Nhà đấu giá Millon chào bán ấn vàng của vua Minh Mạng với giá 2-3 triệu euro (48 đến 72 tỷ đồng). Hiện vật được đặt tên Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841), cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7 cm.
Mặt trên của ấn khắc hai dòng chữ: "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" (Được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và "Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân" (Làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7 kg). Đế ấn in dòng chữ "Hoàng đế chi bảo" (Báu vật của hoàng đế).
Theo cuốn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, chiếc ấn này được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài... Đại diện Cục Văn hóa Di sản khẳng định Hoàng đế chi bảo là ấn vàng lớn, đẹp, quý và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn.
Sau quá trình xác minh, Cục Văn hóa Di sản khẳng định ấn vàng Hoàng đế chi bảo được rao bán là ấn thật. Các cơ quan chức năng mong muốn huy động mọi nguồn lực để đưa ấn về nước. Phương án khác được đưa ra là các cơ quan, tổ chức trong nước có thể quyên góp, tham gia đấu giá ấn, đưa về và hiến tặng cho bảo tàng.
Trước đó, ngay thông tin ấn quý bị đấu giá, ngày 27/10, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam (hoàng tộc nhà Nguyễn) cho biết đã có văn bản gửi ông Jean Gauchet, Giám định viên của hãng đấu giá Millon (Pháp), yêu cầu hủy bỏ cuộc đấu giá ấn Hoàng đế chi bảo và chiếc bát vàng vua Khải Định, dự kiến diễn ra vào ngày 31/10.
Trong văn bản này, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam khẳng định Việt Nam với tư cách là một quốc gia thành viên đã ký Công ước UNESCO vào năm 1970 nhằm tăng cường cuộc chiến chống buôn bán các hiện vật văn hóa từ năm 2005.
Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam là hậu duệ của các vua chúa triều - là tổ chức kế thừa chính thức những nghĩa vụ của vương triều Nguyễn. Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo là quốc bảo truyền từ đời vua này sang đời vua khác của triều Nguyễn từ 200 năm nay, được ghi vào sử sách của triều Nguyễn.
Văn bản gửi Millon của Nguyễn Phúc tộc nêu rõ: "Chúng tôi rất ngạc nhiên khi bảo vật quốc gia Việt Nam được rao bán như những thỏi vàng một cách rất thông thường…. Chúng tôi đang nghiên cứu về quyền pháp lý và cách thức mà vị vua cuối cùng của Việt Nam, đức vua Bảo Đại "được cho là" đã chuyển nhượng quyền thừa kế, trong khi chiếc ấn Hoàng đế chi bảo và chiếc bát vàng là hai vật quốc bảo. Với giá ước lượng mà ông đã đề ra, theo chúng tôi, bản thân đức vua Bảo Đại đủ trí tuệ để hiểu rằng ngài không được phép tiếm quyền chuyển nhượng, dù nhà tổ chức đấu giá Millon có trình ra giấy thừa kế đến từ bất cứ công chứng viên nào".
Ngày 7/11, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị lên Thủ tướng được huy động nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ bảo tồn di sản Huế và sử dụng quỹ này để kịp thời mua lại và hồi hương ấn.
Hôm qua, Hãng Millon thông báo sẽ đấu giá ấn vàng của vua Minh Mạng vào ngày 18/11, thay vì trưa 10/11. Cổ vật ban đầu được chào bán ở lô 101 trong phiên Bán hàng nghệ thuật Việt Nam vào chiều 31/10.
Đây là lần thứ 2 nhà đấu giá Millon lần thứ hai thay đổi lịch đấu giá ấn vàng. Tối 9/11 (theo giờ địa phương), trên website của Millon thông tin bằng ba ngôn ngữ Pháp, Anh và Việt Nam. Millon viết: "Do sự quan tâm mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam đối với món cổ vật số 101 - kim ấn của vua Minh Mạng, chúng tôi xin thông báo rằng sẽ hoãn việc bán món cổ vật này tới trưa thứ năm, 18/11".
Lần hoãn đầu tiên cũng ngay khi bắt đầu phiên đấu giá, hãng thông báo dời sang ngày 10/11. Trước đó, đại diện Cục Văn hóa Di sản cho biết Millon đổi lịch nhằm tạo điều kiện cho phía Việt Nam có thêm thời gian thương lượng để mua trực tiếp.
Hiện tại, Millon mở phiên đấu giá mới có tên Duy nhất: Con dấu vàng quý hiếm của vua Minh Mạng, gồm một vật phẩm, với mốc ngày giờ đã điều chỉnh.