Hongqi là một thương hiệu ô tô lâu đời của Trung Quốc, được thành lập và điều hành bởi Tập đoàn FAW Trung Quốc. Năm 1958, chiếc xe Hongqi đầu tiên được sản xuất tại Trung Quốc ra đời, đánh dấu bước phát triển mới của ngành công nghiệp Trung Quốc.
Đề xuất của lãnh tụ Trung Quốc
Ngày 25/4/1956, Cục Chính trị TƯ ĐCSTQ tổ chức một cuộc họp mở rộng để thảo luận về "Mười mối quan hệ chính". Trong cuộc họp, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (BCH TƯ ĐCSTQ) Mao Trạch Đông đã nói: "Thật tuyệt nếu một ngày nào đó tôi được ngồi lên một chiếc ô tô do chính người Trung Quốc chế tạo và đến tham dự hội nghị".
BCH TƯ ĐCSTQ đã ngay lập tức giao nhiệm vụ sản xuất ô tô cho Tập đoàn FAW Trung Quốc (khi đó được gọi là Nhà máy Ô tô số 1 Trung Quốc).
Sau một năm chuẩn bị kế hoạch, ban lãnh đạo FAW đã cử Sử Nhữ Hạo - Giám đốc bộ phận thiết kế lúc bấy giờ - và một kỹ sư khác đến Bắc Kinh vào tháng 6/1957 để bắt đầu công việc thu thập tài liệu và bản vẽ liên quan đến việc chế tạo ô tô tại Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, điều kiện để phát triển ô tô tại Trung Quốc được gói gọn trong "4 không": "không có thông tin, không có kinh nghiệm, không có công cụ và không có thiết bị". Mọi thứ đều phải làm từ đầu. Khi đó, dù có tìm được bản vẽ hay tài liệu về ô tô của nước ngoài thì đều đã lỗi thời.
Bằng cách nào đó, Sử Nhữ Hạo đã tìm thấy thiết kế chiếc xe Simca Vedetti của Pháp trong vô số tài liệu về xe hơi nước ngoài và chọn nó làm mẫu tham khảo. Đây là một chiếc sedan tầm trung phổ thông, với ngoại hình đơn giản, bố cục tổng thể hợp lý, khả năng vận hành đáng tin cậy, giá thành vừa phải, về cơ bản phù hợp với điều kiện sản xuất và kinh doanh của Trung Quốc lúc bấy giờ.
Xe Simca Vedetti của Pháp được dùng làm "bản thiết kế" để phát triển chiếc xe hơi đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Sohu
"Siêu xe" kiểu Trung Quốc
Do không thể sao chép hoàn toàn thiết kế của mẫu xe nước ngoài, nên trên cơ sở "bản thiết kế" nguyên mẫu, các nhà thiết kế đã đưa ra rất nhiều ý tưởng táo bạo cho phần thân xe, nhằm đảm bảo tính khí động học của xe nhưng vẫn phù hợp phong cách Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, logo xe được thiết kế bởi nhà thiết kế của FAW Lữ Ngạn Bân. Nó là một con rồng bạc với dòng chữ "DONG FENG" được gắn ở đầu xe. Những mẫu xe được sản xuất sau này thì gắn logo rồng vàng, vì rồng là biểu tượng của dân tộc Trung Hoa.
Thân xe sơn màu tím, nóc xe sơn màu xám bạc. Dòng chữ "Nhà máy Ô tô số 1 Trung Quốc" do Chủ tịch Mao Trạch Đông viết được gắn trên thân xe.
Đèn pha phía sau mô phỏng đèn lồng đỏ trong triều đình phong kiến Trung Quốc cổ đại. Vải bọc ghế là gấm, trần xe bọc nhung, sàn trải thảm len. Bảng điều khiển được chạm khắc bằng sơn mài, núm điều khiển làm bằng ngà voi. Bộ hút thuốc và tay nắm cửa là đồ đồng tráng men theo kỹ thuật truyền thống có từ thời Tống... Kiểu thiết kế này không chỉ mang đặc sắc Trung Quốc, mà rõ ràng là khác biệt so với những chiếc xe của nước khác.
Tháng 4/1958, FAW thành lập một đội công tác đặc biệt để sản xuất ô tô. Mọi người làm việc ngày đêm và nỗ lực hết mình. Cuối cùng, vào ngày 12/5/1958, chiếc xe Trung Quốc đầu tiên đã được sản xuất thử nghiệm thành công và được đặt tên là "Dongfeng CA71" (Dongfeng nghĩa là "Gió Đông").
Ngày 14/5/1958, khi chiếc xe mẫu Dongfeng CA71 được gửi đến Bắc Kinh để kiểm tra. Thấy logo ở đầu xe có dòng chữ phiên âm "DONG FENG", Chủ nhiệm Văn phòng TƯ ĐCSTQ Dương Thượng Côn cho rằng nó giống một cái tên nước ngoài và yêu cầu phải đổi.
Trưởng phòng Kế hoạch của FAW Lý Lam Thanh đã ngay lập tức đến tòa soạn Nhân dân Nhật báo và tìm thấy chữ "Dongfeng" trong một bài báo "Gió Đông áp đảo gió Tây" của Mao Trạch Đông được đăng vào ngày 20/11/1957; và dùng chữ "Dongfeng" của Chủ tịch Mao để thay cho phiên âm "DONG FENG" ngay trong đêm tại một xưởng sửa chữa ô tô.
Chủ tịch Mao Trạch Đông quan sát chiếc xe Dongfeng CA71 đỗ tại Trung Nam Hải. Ảnh: Sohu.
Ngày 21/5/1958, chiếc xe được đưa đến Trung Nam Hải. Chủ tịch Mao Trạch Đông đã quan sát tỉ mỉ chiếc xe Dongfeng CA71 đang đậu trên bãi cỏ và nói: "Hãy ngồi lên chiếc xe do chúng ta làm!"
Dongfeng CA71 là một chiếc sedan cỡ trung bốn cửa và sáu chỗ ngồi. Về sức mạnh, lúc đó xe sử dụng động cơ của Mercedes-Benz 190 (tiền thân của Mercedes-Benz E-class) làm nguyên mẫu, dung tích động cơ 1.9L, 4 xi-lanh thẳng hàng, công suất cực đại là 70 mã lực, hộp số 3 cấp, tốc độ tối đa có thể đạt 128 km/h.
Do chưa có kinh nghiệm và hạn chế về mặt kỹ thuật nên Dongfeng CA71 không được sản xuất hàng loạt, chỉ có tổng cộng 30 chiếc được sản xuất. Sự ra đời của chiếc sedan Dongfeng CA71 đã mở ra kỷ nguyên của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.
Đổi tên Hongqi, chính phủ Trung Quốc chuyên dùng
CA770 - thế hệ tiếp theo - được sản xuất năm 1965. Vị trí con rồng vàng trên đầu xe thời mang thương hiệu Dongfeng đã được thay bằng lá cờ đỏ. Đó là một trong những lý do chính khiến nó được đổi tên thành Hongqi (nghĩa là "Cờ đỏ"). Trong 15 năm (1966-1981), chỉ có 847 chiếc CA770 được sản xuất. Tất cả đều được bán cho Chính phủ Trung Quốc.
Bước sang thế kỷ 21, Hongqi trình làng mẫu xe mang hơi hướng mới - dòng L, khởi đầu bằng mẫu L9. Thế hệ mới nhất hiện nay là L5, được xem là một trong những dòng xe sang Trung Quốc đắt nhất.
Hongqi L5 từng được dùng để đón cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang Trung Quốc tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" vào tháng 5/2017. Ảnh chụp màn hình CCTV.
Từ những năm 1960, xe Hongqi đã được chỉ định là xe đặc biệt dành cho các cấp thứ trưởng trở lên và xe phục vụ đối ngoại, được coi là phép lịch sự cao nhất mà Chính phủ Trung Quốc dành cho quan khách nước ngoài khi đến thăm Trung Quốc.
Theo thống kê của trang Cheshi chuyên về ô tô của Trung Quốc, tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 5/2017, đã có 21 nguyên thủ quốc gia chọn phương tiện di chuyển tại nơi đây là chiếc xe Hongqi L5, trong đó có cố Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.