Trà thất – Kết tinh của những triết lý thiền định Nhật Bản thế kỷ 16

Hoài Trần
Không gì khác hơn một mái tranh, nhỏ hơn bất kì một ngôi nhà bình thường nào ở Nhật, nhưng một trà thất đúng nghĩa lại có giá trị vô cùng to lớn, đòi hỏi sự chọn lọc tinh tế trong vật liệu, sự tỉ mỉ trong bố trí và đặc biệt sự am hiểu về tinh thần trà đạo Nhật.

Trà thất (Chashitsu, theo tiếng Nhật), là một trong những biểu tượng súc tích nhất của phong cách Sukiya trong nền kiến trúc Nhật Bản, phản ánh nét đẹp và chiều sâu tư tưởng trong một không gian vô cùng cô đọng.

KOU-AN Glass Teahouse, trà thất hoàn toàn trong suốt được thiết kế bởi Tokujin Yoshioka vào năm 2002

Thói quen uống trà có lẽ đã bắt đầu ở Nhật Bản vào thời Asuka (552-770 sau công nguyên) du nhập từ Hàn Quốc, nhưng những ảnh hưởng của nó không thực sự rõ ràng. Mãi đến thế kỉ 12, từ Trung Hoa, trà theo chân các vị thiền sư đạo Phật một lần nữa đến với nước Nhật như một vị thuốc để giữ tinh thần thanh sạch, tỉnh táo. Những nghi lễ thưởng trà bắt đầu được phổ biến từ thế kỉ 16, để rồi vào thời Muromachi, Sen-no Rikyu đã hoàn thiện chúng như một nghệ thuật đỉnh cao mà chúng ta gọi là Trà đạo (Cha-no-yu).

Khác với phương Tây, trà từ đầu được coi là những món hàng hóa thương mại, thậm chí là công cụ chính trị như Party Tea Boston năm 1773, sự phát triển trà ở châu Á gắn liền với đạo, với những triết lí thiền định và Phật giáo. Tinh thần trà đạo được thể hiện một cách tinh tế qua cách mà những nghệ nhân tạo ra trà thất – Một cõi Phật thanh tịnh giữa trần thế.

Trà thất là một nơi kết tinh hài hòa giữa trời và đất, khơi gợi sự êm ả dịu dàng trong tâm hồn qua việc gần hơn với thiên nhiên, với bản ngã và thấu hiểu tính hư vô của vạn vật. Phòng thưởng trà ban đầu được đặt trong nhà như một không gian đơn thuần để tiếp đón khách, sau đó Rikyu đã đặt căn phòng nhỏ ở giữa sân vườn nhằm tách biệt với cuộc sống hằng ngày. Người ta có thể ở giữa một thành phố, mà cảm thấy như thể họ đang ở trong khu rừng cách xa bụi bặm và náo nhiệt của nền văn minh. Khu vườn ấy được người Nhật bài trí rất cẩn thận với những cây thông, tre, những bụi cây hay những tảng đá chồng lên nhau lúc nào cũng được tưới đẫm nước biểu tượng cho sự tươi mới và lòng thành đón các vị khách. Khi băng qua khu vườn, các vị khách sẽ đi theo một con đường bằng những tảng đá được gột rửa cẩn thận, gọi là Roji, thê’ hiện nghi lễ đầu tiên, bước qua những hỷ nộ bên ngoài, tìm đến bản chất nằm sâu trong tâm. Trước cả khi hưởng trà, chúng ta đã hòa mình vào giữa những thiên biến của đất trời, chiêm ngưỡng một nhành hoa, hay chiếc lá vàng, một đêm tuyết hay một ánh trăng, cảm nhận sự tuần hoàn của thiên nhiên, đến và đi, sinh và diệt…

Tiếp đến, khi đến trước trà thất, các vị khách sẽ phải bỏ gươm và vũ khí, cúi mình bước qua cánh cửa chưa đến một mét (gọi là Nijiriguchi), thể hiện sự khiêm nhường thành kính, gạt bỏ mọi giai cấp, tuổi tác, nghề nghiệp hay địa vị.

Một trà thất ở Kyoto

Với sự lan tỏa của thiền trong thế kỉ 16, bằng một cách nào đó, tư tưởng vô thường của nó đã thấm nhuần trong những buổi tiệc trà và cách thiết kế trà thất. Sự thanh tịnh là đích đến cốt yếu mà các tu sĩ tìm đến với thiền định cũng như người Nhật tìm đến trà đạo. Người Nhật của ngày xưa với bao chinh chiến bên ngoài, với bao cố gắng không ngừng nghỉ, trong một khoảnh khắc nhỏ cần trốn đi một nơi nào đó, và trà thất chính là một cõi tạm để họ rút đi những căng thẳng trần gian ấy. Chính vì vậy, căn nhà nhỏ ấy phải thật đơn sơ và cô đọng đến tuyệt đối để không gợi nhắc bất cứ phù phiếm xa hoa nào. Thiền định, và những triết lí Phật giáo đã yêu cầu chúng ta về việc tự làm chủ vật chất và cả tinh thần, nhận thức được ngôi nhà chỉ là chỗ trú ẩn tạm thời của thân xác này. Và ngay cả thân xác cũng chỉ là một túp lều, nơi trú ẩn mỏng manh được sinh ra từ cát bụi, để rồi khi chúng ngừng liên kết với nhau, tất cả lại trở về ban đầu. Vì thế, trà thất rất đơn sơ dưới mái lá, yếu đuối trong những thanh gỗ mỏng, nhẹ nhàng trong những giá đỡ bằng tre. Bởi, sự vĩnh hằng chỉ được tìm thấy trong tâm hồn, đó là thứ sẽ bao trùm lên mọi vật xung quanh, chiếu sáng và tô điểm cho chúng.

Nếu thế kỉ 20, Le Corbusier đã viết: “Nhà là cái máy để ở” – Une maison est une machine à habiter , Vers une architecture, 1923), thì trà thất thế kỉ 16 chính là một “chiếc máy” để hưởng trà và chỉ có thế – Không một thiếu sót, không chút dư thừa. Ta có thể thấy trà thất truyền thống chỉ gồm 4.5 tấm thảm tatami, chia ra hai phần: Một là để chủ nhà chế biến trà và thi hành các nghi lễ; hai là vị trí ngồi hưởng trà của khách mời. Mỗi tấm tatami đều được đặt tên và có công dụng riêng, điều đó biến vai trò căn phòng trở nên rất nhất quán. Sự tinh lọc không gian ấy là kết quả của việc mô phỏng lại tu viện và học thuyết của các vị thiền sư, biết đủ là con đường của sự giải thoát cho linh hồn khỏi những vật chất dư thừa. Ngoài ra, trải qua một quá trình phát triển trà đạo, các nhân tố trong trà thất đều được sàng lọc với những công năng rất riêng. Bằng việc nhìn ngắm kakemono (tranh được treo trong góc tường), thị giác ta đã được gột sạch. Bằng việc ngửi mùi hoa được cắm trong tokonoma, khứu giác ta đã được thanh lọc. Bằng việc nghe tiếng nước sôi lên trong ấm, thính giác ta đã được tẩy rửa. Bằng việc hưởng thức trà, vị giác ta đã được làm mới. Bằng việc chạm tay vào chiếc ly, xúc giác ta đã được lau dọn. Và khi mọi giác quan được làm sạch, thì trí tuệ của con người trở nên bừng sáng, đó là lúc “cỗ máy” này hoàn thành nhiệm vụ của nó.

Takasugi-an, trà thất trên cao được thiết kế bởi Terunobu Fujimori vào năm 2003- 2004

Trong chiều dài lịch sử, đặc biệt là ở nước phương Tây, giá trị về kích thước, tỷ lệ, sự hùng vĩ hay sự tinh xảo của công trình luôn là chuẩn mực quan trọng cho thẩm mỹ kiến trúc. Những khối đá khổng lồ ở Kim tự tháp, Pantheon hùng vĩ ở Rome hay thậm chí những đền thờ Shinto ở Kyoto đều không nằm ngoài quy luật này. Chỉ riêng vẻ đẹp trà thất nằm ở việc thanh lọc tâm hồn ta. Trà thất được xây dựng một cách bất quy tắc và không đối xứng, nó trở thành dấu ấn của phong cách Sukiya, và lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của sự thô sơ trong vật liệu và sự không hoàn mĩ trong tự nhiên. Họ tôn thờ cái đẹp của dòng chảy thời gian, trong sự mục nát mong manh của các vật liệu, như việc chấp nhận quy luật của đất trời. Thật vậy, trong khi cả thế giới ngoài kia tìm kiếm sự vững bền và hoàn mĩ, người Nhật Bản tìm kiếm trong khu rừng của họ những khúc gỗ thô sơ nhất để tôn vinh sự không toàn diện mà vô cùng đa dạng của cuộc sống và thiên nhiên. Các trà thất thường được xây dựng với những khung gỗ lộ ra từ những bức tường thạch cao với mái nhà được lợp bằng tranh hoặc vỏ cây. Gỗ và những vật liệu khác được sử dụng để truyền tải tính tự nhiên nhất có thể của chúng. Các khúc cây cũng chính vì thế chỉ được tách vỏ rồi giữ nguyên để lộ ra nét thô sơ nguyên bản của chất gỗ bên dưới. Cứ như thế, căn phòng nhỏ ấy được xây từ nhiều loại gỗ khác nhau, đặc biệt là phần kết cấu cột của trà thất sẽ không bao giống với những thanh cột ở tokonoma.

Tuyệt vời không kém là sự khéo léo trong không gian được các bậc thầy về trà đạo thể hiện trong việc tạo ra những hiệu ứng của sự thanh thản và tinh khiết. Đặc biệt, ánh sáng là đặc điểm vô cùng quan trọng trong trà thất, các nghệ nhân chỉ cho phép một mức độ ánh sáng nhất định chiếu vào bên trong căn phòng. Rikyu đã từng dạy rằng: Ánh sáng chính là sự sống trong trà thất. Ông rất cẩn thận trong việc thiết kế cửa sổ, suy xét từng vị trí và kích thước của chúng. Để khi cánh cửa chính đóng lại, ánh sáng sẽ được kiểm soát hoàn toàn bằng các cửa sổ, xuyên qua các lớp Shoji nhẹ nhàng xoa dịu tinh thần ta. Thật vậy, trong trà thất của Rikyu, cửa sổ được đặt ở hướng Tây và hướng Bắc để giảm cường độ của ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào bên trong. Vị trí của người phục vụ trà vì thế mà cũng được thiết kế ở nơi tối hơn các phần khác để giữ được một vị thế khiêm nhường trước khách mời.

Thời xưa chỉ những bậc thầy trong nghề mộc có tay nghề cao mới đủ vinh dự xây một trà thất. Và ngày nay, dù kiến trúc đương đại Nhật Bản đã vươn cao trên thế giới nhưng không một KTS nào có thể từ chối dịp thiết kế căn phòng nhỏ này. Các KTS danh tiếng nhất xứ hoa anh đào đã vì yêu nét đẹp thuần túy trong trà thất mà không ngừng làm mới nó. Họ, với mỗi quan điểm riêng, giữ lấy những bản chất sâu xa trong không gian và tinh thần trà đạo để tái dựng lại những trà thất của ngày hôm nay.

Tranh vẽ cảnh hưởng trà ở Koishikawa, bởi Katsushika Hokusai

Trà đạo có một mối quan hệ chặt chẽ với thiền định không chỉ ở việc thực hành mà chủ yếu là trong quá trình quan sát nội tâm, từ đó đem lại sự thanh thản cho tâm trí ở chính giây phút hiện tại. Và trà thất là kết quả của tinh hoa trong tư tưởng thẩm mỹ ấy, là công cụ để chúng ta tìm lại bản ngã của mỗi người. Sen-no Rikyu từng dạy: “Trà đạo không gì khác ngoài đun sôi nước, pha trà và nhấm nháp nó”. Rất đơn giản nhưng cũng thật xa xôi. Một kiếp cũng chỉ bao gồm sinh ra, trưởng thành và chết đi. Không có gì đơn giản hơn thế. Nhưng có mấy ai trong chúng ta trải qua một cuộc đời như vậy mà không hối tiếc, không tham lam, không suy tư hay mưu cầu. Ngày nay, khi công nghiệp phát triển, thời đại của sự toàn cầu hóa, nhịp sống trở nên nhanh hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần phải tìm ra chính mình giữa muôn vàn xô bồ kia. Có phải, hôm nay chính là lúc chúng ta cần nhất một “cõi tạm” như thế?