Hai năm trước, trong quý 2 năm 2020, một sự thay đổi mang tính cách mạng đã xảy ra: Boeing mất vị trí số một với tư cách là nhà sản xuất máy bay hàng đầu ở Mỹ cho thương hiệu Gulfstream (thuộc công ty Gulfstream Aerospace, tập đoàn General Dynamics).
Trong khi Boeing chỉ có thể bán 20 máy bay thương mại, thì Gulfstream đã bán 32 máy bay riêng hạng sang cho khách hàng. Những tỷ phú giàu bậc nhất thế giới Elon Musk, Jeff Bezos, … cũng yêu thích hãng này.
Thời gian dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, cảm nhận về sự an toàn sẽ rất khác biệt giữa việc di chuyển trong máy bay riêng với người thân và với việc di chuyển trong điều kiện chật chội gần người lạ trong chiếc máy bay lớn. Các thương hiệu xa xỉ ngành hàng không có thể tăng trải nghiệm khách hàng bằng cách tạo ra sự an toàn với việc cung cấp các chuyên cơ. Gulfstream Aerospace đã làm tốt điều đó.
Trong năm 2021, tổng doanh thu từ mảng hàng không vũ trụ của tập đoàn General Dynamics đã tăng lên 8,1 tỷ đô la. Công ty dự kiến năm 2022 doanh số này sẽ đạt 84 tỷ đô la và có thể đến từ việc giao 123 máy bay.
Phát biểu vào ngày 26/1 năm nay, giám đốc điều hành của General Dynamics, Phebe Novakovic cho biết công ty đang phải đối phó với nguồn cung cấp đôi cánh eo hẹp mà họ sản xuất trong nước. Hãng dự đoán rằng nhu cầu cho năm 2023 sẽ tăng.
Dòng máy bay G650 của Gulfstream. Ảnh: TH
Hãng phi cơ sang trọng và đắt đỏ bậc nhất hành tinh Gulfstream bắt đầu sản xuất chiếc máy bay đầu tiên vào năm 1957 và cất cánh lần đầu năm 1958. Ngày nay, sau hơn 60 năm thống trị “tầng không lưu xa xỉ”, Gulfstream đã có hơn 3.000 chuyên cơ đang được vận hành trên toàn thế giới.
Công ty cho biết áp lực nguồn cung đang ảnh hưởng đến Gulfstream khi khách hàng yêu cầu mua máy bay phản lực kinh doanh.
Novakovic cho biết: “kể từ năm 2008 với sự ra đời của G650, hoạt động đặt hàng vượt quá những gì chúng tôi từng thấy”.
Gulfstream tiếp tục thúc đẩy công việc chứng nhận G700, đã hoàn thành 2.200 giờ bay thử nghiệm, với 65% các thử nghiệm. Nhà sản xuất máy bay cho biết máy bay phản lực sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Những siêu phẩm làm nên đế chế của hãng máy bay Gulfstream
Lần đầu tiên trong lịch sử hàng không Việt, những chiếc máy bay vốn chỉ thuộc về giới tài phiệt thế giới sẽ được hãng hàng không Sun Air cung cấp tới khách hàng Việt Nam.
Chuyên cơ của Gulfstream thu hút giới thượng lưu còn bởi khả năng tiết kiệm thời gian quý giá, thông qua hiệu suất bay vượt trội và khả năng bay xa hơn và nhanh hơn bất cứ chuyên cơ nào. Với tốc độ 1.103km/h, phi cơ sẽ giúp các tỷ phú tiết kiệm hơn 50 giờ bay mỗi năm. Đây chính là dòng chuyên cơ mà hãng hàng không Sun Air chuẩn bị đưa về Việt Nam để khai thác.
Cùng khám phá bộ sưu tập các siêu phẩm đã làm nên danh tiếng cho Gulfstream trong ngành hàng không xa xỉ toàn cầu.
Gulfstream G650ER
Bên trong Gulfstream G650ER. Ảnh: Gulfstream
Siêu phẩm đầu tiên phải nhắc đến là Gulfstream G650ER. Ra đời năm 2014, G650ER lập nhiều kỷ lục tốc độ thế giới và có thể bay vòng quanh toàn cầu chỉ với một lần dừng. Chiếc chuyên cơ G650ER đã định nghĩa lại khái niệm di chuyển thông qua hiệu suất bay vượt trội và khả năng bay xa hơn và nhanh hơn bất cứ chuyên cơ nào.
Với tốc độ 1.103km/h, G650ER sẽ giúp các tỷ phú tiết kiệm hơn 50 giờ bay mỗi năm. Đây cũng là “con cưng" của rất nhiều tỷ phú nổi tiếng trên thế giới như Elon Musk hay Jeff Bezos. Dòng máy bay huyền thoại này sẽ sớm được hãng hàng không Sun Air đưa về khai thác tại Việt Nam.
Chiếc Gulfstream G550
Chiếc Gulfstream G550 ra đời và được trao tặng cúp Robert J. Collier Trophy vào năm 2014. Chiếc máy bay này đã cách mạng hóa trải nghiệm của phi công với sàn đáp tiên tiến hoàn toàn mới và một nội thất sang trọng, tiện nghi.
Năm 2012, chiếc Gulfstream G650 được đưa vào khai thác cũng đã được trao tặng cúp Robert J. Collier cho thành tựu điểm nhấn về công nghệ. G650 hiện vẫn đang tiếp tục trong quá trình hoàn thiện, được coi là dòng máy bay tiên tiến nhất trong ngành hàng không. Máy bay có thể bay 12.964 km và có độ cao hành trình tối đa là 15.545 mét.
Gulfstream G280
Cùng thời điểm ra đời của G650, chiếc Gulfstream G280 đã thiết lập lại tiêu chuẩn cho loại máy bay hạng super-midsize. G280 có phạm vi hoạt động xuyên lục địa và hiệu suất nhiên liệu đáng kể. Đây cũng là dòng máy bay Gulfstream đạt hiệu quả kinh doanh thành công nhất trong năm 2021 vừa qua.
G600
G600 là dòng máy bay phản lực tư nhân tốc độ cao và hoạt động tầm xa, với thiết bị tinh vi chưa từng có và cung cấp cho hành khách internet băng thông cực nhanh để liên lạc trên không và độ áp suất trong cabin cực thấp để đảm bảo thoải mái khi hạ cánh.
Máy bay G500
Máy bay G500 có khả năng tùy biến cao với ghế có thể chỉnh số lượng tối đa 19 người, chuyển đổi thành giường cho tám người. Bếp có thể được định vị ở phía trước, cạnh cửa ra vào hoặc ở phía sau. Một màn hình trong cabin cung cấp thông tin chi tiết về các địa danh và tòa nhà máy bay đang bay qua.
Tùy thuộc vào sức gió, G500 có thể bay từ London Farnborough đến sân bay Washington DC Dulles trong hơn 6 giờ (so với chuyến bay thương mại kéo dài 30 giờ); và hành trình từ Farnborough đến Los Angeles có thể chỉ mất 9 giờ 45 phút (so với các chuyến bay của hãng hàng không Heathrow-to-LAX, có thể mất tới 11 giờ 30 phút).
Gulfstream G700
Mẫu Gulfstream G700. Ảnh: Sam chui
Lịch sử của Gulfstream tiếp tục được viết vào năm 2019 khi cho ra mắt sản phẩm mới tân tiến nhất của mình, Gulfstream G700. G700 sở hữu cabin rộng rãi nhất trong ngành, có thể chở tối đa 21 hành khách ngồi. Trên G700 có đến 5 khu vực sinh hoạt linh động, gồm một khu vực bếp siêu sang chỉ có trên chuyên cơ G700 và một tuỳ chọn phòng lớn với vòi tắm hoa sen.
Điều ấn tượng nhất là máy bay này có khả năng cải thiện sức khoẻ khi bay với 100% khí tươi được làm mới mỗi 2-3 phút và ánh sáng tự nhiên từ 20 ô cửa lớn nhất trong dòng chuyên cơ thương gia. Đây cũng là máy bay lớn nhất từng được sản xuất bởi Gulfstream và sẽ sớm được Sun Air đưa về vận hành tại Việt Nam.
Gulfstream là một công ty lâu đời của Mỹ thành lập từ năm 1958, là công ty chuyên thiết kế, phát triển, sản xuất, phân phối và cung cấp dịch vụ dành cho chuyên cơ, và là thành viên của tập đoàn General Dynamics.
Tập đoàn General Dynamics được thành lập vào năm 1954 với sự hợp nhất của nhà sản xuất tàu ngầm Electric Boat và nhà sản xuất máy bay Canadianair, ngày nay tập đoàn bao gồm mười công ty con hoạt động tại 45 quốc gia. Các sản phẩm của công ty bao gồm máy bay phản lực Gulfstream , tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Virginia và Columbia , tàu Arleigh Burke , xe tăng M1 Abrams và xe chiến đấu bọc thép Stryker .