Tác giả cuốn sách “Cha giàu cha nghèo” - Robert Kiyosaki từ lâu đã nổi tiếng với những bài học, kinh nghiệm làm giàu đầy khôn ngoan. Cuốn sách của ông được xuất bản lần đầu vào năm 1997, ngay lập tức lọt top bán chạy nhất mọi thời đại và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Thậm chí, đây trở thành cẩm nang “gối đầu giường” đối với những người quan tâm đến đầu tư, tiền bạc và nền kinh tế thế giới.
Một trong số những câu trích dẫn của Robert Kiyosaki được nhiều người tâm đắc nhất chính là “Don't work for the money let the money work for you”. Có thể hiểu là: Đừng làm việc vì tiền, hãy để tiền làm việc cho bạn.
Người giàu không làm việc vì tiền
Phần lớn người giàu làm việc rất chăm chỉ, nhưng họ tiếp cận công việc khác với những người khác. Những người giàu có hoặc những người khao khát trở nên giàu có không chỉ làm việc chăm chỉ, mà còn tiếp tục học cách khiến đồng tiền làm việc cho họ.
Tác giả đã đúc rút điều này từ hai người cha mà ông có cơ hội được quan sát suốt nhiều năm. Một là cha của chính ông, một người có học thức cao nhưng chật vật vì cơm áo gạo tiền. Một là cha của một người bạn thân thời thơ ấu rất thành đạt, giàu có, sau này đã trở thành cha nuôi và cũng là cố vấn tài chính cho tác giả.
Theo Robert Kiyosaki, nỗi sợ hãi và lòng tham dẫn đến sự thiếu hiểu biết. Sự thiếu hiểu biết lại đưa ra những quyết định quá thiên về cảm xúc. Những quyết định sai lầm đó lại dẫn tới cái nghèo muôn thuở.
Ông cũng nhấn mạnh các cơ hội trong đời đến rồi đi như thế nào. Trong khi những người khác bỏ lỡ những cơ hội này vì họ quá bận tâm đến việc theo đuổi tiền bạc và sự an toàn, người giàu lại có thể biến chúng thành thỏi vàng khi nhanh chóng nắm bắt và toàn diện phát triển.
Chăm chỉ chưa là chìa khóa quan trọng nhất để làm giàu
Có lẽ luôn có rất nhiều người tin rằng, làm việc từ sáng đến tối là cách duy nhất để ngày một trở nên giàu có. Có không ít hôm vừa chuẩn bị tan ca, cấp trên đột nhiên giao việc, vì vậy bạn lại tình nguyện làm việc đến tận 9 giờ tối.
Bạn chấp nhận bỏ lỡ việc xem các tin tức thường ngày, đọc những cuốn sách yêu thích, học thêm những kỹ năng cần thiết, gặp gỡ những người quan trọng… Tất cả chỉ vì hy vọng công việc khó khăn này sẽ được đền đáp bằng mức lương ngày càng cao, để bạn không chỉ có thể trang trải mọi chi phí mà còn tiết kiệm được tiền. Vì một ngày nào đó không xa, bạn có một cuốn sổ ngân hàng dư dả để bắt đầu nghỉ hưu.
Thông thường, có 2 cách phổ biến nhất để đạt được mục tiêu nghỉ hưu chính là cắt giảm chi phí hàng tháng hoặc tìm cách kiếm thêm thu nhập. Nhưng bạn lại chỉ có thể cắt giảm phần lớn chi tiêu của mình. Nguyên nhân đơn giản là vì bạn quá bận rộn với công việc hiện tại, đến nỗi không còn thời gian cho việc tiêu xài.
Nhưng điều bạn có thể không nhận ra là giấc mơ nghỉ hưu của bạn sẽ không thành hiện thực nếu chỉ làm việc chăm chỉ. Bạn không chỉ cần bắt đầu tiết kiệm sớm mà còn phải đầu tư tiền tiết kiệm của mình một cách khôn ngoan.
Do đó, cách tốt nhất vẫn là ép tiền làm việc cho bạn. Điều đó có nghĩa là đầu tư nguồn tài chính rảnh rỗi của bạn vào các loại tài sản có giá trị không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, để làm được điều này, bạn phải chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn so với gửi tiền ngân hàng. Khi bạn chờ đợi các khoản đầu tư mang lại hiệu quả cho mình, bạn có thể tiếp tục làm việc và tiết kiệm.
Lợi ích lớn nhất của thói quen đầu tư là bạn có thể gia tăng thu nhập, tiền bạc từ “chảy về túi” kể cả trong lúc đang ngủ, đang chơi hay đang làm bất cứ điều gì khác. Tiền của bạn sẽ làm việc cho bạn mỗi ngày, kể cả cuối tuần và ngày lễ. Và đầu tư cũng không có khái niệm nghỉ hưu. Bạn giữ chúng càng lâu, chúng càng lớn.
Bất kể bạn ở độ tuổi nào, cách tốt nhất để có một cuộc sống hưu trí hạnh phúc là bắt đầu ép tiền làm việc cho mình ngay từ hôm nay.
Nếu không làm việc vì tiền, vậy mục đích cuối cùng là gì
Tác giả cuốn sách “Cha giàu cha nghèo” nhấn mạnh: Hãy làm việc để học.
Người cha nghèo là người thông minh, có học thức và làm việc vì tiền vì ông đánh giá cao sự an toàn trong công việc. Người cha giàu trở thành triệu phú nhờ làm việc để học hỏi.
Kiyosaki đi bộ đội sau khi tốt nghiệp đại học. Tại đây, ông lại học được các kỹ năng kinh doanh thiết yếu để lãnh đạo và quản lý con người. Sau khi giải ngũ, ông đã tự tìm cách vượt qua nỗi sợ bị từ chối để trở thành một trong 5 nhân viên bán hàng hàng đầu của Xerox. Tiếp đến, ông lại rời bỏ cuộc sống “làm công ăn lương” để bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình.
Có thể thấy, trong suốt quá trình thay đổi sự nghiệp, Kiyosaki luôn học hỏi được điều gì đó. Chính những kinh nghiệm, kiến thức và bài học đó đã trở thành nền tảng trên con đường làm giàu của ông sau này.