"Hoàng đế chi bảo" và số phận ly kỳ về chiếc ấn của Hoàng đế Việt Nam cuối cùng

Hà Lam
Sau gần 200 năm tồn tại, chiếc ấn vàng quý giá được xem như quốc bảo Việt Nam đang lưu lạc nơi đất Pháp, và có thể sẽ bị đấu giá – đã trải qua những gì?
22hoang-de-chi-bao22-va-so-phan-ly-ky-ve-chiec-an-cua-hoang-de-viet-nam-cuoi-cung-2-1667221565.jpeg

Chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" quý giá do vợ sau của vua Bảo Đại là bà Monique Baudot cất giữ được nhà đấu giá Millon dự kiến bán ra 2-3 triệu Euro. Sau đó đã được thông báo sẽ dời lịch đấu giá vì sự quan tâm của chính phủ Việt Nam.

Sự chuyển giao quyền lực của quốc bảo - một triều đại chấm dứt!

Chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” làm bằng vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820 - 1841). Đây là chiếc kim bảo lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn, được đúc vào năm thứ 4 đời vua Minh Mạng (năm 1823), chất liệu bằng vàng, có thông tin cho rằng nó nặng 10,78 kg. Ấn được truyền từ đời vua này đến đời vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại.

canh-bao-dai-thoai-vi-trao-an-kiem-duoc-tai-hien-tai-bao-tang-lich-su-cach-mang-thua-thien-hue-1667220616.jpeg
Cảnh Bảo Đại thoái vị, trao ấn kiếm được tái hiện tại bảo tàng Lịch sử - Cách mạng Thừa Thiên - Huế.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, cho biết "Hoàng đế chi bảo" được cựu hoàng Bảo Đại trao cho đại diện cách mạng cùng với cây kiếm trong lễ tuyên bố thoái vị của mình vào chiều 30/8/1945 tại Đại nội Huế.

Đây được cho là ấn tín của vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Nếu thông tin về bảo vật đúng như mô tả, "Hoàng đế chi bảo" có nghĩa là ấn của hoàng đế, một trong những chiếc ấn có ý nghĩa quan trọng nhất của triều Nguyễn, chỉ được sử dụng cho các sắc phong và văn bản quan trọng nhất.

chiec-an-hoang-de-chi-bao-vua-bao-dai-1667221049.jpeg
Lễ thoái vị của Vua Bảo Đại.

Hôm sau, bộ ấn kiếm được đem ra Hà Nội để kịp dự lễ độc lập vào ngày 2/9/1945. Tuy nhiên, thông tin về chiếc ấn quý này đến nay vẫn còn thể hiện dưới nhiều ghi chép khác nhau.

Hai bảo vật này được vị vua cuối cùng của triều Nguyễn trao cho đại diện của Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng với câu nói nổi tiếng được sử sách ghi lại "Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ".

Những ghi chép về "Hoàng đế chi bảo"

Trong Hồi ký Trần Huy Liệu (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, trang 370), Trưởng đoàn đại diện Việt Minh tiếp nhận ấn kiếm đã viết:

“…khi tiếp nhận chiếc ấn vàng, tôi đã phải chịu đựng sức nặng bất ngờ của cái ấn. Chiếc ấn nặng tới 7 kg vàng! Nói thật với các bạn khi giơ hai tay đỡ cái ấn, tôi có ngờ đâu nó nặng đến thế nên không chuẩn bị tư thế từ trước. Tuy vậy, khi chiếc ấn nặng trĩu nằm trong tay, tôi phải cố gắng vận dụng hết sức bình sinh để chống đỡ, không để nó trĩu xuống, nhất là đừng để người tôi khỏi nghiêng ngả vì tư thế của tôi lúc ấy có phải thuộc riêng của tôi đâu, mà là tư thế của một vị đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đương làm một việc rất quan trọng trong giờ phút lịch sử”.

chiec-an-hoang-de-chi-bao-1667220861.jpeg
Mặt dưới của Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo.

Phó đoàn là nhà thơ Huy Cận nhớ có phần khác trong Hồi ký song đôi (NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2009, trang 89: “Bảo Đại đọc xong thì cột cờ hạ cờ vàng của vua xuống và kéo cờ đỏ sao vàng lên. Đồng bào vỗ tay như sấm dậy. Bảo Đại trao quốc ấn bằng vàng, đúc từ đời Minh Mạng, nặng gần 10 kg …”

Phạm Khắc Hòe sau này ghi lại trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc (NXB Hà Nội, 1983, trang 78) thể hiện, sau khi Bảo Đại đọc tờ Chiếu thoái vị, 21 phát súng lệnh vang lên chào quốc kỳ mới của Tổ quốc hồi sinh, thì “Bảo Đại hai tay đưa lên trao cho ông Trưởng đoàn đại biểu chính phủ quốc ấn bằng vàng nặng gần 10 ki lô gam…”

Cuối năm 1946, khi Pháp quay trở lại Việt Nam và đưa quân vào Hà Nội, đơn vị làm nhiệm vụ cất giữ bộ ấn kiếm trên trước khi rút lên Việt Bắc đã đem giấu chúng vào vách một ngôi chùa cổ ở ngoại thành Hà Nội.

Tuy nhiên, điều không thể ngờ là khi lính Pháp đập phá chùa để lấy gạch xây đồn bốt đã phát hiện ra bộ ấn kiếm này.

Chiếc ấn và thanh kiếm của vua Khải Định được cho là đã được bộ đội đem chôn tại một căn nhà ở Hà Nội. Sau đó căn nhà này bị phá hủy.

Ghi chép tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cung cấp thêm, báo cáo ngày 28/2/1952 có ghi: “Nơi tìm thấy quốc bảo là chân móng ngôi nhà bị tàn phá hết cả tường của Hà Văn Dô (Hà Văn Đô/ Hà Đô...) tậu tại làng Nghĩa Đô, mà Đô hiện nay còn ở Hậu phương, có lẽ là một nhân viên quan trọng của Việt Minh… bộ đội Việt Minh có đóng ở nhà đó ít lâu, rồi sau quân đội Pháp tấn công, họ rút lui. Có lẽ ấn và kiếm này là Bảo vật trong khi Đức quốc trưởng Bảo Đại thoái vị đã trao cho Việt Minh mà đến khi họ rút lui khỏi làng Nghĩa Đô đêm chôn giấu vào móng tường nhà này”.

Ấn quý trở về chủ cũ

Đến năm 1952 thì quân Pháp tìm thấy hai món bảo vật và trả lại cho vua Bảo Đại lúc này đang là quốc trưởng Quốc gia Việt Nam.

22hoang-de-chi-bao22-va-so-phan-ly-ky-ve-chiec-an-cua-hoang-de-viet-nam-cuoi-cung-1667221462.jpg
Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo nhìn từ trên xuống. Ảnh: Millon

Ngày 3/3/1952, Pháp đã tổ chức một nghi lễ khá long trọng trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại, khi đó với tư cách "Quốc trưởng" của một chính phủ mới được dựng nên.

Lúc này vua Bảo Đại cùng Nam Phương hoàng hậu đang ở Pháp nên đã ủy quyền cho đức bà Từ Cung và một bà Mộng Điệp (một bà phi của vua) ở Việt Nam đứng ra tiếp nhận.

Đến năm 1953, chiến cuộc ở Việt Nam diễn ra căng thẳng nên Bảo Đại đã ủy quyền cho bà Mộng Điệp đưa 2 món bảo vật cùng nhiều tư trang sang Pháp giao cho Nam Phương hoàng hậu cất giữ.

Năm 1963, sau khi Nam Phương Hoàng hậu mất, bộ ấn kiếm này do Thái tử Bảo Long quản lý và ông đã gửi ân kiếm vào két sắt của Ngân hàng Châu Âu.

Sau khi Hoàng hậu Nam Phương qua đời (1963), quốc ấn Hoàng đế Chi Bửu tiếp tục được Hoàng thái tử Bảo Long quản lý.

Ghi chép của tiến sĩ Phan Thanh Hải cho biết, cặp ấn kiếm được Hoàng tử Bảo Long giữ được gửi tủ sắt của Liên hiệp Ngân hàng châu Âu (Union des banques européennes).

Năm 1972, cựu hoàng Bảo Đại kết hôn với bà Monique Baudot (sinh ngày 30 tháng 4 năm 1946, mất ngày 27 tháng 9 năm 2021), người Pháp.

'Cuộc chiến' giành quốc bảo của gia đình Hoàng tộc

Có thông tin kể lại, những ngày cuối đời, cựu Hoàng muốn thấy những vật báu của Hoàng triều để lại. Nhưng các con ông lo ngại, không muốn trao cho cha mình, sợ khi túng tiền ông bán đi thì uổng phí, hoặc sợ khi ông qua đời lại rơi vào tay bà Monique Baudot. Gia đình Bảo Đại lục đục, hầu hết con cháu không ưa gì bà Baudot, nên ông rất buồn.

Sau ngày xuất bản cuốn “Le Dragon d Annam” (1980) và sau ngày Bảo Đại làm giấy hôn thú với bà Monique Baudot (1982), người Pháp, ông Bảo Đại làm đơn kiện con trai Bảo Long đòi lại cặp ấn kiếm. Tòa xử Bảo Long được giữ cây kiếm và giao lại chiếc ấn cho Bảo Đại.

Nghe nói rằng, vì túng tiền nên vị Hoàng tử Bảo Long đã bán mất cây kiếm trên. Sau khi cựu hoàng Bảo Đại qua đời, quyền quản lý thuộc về bà Monique Baudot (người Pháp), bà vợ cuối cùng có hôn thú của cựu hoàng. Từ đó, không còn tin tức gì về chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” này nữa.

Trước khi qua đời vào tháng 8/1997, cựu hoàng để lại di chúc, trao quyền thừa kế toàn bộ tài sản của ông ở Pháp cho bà Monique Baudot.

Sau khi Bảo Đại qua đời năm 1997, chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" do bà Monique Baudot (vợ Bảo Đại cưới năm 1982) cất giữ. Bà Monique Baudot mất vào 2021.

Rộ tin ấn quý bị bán đấu giá trên đất Pháp

Tháng 10, nhà đấu giá Millon công bố thông tin đấu giá, trong đó có chiếc ấn vàng được cho là chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo’.

Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn - nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, có thể con cháu của bà Monique Baudot đã chọn thời điểm này để nhờ Hãng Millon đưa ấn vàng ra bán đấu giá.

22hoang-de-chi-bao22-va-so-phan-ly-ky-ve-chiec-an-cua-hoang-de-viet-nam-cuoi-cung-1667220142.jpeg
Chiếc ấn đang được Millon đưa ra đấu giá được cho là 'Hoàng đế chi bảo'.

Theo mô tả của Hãng đấu giá Millon, ấn vàng này cao 10,4cm, mặt ấn hình vuông nặng 10,78kg. Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc (rồng đoanh), đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ 王 (vương: vua), vây lưng và đuôi rồng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, bốn chân rồng đúc rõ năm móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng.

Mặt trên của ấn, ở hai bên quai ấn, có khắc chìm hai dòng chữ 明命肆年貳月初肆日吉時 鑄造 (tạm dịch Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo: tức là đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4) và 拾成黃金重貳佰捌拾兩玖錢貳分 (tạm dịch Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân: làm bằng vàng, nặng 280 lạng 9 chỉ 2 phân).
Mặt dưới của ấn khắc nổi bốn chữ triện 皇帝之寶 (tạm dịch Hoàng đế chi bảo: báu vật của hoàng đế).

Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, chiếc kim ấn được rao bán là một bảo vật của nhà Nguyễn và là một vật chứng lịch sử rất quan trọng đối với lịch sử Việt Nam thời hiện đại.

Theo ông Sơn, chiếc ấn vàng này có thể là chiếc ấn được vua Bảo Đại trao trả cho Việt Minh cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định vào chiều 30/8/1945 tại lầu Ngũ Phụng trên Ngọ Môn.

'Hoàng đế chi bảo' có thể trở về Việt Nam?

Theo đại diện Cục Di sản văn hóa, nếu cổ vật được đấu giá là ấn "Hoàng đế chi bảo" (thông tin cần được xác định chính xác thông qua các đánh giá và giám định chuyên môn) thì bên cạnh những ý nghĩa về lịch sử, văn hóa... xét về khía cạnh chủ quyền sở hữu, chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của đất nước trong suốt một giai đoạn lịch sử.

Do vậy, ngay khi nắm được thông tin về việc đấu giá hai cổ vật trên, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao, đồng thời phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp khẩn trương làm việc trực tiếp với Hãng đấu giá Millon có trụ sở tại Paris để xác minh rõ thông tin.

"Một khi cổ vật đã lên sàn đấu giá công khai, thì giá cả sẽ diễn biến khôn lường, như trường hợp chiếc mũ quan nhất phẩm triều Nguyễn do Hãng Balclis ở Tây Ban Nha đưa ra đấu giá hồi tháng 10-2021 đã tăng vọt từ 600 euro giá khởi điểm lên 600.000 euro", ông Sơn cho biết.

22hoang-de-chi-bao22-va-so-phan-ly-ky-ve-chiec-an-cua-hoang-de-viet-nam-cuoi-cung-3-1667221738.png
Thông tin hoãn lịch đấu giá trên website Millon, Pháp.

Nhiều thông tin cần được làm rõ như chủ sở hữu, tính hợp pháp của hai cổ vật, giá dự kiến bán. Và đặc biệt phía các cơ quan chức năng của Việt Nam tìm kiếm khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá, cố gắng "hồi hương" 2 cổ vật nêu trên về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, phù hợp với pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế.

Theo thông báo trước đó, ngày 29/10, cuộc đấu giá chiếc ấn sẽ được lùi lại vào ngày 10/11 thay vì diễn ra vào ngày 31/10.

Tuy nhiên, đến ngày 31/10, nhiều người ở Việt Nam đã bất ngờ khi website chính thức của Hãng đấu giá Millon ở Pháp bất ngờ rút thông báo hoãn cuộc đấu giá chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được cho là của vua Bảo Đại, báu vật tiếp tục đấu giá vào 11h ngày 31/10 (giờ Paris), tương ứng 17h tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trên trang của Millon, ‘lot 101’ (lô 101) đấu giá ấn vàng “đẹp nhất của nhà Nguyễn” – ‘Hoàng đế chi bảo’ đã không có trong phiên đấu ngày 31/10, mà lùi lại như trước đó từng thông báo vào 10/11.