Trước đây, nghệ thuật hay mỹ thuật nói riêng là không dành cho tất cả, chỉ một số ít có thiên hướng, chẳng hạn như những nhà sưu tầm danh tiếng, nhà bảo trợ giàu có, những phòng tranh độc quyền hay những bảo tàng di sản. Nhưng giờ đây, một loạt bước tiến mới trong giới nghệ thuật khiến người ta phải khảo lại định nghĩa thế nào là nghệ thuật và nó dành cho ai; chẳng hạn như giá trị gia tăng trong thị trường sưu tập, hay sự xuất hiện của nghệ thuật NFT (non-fungible token).
Cụ thể hơn, nam giới đang là thành tố dẫn đầu cả hai lĩnh vực này – sức hút của sưu tầm có thể đến từ niềm đam mê sưu tầm đồ chơi, mô hình, tác phẩm điêu khắc nhỏ từ khi còn bé; và sức hút của NFT đến từ sở thích chung của nam giới với công nghệ chuỗi – khối (blockchain) và ứng dụng tiền tệ ảo.
Khi độ tuổi của các nhà sưu tầm nam đang ngày một trẻ hơn, thì làng sưu tầm nghệ thuật đương đại cũng xuất hiện các gương mặt ưu tú trẻ trung hơn. Tháng 6 năm 2021, Châu Kiệt Luân, ông hoàng nhạc Pop của làng giải trí Trung Quốc – đồng thời cũng là một nhà sưu tầm, đã đồng giám tuyển một buổi triển lãm cùng nhà đấu giá Sotheby’s, báo hiệu một hướng đi mới cho nhà đấu giá 277 năm tuổi này.
Những thay đổi của Châu Kiệt Luân với chương trình triển lãm “Giám tuyển nghệ thuật đương đại: Châu Á” kết hợp những kiệt tác của Jean-Michel Basquiat hay Pablo Picasso, cùng những nghệ sĩ đang lên như Madsaki và Izumi Kato; được tuyển chọn bởi chính tay anh. Phiên đấu giá rất thành công, bán được 100% tác phẩm, đạt doanh thu lên đến 109 triệu đô-la Mỹ, làm nên tên tuổi cho ít nhất 9 nghệ sĩ mới.
Châu Kiệt Luân chung tay tổ chức sự kiện cùng với Enviseam, một công ty với sứ mệnh mang nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Founder và CEO của Enviseam là nhà kinh doanh trong lĩnh vực văn hoá ở Singapore, Jazz Li.
Li thành lập Enviseam từ bốn năm rưỡi trước, xuất phát từ tầm nhìn để thế giới nghệ thuật truyền cảm hứng cho văn hóa đại chúng giống như những năm 1980, với những gương mặt như Andy Warhol – nghệ sĩ nhưng có quan hệ khăng khít với người nổi tiếng và giới sáng tạo thời điểm đó. Nhận thấy rằng động thái này có thể áp dụng được cho châu Á ngày nay, Li hình dung ra một thế giới nơi mà nghệ thuật có thể ảnh hưởng con người bằng cách khiến họ nhận ra giá trị thực sự trong xã hội. “Những tác phẩm và chu trình sáng tạo nghệ thuật ẩn chứa rất nhiều giá trị triết học, chúng tôi chỉ đang cố gắng truyền đạt lại thành những gì dễ hiểu và thú vị, giống như cách Disney làm phim,” Li chia sẻ. Enviseam truyền tải nghệ thuật thông qua những trải nghiệm vui vẻ, cả online và offline, để dần định hình lối tư duy của mọi người về nghệ thuật.
Li tin rằng làm việc cùng các KOL và người nổi tiếng là một cách để đem nghệ thuật tới gần hơn với đại chúng, nhưng đồng thời cũng hiểu vì sao giới thượng lưu thường bất đồng với ý tưởng triết học này. “Các nhà sưu tầm của giới thượng lưu cũng như rất nhiều thành phần khác trong giới nghệ thuật muốn làm người gác cổng hơn. Họ muốn cộng đồng mỹ thuật khép kín, tách riêng. Những người như vậy không thích những điều tôi đang làm. Thực chất, tôi không nghĩ công việc của tôi đang “hạ cấp” mỹ thuật hay hội họa, mà chỉ đang mở rộng cánh cửa. Thay vì giữ khư khư mỹ thuật cho giới thượng lưu khép kín, tôi đang mở rộng cánh cửa”.
“Cái gì làm từ tay nghề tinh xảo cùng tiêu chuẩn sản xuất chất lượng, dù là tác phẩm thiết kế hay điêu khắc đều được coi là nghệ thuật…”
Anh giải thích, “Chúng tôi đang cố để khán giả đại chúng tiếp nhận ảnh hưởng của nghệ thuật lên cuộc sống, rằng sưu tầm không phải chỉ có đồ vật và giá cả, rằng giá trị của nghệ thuật không nằm ở mác giá. Dù cho bạn không đấu giá được, bạn vẫn có thể thưởng lãm nghệ thuật từ bên ngoài lồng kính”.
Các nhà đấu giá đang bắt đầu chú ý đến xu hướng này, tổ chức những triển lãm được giám tuyển chặt chẽ, nhắm đến những nhà sưu tầm trẻ tuổi, đưa những tác phẩm trước không được xem là nghệ thuật lên sàn đấu giá. Tháng 01 năm 2019, một bộ sưu tập ván trượt Supreme hoàn chỉnh được bán với giá 800.000 đô la Mỹ cho Carson Guo – khi ấy mới chỉ 17 tuổi. Guo coi bộ sưu tập ván trượt được thu thập công phu trong hơn 20 năm qua là tác phẩm nghệ thuật, bởi một số mang dấu ấn của các nghệ sĩ đương đại nổi tiếng như KAWS và George Condo, cũng như chữ ký của họ. Điều đó càng khẳng định rằng, giá trị trên nghĩa rộng, được xác định bởi những gì thị trường sẵn sàng chi trả.
“Đa số mọi người đang dần nhận ra rằng những tác phẩm nghệ thuật có tác dụng cải thiện tinh thần và mang đến niềm vui trong khoảng thời gian bí bách do đại dịch…”
Li cũng sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ như Jose Parla, Crash, KAWS, Daniel Arsham và Takashi Murakami. Anh cũng đánh giá Jahan Loh – một nghệ sĩ Singapore, người được “lăng xê” bởi các “bố già” nghệ thuật đường phố – là một tài năng đáng mong đợi. (Loh là nghệ sĩ Singapore duy nhất được tổ chức Warhol lựa chọn để tham gia buổi tưởng niệm nghệ sĩ tại Bảo tàng ArtScience vào năm 2011.) Li thấy rằng Loh có thể hiểu được triết lý giao thoa giữa “một người sinh ra trong những năm 1970 và 1980” và “một nghệ sĩ trưởng thành trong nền văn hóa châu Á, nơi sở hữu bản sắc mạnh mẽ, nhưng vẫn đang cố gắng tìm lại nguồn cội“.
Nghệ thuật đại chúng và đường phố tiếp tục trở thành xu hướng phổ biến trong giới sưu tầm trẻ tuổi. Tại Yang Gallery, bên trong phòng trưng bày của khu mua sắm Hilton, “Role” (2017) – một bức tranh lớn của nghệ sĩ đương đại người Trung Quốc, Shen Jingdong – đã gây được tiếng vang lớn. Pha trộn các biểu tượng văn hoá của Trung Quốc với màu sắc tươi sáng, tác phẩm của Shen và nhiều nghệ sĩ trẻ đều hướng đến nghệ thuật đương đại và đại chúng, đồng thời thể hiện sức ảnh hưởng của văn hóa trong chính tác phẩm của họ.
Tương tự, nghệ thuật đường phố và graffiti thu hút các nhà sưu tầm trẻ tuổi. Đối với bản thân Li, nghệ thuật đường phố là một trong những phong trào gây say đắm từ cái nhìn đầu tiên. Càng dấn sâu, anh càng nhận thấy rằng các sự kiện như “Light and Space” của nghệ sĩ James Turrell sẽ trở nên ngày một nổi bật hơn, và cũng liệt những cái tên như điêu khắc gia Anish Kapoor hay Olafur Eliasson là những người nổi bật.
Vật phẩm sưu tầm và đồ chơi
Ý niệm nghệ thuật là gì đang dần thay đổi. Rất nhiều món như đồ trang trí tại gia trở nên đắt giá bởi những nhà sưu tầm sẵn sàng trả giá cao để sở hữu chúng. “Cái gì làm từ tay nghề tinh xảo cùng tiêu chuẩn sản xuất chất lượng, dù là tác phẩm thiết kế hay điêu khắc đều được coi là nghệ thuật,” Li nói.
Ví dụ như những thành quả của KAWS – người bắt đầu với thiết kế đơn thuần, nay được biết đến như một nghệ sĩ thực thụ. “Ban đầu anh ấy là một nhà thiết kế, nhưng nay đã trở thành cái tên gắn liền với văn hóa đại chúng. Đó là điều anh ấy vẫn luôn nỗ lực để thực hiện, để nhận được sự cộng nhận của công chúng và những nhà sưu tầm“. Ngay cả người như Arsham cũng từng bước ra ngoài lĩnh vực thiết kế và nhận được sự công nhận của đông đảo công chúng, qua những dự án hợp tác cùng các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, từ đó thúc đẩy nhu cầu đối với những tác phẩm có giá cả phải chăng.
Tại Yang Gallery, các nhà sưu tầm đang dần quan tâm đến các tác phẩm độc quyền và đồ chơi làm bởi bàn tay của KAWS, Joan Cornella và Javier Calleja, cũng như các kỷ vật của nghệ sĩ như Arsham. Triển lãm cũng thu hút hàng loạt nghệ sĩ đương đại từ khắp nơi trên thế giới, với đa dạng loại hình nghệ thuật truyền thống như tranh và tác phẩm điêu khắc.
Lauren Jiang, trợ lý tại Yang Gallery cho biết, rất nhiều nhà sưu tầm quan tâm đến những tác phẩm dễ tiếp cận hơn như đồ chơi – song giá vẫn dao động từ vài nghìn đến hàng chục nghìn đô la. “Đồ chơi tại phòng trưng bày của chúng tôi dễ dàng tiếp cận với những nhà sưu tầm trẻ tuổi. Không phải chỉ những bức tranh sơn dầu hoặc tác phẩm điêu khắc truyền thống mới thu hút, tôi nghĩ rất nhiều nhà sưu tầm trẻ say mê những tên tuổi lớn như KAWS và Takashi Murakami, bởi họ biết các nghệ sĩ đó từng hợp tác cùng các thương hiệu thời trang xa xỉ và những người nổi tiếng. Nhờ đó những tác phẩm và đồ chơi nghệ thuật của các nghệ sĩ nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn,” Jiang nhận xét.
Trong bối cảnh đại dịch, Yang Gallery nhận thấy nhu cầu gia tăng của thị trường đối với những món đồ sưu tầm. Khi các lô hàng đồ chơi nghệ thuật hoặc các tác phẩm từ loạt phim “Future Relic” của Arsham chính thức được trưng bày, chúng gần như được bán hết ngay lập tức bởi các nhà sưu tầm trẻ đã đặt hàng từ trước. Phòng trưng bày này cho rằng trong tình hình đại dịch Covid-19, phần lớn mọi người dành thời gian ở nhà, và điều đó khiến họ có thêm nhiều thời gian và tiền bạc để chi tiêu cho nghệ thuật.
Giám đốc điều hành phòng trưng bày, Susanna Yang cho biết: “Đa số mọi người đang dần nhận ra rằng những tác phẩm nghệ thuật có tác dụng cải thiện tinh thần và mang đến niềm vui trong khoảng thời gian bí bách do đại dịch”.
“Đối với các nhà sưu tầm nam, tác phẩm nghệ thuật hay đồ sưu tầm còn được coi như một khoản đầu tư khá quan trọng, vì vậy họ có xu hướng tìm đến những nghệ sĩ có tên tuổi và những tác phẩm đáng đầu tư. Chúng tôi có những nhà sưu tầm từ mọi giới tính và lứa tuổi. Nhưng chúng tôi thấy rằng rất nhiều nhà sưu tầm nam đang quan tâm đến tiềm năng đầu tư của các tác phẩm nghệ thuật. Bởi vậy giúp đỡ và hướng dẫn họ trong vấn đề này là việc phòng trưng bày đang thực hiện”, Lauren Jiang nói.
Tuy nhiên, Yang cảm thấy rằng ngày càng khó phân biệt giữa các tác phẩm thật và giả – một vấn đề nhức nhối trong thế giới nghệ thuật, đặc biệt khi mua sắm trực tuyến. “Chúng tôi có một phòng trưng bày, vì vậy người mua có thể đến và chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật nguyên bản mới được ra mắt,” Yang nói.
Đối với nhiếp ảnh gia Marc Tan của Studio Periphery, việc sưu tập đồ chơi nghệ thuật từ các nghệ sĩ như KAWS và James Jarvis lấy cảm hứng theo phong trào thời trang bền vững, bắt nguồn vào những năm 2000 khi văn hóa đường phố, âm nhạc và đồ chơi sưu tầm được nói đến như một phạm trù quen thuộc trong văn hóa đại chúng. Anh ấy thích sưu tập đồ chơi theo chủ đề vượn, và bị thu hút bởi ý tưởng về một hình dạng giống nhau được làm bằng các chất liệu khác nhau. Tan chia sẻ: “Nó có tính lặp lại, điều này khá thú vị”.
Anh ấy mô tả sự sắp xếp bộ sưu tập của mình là trường hợp điển hình. “Chúng không nhất thiết cần sự quản lý chặt chẽ … đồ chơi nghệ thuật có thể đi cùng với đồ cổ, sách và tạp chí“. Tan yêu thích sắp xếp lại các bộ sưu tập của mình đều đặn vì nó cho phép anh ấy một góc nhìn khác về các tác phẩm của mình “Nó mang lại cảm giác quen thuộc nhưng đồng thời là một điều gì đó mới mẻ”. Anh thích được bao quanh bởi những thứ mình thích.
Tan cho rằng việc sưu tầm đồ chơi nghệ thuật là một điều phổ biến đối với thế hệ ngày nay, được tạo nên từ sự giao thoa giữa những người nghệ sĩ và văn hoá đại chúng. Có thể lấy ví dụ chẳng hạn như các thương hiệu quần áo có màu sắc nghệ thuật đương đại, không thực sự xuất hiện cho đến cuối những năm 1990 và 2000; hay sự hợp tác của các nghệ sĩ như Jarvis, cùng thương hiệu quần áo Silas vào năm 1998; và nghệ sĩ Hồng Kông Michael Lau, người đã tạo ra loạt phim “Người Làm Vườn” vào năm 1999.
“Đối với các nhà sưu tầm nam, tác phẩm nghệ thuật hay đồ sưu tầm còn được coi như một khoản đầu tư khá quan trọng…”
Những làn sóng ảnh hưởng mạnh mẽ đã tái thúc đẩy lượng tiêu thụ của thương hiệu đồ chơi Bearbrick, nhờ vậy họ trở thành một đế chế mang tính biểu tượng trong giới nghệ thuật đường phố. Bắt đầu không có gì đặc biệt, nhưng Bearbrick đã đột phá và khẳng định thương hiệu đồ chơi bằng nhựa đơn thuần cũng có thể hợp tác cùng các thương hiệu nổi tiếng như Chanel hay Hermès, hay những nghệ sĩ lớn như Futura.
Tại Yang Gallery cũng chứng kiến những sự hợp tác tương tự giữa giới nghệ thuật cùng các thương hiệu thời trang xa xỉ như một cách xây dựng tên tuổi. Chẳng hạn như lần thương hiệu quần áo Sacai kết hợp cùng KAWS (vào giữa tháng 7 năm 2021).
Trên thực tế, khách hàng thường mua sắm các bộ sưu tập thời trang và phối cùng những món đồ chơi nghệ thuật của phòng trưng bày. KAWS nhận được sự chú ý đặc biệt và trở thành một chủ đề thú hút trong những câu chuyện phiếm. Một ngày không xa, chúng ta sẽ sớm nhận được email thông báo từ Cactus Jack – một nhóm nhà sưu tầm trong đó có rapper Travis Scott – về việc họ sẽ hợp tác cùng KAWS trong một bộ sưu tập; hoặc đọc được thông tin KAWS khởi động dự án đưa mô hình của anh ấy lên vũ trụ. Li dự đoán rằng KAWs sẽ có “sức ảnh hưởng tương tự Andy Warhol“.
NFT, nghệ thuật số và hơn nữa
Bên cạnh những dự án hợp tác thiết kế và xu hướng sưu tầm đồ chơi, thế giới nghệ thuật NFT cũng đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Khi công nghệ chuỗi – khối đảm bảo rằng vấn nạn tranh giả, tranh chép trong giới mỹ thuật số sẽ được giải quyết, nó cũng gợi lên câu hỏi: vậy sở hữu bản số hóa của một bức tranh (bản gốc hoặc một phiên bản in lại) có ý nghĩa gì – nếu bản thân bức tranh đó được phân tán rộng rãi cho tất cả mọi người. Nói cách khác, câu hỏi hóc búa này tương tự trường hợp “Comedian” (2019) nổi tiếng của Maurizio Cattalan, với một quả chuối được gắn trên tường bằng băng dính và có đến 3 phiên bản.
Thương vụ NFT đạt doanh thu kỷ lục gây chú ý nhất phải kể đến “Everydays – The First 5000 Days” của Beeple, được mua với mức giá 69 triệu đô-la Mỹ bởi một tài khoản có tên MetaKovan, về sau được hé lộ có liên quan tới nhà đầu tư tiền ảo tại Singapore, Vignesh Sundaresan. Cơn sốt xung quanh vụ giao dịch này (và cái giá khổng lồ của nó) dẫn đến doanh số bán hàng tăng đột biến đặc biệt trong nửa đầu năm 2021, với tổng trị giá các tác phẩm nghệ thuật NFT lên đến 2.5 tỉ đô-la Mỹ, theo số liệu của DappRadar. Nhưng giống như nhiều thị trường khác, giới NFT vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thương hiệu cá nhân của nghệ sĩ để có thể nâng cao giá trị của tác phẩm.
Nghệ sĩ nổi tiếng như Arsham hay Damien Hirst có cả một đám đông ủng hộ quan điểm của họ về góc nhìn đổi mới, song cũng có hàng nghìn nghệ sĩ vô danh khác với những tác phẩm không được để mắt đến. “Khi có càng nhiều tác phẩm số hoá hơn, thị trường sẽ bão hòa hơn,” Li nói, “cân bằng với vô số tác phẩm tranh vật lý dùng để treo trên tường. Với hàng triệu sinh viên mỹ thuật tốt nghiệp mới năm, rõ là ai cũng có thể vẽ; nhưng lại có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật bán ra còn không bù được số vốn bỏ vào để vẽ nó.”
Giới nghệ thuật NFT hiện tại cũng bị thống trị bởi nam giới, vậy nên các sản phẩm có thiên hướng phục vụ cho nhóm đối tượng này, nếu xét về chủ đề và thẩm mỹ. Nhìn lướt qua danh sách những nghệ sĩ NFT bán chạy nhất có thể kể đến như Pak, Trevor Jones, SlimeSunday và Xcopy; cho thấy phần lớn là nam giới, dù cho họ có giấu tên thì cũng bộc lộ gu thẩm mỹ và sở thích của phái mạnh như anime hoặc game. Phần lớn nhà đầu tư tiền điện tử trong giới NFT cũng thường là nam. Những hình ảnh đầy định kiến thể hiện trong tác phẩm đạt giá kỷ lục của Beeple cũng là đề tài để nghiên cứu và gây tranh cãi.
“Những tác phẩm và chu trình sáng tạo nghệ thuật ẩn chứa rất nhiều giá trị triết học, chúng tôi chỉ đang cố gắng truyền đạt lại thành những gì dễ hiểu và thú vị, giống như cách Disney làm phim…”
Trong số những phòng tranh truyền thống tại Singapore, Yeo Workshop là một trong những phòng tranh đầu tiên tiếp nhận tác phẩm NFT, và bán được một NFT của họa sĩ Brandon Tay trong chương trình “only losers left alive (love songs for the end of the world)” vào tháng 7 năm 2021. Audrey Yeo, giám đốc của Yeo Workshop, cho biết tác phẩm được đặt cái giá phải chăng ở mức 100 đô-la cho ấn bản đầu tiên, rồi 115 đô và 130 đô cho lần lượt các ấn bản tiếp theo, theo đơn vị tiền tệ ảo Ethereum.
Tác phẩm “Death Spiral” (2021) – một đoạn phim hoạt hình 4K – được bán sạch tới bản thứ 10. “Những người tới xem triển lãm rất hứng thú với các tác phẩm NFT bởi tính sắp đặt của nó trong phòng trưng bày. Brandon Tay cũng là một nghệ sĩ với tay nghề kỹ thuật số cao, cùng chất lượng hình ảnh kết xuất số đáng ngưỡng mộ. Kỹ năng của anh ấy rất tuyệt vời, vậy nên không khó để bán tác phẩm,” Yeo giải thích. Trong thời gian tôi ở phòng triển lãm của Yeo, các phiên bản của “Death Spiral” được chụp và đăng tải rất dễ dàng lên Rarible, một nền tảng thị trường cho NFT nơi tác phẩm được đăng bán.
Trong khi thế giới nghệ thuật số hóa và NFT không ngừng vận động, Yeo cũng chia sẻ cả điểm cộng và trừ trong bối cảnh tiến hóa chóng mặt này. Mặt khác, nghệ thuật số hóa và NFT đang tạo điều kiện cho nghệ sĩ tự quảng bá tác phẩm của mình mà không phải trưng bày tại các phòng tranh truyền thống. “Thông thường những nghệ sĩ kỹ thuật số không có nền tảng bền vững để bán được sản phẩm. Giờ đây đã có cách để đem nghệ thuật của họ gần hơn với thị trường đại chúng. Những sản phẩm được hỗ trợ bởi công nghệ chuỗi – khối sẽ cho người mua sự đảm bảo và xác nhận về giá trị thực.” Yeo chia sẻ.
Song đồng thời, việc giới thiệu quá nhiều tác phẩm nghệ thuật có thể gây choáng ngợp, và các nền tảng có thể không trưng bày các tác phẩm theo cách tốt nhất. “Vấn đề ở đây, tất nhiên là với các tác phẩm này, bạn không thể nhìn thấy trực tiếp. HIện tại các nền tảng chủ yếu ở dạng tĩnh – chúng chỉ thể hiện bề mặt tác phẩm. Cũng thiếu công đoạn giám tuyển, hay các thông tin tóm lược về tác phẩm, và đương nhiên cũng không thể so sánh được với trải nghiệm bước vào phòng tranh để thưởng lãm tác phẩm, bởi vì nghệ thuật nằm nhiều ở trải nghiệm trực tiếp,” Yeo giải thích.
Mua một tác phẩm từ máy tính hay điện thoại không đem lại cảm giác hưng phấn như mua trong triển lãm hay phòng tranh, dù cho phương thức này tiện dụng và an toàn hơn trong thời kỳ dịch bệnh. Sau cùng, quyền lựa chọn chuyên chế vẫn là vấn đề lớn nhất trong lĩnh vực nghệ thuật NFT. Đơn giản là có quá nhiều tác phẩm kỹ thuật số và nghệ thuật NFT ngoài kia mà Yeo nhận xét là, “đang gây khó khăn cho khán giả để thưởng lãm mọi thứ và tìm hiểu nghệ sĩ để mà ủng hộ”.