Trung tâm tài chính TP HCM sẽ như phố Wall hay kèm casino?

Hoài Trần
Hình hài về một trung tâm tài chính quốc tế đặt ở TP HCM đang dần hé lộ nhưng với hai ý tưởng khá trái ngược nhau giữa IPPG và Fulbright.

Đề án phát triển trung tâm tài chính Việt Nam vừa được ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đề cập trong một tọa đàm tuần trước. Theo doanh nhân này, đã có các nhà đầu tư cam kết dành 6 tỷ USD cho trung tâm tài chính và trong đó, họ mong muốn xây Disneyland tại đây. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn gọi đây sẽ là một trung tâm tài chính "phi truyền thống".

Theo thông tin VnExpress nắm được, trong đề án chi tiết, ý tưởng công viên kiểu Disneyland này chỉ là một phần của dịch vụ giải trí tại trung tâm tài chính quốc tế. Nhóm soạn thảo còn đề cập đến sẽ xây dựng casino và các cửa hàng miễn thuế...

trung-tam-tai-chinh-tp-hcm-se-nhu-pho-wall-hay-kem-casino-1645462347.jpeg
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cầm trên tay cuốn đề án về TTTC Quốc tế tại TP HCM của IPPG để chia sẻ hôm 17/2. Ảnh: Người Lao động

Nhiều ý kiến cho rằng, nghe qua, một trung tâm tài chính và khu vui chơi, giải trí dường như không có mối liên hệ. Nhưng đề án mà ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề cập là kết quả của việc IPPG ký ghi nhớ với TP HCM mới đây để nghiên cứu lập đề án trung tâm tài chính quốc tế. Người đứng đầu IPPG còn cam kết giao đề án cho TP HCM sớm hơn thời hạn 60 ngày đã ký.

Đề án do IPPG tài trợ nghiên cứu không chỉ là những ý tưởng duy nhất đóng góp cho hình hài về một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế của TP HCM - một nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần XIII tháng 2/2021.

Trước đó, năm 2019, TP HCM đã đề nghị Đại học Fulbright Việt Nam xây dựng đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế này và cuối năm 2021, bản đề án này đã được gửi cho thành phố.

Điểm chung là cả hai đều đánh giá tương đồng các tiềm năng mà TP HCM có để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế. Hai bên cũng đồng thuận việc chọn khu vực tài chính hiện hữu như quận 1,3 và Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) làm vị trí cốt lõi cho trung tâm này.

Tuy nhiên, xây gì trên đó, lại là vấn đề mà quan điểm mỗi bên đang có nhiều khác biệt.

Theo đề án của IPPG, trung tâm tài chính nên kết hợp kinh doanh tài chính truyền thống như New York, Hong Kong, London nhưng phải cộng với hoạt động dịch vụ tiện ích như Singapore đã làm với Marina Bay Sands.

Vì thế, ngoài các tòa nhà phức hợp, hiện đại với hoạt động thuộc ngành tài chính – ngân hàng, quần thể "sáng tạo khởi nghiệp"; trung tâm tài chính còn có thêm các hạng mục là điểm nhấn như trung tâm thương mại, điện ảnh, casino và cá cược thể thao, nhà hát, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, cửa hàng miễn thuế...

Nhóm soạn thảo đề xuất được xây dựng, kinh doanh một dự án casino quy mô lớn kết hợp với thể thao nhưng không làm trường đua. Nhà đầu tư chiến lược được cấp phép đầu tư xây dựng 70 năm và được gia hạn nhiều lần. Nhà đầu tư cũng không phải tuân thủ các chương trình thí điểm với kinh doanh casino, đặt cược thể thao và khu nghỉ dưỡng tích hợp theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, đề án đề cập đến việc cho phép thành lập các khu bán hàng miễn thuế và khu vui chơi giải trí tại đây. Hạn mức mua hàng miễn thuế với khách Việt Nam sẽ được quy định trong từng thời kỳ.

Đề án cũng nêu rõ, nhà đầu tư chiến lược là một hoặc một nhóm nhà đầu tư cam kết đầu tư tối thiểu 10 tỷ USD, phát triển khu phức hợp trung tâm tài chính quốc tế bao gồm các chức năng dịch vụ tài chính, du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn và vui chơi giải trí (bao gồm cả casino).

Trong khi đó, đề án của Fulbright lại hướng đến xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tập trung thuần các chức năng vốn có. Fulbright đánh giá, TP HCM vốn là một trung tâm tài chính của quốc gia nên sẵn có các dịch vụ tài chính hiện hữu (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) và mới nổi (ngân hàng số, fintech, bancassurance, dịch vụ quản lý quỹ - quản lý tài sản, thị trường M&A doanh nghiệp và chứng khoán phái sinh...).

Trong tương lai, để vươn mình hơn, thành phố cần được tháo gỡ các cơ chế để tiếp tục phát triển các dịch vụ tài chính này, kèm thêm các lĩnh vực mới như tài chính off-shore, niêm yết và giao dịch chứng khoán chéo (cross-listing), vốn xanh (green capital), vốn đầu tư mạo hiểm (venture capital), các quỹ đầu tư hedge funds; thị trường giao dịch phái sinh hàng hóa (commodities exchange)...

Như vậy, theo đề án của Fulbright, ba cấu phần của trung tâm tài chính TP HCM sẽ gồm: thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn và thị trường hàng hoá.

Nhóm cho rằng thị trường tài chính tại TP HCM cần định hướng phát triển mạnh hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán số, từ đó hội nhập vào các mạng lưới toàn cầu. Các tập đoàn tài chính tại đây phải đóng vai trò cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, dẫn dắt sự phát triển của thị trường tiền tệ, ngoại hối, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và hàng hoá phái sinh. Ngoài ra, trung tâm tài chính quốc tế còn đóng vai trò kết nối dịch vụ Fintech và huy động vốn đầu tư quốc tế để tài trợ cho các startup tại TP Thủ Đức.

Bán đảo Thủ Thiêm bên trái và quận 1 bên phải được nhiều đồng thuận là nơi đặt vị trí cốt lõi của Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Bán đảo Thủ Thiêm bên trái và quận 1 bên phải được nhiều đồng thuận là nơi đặt vị trí cốt lõi của Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Chia sẻ về trung tâm tài chính quốc tế, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, việc thống nhất hình hài cho nó cần làm sớm vì đến nay mọi người có khoảng 3 hình dung khác nhau.

Thứ nhất, có người sẽ nghĩ đến một toà nhà tài chính, đặt trụ sở ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, đầu tư kiểu Wall Street. Hoặc thứ hai, là một trung tâm về đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn về khu vực đó. Quan điểm thứ ba là liệu có phải là trung tâm giải trí gắn với casino, du lịch... Tuy nhiên, ông lưu ý thêm, thế giới tài chính đã chuyển đổi nhanh chóng với giao dịch số, đầu tư số, tiền kỹ thuật số.

"Có lẽ phải làm rõ hơn về hình dung về trung tâm tài chính để có thể xây dựng được", ông nói.

Ngoài khác biệt rõ nét về hình hài của trung tâm tài chính quốc tế, hai đề án cũng có một số quan điểm riêng trong xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng "mềm" hỗ trợ.

Với IPPG của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, nhóm nghiên cứu đề cao vai trò của việc xây dựng hạ tầng cứng như giao thông, logistics và ông đề cập nhiều với hạ tầng "mềm". Đó là hệ thống quản lý, giám sát, áp dụng các quy chế đặc thù (như thẻ xanh nhập cảnh, hạ tầng công nghệ thông tin để giám sát giao dịch,...); các chính sách ưu đãi riêng (các ưu đãi thuế, thuận lợi dịch chuyển dòng vốn,...) tách biệt với các cơ chế hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư hiện hành tại Việt Nam.

Còn đề án của Fulbright thì có cách tiếp cận rằng, ưu đãi bằng cơ chế chính sách đột phá trong cung cấp dịch vụ tài chính sẽ có tính hiệu quả, hấp dẫn hơn nhiều so với ưu đãi về đất đai và thuế.

Sự chuẩn bị hạ tầng "mềm" được Fulbright giải quyết bằng cách thành lập "Hội đồng Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TP HCM". Hội đồng này sẽ kiến nghị các chính sách đột phá về tự do hóa tài chính và hội nhập tài chính cho trung tâm tài chính, nhưng cũng có đủ các cơ chế kiểm soát và quản lý rủi ro; đề xuất các chính sách đột phá, cấp phép theo cơ chế thử nghiệm có thời hạn và thực hiện vai trò quản lý nhà nước theo cơ chế thử nghiệm với các dịch vụ công nghệ tài chính...

Hai đề án hiện cũng đưa ra lộ trình khác nhau. Nếu đề án của IPPG đánh giá TP HCM đủ điều kiện trở thành trung tâm tài chính quốc tế từ 2023-2030 sau 3 năm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút nhà đầu tư chiến lược, thành lập ban quản lý thì đề án của Fulbright đặt ra mốc đến từ 2031 trở đi. Theo Fulbright, quãng thời gian kéo dài gần 10 năm của lộ trình phục vụ cho việc nghiên cứu, chính thức hoá các định chế về tài chính mới, vốn chưa có tiền lệ ở Việt Nam.

Nhìn chung, tới nay, hai đề án của hai nhóm nghiên cứu đã được đặt lên bàn làm việc của lãnh đạo TP HCM.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Công ty Đầu tư Tài chính TP HCM, tháng 4, đề án sẽ được hoàn chỉnh và trình đến cơ quan trung ương. HFIC đã lấy ý kiến chuyên gia xong và hình thành đề cương đề án, chuẩn bị nội dung cho thành phố.