉ ám thị và ít nhiều thành công khi tin vào những khả năng mà họ không có. Chúng ta không cần trở thành kiểu người như thế. Đó chỉ là chiêu trò lừa dối tiềm thức, sớm muộn cũng mang đến tai ương. Cách chúng ta đang tiếp cận là từ từ nuôi dưỡng sự tự tin bằng những thành công nhỏ, những kinh nghiệm từ thất bại, bằng quyết tâm và cam kết. Bạn phải biết rõ lợi ích và giá trị mà mình sẽ mang lại cho những người mà bạn cộng tác. Bạn cũng phải thể hiện điều đó cho họ biết. Bạn thực hiện mọi việc lớn nhỏ như thế nào, cẩn thận hay qua loa, tiềm thức sẽ tự động ghi nhận rồi phát tiết ra ngoài. Những người cùng tầng với bạn sớm muộn gì cũng sẽ nhận ra.