Lấy cảm hứng từ những đường cong của đất trên bàn xoay quen thuộc của người làm nghề, Bảo tàng gốm Bát Tràng tạo nên những đường cong đa diện, mềm mại và độc đáo. Ở một góc khác lại thấy hình ảnh Lò bầu cổ của người Bát Tràng xưa.
Bảo tàng gốm Bát Tràng toạ lạc tại thôn 5, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 15km. Bảo tàng có số vốn đầu tư lên đến hơn 150 tỷ đồng, được khởi công xây dựng vào năm 2018 trên một khu đất rộng 3.700 m2.
Công trình nằm trong dự án "Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt" của công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh và hiệp hội làng nghề Hà Nội nhằm mục đích phát triển làng nghề. Từ Bảo tàng có thể phóng tầm mắt nhìn ra dòng kênh Bắc Hưng Hải phía đối diện.
Với bảy vòng xoáy ốc khổng lồ lấy cảm hứng từ những khối bàn xoay vuốt gốm gắn kết nhau tạp thành những mặt cong đa diện uốn lượn mềm mại, tự do và quấn quýt, làm nên một công trình độc đáo. Cấu trúc của Bảo tàng theo lối lớn dần lên phía trên, nhưng vẫn tạo thế vững chãi và chắc chắn.
Được biết, để làm nên bảy vòng xoáy độc đáo đó, những người thợ đã phải sử dụng bê-tông cốt thép sợi tuyến tính mỏng có tải trọng không lớn nhưng có thể chịu được lực một cách hiệu quả. Đồng thời, công trình cũng tận dụng tối đa những nguyên liệu cổ của làng như: gạch gốm cổ truyền, gạch men mosaic và ngói nung… để tạo nên màu sắc chân thực nhất cho Bảo tàng...
Bảo tàng gốm Bát Tràng gồm 2 khối chính là khối bảo tàng và khối dành cho hoạt động thương mại, nghỉ ngơi.
Khối bảo tàng phía ngoài gồm 3 tầng. Tầng 1 giải phóng tối đa không gian, tạo một Quảng trường là nơi dành riêng cho các nghệ sĩ trưng bày những những tác phẩm giá trị nhất của mình, qua đó kết nối khách tham quan với các nghệ nhân. Tầng 1 cũng là nơi phù hợp với các hoạt động, sự kiện lớn về gốm. Bên cạnh đó, do không gian mở ở đây rất rộng nên rất thích hợp cho các chương trình, sự kiện lớn hay các festival văn hóa cổ truyền…
Tầng 2, 3 là khu trung tâm của bảo tàng gốm Bát Tràng. Đây là nơi trưng bày các sản phẩm gốm nghệ thuật xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển làng gốm Bát Tràng, gồm các dòng men từ cổ đến hiện đại, với sự thay đổi về màu sắc, hình dáng và các họa tiết trang trí trên gốm giúp du khách có cái nhìn tổng quan về lịch sử làng nghề.
Tầng 4 là khu vườn hữu cơ, một không gian “chơi” với màu xanh. Các loại cây nông nghiệp được trồng theo mùa, theo chủ đề từng vùng ở dải đất ven sông Hồng… Đây là không gian cho khách trải nghiệm thư giãn, trẻ em tìm hiểu về thiên nhiên.
Tầng trên cùng - tầng thượng là nơi ngắm cảnh, với không gian đầy cây xanh mát.
Khối 4 tầng phía trong là nơi dành cho các hoạt động trình diễn, thương mại và các phòng nghỉ của các chuyên gia, nghệ nhân, …. Tầng 4 còn là nhà hàng tinh hoa ẩm thực của làng. Bên cạnh là phòng biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân tộc.
Cấu trúc và kết cấu lớp vỏ không chỉ mang tính chất tạo hình, mà hợp lý về công năng sử dụng. Các giá bục bày gốm trong nội thất là chính tự thân các bậc thang được tạo bởi các vành cong lớp vỏ. Giải pháp dầm, cột kết cấu hợp lý, logic… Cột BTCT vát chéo, chụm dưới và xòe rộng phía trên, một giải pháp táo bạo nhưng đáng giá, tôn lên ý tưởng kiến trúc bình gốm xoay.
Giải pháp lớp vỏ gồm bê tông cốt thép sợi tuyến tính mỏng, chịu lực hiệu quả, tải trọng không lớn… Đặc biệt, công trình tận dụng tối đa các vật liệu truyền thống Bát Tràng: gạch gốm cổ truyền, ngói nung, gạch men mosaic…
Các không gian trình diễn nghề, khu thương mại, các phòng Homestay… được thiết kế chiếu sáng và thông gió tự nhiên hiệu quả. Trong khi bảo tàng, việc kiểm soát ánh sáng trưng bày hiện vật được nghiên cứu và tính toán kỹ.
Ngoài ý tưởng tạo ra một triển lãm trưng bày các sản phẩm thủ công làng nghề và là nơi kết nối thủ công mỹ nghệ truyền thống, đây còn là nơi tôn vinh những người thợ làng nghề. Từ TP Hà Nội, khách tham quan có thể dễ dàng di chuyển đến Bảo tàng bằng ô tô, xe máy, xe bus.