Những vụ việc huy động vốn trên thị trường bị vỡ lở lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng trên thị trường hiện của Tân Hoàng Minh (Đỗ Hoàng Dũng), FLC (Trịnh Văn Quyết), Vạn Thịnh Phát (Trương Mỹ Lan) khiến nhiều người nhớ lại đại án của Nguyễn Văn Mười Hai – chủ hãng nước hoa Thanh Hương nức tiếng Sài Gòn những năm 1980, đầu những năm 1990.
Dù người gây tội đã phải trả giá, nhưng sau đó là rất nhiều con người, gia đình mất sạch gia sản, nợ nần, rơi vào cảnh điêu đứng, khốn khó đến tận cùng.
Nguyễn Văn Mười Hai: Vỏ bọc giàu có lẫn "quyền lực" nức tiếng Sài Gòn
Nguyễn Văn Mười Hai sinh trưởng tại phía Bắc Sài Gòn. Ông từng thi trượt Đại học Kinh tế, chuyển xuống học Cao đẳng Sư phạm, sau Nguyễn Văn Mười Hai bỏ học để kiếm sống vì gia cảnh khó khăn.
Những năm 1980, Nguyễn Văn Mười Hai được xem như "đại gia" giàu nhất nhì Sài Gòn. Người dân Sài Gòn hẳn vẫn không quên uy danh của “đại gia” Nguyễn Văn Mười Hai thời điểm đó, bởi ông được đồn đoán là có quan hệ với nhiều quan chức và những người có thế lực lớn.
Ông giàu có đến mức, cái thời mà người dân Sài Gòn còn đi những chiếc xe Cup cọc cạch, các ngôi nhà cao mấy chục tầng vẫn chưa xuất hiện ở Sài Gòn, và Internet còn là một khái niệm xa lạ, điện thoại bàn là của hiếm chứ đừng nói đến điện thoại di động, thì Nguyễn Văn Mười Hai đã đi xế hộp hạng sang, đã có cả một đoàn vệ sĩ mặc vét đen, đeo kính đen đi bên cạnh bảo vệ, và trong văn phòng công ty của ông thì lúc nào cũng tấp nập các cô gái ‘chân dài’ vây quanh.
Nguyễn Văn Mười Hai khởi nghiệp & làm giàu thế nào
Nguyễn Văn Mười Hai bắt đầu sản xuất xà phòng từ năm 1985 bằng nguồn vốn của những người trong gia đình. Chuyện khởi nghiệp với nước hoa của Nguyễn Văn Mười Hai xuất phát trong một lần ông ngồi nhậu lê la ở vỉa hè và tình cờ gặp một ‘bạn nhậu’. Trong cơn say, người này đã nói cho ông nghe về nước hoa, rồi còn chỉ tường tận cách sản xuất nước hoa.
Là người nhanh nhạy, có nhiều tham vọng làm giàu, khao khát thoát khỏi quá khứ nghèo khó, nên chừng đó thông tin đã khiến Nguyễn Văn Mười Hai đã ngay lập tức bắt tay vào làm. Ông nhanh chóng huy động người nhà, bạn bè, thậm chí là các thầy cô giáo và những học trò học võ của ông tham gia vào việc thành lập, quản lý, điều hành và phát triển cơ sở nước hoa Thanh Hương.
Trong quá trình thực hiện, Nguyễn Văn Mười Hai đi tìm hiểu về công nghệ ở nước ngoài, rồi mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thương hiệu của mình. Từ hai bàn tay trắng, Nguyễn Văn Mười Hai đã làm được nhiều điều ‘phi thường’ mà người bình thường khi ấy không thể nghĩ đến.
Ngay từ thời đó, khi thiết bị vô tuyến truyền hình là phương tiện không phải nhà nào cũng có, nhưng là phương tiện hiếm hoi để người dân giải trí, ông đã biết bỏ tiền mua "giờ vàng" truyền hình để phát quảng cáo nước hoa Thanh Hương, cái quảng cáo có bài hát do ca sĩ trình bày đã trở nên quen thuộc đến nỗi nhiều trẻ con thời đó thuộc lòng: "Này anh ơi sao mà anh không biết/ Nước hoa em dùng cơ sở Thanh Hương/ Mùi hương thơm sao mà thơm thơm thế/ Ôi Tiffani dành cho mọi người…".
Nguyễn Văn Mười Hai xây dựng một mạng lưới kinh doanh trên toàn quốc, với nhiều đại lý kinh doanh và giới thiệu sản phẩm. Trong một thời gian dài, những sản phẩm của Cơ sở sản xuất nước hoa Thanh Hương do Nguyễn Văn Mười Hai làm chủ đã trở nên thịnh hành và được nhiều người ưa chuộng và yêu thích, giúp ông và gia đình trở nên giàu có.
Nguyễn Văn Mười Hai giàu có và phô trương đến mức, khi xe hơi Mercedes xuất hiện trên đường phố, thì ngay lập tức phía sau sẽ xuất hiện một đoàn vệ sĩ đi xe phân khối lớn theo hộ tống, có nhiệm vụ dẹp đường và bảo vệ như một "ông lớn" thực thụ.
Cuộc huy động vốn khổng lồ của nước hoa Thanh Hương
Những năm 1980, cùng với các tên tuổi như Giày dép Biti’s, Bánh kẹo Kinh Đô, Kem đánh răng Dạ Lan, từ điển Lạc Việt, nước rửa chén Mỹ Hảo, đồ may mặc Minh Phụng, hoa quả khô Vinamit, … nước hoa Thanh Hương là một trong những thương hiệu đình đám trên thị trường.
Nước hoa Thanh Hương nổi tiếng đến mức, cứ nhắc đến nước hoa là nhắc đến Thanh Hương. Thời điểm này, nước hoa Thanh Hương là mặt hàng tương đối xa xỉ hơn cùng những cái tên lớn khác thống trị thị trường.
Đây cũng là thời điểm Thị trường tài chính trong giai đoạn này còn rất sơ khai, hệ thống ngân hàng thương mại đang trong thời kỳ chập chững và thị trường chứng khoán là một khái niệm xa vời. Vì thế, để có vốn vận hành và phát triển, các doanh nghiệp đều phải dựa vào sức mình - lợi nhuận giữ lại, hoặc liên doanh liên kết với nước ngoài. Nước hoa Thanh Hương bước ra khỏi mô hình này bằng cách huy động vốn ngoài thị trường và ngay lập tức thất bại.
Cụ thể, nhờ vào vẻ ngoài hào nhoáng, khối tài sản khổng lồ, các mối quan hệ và cơ ngơi của Nước Hoa Thanh Hương, ông chủ Nguyễn Văn Mười Hai "huy động vốn" của nhân dân để mở rộng sản xuất với lãi suất 15%/ tháng. Trước cơ hội kiếm tiền này, nhiều bà con tiểu thương, nhiều gia đình có chút của ăn của để, thậm chí là cả những sinh viên có tiền dành dụm do bố mẹ gửi, gom hết gia tài, đã đổ xô đến gửi tiền tại Cơ sở nước hoa Thanh Hương của Nguyễn Văn Mười Hai, ấp ủ mộng làm giàu.
Có thông tin cho rằng, thời điểm đó năng lực lõi của doanh nghiệp Thanh Hương không mạnh, sản phẩm bị hàng nhập (lậu) từ Thái Lan và Trung Quốc cạnh tranh và dần đánh mất thị trường, Thanh Hương ngày càng khó khăn trong việc trả được nợ.
Suốt thời gian dài, nhiều người đưa tiền cho Nguyễn Văn Mười Hai và không hề hoài nghi về khả năng kinh doanh và trả nợ của ông. Đến năm 1990, khi mọi việc vỡ lở, số tiền mà Nguyễn Văn Mười Hai đã chiếm đoạt là 37 tỷ đồng.
Để hình dung số tiền 37 tỷ đồng này lớn đến mức nào, sẽ xét việc thời điểm đó, 1 tỷ đồng mua được mấy nghìn lượng vàng. Con số 37 tỷ đồng mà Nguyễn Văn Mười Hai đã lừa của dân lành tương đương khối lượng vàng cực lớn. Có thể nói, đây là một con số vô cùng khủng khiếp, gây chấn động cả dư luận và cả các cơ quan chức năng. Dĩ nhiên giá vàng khi đó chưa ở mức 66,5 triệu đồng/lượng như bây giờ, nhưng nó cũng khiến rất nhiều người lao đao, trắng tay, nợ nần và đi đến đường cùng.
Cái giá phải trả quá đắt của Nguyễn Văn Mười Hai và ‘nhà đầu tư’
Khi sự việc vỡ lở, Nguyễn Văn Mười Hai bị bị truy tố liền một lúc 3 tội danh: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội và cuối cùng là tội đưa hối lộ.
Ông bị đề nghị mức án tử hình, sau đó được giảm xuống mức án chung thân. Vợ ông cũng nhận án tù. Sau 5 năm ngồi tù thì vợ ông được đặc xá, về ở tại một phòng trọ nhỏ bên Thủ Thiêm để mưu sinh, nuôi hai con và thăm chồng trong tù.
Sau 16 năm, đến năm 2006 Nguyễn Văn Mười Hai, được về sau một đợt đặc xá, toàn bộ tài sản của ông ta cũng được phát mãi để khắc phục một phần hậu quả. Tuy nhiên, ngày đó, những đất đai, nhà cửa mà Nguyễn Văn Mười Hai có không có giá trị như hiện tại, nên khi hóa giá cũng không đáng kể so với khoản tiền ông đã huy động.
Dù đã "khắc phục" hết sức có thể, nhưng Nguyễn Văn Mười Hai vẫn làm nhiều người dân rơi vào đường cùng, bởi có những người vì ham lãi cao còn đi vay tiền của họ hàng, người thân để gửi tiền cho Nguyễn Văn Mười Hai lấy lãi kiếm lời.
Một nạn nhân trong vụ án Nguyễn Văn Mười Hai là nam ca sĩ Đoan Trường. Đoan Trường kể lại, hồi mới giải phóng, nhà anh có khoảng gần 50 cây vàng là tiền dành dụm, của cải ông bà để lại, đã gửi hết cho Nguyễn Văn Mười Hai để kiếm lời.
Đoan Trường kể lại: "Họ lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước. Bố mẹ tôi cũng gửi. Được chừng vài năm thì công ty phá sản. Vụ việc vỡ lở, số tiền mà đại gia Nguyễn Văn Mười Hai đã lừa đảo, chiếm đoạt từ người dân lên tới 37 tỉ đồng. Thời đó, 1 tỉ đồng có thể mua được mấy nghìn lượng vàng.
Lúc đó luật kinh tế chưa có nên gia đình tôi cũng như tất cả các gia đình khác ở miền Nam gửi tiền đều mất trắng, không được đền 1 đồng.
Vì chuyện này mà bố mẹ tôi suýt chia tay. Hai ông bà giận nhau lắm. May mắn là lúc mẹ tôi đem vàng đi gửi thì bố bằng mọi giá giữ lại số nữ trang của bà nội để lại.
Đó là đồ gia bảo nên có nghèo đói cũng nhất định không cầm, bán mà để lại cho con cháu. Hiện giờ, tôi vẫn đang giữ số trang sức đó".
Các nạn nhân khác cũng tương tự, nhiều người chỉ còn nước tự tử vì đã tin tưởng và dốc sạch gia tài, thậm chí vay nợ để đưa tiền cho Nguyễn Văn Mười Hai kinh doanh. Có thông tin, con số người liên quan đến triệu người.
Nguyễn Văn Mười Hai từng chia sẻ: Hồi đó tôi làm việc như trâu, ngày đến 18 tiếng đồng hồ, ăn ngày có một cữ thôi. Gia đình tôi gốc là cách mạng, nhà mười mấy người con, mới 7 tuổi đã phải đi làm lụng. Rồi sau đó buôn bán quần jeans ở chợ Tân Định… Tuổi thơ của tôi không bao giờ được mặc đồ mới, 10 năm đi làm thuê sau đó mới lên làm chủ. Thời ăn bo bo quá khổ, nên tôi quyết chí làm giàu, cố gắng học hành, rèn luyện… Không có khát vọng, sống không nổi đâu”.
Khi ở trong tù, Nguyễn Văn Mười Hai nói rằng, những năm đó, ban đầu chỉ là huy động vốn để làm ăn. Sau đó, vì không cạnh tranh nổi với các mặt hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, nhưng vì vẫn cố vớt vát mà đã lỗ càng lỗ hơn, để cuối cùng bị phá sản vào năm 1990 như tất cả mọi người đều biết. Chính ông cũng rùng mình khi nghĩ tới số tiền khổng lồ mà mình đã lừa đảo, khiến nhiều người dân rơi vào cách khóc dở mếu dở.
Tuy nhiên, dù có dùng bất cứ lời biện hộ hay hối cải nào, nỗi đau mất mát tài sản của nhiều người không thể nào lấy lại. Điều hi vọng sau cùng, câu chuyện về nước hoa Thanh Hương và Nguyễn Văn Mười Hai là bài học cảnh tỉnh về việc cho vay hay đầu tư nhận lãi suất cao thiếu cơ sở, sẽ mang lại kết đắng. Nhưng bất chấp những câu chuyện lừa đảo, mất trắng tài sản, vỡ nợ đầy rẫy trên truyền thông, những câu chuyện lừa đảo như vậy, đến ngày nay vẫn cứ kéo dài.