Các nhà máy tại thành phố Surat (Ấn Độ) - thủ phủ chế tác kim cương của thế giới - đang săn lùng các thợ cắt và đánh bóng lành nghề với mức lương tăng 50% và các ưu đãi như miễn phí đồ ăn, nhà ở. Hãng khai thác kim cương De Beers đang lên kế hoạch cho đợt bán kim cương thô lớn nhất của mình trong 3 năm qua. Đối thủ Alrosa cũng dự báo đà hồi phục sẽ còn kéo dài.
Sự bùng nổ được thúc đẩy bởi lực mua trang sức dịp nghỉ lễ, đặc biệt là tại thị trường chủ chốt Mỹ và Trung Quốc. Suốt nhiều năm, kim cương đối mặt với cạnh tranh ngày càng tăng từ du lịch, do cùng thuộc nhóm chi tiêu xa xỉ. Tuy nhiên, năm nay, khi đại dịch khiến người tiêu dùng phải ở nhà, họ bắt đầu chuyển sang mua online.
"Mọi người không chỉ học được cách làm từ xa, mà còn mua sắm từ xa, kể cả kim cương", Giám đốc bán hàng của Alrosa - Evgeny Agureev cho biết trong một cuộc phỏng vấn, "Số tiền vốn được chi cho các chuyến du lịch, hay ăn tối tại nhà hàng sang trọng, thì giờ được chuyển phần nào sang kim cương. Doanh số bán online năm ngoái tăng gấp đôi, lên gần 20% tổng doanh thu".
Nhu cầu lại bùng nổ đúng thời điểm các nhà máy và thương nhân phải co hẹp hoạt động do bị phong tỏa vì đại dịch. Tuy nhiên, ngành này từ lâu đã quen với những đợt tăng trưởng và lao dốc mạnh. Vì thế, người ta cũng không rõ đà phục hồi lần này sẽ kéo dài bao lâu. Một số thậm chí lo ngại thị trường đang quá nóng và có thể lao dốc cuối năm nay.
Nhu cầu trang sức kim cương hàng năm đã chững lại quanh 80 tỷ USD trong 5 năm qua. Những công ty trung gian trong lĩnh vực này cũng khó có lợi nhuận. Khi vaccine được phổ biến toàn cầu và các hoạt động xa xỉ khác hồi phục, rủi ro là thị trường này lại đối mặt với các thách thức cũ.
Nhưng hiện tại, tiền vẫn đang đổ vào ngành này. Signet Jewelers ghi nhận doanh thu dịp nghỉ lễ tăng 7,8% tại Bắc Mỹ - thị trường lớn nhất của ngành. Doanh số bán trực tuyến cũng tăng vọt trong thời kỳ này. Xu hướng tương tự diễn ra tại Trung Quốc - thị trường lớn nhì của ngành. Chow Tai Fook báo cáo doanh thu quý tăng 18%.
Ấn Độ - nơi 90% kim cương được cắt hoặc đánh bóng - đã nhập khẩu gần 2 tỷ USD kim cương thô tháng trước. Các thợ cắt và đánh bóng phải chạy đua với thời gian để đáp ứng nhu cầu khách hàng. De Beers và Alrosa vì thế đã tăng giá, nhằm gỡ gạc phần nào doanh thu bị mất năm ngoái.
Bất chấp giá tăng 5% trong đợt bán đầu tiên của năm vào tuần trước, khách hàng của De Beers vẫn mua vào. Đợt mua vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, hãng cho biết sẽ mở thêm đợt bán đấu giá kim cương lớn nhất trong 3 năm qua, với khoảng 600 triệu USD.
Hai hãng khai thác lớn này đang nắm trong tay hàng tỷ USD kim cương thô. "Họ cũng phải cân nhắc. Nếu không bán, họ sẽ chẳng kiếm được tiền từ số hàng tồn kho này. Nhưng nếu bán quá nhiều, họ sẽ khiến thị trường bão hòa", Anish Aggarwal tại hãng tư vấn kim cương Gemdax cho biết.
Hiện tại, những người trung gian - cắt, đánh bóng và buôn bán kim cương - vẫn đang kiếm được tiền. Trên thị trường thứ cấp - nơi người mua bán lại cho các hãng chế tác không tiếp cận được với De Beers hay Alrosa, sản phẩm cũng được sang tay với giá cao hơn 5%, thậm chí hàng chục phần trăm.
Giá kim cương thô đã hồi phục về mức tiền đại dịch. Giá loại đã đánh bóng cũng nhích lên. Đây là tin tốt cho phần lớn công ty nhỏ và công ty gia đình vốn kinh doanh, cắt và đánh bóng đá quý. "Miễn là hàng tồn kho không khiến thị trường bão hòa, lợi nhuận vẫn duy trì được", Aggarwal cho biết, "Tất cả các bên tham gia thị trường, từ hãng khai mỏ, trung gian đến bán lẻ sẽ phải hoạt động theo cách đảm bảo giữ được điều này".