Kazuo Inamori xuất thân trong một gia đình nghèo khó và không được nhận vào trường đại học mà mình mong muốn. Sau khi tốt nghiệp, Inamori tìm được một công việc trong một nhà máy gốm sứ đang trên bờ vực phá sản. Nửa đầu cuộc đời của ông dường như đầy bất hạnh.
Nhưng tỷ phú Nhật Bản khi đó không phàn nàn, từng bước đảo ngược vận mệnh bằng chính công sức mình. Từ 2 bàn tay trắng, ông thành lập Kyocera và Second Telecom, cả 2 đều nằm trong số 500 công ty hàng đầu thế giới. Năm 77 tuổi, Inamori tiếp quản và hồi sinh Japan Airlines, đưa lợi nhuận hàng năm của hãng hàng không vọt lên vị trí số 1 thế giới.
Trong nửa sau của cuộc đời, vị tỷ phú này đã viết lại triết lý sống bằng những chiêm nghiệm thực tế sâu sắc ông từng trải qua.
1. Nếu muốn có một cuộc sống viên mãn, bạn chỉ có hai lựa chọn: một là "làm điều mình thích", hai là "hãy để bản thân thích làm việc"
Khi Kazuo Inamori tốt nghiệp đại học, ông làm việc trong một công ty sắp phá sản. Cả công ty tràn ngập năng lượng tiêu cực, lãnh đạo đầy mưu kế, nhân viên gian dối lừa lọc.
Lúc đầu ông cũng giống những người này, suốt ngày than thở, là một thanh niên tuổi đôi mươi nhưng trong người không chút khí lực. Đến lúc Inamori không chịu nổi môi trường làm việc như thế này nữa, ông viết thư trút nỗi cay đắng gửi gia đình lại bị anh trai mắng: "Một người chỉ quan tâm đến việc phàn nàn về người khác thì người đó chẳng đem lại giá trị gì" .
Sau đó, Kazuo Inamori bắt đầu thay đổi suy nghĩ và để bản thân yêu thích công việc. Khi các đồng nghiệp khác vẫn đang phàn nàn, ông bình tĩnh lại và cố gắng hết sức để hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Nhờ sự chăm chỉ, dần dần cuộc sống ông bắt đầu khởi sắc. Kazuo Inamori luôn làm việc với tâm trạng tốt và được thăng chức lên vị trí trưởng nhóm kỹ thuật của công ty.
Trong cuộc sống, nhiều người chán ghét công việc mình đang làm nên chỉ biết than phiền và chỉ làm việc cho có. Nhưng nếu cứ mãi như vậy, công việc sẽ càng không hoàn thành tốt, cuối cùng tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Ông trùm dầu mỏ Rockefeller từng viết cho con trai mình: "Nếu con coi công việc là niềm vui, cuộc sống là thiên đường; nếu bạn coi công việc là nghĩa vụ, cuộc sống là địa ngục" .
Thay vì phàn nàn về công việc không đạt yêu cầu, tốt hơn hết bạn nên để bản thân chủ động yêu thích công việc. Khi bạn thay đổi tư duy và đam mê với công việc của mình, cuộc sống của bạn sẽ suôn sẻ hơn.
2. Mọi thứ bạn gặp trong cuộc sống đều bị thu hút bởi nam châm bên trong của bạn
Rhonda Byrne viết trong The Power: "Mọi người đều được bao quanh bởi một từ trường, bất kể bạn ở đâu, từ trường sẽ theo bạn" .
Khi Kazuo Inamori còn nhỏ, một người chú trong gia đình mắc bệnh lao. Ông rất sợ mình cũng sẽ bị lây bệnh nên mỗi lần đi ngang qua phòng chú đều lấy khăn bịt mũi chạy thật nhanh. Kết quả là anh trai và người cha ngày đêm đi cùng chú vẫn bình an vô sự, nhưng Kazuo Inamori, người cẩn thận nhất lại ngã bệnh. Đối với trải nghiệm này, ông thấy rằng suy nghĩ trốn tránh bệnh đã gây ra bệnh cho mình.
Không lâu sau khi Inamori mắc bệnh, chiến tranh bùng nổ. Tỷ phú Nhật Bản khi đó cảm thấy rằng mình sẽ không sống được lâu, nhưng ông không sợ hãi khi đối mặt với chiến tranh. Trên đường chạy trốn, ông bất chấp nguy hiểm để giúp đỡ những người khuyết tật. Sau biến cố ấy, Inamori vẫn sống sót.
Đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, ông nhận ra: "Mọi thứ bạn gặp trong cuộc sống đều bị thu hút bởi nam châm bên trong của bạn" .
Người bi quan sẽ phàn nàn rằng mọi thứ xung quanh chỉ toàn màu xám xịt; trong khi người lạc quan thì tích cực và hy vọng, nhìn thấy cả mùa xuân trong tầm mắt của mình.
Bạn phàn nàn về điều gì, bạn sợ hãi điều gì, điều đó sẽ xảy ra với bạn. Bạn tin tưởng, hy vọng những gì thì điều đó cũng sẽ đến với bạn. Bản thân bạn là người như thế nào, cuộc đời bạn sẽ như vậy.
3. Sự khác biệt về vận mệnh giữa con người chủ yếu là do khoảng cách trong suy nghĩ
Tại một cuộc họp báo, một phóng viên đã hỏi Kazuo Inamori: "Chìa khóa thành công của một người là gì?" . Tỷ phú người Nhật trả lời không chút do dự: "Cách suy nghĩ".
Thời gian đầu Kyocera mới thành lập, có một thời gian thiếu đơn hàng nên nhiều nhân viên phải ra chợ hàng ngày. Nhưng sau hơn một tháng vẫn chưa nhận được đơn đặt hàng nào, hoạt động của công ty gần như đi vào bế tắc.
Kazuo Inamori đã đích thân đi tìm kiếm và lựa chọn những đơn hàng mà các công ty khác không thể chấp nhận, thậm chí còn chủ động đưa ra những kỳ vọng về sản phẩm cho khách hàng. Lúc này, khách hàng rất hào hứng và ngay lập tức quyết định ký kết hợp đồng. Nhưng thực tế với công nghệ của Kyocera lúc bấy giờ thì không thể làm ra một sản phẩm như vậy.
Nhiều nhân viên tỏ ra rất bối rối, ông liền giải thích: "Các công ty khác chỉ nhận những gì công nghệ hiện có làm được thì chúng ta không thể cạnh tranh với họ. Vì công nghệ không đủ nên chúng ta sẽ làm ngược lại, nghiên cứu đổi mới công nghệ để đáp ứng các đơn hàng này" .
Nhờ lối suy nghĩ ngược của Kazuo Inamori mà Kyocera có được thành công. Công ty này sau đó liên tục đổi mới công nghệ và chỉ sau vài năm, Kyocera đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành.
Kazuo Inamori từng nêu lên công thức cho sự sống trong một cuốn sách của ông:
Kết quả của cuộc sống = cách suy nghĩ × sự chăm chỉ × khả năng
Trong công thức này, khả năng và sự chăm chỉ được ông cho điểm từ 0 đến 100, trong khi cách suy nghĩ được cho tính từ âm 100 đến cộng 100. Nếu lối suy nghĩ sai lầm, thì dù bạn có cố gắng đến đâu, dù khả năng của bạn có mạnh mẽ đến đâu, thì cuối cùng mọi nỗ lực cũng trở nên vô ích.
Sự khác biệt về vận mệnh giữa con người chủ yếu là do khoảng cách trong suy nghĩ của mỗi người. Trên con đường thành công, thứ chúng ta thiếu không phải là cơ hội và may mắn, cũng không phải là mồ hôi và sự chăm chỉ. Điều chúng ta thiếu là một lối suy nghĩ dám "nhảy" ra khỏi khuôn mẫu ban đầu.
4. Ngày hôm nay phải tốt hơn hôm qua, và ngày mai tốt hơn hôm nay
Khi Kazuo Inamori đang đào tạo tại công ty chi nhánh trong những năm đầu sự nghiệp, ông đã gặp một công nhân. Người công nhân này, chỉ mới học trung học cơ sở, bản chất vô cùng vụng về. Chỉ một thao tác đơn giản, cấp trên phải dạy anh ấy nhiều lần.
Nhưng hơn 20 năm sau, Kazuo Inamori gặp lại người công nhân kia trong cuộc họp cấp cao của trụ sở chính. Lúc này anh ta đã lên chức giám đốc. Đó là bởi dù người công nhân học chậm, nhưng anh ta không bao giờ bỏ cuộc. Anh có một cuốn sổ tay, ghi lại những kỹ thuật cần học.
Nếu không biết một động tác kỹ thuật nào, anh công nhân cũng không ngần ngại tập nó hàng nghìn lần cho đến khi thuần thục. Bằng cách này, mỗi khi anh ấy thành thạo một kỹ thuật, anh sẽ gạch nó đi trong sổ tay. Dựa vào sự tiến bộ từng chút một được tích lũy theo thời gian, anh đã dần dần đạt được những thành tựu to lớn.
Trên thế giới này chưa bao giờ có thành công chỉ sau một đêm, cũng như không có bậc thầy nào tự nhiên sinh ra. Đằng sau mọi thành công mà bạn ghen tỵ, phải có một "kẻ ngu ngốc" liên tục làm đi làm lại một thứ để tiến bộ.
Cho dù xuất phát điểm bây giờ có tồi tệ đến đâu, chỉ cần bạn tiếp tục tiến lên mỗi ngày, sớm muộn gì bạn cũng sẽ "phản công" và trở thành người chiến thắng trong cuộc đời.
Kết lại
"Vị thần kinh doanh" Nhật Bản từng nói: "Cuộc đời là võ đường được dựng lên để luyện tập trái tim". Mọi thứ chúng ta trải qua, mọi người chúng ta gặp và mọi nỗi buồn chúng ta chịu đều là để tôi luyện cho chính bản thân mình. Trong suốt cuộc đời, mỗi người cần không ngừng trau dồi tâm hồn, rèn luyện trí tuệ và hoàn thiện bản thân thì mới có thể gặt hái được thành công.
Theo Aboluowang