"Nhiều năm trước, 1 cậu bé gốc Hoa gầy gò da đen nhẻm đến 1 đất nước xa lạ, không 1 xu dính túi, cũng không biết tiếng Anh hay tiếng Tagalog (quốc ngữ của Philippines), chỉ có trong mình ý chí vươn lên bất diệt", đó là những lời mà Henry Sy sau này khi đã trở thành tỷ phú giàu nhất Philippines dùng để miêu tả mình khi chia sẻ với báo chí.
Cậu bé nghèo tha hương, bán giày dạo với tham vọng to lớn
Henry Sy sinh năm 1924 tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Năm 12 tuổi, ông theo cha tới Philippines làm ăn với hy vọng về một cuộc sống sung túc hơn. Vào thời điểm đó, cha ông mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ trên phố Carriedo (Manila). Chứng kiến cảnh người cha phải dậy từ sớm để đi lấy hàng, sau đó mang về bán tại cửa hàng ven đường cho tới tận tối khuya rồi ngủ luôn ở đó, trái tim cậu bé Henry Sy như thắt lại, cậu quyết tâm thoát nghèo và nung nấu ý chí làm giàu.
Henry Sy từng tâm sự rằng “Không có một tham vọng nào khác, tôi chỉ mơ ước trở thành một một thương gia ngay từ khi còn là một cậu bé”. Ban ngày, ông ở quầy vừa đọc sách vừa phụ bán hàng, chiều làm bài tập, đến tối muộn thì ngủ ngay tại chỗ. Tuy nhiên vốn liếng duy nhất của gia đình cũng tan thành mây khói trong Thế chiến thứ II, khi cửa hàng tạp hóa bị tàn phá. Quá buồn bã và thất vọng, cha Henry Sy quay trở về quê hương còn ông vẫn quyết tâm bám trụ lại Manila, tiếp tục một mình bán hàng trên đường phố để nuôi sống bản thân.
Ảnh: news.abs-cbn.com
Năm 1948, Henry Sy 24 tuổi, ông nhập giày từ Mỹ về Philippines và mở một cửa hàng trên phố Marikina nhưng cũng thường lui tới các nhà ga, bến xe để bán dạo. Vì thế, lượng hàng bán ra tăng nhanh và những khoản lợi nhuận cũng lớn dần theo. Năm 1958, Sy đánh liều vay tiền từ Ngân hàng China Bank cùng với số tiền có được mở thêm một cửa hàng giày mang tên Shoemart tại phố Avenida Rizal.
Tuy nhiên, bấy nhiêu là chưa đủ, không bằng lòng với những cửa hàng bán giày nhỏ lẻ, Henry Sy đặt tham vọng xây dựng một chuỗi cửa hàng Shoemart trên khắp đất nước Philippines. Ông cho rằng giày là thứ mà ai cũng cần và muốn nỗ lực thật nhiều để cả Philippines mua giày của mình. Bên cạnh đó, ông đa dạng hóa mặt hàng, nhập thêm hàng may mặc và các loại hàng hóa khác để thu hút khách hàng.
Ảnh: news.abs-cbn.com
Năm 1970, Henry Sy có tổng cộng 4 cửa hiệu bán lẻ giày và quần áo thời trang. Năm 1972, ông thành lập doanh nghiệp bán lẻ Shoemart và chính thức mở đầu cho chiến dịch xâm chiếm thị trường bán lẻ tại các tỉnh, thành phố khác ở Philippines. Chỉ trong vài năm, ông đã lập kỷ lục bán được 100 triệu đôi giày và giành được danh hiệu "Vua ngành giày" vào thời điểm đó. Nhờ chất lượng sản phẩn và dịch vụ tốt, Shoemart cũng nhanh chóng trở thành thương hiệu bán lẻ hàng đầu tại Philippines.
Xây dựng đế chế tỷ đô, trở thành "Vua bán lẻ" Philippines
Bước vào thập niên 80, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, Henry Sy vẫn cố gắng phát triển số lượng cửa hàng, cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh ngoài lĩnh vực bán lẻ. Chưa dừng lại ở đó, ông còn nghĩ tới việc xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên tại Philippines. Điều này bị coi là “điên rồ” vì sự xuất hiện một trung tâm thương mại là chưa cần thiết ở một nền kinh tế còn nghèo và đang trong giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất.
Tuy nhiên bất chấp những ý kiến trái chiều, năm 1985, Henry Sy khai trương SM Supermall đầu tiên, SM City North EDSA. Trái ngược với suy nghĩ của mọi người, ngay trong ngày khai trương, SM City North EDSA đã thu hút được một lượng khách hàng khổng lồ tới mua sắm, giải trí và nhanh chóng trở thành một hiện tượng làm thay đổi thị trường bán lẻ Philippines.
Ảnh: Rappler.com
Sau thành công vang dội của trung tâm thương mại đầu tiên, Henry Sy tiếp tục mở ba trung tâm trong những năm sau đó: SM City Sta. Mesa vào năm 1990, SM Megamall vào năm 1991 và SM City Cebu vào năm 1993. SM Prime Holdings, Inc. cũng được thành lập và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán vào năm 1994.
Với sự nhạy bén, tài năng kinh doanh thiên bẩm cùng sự cố gắng không ngừng, Henry Sy đã xây dựng SM thành một đế chế kinh doanh hùng mạnh, khẳng định vị thế bán lẻ số một Philippines. Điều này cũng góp phần đưa Henry Sy lên vị trí người giàu nhất đất nước này.
Không chỉ phát triển mảng bán lẻ, SM Group dưới sự điều hành của Henry Sy còn mở rộng thành tập đoàn đa ngành đầu tư vào nhiều lĩnh vực như: bất động sản, ngân hàng, hàng hải, du lịch, giải trí…Bên cạnh đó, tỷ phú gốc Hoa này còn tiếp tục hướng sang khai thác thị trường Trung Quốc với nhiều dự án trung tâm thương mại nổi tiếng.
Ngoài tài năng và sự giàu có, Henry Sy còn được nhiều người ngưỡng mộ bởi lối sống thanh đạm và tấm lòng cao cả. Mỗi năm, tỷ phú này đều chi hàng triệu peso giúp các trường đại học cấp học bổng cho hàng nghìn người trẻ không có điều kiện đi học.
Ảnh: Rappler.com
Năm 2019, tỷ phú Henry Sy qua đời, hưởng thọ 94 tuổi. Theo xếp hạng của Forbes, với khối tài sản trị giá 19 tỷ USD, ông Henry Sy là người giàu có thứ 52 thế giới và đứng đầu danh sách những người giàu nhất Philippines. Tỷ phú này đã giữ vững vị trí này suốt 11 qua. Sau khi ông qua đời, đế chế kinh doanh khổng lồ được truyền lại cho 6 người con.
Cả cuộc đời mình, vị tỷ phú Henry Sy đã luôn nỗ lực hết mình để chiến thắng cái nghèo, chiến thắng số phận. Điều khiến Henry Sy khác với những cậu bé có xuất thân nghèo khó khác là ý chí và nghị lực phi thường. Cũng chính ông đã từng nói khi nhớ về những ngày đầu mới bôn ba xứ người lập nghiệp: "Tôi đã khóc khi chứng kiến sự vất vả của cha. Những khó khăn và cực nhọc đó đã cho tôi bài học quý giá đầu tiên về đức tính cần cù, tiết kiệm và làm việc có nguyên tắc".
Cũng nhờ những bài học đầu đời đó, từ một anh bán giày vô danh gốc Hoa, Henry Sy đã xây dựng thành công đế chế SM hùng mạnh, cùng với danh hiệu người giàu nhất Philippines trong hơn 1 thập kỷ. Đây cũng chính là tấm gương về một doanh nhân vừa có tài, vừa có đức đáng để thế hệ sau noi theo và học tập.
(Tổng hợp)