Theo Vogue, giày dép mũi vuông là một trong những thiết kế mang tính biểu tượng của năm 2019 và tiếp tục gây sốt năm nay. Mẫu phụ kiện được đánh giá mang vẻ đẹp táo bạo, vừa hoài cổ vừa hiện đại, không lỗi thời. Suốt ba năm qua, giày dép mũi vuông không ngừng được tìm kiếm, mua sắm. Theo WWW, hiếm có cô gái yêu thời trang nào không có món đồ này trong tủ.
Theo các tài liệu ghi chép của Viện trang phục Kyoto, giày dép mũi vuông xuất hiện từ năm 300 trước công nguyên. Cho đến năm 300 sau công nguyên, kiểu dáng này phát triển ở nhiều nền văn hóa trên thế giới. Ở Nhật Bản, geta (guốc gỗ truyền thống) và zori (xăng đan đan bằng rơm rạ, vải, gỗ sơn mài, da, cao su...) là ví dụ điển hình về thiết kế mũi vuông, được người dân sử dụng khi xuống ruộng. Ảnh tài liệu
Trước những năm 1600, phong cách mũi vuông (giày số 4) bắt đầu xuất hiện rầm rộ trong giới thượng lưu ở châu Âu. Rebecca Shawcross, người phụ trách mảng giày cao cấp của Bảo tàng và Phòng trưng bày Nghệ thuật Northampton, nói với TZR: "Năm 1500, kiểu giày bệt mũi nhọn không còn được ưa chuộng nữa và được thay thế bằng loại giày có mũi vuông rộng. Mọi người ví chúng như túi đựng bàn chân. Vua Henry VIII của Anh rất chuộng kiểu giày này và thường xuyên đặt làm". Ảnh: imageBROKER
Thập niên 1600, những đôi giày mũi vuông tìm được chỗ đứng trong mọi tầng lớp người dân ở châu Âu. Trong bức tranh sơn dầu được vẽ đầu những năm 1630, bá tước Hà Lan Henry Rich mang giày mũi vuông với phần đế kéo dài dưới gót chân, tạo thành giày đế bằng để tránh bị lún trên nền đất mềm. Kiểu thiết kế này được nhiều người ưa chuộng thời đó. Ảnh tài liệu
Theo BBC, cuối thế kỷ 17, giày mũi vuông có bước tiến mới khi phần mũi thon thả hơn. Ảnh tài liệu
Giày dép mũi vuông trong thập niên 1800 thiết kế đơn giản hơn, có phần gót thấp hoặc đế bằng, không còn cao như trước. Chúng thường có dây ruy băng vắt ngang mu bàn chân để giữ chân chắc chắn. Ảnh tài liệu
Những năm 1900, giày mũi vuông đánh dấu một bước tiến mới trong cải cách kiểu dáng. Vào thập niên 1930-1940, món đồ được thiết kế tinh tế và thanh lịch, thường có gót cao 5-7 cm, giúp phụ nữ tôn dáng, dễ dàng kết hợp cùng nhiều kiểu đầm và quần tây. Ảnh tài liệu
Sau khi bị thất sủng ở thập niên 1950, nhường chỗ cho giày mũi nhọn lên ngôi, giày mũi vuông được yêu thích trở lại vào những năm 1960, 1970. Những người có tầm ảnh hưởng như Nữ công tước xứ Windsor, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Jacqueline Kennedy, huyền thoại điện ảnh Catherine Deneuve đều chuộng phong cách này. Các nhà mốt như Céline, Dior, Yves Saint Laurent, Charles Jourdan... tích cực lăng xê, khiến chúng trở nên gây sốt. Ảnh: UIG
Giày Christian Dior cuối thập niên 1960. Ảnh: Northampton Museum and Art Gallery
Từ cuối những năm 1960, giày mũi vuông điệu đàng hơn, thường bọc satin, đính đá để tăng sức hút trong các bữa tiệc.
Trong những năm 1980, rất ít nhà thiết kế theo đuổi phong cách giày mũi vuông. Thời điểm này, làng mốt yêu chuộng giày mũi nhọn, giúp nữ giới "ăn gian" chiều dài đôi chân. Rei Kawakubo và Martin Margiela là hai trong số tên tuổi kiên trì với sở thích sáng tạo giày mũi vuông. Năm 1988, Margiela gây sốt khi lần đầu ra mắt bốt Tabi mũi vuông biến tấu hình móng dê, được lấy cảm hứng từ tất tabi truyền thống của Nhật được kết hợp cùng guốc gỗ. Sau một thời gian vắng bóng, từ năm 2019, Tabi trở lại, được giới trẻ đón nhận. Ảnh: TST
Khi nhắc đến giày mũi vuông, nhiều người thường cho rằng đó là phong cách đặc trưng của thập niên 1990. Thời điểm đó, thiết kế hồi sinh, xuất hiện ồ ạt trên khắp sàn diễn thế giới. Các chi tiết như xỏ ngón, quai ngang, dây mảnh... vẫn còn được giữ nguyên đến ngày nay. Valentina Ignatova, người sáng lập thương hiệu giày By Far nổi tiếng, nói với TZR: "Thiết kế của chúng tôi bị ảnh hưởng bởi các bộ phim truyền hình đình đám như Friends hay Sex and the City". Prada, Calvin Klein được cho là hai nhà mốt truyền cảm hứng nhất cho giày dép mũi vuông thời kỳ này.
Bốn năm trở lại đây, dưới sự lăng xê của nhiều hãng mốt lớn, trong đó có Bottega Veneta, giày dép mũi vuông được nhiều cô gái sủng ái, tượng trưng cho phong cách hiện đại và sành điệu. Ảnh: Laila Magazine