Đó là tâm lý của không ít sản phụ có ngày dự sinh vào những ngày đầu năm Nhâm Dần. Đặc biệt, nếu mang thai bé gái, tâm lý này nặng nề hơn.
“Trong số 3 sản phụ yêu cầu được mổ sớm, có 2 trường hợp mang thai bé gái”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 2 chia sẻ với VietNamNet.
Nhiều sản phụ đề nghị bác sĩ cho sinh mổ trước ngày dự sinh để tránh tuổi Nhâm Dần. |
Theo tiến sĩ Trung, một thai phụ tại Bình Dương, sang thăm khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM bày tỏ muốn được sinh con trước khi nghỉ Tết. Tuy nhiên, anh thẳng thắn từ chối. Lý do, là sản phụ mang thai tuần thứ 34, tuổi thai còn rất non.
Dù bị từ chối, chị vẫn tha thiết thuyết phục bác sĩ. Chị mang toàn bộ hồ sơ sản khoa để xem xét lại có nhầm lẫn gì trong việc… đếm ngày dự sinh hay không.
Nắm bắt tâm lý của sản phụ này muốn né sinh con gái vào năm Nhâm Dần (chỉ còn 8 ngày tới), tiến sĩ Trung đã tư vấn kỹ lưỡng, bởi nếu mổ bắt con ở giai đoạn này, sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi.
“Trường hợp này chắc chắn không thể thực hiện, vì tuổi thai còn rất non, thai đang phát triển bình thường. Những thai nhi chưa đủ tuổi bắt buộc phải mổ chỉ khi gặp vấn đề nghiêm trọng như suy tim thai, chậm phát triển, sản phụ bị thiểu ối hoặc tình trạng cấp cứu…
Khi đó, chúng tôi bắt buộc phải chấm dứt thai kỳ, đưa thai nhi ra vì tính mạng của cả mẹ và con”, tiến sĩ Nguyễn HữuTrung cho hay.
Trường hợp thứ hai là thai phụ sinh năm 1984, mang thai bé gái ở tuần 39. Sản phụ đến thăm khám và đề nghị được sinh con vào 1-2 ngày tới bằng phương pháp sinh mổ. Người mẹ tâm sự với bác sĩ, chị mong con gái kịp sinh trước tết âm lịch để mang tuổi Sửu.
Thông qua hồ sơ khám thai và các chỉ số xét nghiệm, siêu âm cho thấy thai nhi khỏe mạnh, đủ 39 tuần, thời gian sinh mổ phù hợp ở tuần thai 40. Vì vậy, chị được sắp xếp sinh chủ động theo nguyện vọng mà vẫn đảm bảo an toàn cho 2 mẹ con.
Người mẹ này giãi bày, theo quan niệm dân gian, nếu con gái sinh ra mang tuổi Dần sẽ vừa khổ vừa vất vả, rất tội cho con.
Một nguyên nhân quan trọng khác, vì dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp, chị phải thuê một người chăm sóc cố định trong bệnh viện. Việc tìm người lúc này rất khó khăn, nên chị phải cân nhắc ngày sinh con trùng khớp với thời gian thuê người chăm sóc.
Bên cạnh đó, nếu sinh mổ thuận lợi, sản phụ chỉ cần nằm viện 4-5 ngày và về nhà nghỉ ngơi, đón tết cùng gia đình.
“Đây là sản phụ không tham gia Bảo hiểm y tế, do đó chi phí ca sinh mổ sẽ do gia đình chi trả toàn bộ”, tiến sĩ Trung cho hay.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung bên cạnh một em bé vừa chào đời. |
Lời yêu cầu thứ ba trong sáng nay bác sĩ Trung nhận được, là từ thai phụ đang theo dõi tại phòng khám riêng của anh. Theo đó, sản phụ mang thai con so, đến nay được 37 tuần.
Người mẹ muốn được sinh chủ động vào ngày 28 tết, tức là trong 1 tuần tới. Khi đó thai nhi mới được 38 tuần. Với các diễn tiến hiện tại của thai kỳ, anh không thể đáp ứng yêu cầu của sản phụ.
“Tuần cuối cùng của năm cũ thường xuyên xảy ra tình trạng này. Tết năm nay là con hổ, người ta lại càng tránh lịch sinh con hơn vì ai cũng lo lắng nếu con tuổi Dần. Tâm lý này không chỉ có ở người mang thai con gái mà với bé trai cũng vậy”.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trung khuyến cáo, giữa hai phương pháp sinh thường tự nhiên và sinh mổ, sinh thường ngả âm đạo vẫn có lợi nhất cho cả mẹ và con.
Trong khi đó, việc mổ lấy thai theo yêu cầu của sản phụ chỉ được xem xét lên kế hoạch sau tuần thứ 39 của thai nhi. “Nếu tất cả các xét nghiệm, siêu âm thai nhi đều bình thường, thai nhi đủ 39 tuần trở lên để được phát triển an toàn và tốt nhất khi chào đời”, tiến sĩ Nguyễn Hữu Trung chia sẻ.
Những trường hợp can thiệp sinh mổ non tuần chỉ xảy ra khi thai kỳ có bất trắc, đe dọa tính mạng mẹ và con. Ví dụ, khi sản phụ gặp vấn đề nước ối, thai nhi bị suy tim, chậm phát triển… thì có chỉ định mổ cấp cứu chấm dứt thai kỳ.
Việc sinh con non tuần có thể khiến trẻ bị suy hô hấp, gặp nhiều biến chứng, phải can thiệp y khoa.
Bên cạnh đó, sinh mổ cũng có tỷ lệ biến chứng như mọi phẫu thuật khác như nhiễm trùng vết mổ, nguy cơ nhau bám vết mổ, nhau cài răng lược, nguy cơ sinh non… trong lần mang thai tiếp theo.
“Tốt nhất thai phụ nên chọn sinh thường theo ngả tự nhiên. Trong trường hợp phải sinh mổ, phải tuân thủ nghiêm các chỉ định của bác sĩ sản khoa”, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 2 chia sẻ.
Chị H.T.D và anh N.B.L (cùng sinh năm 1993) sống tại quận Tân Bình, TP.HCM đã kết hôn được 1 năm. Gia đình hai bên đều hối thúc chuyện sinh con sớm để ông bà chăm sóc. Tuy nhiên, chị D. tìm cách trì hoãn. Ngoài mục đích phải chuẩn bị kỹ về kinh tế, tâm lý, chị còn sợ nếu mang thai bé gái, sẽ sinh trong năm Nhâm Dần. “Mình mang thai không thể chọn được gái hay trai, nếu là gái thì thương nó lắm. Con gái tuổi Dần cao số lắm, tội nghiệp con. ”, chị Dung chia sẻ.