Trung Quốc "mạnh tay" cấm nghệ sĩ tai tiếng, vô đạo đức đóng phim

Hoài Trần
Trung Quốc hiện đang tăng cường các biện pháp quản lý cứng rắn nhằm loại bỏ những gương mặt kém lành mạnh khỏi màn ảnh nhỏ.
trung-quoc-22manh-tay22-cam-nghe-si-tai-tieng-vo-dao-duc-dong-phim-1644767313.jpeg
Phạm Băng Băng, Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm và hàng loạt sao Hoa ngữ bị phong sát.

Mới đây, Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc đã chính thức đưa ra thông báo cấm nghệ sĩ phạm pháp, vô đạo đức xuất hiện trên phim truyền hình. Động thái này đã được những người quan tâm tới làng giải trí Trung Quốc dự đoán từ lâu.

Trung Quốc tiếp tục tạo sức ép với sao hạng A vô đạo đức của làng giải trí - Ảnh 1.

Ngô Diệc Phàm vướng vòng lao lý vì đời tư bại hoại. (Ảnh: Sina).

Bên cạnh đó, giới chức nước này cũng đang hoàn thiện hệ thống đào tạo nhân tài đầu ngành với tiêu chí đội ngũ sản xuất từ biên kịch, đạo diễn đến diễn viên phải vừa có tài, vừa có đức. Ngoài việc cấm các diễn viên tai tiếng, Tổng cục cũng nêu rõ cát-xê của nghệ sĩ không chiếm quá 40% tổng kinh phí sản xuất. Cát-xê của diễn viên chính cũng không được vượt quá 70% tiền lương của các diễn viên còn lại.

Đây là kết quả sau "lùm xùm" Trịnh Sảng và nhiều diễn viên khác bị chỉ trích nhận cát-xê quá cao khi đóng phim, trong khi năng lực diễn xuất có hạn. Tiểu hoa đán này nhận 160 triệu NDT (khoảng 25,1 triệu USD) khi tham gia 77 tập phim của "Thiện nữ u hồn". Theo trang SCMP, tuy không rõ tổng kinh phí của bộ phim và thù lao của những diễn viên khác nhưng khoản cát-xê khổng lồ của Trịnh Sảng khiến công chúng tỏ thái độ không hài lòng. Chính quyền Bắc Kinh sau đó ra lệnh điều tra bộ phận sản xuất phim và cáo buộc ê-kíp thuê Trịnh Sảng vi phạm nguyên tắc chi trả thù lao cho diễn viên.

Theo truyền thông Trung Quốc, nhiều diễn viên truyền hình thường nhận mức cát-xê khoảng từ hơn 500.000 đến 750.000 NDT qua mỗi tập phim.

Điển hình như nữ diễn viên Phạm Băng Băng thu về khoảng 700.000 NDT mỗi tập phim truyền hình. Cát-xê của Dương Mịch cũng rơi vào khoảng 550.000 NDT cho mỗi tập phim. Ngoài ra, các ngôi sao hạng A như: Châu Tấn, Triệu Vy, Tôn Lệ, Angelababy... cũng có khoản thù lao "trên trời" đến hàng chục triệu NDT sau khi bộ phim đóng máy.

Trung Quốc tiếp tục tạo sức ép với sao hạng A vô đạo đức của làng giải trí - Ảnh 2.

Trịnh Sảng đạt kỷ lục cát-xê "khủng" khi nhận hơn 25 triệu USD cho một bộ phim. (Ảnh: Sina).

Thu nhập ngất ngưởng của một số diễn viên kéo dài ở Trung Quốc đại lục suốt một thập kỷ qua. Nhà sản xuất phim "Hậu cung Như Ý truyện" từng chi khoảng 7,8 triệu USD/người cho Châu Tấn và Hoắc Kiến Hoa, trong khi kinh phí sản xuất phim là 47,1 triệu USD.

Theo báo cáo của đài CCTV năm 2016, thù lao của các diễn viên chiếm 50-80% trong phim phim truyền hình. Trong khi con số đó chỉ là 20-30% ở Hàn Quốc, 30% với Hollywood.

Trước đó, giới chức nước này cũng yêu cầu các nhà sản xuất phim truyền hình ở Trung Quốc sẽ buộc phải tiết lộ quốc tịch của các diễn viên nước ngoài mà họ tuyển dụng từ tháng 4/2022. Đây được cho là động thái của Chính phủ Trung Quốc nhằm hạn chế hơn nữa cơ hội trước ống kính cho các diễn viên gốc Hoa có quốc tịch nước ngoài.

Tiêu chuẩn sản xuất phim truyền hình mới này do Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia ban hành vào cuối tháng trước. Có hiệu lực từ ngày 1/4 tới đây, quốc tịch nước ngoài của các diễn viên và đội ngũ sản xuất phải được hiển thị trong thông tin cung cấp từ nhà sản xuất. Quy định này cũng bao gồm dàn diễn viên và thành viên đoàn phim đến từ Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan.

Ngành công nghiệp giải trí của Trung Quốc đang phải chịu nhiều áp lực, với các diễn viên bị cáo buộc là vô đạo đức hoặc có hành vi không đúng với quan điểm của chính quyền sẽ nhận được hình phạt nghiêm khắc. Năm ngoái, cảnh sát ở Bắc Kinh đã bắt giữ ca sĩ Ngô Diệc Phàm vì cáo buộc hiếp dâm. Sự phẫn nộ trên mạng để phản ứng lại tin tức này càng tăng lên sau khi họ Ngô được cho là có quốc tịch Canada.