Huyền thoại “tái sinh” đau đớn của đại bàng: thay đổi hoặc chết

Hoài Trần
Một con chim đại bàng thông thường chỉ sống được khoảng 40 năm. Để tiếp tục sống, có thông tin cho rằng đại bàng chịu đau đớn "đập gãy mỏ", "tự nhổ từng chiếc lông" để làm một cuộc “tái sinh”. Câu chuyện đó đã truyền cảm hứng cho nhiều người …

Không phải con đại bàng nào cũng sống được qua tuổi 40

Đại bàng là loài chim có tuổi thọ cao nhất, cuộc đời của chúng có thể kéo dài tới 70 năm. Để sống được quãng đời dài nhất, vào năm thứ 40, chim đại bàng phải vượt qua một giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời.

Năm 40 tuổi, móng vuốt đại bàng dài ra và không còn linh hoạt để có thể quắp mồi được nữa. Chiếc mỏ dài và sắc bén của nó cùn đi, cong lại. Đôi cánh già nua, nặng nề, bộ lông mọc dài, bết dính khiến cho nó không thể bay lượn, săn mồi.

Để tồn tại, chim đại bàng phải vượt qua một quá trình biến đổi đau đớn kéo dài 150 ngày để có thể tiếp tục làm "chúa tể bầu trời". Nếu không, chúng sẽ chết dần.

Chính xác, đại bàng đầu trắng tinh mắt gấp 4 lần con người - VnExpress

Trong tiến trình "lột xác" đó, đại bàng bay lên một đỉnh núi cao, trú ẩn trong tổ và gõ mỏ vào đá cho đến khi mỏ cũ gãy rời ra. Đại bàng phải chờ mỏ mới mọc trở lại, rồi dùng mỏ bẻ gãy các móng vuốt cũ đã mòn. Giống như móng tay của con người, mỏ đại bàng liên tục phát triển. Nó cọ mỏ vào vách đá hay thân cây để mỏ thêm cứng và sắc hơn. Chiếc mỏ cứng cáp đó sẽ theo đại bàng trong suốt quãng đời tiếp theo.

Sau đó, con chim dùng mỏ và vuốt nhổ hết lớp lông đã già trên mình như một hình thức "lột da". Đối với loài chim, không có lông, không có mỏ, chúng sẽ phải chịu đói vì không thể bay lượn hay săn mồi. Quá trình nhổ lông cũng khiến đại bàng phải chịu nhiều tổn thương, đau đớn, thậm chí có thể khiến con chim mất mạng vì chảy máu hay nhiễm trùng. Nhưng nếu vượt qua được, 5 tháng sau đại bàng có thể bay lượn với bộ cánh mới, chào mừng cuộc đời một lần nữa và sống thêm 30 năm.

Bài học từ cuộc "tái sinh" đầy đau đớn của đại bàng

Cuộc tái sinh của đại bàng giống như câu chuyện huyền thoại. Nhưng điều chúng ta bàn tới không phải vòng đời của một loài chim. Quá trình "tái sinh" đầy đau đớn của đại bàng cũng giống như những sóng gió xảy ra trong cuộc đời con người. Mỗi chúng ta muốn phát triển, bước sang một trang cuộc đời mới thì phải thay đổi, dám dấn thân và mạo hiểm.

Tại sao cần thay đổi? Cuộc sống luôn biến đổi và có những điều bất ngờ nằm ngoài sự kiểm soát chủ quan. Để tồn tại và phát triển hơn, chúng ta phải bắt đầu quá trình thay đổi, thích ứng với hoàn cảnh. Đôi khi, chúng ta phải loại bỏ những kí ức, thói quen và lối mòn cũ. Chỉ khi thoát khỏi gánh nặng của quá khứ, chúng ta mới có thể sống hết mình với hiện tại.

Con người sinh ra không thể tránh khỏi những lúc thất vọng, buồn chán, đau khổ, vấp ngã. Bởi vậy, để tồn tại và phát triển được chúng ta phải đối mặt với vấn đề, học hỏi, thích nghi và xử lý chúng. Muốn đạt được mục tiêu đo, chúng ta phải dũng cảm chấp nhận đau đớn, sửa cái tôi, sửa những thói quen đã thành tập tính để vượt lên chính bản thân mình. Khi bạn vượt qua được khó khăn, chịu đựng nhiều thử thách, đau khổ, bạn sẽ được tái sinh và tiếp thêm năng lượng cho một hành trình mới cao hơn, xa hơn.

Khó khăn trong cuộc sống cũng là những thử thách, đôi khi chúng có tính chất sống còn. Trong chúng ta, bao nhiêu người dám thử "đập gãy mỏ", "tự nhổ từng chiếc lông" để làm một cuộc tái sinh như đại bàng?