1. Siêu du thuyền được xem như tài sản thể hiện địa vị, đẳng cấp
Thay thế cho những chiếc thuyền dài chỉ có hàng chục mét ở thế kỷ 19, là sự bùng nổ về số lượng của những chiếc siêu du thuyền dài hàng trăm mét ở thế kỷ 20. Hiện nay, chiều dài của những chiếc siêu du thuyền được coi là thước đo địa vị và sự giàu sang của chủ nhân sở hữu chúng. Số lượng du thuyền - tính những chiếc dài hơn hai trăm năm mươi feet – đã tăng từ dưới 10 lên hơn 170, ông Raphael Sauleau, Giám đốc điều hành của Fraser Yachts cho biết.
Sự ưa chuộng du thuyền ngày càng tăng, bởi có thể khẳng định địa vị của họ đã dẫn đến nhiều cuộc cạnh tranh về chiều dài của chúng. Theo các hãng đóng tàu, giới nhà giàu có xu hướng đặt những chiếc siêu du thuyền dài từ 80m trở lên - gọi là megayacht. Những chiếc thuyền này cần có một thủy thủ đoàn chuyên nghiệp để vận hành suốt chuyến đi, với chi phí 10% giá mua ban đầu được bỏ ra hằng năm, chi cho việc bảo trì và chỉ cho việc vận hành cơ bản của những chiếc megayacht này, nên những siêu du thuyền trên thế giới thường nằm trong tay các triệu phú và tỷ phú.
Mới đây, mọi người vẫn truyền tai nhau cuộc tranh đua của hai tay chơi tiếng tăm bậc nhất của làng du thuyền thế giới là tỷ phú người Nga Roman Abramovich và ông hoàng Trung Đông Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan. Năm 2010, ngay khi vị tỷ phú Nga hạ thuỷ Eclipse - chiếc du thuyền được cho là dài nhất thế giới với 163m thì nhiều thông tin cho rằng, ông hoàng Trung Đông cũng đặt hãng đóng tàu Đức chiếc Azzam dài 173m, hơn Eclipse 10m.
Năm 2022, siêu du thuyền tùy chỉnh sang trọng được chế tạo cho Jeff Bezos đã được hạ thủy. Người sáng lập Amazon và là một trong những người giàu nhất thế giới có chiếc siêu du thuyền được hãng Oceanco đóng tại Hà Lan vào năm 2021. Với chiều dài 127m và có giá từ 500 triệu USD trở lên, nó được miêu tả như là "một trong những du thuyền hoàn hảo nhất tồn tại trên thế giới" - Y721 của Jeff Bezos thậm chí dài hơn một sân bóng, có hồ bơi, rạp chiếu phim và nhiều tiện nghi khác, song không có sân bay trực thăng. Trước đó, Bezos được cho là đã đặt một chiếc “du thuyền hỗ trợ” thứ hai, nhỏ hơn và chiếc này sẽ có sân bay trực thăng riêng và chở ôtô khi ở trên biển.
Hơn nữa, giá của những chiếc thuyền cao hơn cả, năm 2019, tỷ phú quỹ đầu cơ Ken Griffin đã mua một căn hộ 4 tầng ở Central Park South với giá 200 triệu USD, mức giá cao nhất từng được trả cho một ngôi nhà ở Mỹ. Vào tháng 5, một người mua không rõ danh tính đã chi khoảng 195 triệu USD cho một bức chân dung trên màn ảnh lụa của Andy Warhol về Marilyn Monroe. Nhưng đó chỉ là những con số bình thường theo thuật ngữ siêu du thuyền, Có rất nhiều chiếc thuyền đang được đóng với giá hơn 250 triệu USD.
Khác máy bay phản lực tư nhân, siêu du thuyền không phải là phương tiện vận tải hữu ích. Thay vào đó, điều khiến một chiếc du thuyền trở nên đáng mơ ước là nó "cho phép giới siêu giàu thể hiện địa vị giàu có của họ".
2. Những cuộc “so găng” trên biển
Thế giới có nhiều trải nghiệm về du thuyền, song đình đám nhất phải kể đến Monaco Yacht Show. Hàng năm, cứ vào tháng 9, những hãng đóng tàu tiếng tăm lại mang đến đây những thiết kế mới nhất của họ. Chỉ trong 4 ngày, cảng Hercule chật kín du thuyền, với tổng giá trị lên tới 3 - 5 tỷ USD.
Theo tiết lộ của của ban tổ chức, số lượng người tham dự chưa bao giờ dưới 30.000 khách. Vào những dịp này, 11 khách sạn hạng sang ở Monaco với giá không dưới 3.000 USD/đêm luôn trong trạng thái kín phòng.
Tại phía nam bang Florida (Mỹ), doanh số bán thuyền bất ngờ tăng vọt kể từ khi đại dịch bùng phát, dẫn đến tình trạng thiếu bãi neo đậu. Bởi vậy không ít người giàu ở Mỹ đã đổ xô tìm mua những ngôi nhà ven sông, ven biển để sở hữu một chỗ đậu du thuyền.
Thực tế, việc sở hữu một siêu du thuyền đối với giới siêu giàu không khó, mà vấn đề là việc tìm kiếm bến đậu cho những cỗ du thuyền đắt tiền. Ước tính, chi phí mỗi năm có thể lên tới 350.000 USD chỉ cho riêng việc neo đậu. Thậm chí một số cảng biển trên thế giới có giá lên tới 3.675 USD/ngày cho mỗi chiếc du thuyền muốn dừng chân trong mùa cao điểm.
Do đó, triển lãm du thuyền, nơi phô diễn những siêu phẩm, xu hướng mới trở thành là điểm hẹn của giới siêu giàu.
3. Cuộc sống du mục trên biển
Đối với nhiều người yêu thích du thuyền, được định cư trên một con tàu là điều mà họ mơ ước, nhưng ước mơ này có phần khá xa xỉ. Dù các chuyến du ngoạn thế giới dài hạn đã trở nên phổ biến hơn, tuy nhiên, những trải nghiệm như vậy có xu hướng đi kèm với một mức giá cực kỳ cao, do đó không nhiều người có khả năng lên tàu dù rất yêu thích cuộc sống trên biển.
Nhưng một "cộng đồng dân cư trên biển" mới có tên là Storylines đang hy vọng sẽ thay đổi điều đó bằng cách cung cấp chỗ ở trên một con tàu du lịch trong thời gian dài hoặc thậm chí vĩnh viễn, với giá cả hợp lý hơn.
Dự kiến ra mắt vào năm 2024, Storylines cung cấp các căn hộ từ một đến bốn phòng ngủ đầy đủ tiện nghi, cùng với căn hộ studio và căn hộ penthouse hai tầng, trên con tàu sắp ra mắt của mình, với giá khởi điểm 400.000 USD và lên đến 8 triệu USD, tùy theo bạn thuê hay mua.
Khi du thuyền trở thành một thú chơi khẳng định ngôi vị và tước bậc của giới siêu giàu, họ sẵn sàng chi cả một gia sản để tìm kiếm những trải nghiệm độc nhất trên biển.
Những căn hộ trên du thuyền này có thể được sở hữu vĩnh viễn, bên cạnh đó, Storylines cũng cung cấp các hợp đồng thuê 12 hoặc 24 năm nhưng chỉ có số lượng hạn chế.
Theo nhà sáng lập kiêm CEO Alister Punton, nhiều căn hộ trong tổng số 547 căn đã được bán và các căn hộ đang trên đà bán hết vào cuối năm 2022.
Du thuyền MV Narrative của Storylines sẽ mang đến cho cư dân một “lối sống du mục” trong khi họ làm việc hoặc thư giãn trên biển. Con tàu được trang bị bến du thuyền, chợ nông sản và thậm chí là trường học trên tàu.
Có thể nói, khi đã chạm tới cột mốc tài chính nhất định, cùng với gu thẩm mỹ tinh tế được hợp sức bởi nhiều chuyên gia, giới siêu giàu đã thay đổi cuộc chơi của du thuyền, từ phương tiện trở thành phong cách và đẳng cấp sống thượng lưu xa hoa được khao khát.