Khi nói đến thế giới đồ xa xỉ, có lẽ không ai thành công hơn Bernard Arnault. Ông trùm thời trang Bernard Arnault đứng giữa những gã khổng lồ công nghệ với tư cách là một trong những người giàu nhất thế giới.
Doanh nhân người Pháp trở thành người giàu nhất thế giới vào tháng 5/2021, nhờ sở hữu cổ phần trong tập đoàn xa xỉ hàng đầu LVMH. Tập đoàn khổng lồ với hơn 70 thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới là minh chứng cho thói quen tiêu dùng của châu Âu trong những năm qua.
Ông trùm thời trang được mệnh danh là "kẻ huỷ diệt"
Mẹ của Bernard Arnault có "sự mê hoặc đối với Dior". Còn cha ông sở hữu công ty xây dựng dân dụng Ferret-Savinel. Sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật hàng đầu của Pháp, Bernard Arnault bắt đầu làm việc cho công ty của cha.
Năm 1976, Arnault chứng tỏ sự nhạy bén trong kinh doanh khi thuyết phục cha bán bớt mảng xây dựng và tập trung vào bất động sản. Ông kế nhiệm cha làm chủ tịch của công ty mới có tên là Ferinel, chuyên về chỗ ở cho kỳ nghỉ.
Tuy nhiên, tham vọng của Arnault vượt xa cả lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Trong chuyến thăm đến New York (Mỹ), Arnault bắt chuyện với tài xế taxi. Cuộc trò chuyện giữa hai người đã gieo hạt giống phát triển tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới vào Arnault.
Arnault hỏi tài xế liệu người đó có biết Tổng thống Pháp lúc đó (Georges Pompidou) là ai không. "Không, nhưng tôi biết Christian Dior", tài xế đáp. Câu trả lời khiến Arnault mở rộng tầm mắt về sức mạnh của các thương hiệu xa xỉ.
Bernard Arnault là ông chủ đứng sau tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới. Ảnh: Forbes India.
Năm 1984, Arnault khi đó là nhà phát triển bất động sản trẻ, nghe rằng chính phủ Pháp tìm người tiếp quản đế chế đang trên bờ phá sản Boussac Saint-Frères - tập đoàn dệt may và bán lẻ thuộc sở hữu của Christian Dior.
Con mắt của Arnault đã gắn chặt vào công ty thời trang cao cấp này. Arnault đã mua lại công ty hàng xa xỉ Financière Agache và trở thành giám đốc điều hành của nó. Ông sau đó giành chiến thắng trong cuộc chiến đấu thầu giành lấy Boussac Saint-Frères. Cùng với Christian Dior, tài sản của Boussac bao gồm cửa hàng bách hóa Le Bon Marché , cửa hàng bán lẻ Conforama và nhà sản xuất tã giấy Peaudouce.
Arnault sau đó thực hiện bước đi táo bạo và tàn nhẫn. Một số quan chức chính phủ nói rằng Arnault hứa sẽ bảo toàn công việc và tài sản, nhưng Arnault khẳng định cam kết duy nhất mà ông đưa ra là làm cho công ty có lãi. Ông đã sa thải 9.000 nhân viên, bán bớt bộ phận tã lót dùng một lần của Boussac và hầu hết hoạt động dệt may với giá 500 triệu USD (hơn 11,6 nghìn tỷ đồng) Hành động này đã tạo nên cái tên "Kẻ huỷ diệt" cho Bernard Arnault.
Khi tiếp nhận công ty, Arnault đã bán gần hết cổ phần và chỉ giữ lại thương hiệu Christian Dior và cửa hàng bách hóa Le Bon Marche. Vào những năm 1980, Arnault có ý tưởng thành lập một nhóm các thương hiệu xa xỉ. Ông làm việc với giám đốc điều hành Alain Chevalier của Moët Hennessy và chủ tịch Henry Racamier của Louis Vuitton, hai công ty mang tính biểu tượng của Pháp. Năm 1987, tập đoàn chuyên về hàng xa xỉ của Pháp LVMH ra đời.
Ông trùm tập đoàn xa xỉ LVMH. Ảnh: Forbes.
"Sói già mặc áo cashmere" của giới thời trang
Những gì Arnault làm tiếp theo được coi là trò chơi quyền lực khét tiếng và thành công nhất của ông.
Một trong những trận chiến khốc liệt nhất trong thời trang Pháp khi Arnault chiến đấu để lật đổ Henry Racamier, tước bỏ quyền lực và phế truất Racamier khỏi hội đồng quản trị. Sau đó, Arnault thực hiện cuộc thanh trừng hàng loạt giám đốc điều hành hàng đầu.
"Các nhà phê bình ngả mũ trước sự trơ trẽn của ông, Các phương tiện truyền thông sau đó gọi Arnault là 'sói già trong chiếc áo cashmere'", cây bút của Forbes bình luận trong bài báo đăng năm 2019.
Sau khi chinh phục Moët Hennessy và Louis Vuitton, Arnault đã chi hàng tỷ USD để thâu tóm các thương hiệu trên nhiều lĩnh vực xa xỉ, bao gồm thời trang, nước hoa, đồ trang sức và đồng hồ, cùng rượu vang và rượu mạnh. Ông cũng mở rộng sự hiện diện của LVMH ra ngoài châu Âu và Bắc Mỹ sang châu Á, Nam Mỹ và Australia. Đến nay, tập đoàn sở hữu trên 70 các thương hiệu cao cấp.
Năm 1989, Arnault trở thành chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của công ty.
Bernard Arnault được mệnh danh là "sói già mặc áo cashmere".
Bí quyết thành công của ông chủ tập đoàn xa xỉ LVMH
Sau chiến thắng vào năm 1989, các nhà quan sát trong ngành đã ghi nhận thành công xuất sắc của Arnault do ông hiểu cả khía cạnh sáng tạo và tài chính khi điều hành một doanh nghiệp xa xỉ.
Về khía cạnh sáng tạo, khi Arnault xây dựng LVMH thành một đế chế xa xỉ, ông đã chứng tỏ mình là một chuyên gia trong việc tuyển dụng tài năng thiết kế cho các thương hiệu ngôi sao.
Toàn bộ trọng tâm của các đội là tạo ra "thương hiệu ngôi sao", phải đáp ứng bốn tiêu chí nghệ thuật và tài chính: Thương hiệu LVMH phải "vượt thời gian, hiện đại, phát triển nhanh và có lợi nhuận cao". Các thương hiệu ngôi sao chỉ được sinh ra khi một công ty cố gắng tạo ra các sản phẩm phù hợp với thời đại, bán hàng nhanh chóng và hấp dẫn, đồng thời thu được lợi nhuận.
Một trong những yếu tố quan trọng trong thành công của công ty là chương trình phân quyền của Arnault và nỗ lực làm nổi bật di sản từng thương hiệu của ông, để mỗi công ty được nhìn nhận độc lập theo đúng nghĩa của nó.
Theo cựu giám đốc Lloyd Blankfein của Goldman Sachs, Arnault đã nhận ra nhu cầu toàn cầu về các sản phẩm xa xỉ. Arnault hoàn toàn hiểu rõ cơ sở khách hàng của mình. Họ là những cá nhân sở hữu khối tài sản trị giá cao, có tiêu chuẩn chất lượng cao về sản phẩm và dịch vụ.
Bằng cách cung cấp chính xác những gì họ cần, Arnault đã xây dựng đế chế xa xỉ biến ông trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Arnault cũng nổi trội vì yêu thích sự sang trọng, thứ mà ông định nghĩa là sự kết hợp giữa chất lượng và sự đổi mới.
LVMH sở hữu hơn 70 thương hiệu xa xỉ trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: LVMH.
Vào năm 2019, Financial Times đã mô tả Arnault là người "bắt buộc phải sở hữu những thương hiệu đẹp và biến sự sáng tạo của họ thành lợi nhuận". Trong vòng bốn thập kỷ, ông đã xây dựng LVMH từ công ty dệt may gần như phá sản của Pháp trở thành tập đoàn toàn cầu với doanh thu 46,8 tỷ euro (hơn 1,1 triệu tỷ đồng) vào năm 2018.
Trong bối cảnh đại dịch, hoạt động du lịch toàn cầu ngừng hoạt động trong hơn một năm và các hạn chế đi lại liên tục đã thay đổi cách mọi người chi tiêu. Theo Financhill, nhu cầu đối với hàng xa xỉ ở Trung Quốc đặc biệt tăng vọt vào đầu năm 202. Điều đó đã thúc đẩy doanh thu kỷ lục và gây ra làn sóng mua vào cổ phiếu LVMH điên cuồng.
Năm 2021, tập đoàn báo cáo doanh thu 64,2 tỷ euro (hơn 1,5 triệu tỷ đồng), tăng 44% so với năm 2020 và tăng 20% so với năm 2019. Dưới sự điều hành của Arnault, LVMH hiện là một trong những tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới.
Bernard Arnault cùng con gái Delphine và con trai Antoine. Ảnh: Vogue.
Từng đứng ở vị trí giàu nhất thế giới
Đầu tháng 8/2021, khối tài sản của Bernard Arnault ước tính khoảng 198,9 tỷ USD (hơn 4,6 triệu tỷ đồng), đưa ông trở thành người giàu nhất thế giới, vượt qua tỷ phú Jeff Bezos. Thành tích này đáng chú ý vì ông là một trong số ít người châu Âu lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes, chủ yếu là người Mỹ đứng đầu.
Arnault trước đó đã trở thành người giàu nhất thế giới vào tháng 12/2019, tháng 1/2020 và tháng 5/2021.
Trong danh sách tỷ phú theo thời gian thực của Forbes, Bernard Arnault và gia đình đứng thứ hai với khối tài sản trị giá 158 tỷ USD (hơn 3,6 triệu tỷ đồng). Tỷ phú Elon Musk đứng đầu với khối tài sản trị giá 225,5 tỷ USD (hơn 5,2 triệu tỷ đồng).
Ngoài việc là doanh nhân và nhà đầu tư thành công, Arnault còn là nhà sưu tập nghệ thuật có đam mê và am hiểu. Lần mua đầu tiên của ông tại cuộc đấu giá nghệ thuật là bức vẽ đầu thế kỷ 20 về Cầu Charing Cross của Claude Monet. Hiện ông sở hữu tác phẩm của Jean-Michel Basquiat, Damien Hirst, Maurizio Cattelan, Andy Warhol và Pablo Picasso.
Ông còn cho xây dựng bảo tàng nghệ thuật và trung tâm văn hoá Louis Vuitton Foundation, được tài trợ bởi tập đoàn LVMH và các công ty con. Nó được điều hành như một tổ chức phi lợi nhuận , riêng biệt về mặt pháp lý như một phần của hoạt động quảng bá nghệ thuật và văn hóa của LVMH. Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Mỹ Frank Gehry, bảo tàng được ví là "đám mây thuỷ tinh" khi nó mở cửa vào năm 2014.
Bảo tàng nghệ thuật Louis Vuitton Foundation. Ảnh: Aquitectura Viva.