Trong những bảng danh sách các thương hiệu có giá nhất thế giới luôn có tên Cartier.
Cuộc cải tổ trang sức của Cartier
Chân dung Louis-François Cartier
Năm 1847, anh thợ bạc 28 tuổi Louis François Cartier tiếp quản cửa hiệu trang sức của người thầy Adolphe Picard tại Paris và thành lập nên công ty Cartier.
Ngay từ khi còn là một cửa hiệu trang sức nhỏ, Louis François Cartier đã được biết đến là người luôn lòng khách hàng trong từng thiết kế.
Đến năm 1874, con trai Alfred của Louis-François Cartier gia nhập công ty, quyết định mở rộng dòng đồng hồ quả quýt, đồng hồ đeo tay, đồng hồ treo tường cho thương hiệu gia đình.
Vào cuối những năm 1800, thời trang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Phái nữ đã thôi diện các trang phục dài tay. Thay vào đó, các thiết kế váy áo tay ngắn lại trở thành thời thượng. Phụ nữ tầng lớp thượng lưu tại Paris thường đến các dạ tiệc với các mẫu váy áo ngắn tay. Từ đó, các thiết kế đồng hồ đeo tay của Cartier bắt đầu trở thành món trang sức thời thượng.
Thương hiệu cha truyền con nối
Tuy Alfred Cartier là người có công đưa dòng đồng hồ phát triển tại Cartier nhưng ba người con của ông – Louis, Pierre và Jacques – mới là những người đưa Cartier trở thành thương hiệu toàn cầu.
Năm 1904, phi công nổi tiếng người Brazil Alberto Santos Dumont phàn nàn với Louis Cartier rằng thiết kế đồng hồ bỏ túi quá bất tiện khi lái máy bay. Từ ý tưởng này của ông bạn, Louis Cartier đã thiết kế đồng hồ đeo tay nam, viền vuông mang tên Santos để tiện cho việc theo dõi giờ giấc. Đây là thiết kế đồng hồ nam đầu tiên của Cartier. Nhờ Santos, Cartier được biết đến là nhà thiết kế đồng hồ đeo tay cho phái mạnh đầu tiên trên thế giới.
Louis Cartier cũng là người có công đưa bạch kim vào sử dụng rộng rãi trong chế tác trang sức và đồng hồ.
Tinh thần nghệ thuật Art Deco trong các thiết kế Cartier
Dưới thời Louis, Cartier đã cho ra đời những mẫu thiết kế nổi tiếng như những chiếc đồng hồ với mặt trong suốt, đồng hồ đeo tay thời trang. Những năm 1920–1930, Art Deco trở thành một trong những xu hướng nghệ thuật chi phối cả châu Âu và Bắc Mỹ. Paris, khi ấy là thành phố thời thượng nhất của cựu lục địa, cũng không đứng ngoài trào lưu này.
Nắm bắt thị hiếu, Cartier đã ra mắt các thiết kế trang sức góc cạnh mạnh mẽ, màu sắc nổi bật theo đúng tinh thần Art Deco. Các thiết kế trang sức Art Deco của thương hiệu trong giai đoạn này cũng trở thành một trong những di sản của ngành kim hoàn, trang sức. Điển hình là bộ sưu tập nhiều màu sắc, đậm phong cách phương Đông mang tên Tutti Frutti (có nghĩa mọi loại trái cây trong tiếng Ý).
Bước vào những năm 1940, khi chiến tranh bao trùm khắp châu Âu, Cartier không chỉ đơn thuần là trang sức mà còn là tiếng nói của người dân Pháp. Trong suốt Đệ nhị thế chiến, Cartier tình nguyện biến văn phòng của mình thành nơi gặp gỡ của thủ tướng Charles de Gaulle và đồng đội.
Cũng trong thời chiến loạn này, Cartier trình làng thiết kế cài áo có hình chim trong lồng, như tiếng nói phản chiến. Đến năm 1944, khi hòa bình lặp lại, ông lớn trang sức Pháp cũng ra mắt mẫu cài áo hình chú chim tự do. Để tìm cảm hứng và thu thập những loại đá quý thượng hạng, Jacques Cartier đã chu du khắp thế giới. Không bó buộc ở châu Âu, trang sức của Cartier còn mang đậm dấu ấn văn hóa Á đông và nền văn minh Ai Cập cổ đại. Thế hệ thứ tư của nhà Cartier bắt đầu tiếp quản việc kinh doanh gia đình từ năm 1964. Nhưng 6 năm sau, một nhóm các nhà đầu tư đã mua lại Cartier.
Thương hiệu được hoàng tộc ưa thích
Cartier có lẽ là thương hiệu trang sức, đồng hồ xa xỉ duy nhất trên thế giới gắn bó mật thiết với giới hoàng tộc và người nổi tiếng ngay từ khi ra đời.
Năm 1856, công chúa Mathilde, em họ của hoàng đế Napoleon III, đã là khách hàng của Cartier. Thương hiệu từng nhận được đơn đặt hàng 27 chiếc vương miện cho lễ đăng quang của vua Edward VII của Vương quốc Anh. Trong suốt thời gian trị vì (1901–1910), vua Edward VII cũng đảm bảo Cartier sẽ là nhà cung cấp trang sức cho hoàng gia Anh.
Không lâu sau, một loạt những đơn đặt hàng đến với hãng từ khắp các triều đình trên thế giới như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga, Xiêm (Thái Lan), Hy Lạp, Serbia, Bỉ, Romania, Ai Cập và Albania…
Giới mộ điệu chắc hẳn cũng chưa quên được hôn lễ cổ tích của hoàng tử William và Kate Middleton năm 2011. Vương miện của cô dâu cũng do Cartier chế tác. Trước đó, Grace Kelly xứ Monaco cũng trở thành tiêu điểm truyền thông khi khoe chiếc nhẫn cưới Cartier do hoàng tử Rainier tặng năm 1956.
Cái tên quyến rũ các ngôi sao
Sau hoàng gia, những minh tinh nổi tiếng cũng ưa chuộng trang sức và phụ kiện của hãng từ nhiều năm nay. Elizabeth Taylor, María Félix… là những nữ minh tinh lừng lẫy ưa chuộng thương hiệu trang sức Pháp này. Đáng kể hơn, quả bom sex Marilyn Monroe từng trình bày ca khúc Cartier trong bộ phim Gentlement Prefer Blondes (1953) để nói về tầm ảnh hưởng của thương hiệu với nữ giới.
Ngày nay, nhiều ngôi sao Hollywood như Charlize Theron, Jennifer Lawrence, Lupita Nyong’o… cũng là khách hàng trung thành của Cartier. Trang sức Cartier luôn xuất hiện trên thảm đỏ các sự kiện long trọng nhất hành tinh.
Với 200 cửa hiệu ở 125 quốc gia, Cartier vẫn giữ nguyên vẻ sang trọng, xa xỉ nhưng lại trở thành thương hiệu nữ trang và đồng hồ được nhiều người biết đến như lời người mẫu Erin Wasson từng nói:
Những thiết kế tinh xảo thượng thừa mang tính lịch sử của Cartier là điều các thương hiệu khác chưa bao giờ với tới được“.