Nhìn lại cách đối nhân xử thế của Elon Musk và Mark Zuckerberg trong vụ sai thải hàng loạt: Vì sao nhân viên Twitter phẫn nộ, còn 11.000 nhân viên Meta rời đi không một lời trách móc?

Hà Lam
Tuần trước, Twitter của Elon Musk sa thải 50% nhân sự, những bất đồng đã xảy. Tuần này, Mark Zuckerberg sa thải 11.000 nhân sự Meta, tuy nhiên cách hành xử với nhiều phúc lợi dành cho người ra đi của ông chủ Meta lại nhận được nhiều đồng cảm.
nhin-lai-cach-doi-nhan-xu-the-cua-elon-musk-va-mark-zuckerberg-trong-vu-sai-thai-hang-loat-vi-sao-nhan-vien-twitter-phan-no-con-11000-nhan-vien-meta-roi-di-khong-mot-loi-trach-moc-1668066042.png

Biến động ở Twitter

Sau khi Elon Musk được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Twitter, khoảng một nửa trong số 7.500 nhân lực của công ty đã bị cho thôi việc vào tuần trước như một phần của quá trình tái tổ chức. Mặc dù Musk không tiết lộ chi tiết cụ thể về khoản lỗ, nhưng anh ấy đã tweet rằng "không có lựa chọn nào khác ngoài việc buộc thôi việc nhân viên khi công ty đang lỗ hơn 4 triệu USD/ngày”. Tuy nhiên, cách ông đuổi việc tạo nên làn sóng phẫn nộ ở Mỹ.

Twitter cho biết trong email gửi ngày 3/11: "Nếu bạn đang ở văn phòng hoặc trên đường đến văn phòng, vui lòng trở về nhà".
Đến ngày 4/11, Twitter gửi tiếp email đến nhân viên với nội dung: "Với nỗ lực đưa Twitter đi con đường lành mạnh, chúng ta sẽ trải qua giai đoạn khó khăn về việc cắt giảm nhân sự trên toàn cầu trong ngày thứ sáu (4/11)".

Kế hoạch cắt giảm nhân sự được công bố một tuần sau khi Elon Musk tiếp quản Twitter. Trong tài liệu nội bộ, vị tỷ phú muốn sa thải khoảng 3.700 nhân viên, tương đương một nửa lao động của Twitter để cắt giảm chi phí, áp dụng đạo đức làm việc mới.

Một nhân viên cho biết bộ phận kiểm duyệt nội dung của Twitter và nhóm "Curation", chịu trách nhiệm làm nổi bật các sự kiện trên nền tảng, nằm trong kế hoạch sa thải. Một giám đốc Twitter tại châu Á nói rằng đội ngũ truyền thông của công ty ở Ấn Độ cũng bị sa thải.

Ngày 4/11, một số nhân viên Twitter cho biết không thể nói lời chia tay đồng nghiệp do đã mất quyền truy cập hệ thống nội bộ.
"Dường như tôi thất nghiệp rồi. Vừa bị đăng xuất từ xa khỏi laptop và xóa khỏi nhóm Slack", tài khoản @SBkcrn cho biết trong một đoạn tweet. Hồ sơ của người này ghi nghề nghiệp là cựu quản lý cộng đồng cấp cao tại Twitter.

"Ngày thứ năm vừa qua tại văn phòng SF (San Francisco) là ngày cuối cùng Twitter vẫn là Twitter. 8 tháng mang thai và có con 9 tháng tuổi, vừa bị cắt quyền truy cập laptop", người dùng Rachel Bonn viết.

Nhiều nhân viên Twitter đã sử dụng hashtag #OneTeam để bày tỏ phẫn nộ khi bị sa thải. Trả lời một bài viết chứa hashtag, Yoel Roth, Giám đốc An toàn & Liêm chính Twitter sẵn sàng nhận tin nhắn từ mọi người để hỗ trợ. Nhiều khả năng Roth không bị sa thải trong kế hoạch của Musk.

Trong ngày 3/11, một vụ kiện tập thể được các nhân viên Twitter nộp lên tòa án, cho rằng công ty đã sa thải hàng loạt mà không thông báo trước 60 ngày như quy định của bang California. Đơn kiện cũng yêu cầu tòa án San Francisco cấm Twitter yêu cầu nhân viên ký vào biên bản thôi việc mà không thông báo rõ ràng về tính chất vụ việc.

Phản ứng của ông chủ Meta trong vụ sa thải hàng loạt

cach-doi-nhan-xu-the-cua-elon-musk-va-mark-zuckerberg-trong-vu-sai-thai-hang-loat-vi-sao-nhan-vien-twitter-phan-no-con-11000-nhan-vien-meta-roi-di-khong-mot-loi-trach-moc-1668066359.jpeg
CEO Meta Mark Zuckerberg xin lỗi và tự nhận trách nhiệm về phía mình.


Hôm thứ Tư, Meta Platforms Inc cho biết họ sẽ sa thải 13% lực lượng lao động, hoặc hơn 11.000 nhân viên. Đây là trong một trong những đợt sa thải công nghệ lớn nhất trong năm nay do công ty mẹ của Facebook phải đối mặt với chi phí tăng cao và thị trường quảng cáo phát triển yếu kém.

Cũng là sa thải nhân sự quy mô lớn, sau thông báo của Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg, phản ứng của mọi người trái ngược với sự việc tại Twitter. Vị CEO Meta đồng thời tự nhận mình là người chịu trách nhiệm trong đợt sa thải lớn đầu tiên trong lịch sử phát triển 18 năm của gã khổng lồ truyền thông xã hội.

Mark Zuckerberg sau đó có cuộc trò chuyện với các nhân viên may mắn ở lại, yêu cầu họ cảm ơn những người mất việc, đồng thời lưu ý rằng các nhân viên bên ngoài Bắc Mỹ sẽ phải đối mặt với sự không chắc chắn trong tương lai.
"Tôi muốn chịu trách nhiệm về những quyết định này", Zuckerberg chia sẻ trong tuyên bố gửi nhân viên Meta đăng trên trang web nội bộ. "Tôi biết điều này là khó khăn cho tất cả mọi người. Tôi đặc biệt xin lỗi những người bị ảnh hưởng trong kế hoạch sa thải này".

Được biết, chi tiết về gói hỗ trợ thôi việc đã sớm được Meta soạn thảo và gửi tới các nhân viên đang làm việc tại Mỹ. Những nhân viên này sẽ nhận được khoản bồi thường bằng 16 tuần lương cơ bản (tương đương 4 tháng lương), cộng thêm 2 tuần lương ứng với mỗi năm làm việc, theo Business Insider. Khoản chi trả thôi việc được cho là khá hào phóng so với các các công ty vừa thanh lọc nhân sự trong thời gian gần đây, chẳng hạn như đơn vị chủ quản Twitter.

Trong khi đó, một số nhân viên Meta may mắn được ở lại sẽ phải chia sẻ bàn làm việc như một biện pháp cắt giảm chi phí và giảm diện tích thuê văn phòng. Điều này được kỳ vọng sẽ dẫn đến một "sự thay đổi văn hóa có ý nghĩa" trong cách Meta hoạt động.

"Nhằm thu hẹp diện tích bất động sản, chúng ta sẽ chuyển sang hình thức chia sẻ bàn làm việc với những người dành phần lớn thời gian hoạt động bên ngoài văn phòng. Một vài sự thay đổi khác sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng tới", Zuckerberg cho biết.

Ngoài thanh lọc nhân sự, tỷ phú Zuckerberg khẳng định Meta đang cố gắng trở thành một công ty tinh gọn thông qua việc cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết và kéo dài thời gian đóng băng tuyển dụng.
Theo đại diện Meta, quyết định về việc ai sẽ bị sa thải được đưa ra bởi "các cấp lãnh đạo cao nhất". Các nhà quản lý trực tiếp không tham gia vào kế hoạch này, theo Bloomberg.

Sau khi bị sa thải, nhân viên Meta vẫn có quyền truy cập email để có cơ hội nói lời tạm biệt với đồng nghiệp, dù trước đó đã bị gạch khỏi hệ thống thông tin nội bộ nhạy cảm. Họ cũng sẽ tiếp tục được chi trả phí bảo hiểm trong 6 tháng, nhận trợ cấp sinh hoạt, đồng thời được công ty hỗ trợ tìm việc mới trong 3 tháng, bao gồm "quyền ưu tiên với các nhu cầu tuyển dụng chưa được công bố". Ngoài ra, 11.000 nhân viên này sẽ nhận được cổ phiếu hạn chế có hiệu lực vào ngày 15/11, đồng nghĩa với việc vẫn có thể kiếm tiền bằng cổ phiếu mặc dù đã bị sa thải.

Trước đó, Zuckerberg đã cảnh báo về kế hoạch cắt giảm chi phí và tái cấu trúc đội ngũ nhân sự nhằm thích ứng với một thị trường đang biến động. Menlo Park, công ty có trụ sở tại California, đồng sở hữu Messenger và WhatsApp, đã đóng băng tuyển dụng, đồng thời cho biết số lượng nhân viên vào năm 2023 của Meta sẽ còn ít hơn năm nay. Zuckerberg nói trong một buổi hỏi đáp với nhân viên hồi tháng 9 rằng điều này chưa từng có trước đây.

CEO Meta cho biết: “Trong 18 năm qua, về cơ bản, chúng tôi luôn tăng trưởng nhanh hàng năm. Gần đây, việc doanh thu lần đầu tiên đi ngang và giảm nhẹ khiến chúng tôi phải điều chỉnh ”.

Tuần trước, cổ phiếu Meta đã lao dốc ngay trong phiên giao dịch, sau khi tập đoàn này cảnh báo rằng khoản lỗ từ bộ phận xây dựng metaverse Reality Labs, sẽ tăng "đáng kể" vào năm 2023.

Có thể nói, dù rời đi nhưng những nhân viên Meta vẫn có thể an tâm khi tiếp tục hưởng phúc lợi từ công ty cũ, hay những nhân viên ở lại vẫn có thể yên tâm trước các kế hoạch hay thái độ rõ ràng, nhất quán từ ông chủ. Trong nhiều phỏng vấn trước truyền thông, Mark Zuckerberg cho biết việc kiếm tiền không phải là mục tiêu hàng đầu của mình, mà kết nối thế giới mới là điều anh đang nhắm đến.