Khi quý tộc “đánh ghen”: Nam Phương Hoàng hậu gửi thư dặn dò người tình của chồng

Hà Lam
Hoàng đế Bảo Đại từng chống lại cuộc hôn nhân do Thái hậu sắp đặt để cưới Nam Phương Hoàng hậu, tiểu thư gia tộc hào môn danh giá đất Nam kì, hứa chỉ “một vợ một chồng”. Nhưng sau 10 năm, có với nhau 5 người con, ông chạy theo nhiều người phụ nữ khác … 
khi-quy-toc-danh-ghen-nam-phuong-hoang-hau-gui-thu-dan-do-nguoi-tinh-cua-chong-1660816790.png

Nam Phương Hoàng hậu là vợ vua Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, cũng là vị hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam. Vị hoàng hậu cuối cùng này nổi tiếng với sắc vóc, trí tuệ và xuất thân danh giá.

Là vợ vua, bà thường xuyên tháp tùng chồng trong các chuyến công du ngoại quốc hoặc đón tiếp các nguyên thủ quốc gia. Với khả năng nói tiếng Pháp trôi chảy, kiến thức và sự tinh tế, thanh lịch, khéo léo, bà đã để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng các chính khách. Ngay cả sau này, khi Hoàng đế Bảo Đại nạp thêm nhiều vợ, Nam Phương Hoàng hậu vẫn là người phụ nữ được kính nể, nổi bật hơn cả.

khi-quy-toc-danh-ghen-nam-phuong-hoang-hau-gui-thu-dan-do-nguoi-tinh-cua-chong-1-1660816951.jpeg

Nam Phương hoàng hậu cùng vua Bảo Đại.

Nam Phương Hoàng hậu tên Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh năm 1914, là thứ nữ của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình. Ông ngoại của bà là đại phú hào, Huyện Sỹ Lê Phát Đạt. Chữ “Sỹ” trong câu nói về bốn gia tộc giàu có bậc nhất Nam kỳ “nhứt Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hoả”, là nhắc về ông ngoại bà.

Bà Lan có 6 năm học tập tại Pháp, vẫn giữ được cốt cách và nét kín đáo chuẩn mực của một người con gái An Nam, hiện thân cho vẻ đẹp dịu dàng nhưng đầy tri thức, điều hiếm thấy ở phụ nữ thời bấy giờ.

Bảo Đại đã bị thu hút bởi bà Lan ngay từ lần gặp ở Đà Lạt, với vẻ ngoài giản dị, trang điểm nhẹ nhàng, phục trang là áo dài đen mua tại Pháp. Trong cuốn hồi ký “Con rồng Việt Nam”, Bảo Đại đã chia sẻ: “Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỉ niệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương”.


Để cưới bà, vua Bảo Đại đã phải chấp thuận rất nhiều yêu cầu từ gia đình đại phú hào như bà Lan và con được phép giữ đạo Công giáo, tấn phong làm Hoàng hậu ngay sau khi cưới, và đặc biệt chỉ được “một vợ một chồng”, không được phép nạp thêm thê thiếp. Cũng để cưới bà, vua Bảo Đại đã từ chối cuộc hôn nhân do mẹ là thái hậu Từ Cung lựa chọn, là con gái của một vị phó bảng quê ở Phong Điền (Thừa Thiên), đã chuẩn bị mọi thứ để tiến cung.

khi-quy-toc-danh-ghen-nam-phuong-hoang-hau-gui-thu-dan-do-nguoi-tinh-cua-chong-7-1660817341.png
Nam Phương hoàng hậu trong ngày cưới.

Ông khẳng định với mẹ rằng nếu không lấy được Thị Lan ông sẽ độc thân suốt đời. Trước sự cương quyết của nhà vua, thái hậu rất buồn, còn cả triều đình như dậy sóng.

Đám cưới cử hành ngày 20/3/1934 tại Điện Dưỡng Tâm (Tử Cấm Thành – Huế). Khi đó Bảo Đại 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan tròn 20. Sau 10 năm chung sống hạnh phúc, Nam Phương Hoàng hậu sinh cho Bảo Đại 5 người con.

nam-phuong-hoang-hau-1660817741.jpeg
Nhan sắc và gu thời trang khiến nhiều người trầm trồ của hoàng hậu.

Mọi thứ đã thay đổi từ khi Bảo Đại ra Hà Nội làm Cố vấn Tối cao cho Chính phủ lâm thời, ngày 2/9/1945. Tại đây, công khai mối quan hệ với bà Mộng Điệp, người phụ nữ xinh đẹp nức tiếng, đã qua một đời chồng, đang nuôi con nhỏ. Cũng thời gian đó, ông kết đôi cùng vũ nữ Lý Lệ Hà.
Bà Lý Lệ Hà nổi tiếng về nhan sắc quyến rũ, quê ở Hải Phòng, sống bằng việc buôn hương bán phấn. Bà là hoa khôi cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức tại Hà Đông, năm 1938.

khi-quy-toc-danh-ghen-nam-phuong-hoang-hau-gui-thu-dan-do-nguoi-tinh-cua-chong-8-1660817476.jpeg
Bà Lý Lệ Hà. Ảnh chụp từ tài liệu

Sau khi lên Hà Nội, bà Lệ Hà là gái nhảy cho một vũ trường, ở phố Khâm Thiên, nổi tiếng trong giới đàn ông và được nhiều người theo đuổi. Nhờ sắc đẹp của mình, bà được Bảo Đại công khai qua lại. Hoàng hậu Nam Phương biết hết mọi chuyện của chồng.

Khi ông Nguyễn Khắc Hòe đem thư của Bảo Đại gửi Nam Phương hoàng hậu, nội dung xin tiền vợ, bà đã hỏi về mối quan hệ của chồng với nhân tình.
“Tôi muốn ông cho biết tất cả sự thật việc ông Vĩnh Thụy mê cô Lý” - bà gặng hỏi.
Trước câu hỏi bất ngờ của hoàng hậu, ông Nguyễn Khắc Hòe nói vũ nữ kia là một người đàn bà đẹp, nhưng chữ “đức” hẳn nhiên là xấu. Ông khuyên Nam Phương Hoàng hậu nên ra Hà Nội để làm rõ chuyện và giải quyết vấn đề với cô Lý kia.

Hoàng hậu từ chối vì e ngại sẽ làm tốn kém thêm cho nhà nước trong lúc đầu chính phủ đang nghèo, lo trăm chuyện và không muốn khiến cựu hoàng đang vui sướng trở thành đau khổ, gò bó, dù bà rất muốn ra Bắc sum họp với chồng.

“Thôi! Tôi đành chịu đựng riêng một mình để cho người ta vui sướng”, bà đáp lời ông Hoè và gửi cho Bảo Đại số tiền muốn xin.
Năm 1946, Bảo Đại tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh (Trung Quốc) nhưng khi công việc kết thúc, cựu hoàng nhất định không trở về nước.
Lý Lệ Hà sau đó đã sang Trùng Khánh tìm Bảo Đại, sống chung với Bảo Đại rồi cùng ông xin đi tỵ nạn ở Hong Kong. Có thông tin kể rằng, thời gian đó, toàn bộ chi chí của vua Bảo Đại là do bà chi trả, từ khoản tiền tích cóp trong quá trình làm nghề của bà.

Khi chồng mình cùng phụ nữ khác sống với nhau ở Hồng Kông, Nam Phương Hoàng hậu đã gửi riêng nhân tình của chồng một lá thư – được xem là màn "đánh ghen" thâm thúy của vị hoàng hậu xuất thân danh giá.
“Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hồng Kông. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương!”, bà viết.
Bức thư chỉ vọn vẻn 66 chữ có nội dung rất chừng mực, thể hiện đúng phong thái của bậc Mẫu nghi thiên hạ.

nam-phuong-hoang-hau-2-1660818072.jpeg
Bức ảnh được chụp sau Nguyễn Hữu Thị Lan chính thức trở thành Hoàng hậu.

Trong bức thư, bà cũng đưa tên Từ Cung thái hậu vào, có vẻ như ngầm thể hiện vị thế của bà trong gia đình, một chính thất hiểu chồng mình và nhân tình đã và đang làm gì bên ngoài, vừa cho phép điều này xảy ra.
Ẩn sâu trong đó là người phụ nữ sâu sắc, là những lời răn đe cô gái nhảy phải biết cách cư xử, tự ý thức được việc mình làm, đừng để ảnh hưởng đến thanh danh của Hoàng đế và Hoàng tộc.
Đồng thời, bức thư được xem như cảm giác bất lực, thất vọng trước thói trăng hoa, phụ bạc của người chồng, nhưng vẫn đầy lòng yêu thương, quan tâm trong đó.
Không rõ bà Lý Lệ Hà đã phản ứng như thế nào sau khi nhận thư, nhưng nhiều năm, bà Hà đã giữ giùn nó như một kỷ vật rất quan trọng của cuộc đời. Lý Lệ Hà còn từng cho Bảo Đại xem lá thư này.

khi-quy-toc-danh-ghen-nam-phuong-hoang-hau-gui-thu-dan-do-nguoi-tinh-cua-chong-4-1660817341.jpeg
Nam Phương hoàng hậu cùng các con.

Tháng 8/1947, Nam Phương hoàng hậu đưa các con sang Hồng Kông gặp chồng, rồi từ đó đến Pháp sinh sống, sống một đời sung túc, lẻ loi dù lúc đó nhan sắc của bà rất xinh đẹp, chưa từng bước thêm một mối quan hệ với người nào khác. Lúc lâm chung, ngoài hai người giúp việc thì không có người ruột thịt nào bên cạnh bà. Các con bà lúc đó đang đi học hoặc làm việc tại Paris, Bảo Đại thì đang sống tại miền Nam nước Pháp.

Được tin bà Nam Phương tạ thế, Bảo Đại trở về và đã mua một chiếc quan tài bằng gỗ sồi, loại gỗ quý giá nhất của người Pháp để an táng vợ, người phụ nữ mà cho tới tận cuối đời cũng không từng bị ai chê trách hay than phiền.
Về cuộc tình của vũ nữ Lệ Hà và Bảo Đại, hai người cuối cùng cũng kết thúc khi ông về nước, mang theo tất cả nhân tình, trừ bà. Đến cuối đời, Bảo Đại có hơn 8 người vợ.