Công ty khởi nghiệp thử nghiệm máu Theranos đã trở thành một câu chuyện ngụ ngôn lừa đảo ở Thung lũng Silicon. Nhưng phiên tòa xét xử người sáng lập, cô Elizabeth Holmes, lại chứa đựng rất nhiều bài học sâu xa hơn dành cho giới đầu tư. Dưới đây là năm bài học đó:
Đầu tiên, họ nên đặt nghi vấn cho tất cả các tuyên bố khoa học chưa được chứng nhận và kiểm nghiệm. Ví dụ như trường hợp của Theranos, ta nên hoài nghi ngay thời điểm họ tuyên bố giải quyết được vấn đề chỉ bằng việc lấy máu xét nghiệm từ ngón tay. Không giống như máu tĩnh mạch lấy từ cánh tay, máu mao mạch chứa chất lỏng từ các mô và tế bào khiến việc thử nghiệm kém chính xác hơn.
“Tâng bốc” là một trong những nét văn hóa tại Thung lũng Silicon. Nhưng quảng cáo cường điệu mà chất lượng không đáp ứng đủ là điều không thể chấp nhận được, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vì điều này có thể tổn hại rất nhiều đến sức khỏe con người.
Thứ hai, các nhà đầu tư phải phân biệt giữa đấu tranh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ra sức che dấu, lấp liếm sự thật đầy dối lừa. Có bằng sáng chế được bảo vệ thì không lý do gì Theranos lại không cung cấp thiết bị độc quyền của mình để các chuyên gia độc lập cùng kiểm tra.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, sự minh bạch là điều cần thiết - mặc dù ngày càng có nhiều lo ngại rằng văn hóa hoang tưởng của Thung lũng Silicon đang làm xói mòn nó. Ông John Ioannidis, một giáo sư Stanford và là người sớm đã hoài nghi Theranos, đồng tác giả của một bài báo chỉ ra rằng hơn một nửa số kỳ lân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trích dẫn rất ít về công việc của họ.
Cô Elizabeth Holmes trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9/2015. Ảnh: CNN |
Thứ ba là sức thu hút đôi khi còn vượt xa khả năng thực sự của những người "làm sếp". Cô Holmes là một phụ nữ hiếm hoi trong thế giới do nam giới thống trị, cùng với sự tự tin và sức thu hút, cô đã tạo ra “vầng hào quang” khỏa lấp đi lòng hoài nghi của mọi người. Vẻ đạo mạo và sức hút của cô được ví với ông Bernard Madoff, nhà tài chính Hoa Kỳ, người đã thực hiện mô hình Ponzi lớn nhất trong lịch sử.
Thứ tư, các nhà đầu tư phải tự quyết định việc kinh doanh chứ không phụ thuộc vào lời nói của người nổi tiếng. Cô Holmes đã kết hợp với những người “có máu mặt” như ông George Shultz, ông Jim Mattis và ông Henry Kissinger. Cô tạo ra ảo tưởng rằng công nghệ của cô đã được xác thực bằng cách sử dụng logo của các tập đoàn dược phẩm như Pfizer trên các tài liệu của Theranos.
Những người bị dẫn dụ đã không nhìn nhận ra cho đến những giây phút cuối cùng của sự việc bởi cách thức lừa đảo của cô. Nhưng cũng có một sự phi logic rõ ràng trong sai lầm của họ. Người ta cho rằng những đột phá lớn, giả dụ như phương pháp xét nghiệm máu từ Theranos, khó mà kiểm soát được trong đời thật nhưng lại dễ dàng bị thao túng trong thế giới mạng.
Bài học thứ năm là những cái gì quá hoàn hảo đôi khi lại không có thực.
Nguồn Financial Times