Góc khuất cuộc đời Võ Tắc Thiên: ngoài bị đồn đoán là độc ác và thủ đoạn, bà có phải là người phụ nữ giàu có nhất lịch sử?

Bảo Long
Khối tài sản của người phụ nữ giàu nhất thế giới cũng không là gì khi đem so với sự xa hoa trong quá khứ của vị nữ hoàng đế Trung Hoa Võ Tắc Thiên.
hinh1-1647335992.jpg
Tạo hình Võ Tắc Thiên trong phim Võ Tắc Thiên truyền kỳ.

Võ Tắc Thiên là một nhân vật quen thuộc xuất hiện trong vô số các bộ phim cổ trang. Cuộc đời của bà dù gắn liền với những cuộc đấu đá tàn nhẫn nhưng chính bà cũng là người đã sử dụng tài năng của mình để giúp đất nước Trung Hoa trở nên hưng thịnh. Ngoài ra, bà còn nổi tiếng về độ giàu có.

Tranh cãi về độ giàu có, vượt qua người phụ nữ giàu nhất thế giới?

Người phụ nữ giàu nhất thế giới hiện tại là L’Oréal heiress Françoise Bettencourt Meyers với tổng số tài sản ước tính đạt 73,8 tỷ đô, xếp thứ 12 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh. Không có gì để bàn cãi khi nói rằng đó là một khối tài sản khổng lồ, thế nhưng nó chẳng là gì khi đem so với sự xa hoa trong quá khứ của vị nữ hoàng đế Trung Hoa Võ Tắc Thiên.

Võ Tắc Thiên trị vì đất nước Trung Hoa từ năm 624 đến năm 705, lúc đó GDP của Trung Quốc ước tính chiếm khoảng 23% tổng GDP toàn cầu. Nếu một cá nhân nắm giữ toàn bộ lượng tài sản không tưởng kể trên thì tính theo thời điểm hiện tại sẽ đang sở hữu hơn 16 nghìn tỷ đô. Tuy rằng việc so sánh tài sản giữa hiện tại và quá khứ cách đây hàng thế kỷ là một việc cực kỳ khó khăn, nhưng nếu xét về độ giàu có của đất nước Trung Quốc tại thời điểm đó, chúng ta vẫn sẽ có cơ sở khi khẳng định rằng Võ Tắc Thiên là người phụ nữ giàu có nhất trong lịch sử.

Độ giàu có của Võ Tắc Thiên vẫn là một chủ đề gây tranh cãi nhưng có một điều chắc chắn về vị hoàng đế này chính là sức ảnh hưởng to lớn của bà đối với lịch sử Trung Quốc. Nếu những gì được ghi chép trong sử sách là chính xác, thì Võ Tắc Thiên đã chính tay sát hại một trong số những người con của mình, nhiều lần soán ngôi những người con trai của bà, và sau đó trị vì đất nước với sự giúp sức của một lực lượng cảnh vệ ngầm.

Với một cuộc đời đầy sóng gió như vậy, thật không quá bất ngờ khi đã có vô số các bộ phim về bà, trong đó nổi bật nhất là phim Võ Mỵ Nương truyền kỳ ra mắt năm 2015 do Phạm Băng Băng đóng vai chính. Bộ phim này đã bị kiểm duyệt nặng nề vì lý do trang phục nhạy cảm.

Người phụ nữ có hai đời chồng là ... cha con ruột

Xuất thân của Võ Tắc Thiên cho đến ngày nay vẫn là một bí ẩn. Có nhiều báo cáo mâu thuẫn với nhau cho rằng Võ Tắc Thiên có thể đã được sinh ra tại tỉnh Tây Sơn, Tứ Xuyên hoặc Thiểm Tây của Trung Quốc ngày nay. Điều mà chúng ta biết chắc chắn là cha của bà là một người buôn gỗ giàu có và ông có mối quan hệ thân thiết với viên quan Lý Uyên, người sau này là Hoàng Đế Đường Cao Tổ khai sinh triều đại nhà Đường. Trái ngược với xu hướng tại thời điểm đó, cha của bà đã cho con gái mình ăn học đầy đủ. Bà học cao hiểu rộng và vào năm 14 tuổi đã trở thành phi tần của Hoàng Đế Đường Thái Tông. Bà vẫn tiếp tục việc đọc sách ngay cả sau khi đã vào hậu cung.

Sau khi vua Đường Thái Tông qua đời năm 649, Võ Mỵ Nương vì không sinh được con cho hoàng đế nên theo thông lệ bà bị buộc phải dành cả quãng đời còn lại cho việc tu hành. Võ Mỵ Nương được cho là đã có mối quan hệ ngầm với con trai của Đường Thái Tông là thái tử Lý Trị trong khi ông vẫn còn sống. Đó có thể là sự thật hoặc không, tuy vậy sau khi lên ngôi, thái tử Lý Trị tức Đường Cao Tông đã cho dừng việc tu hành Võ Mỵ Nương và phong cho bà làm phi tần, tất cả diễn ra chỉ trong một năm.

hinh2-1647336183.jpg
Ảnh: minh họa

Sau khi trở về hậu cung, Võ Mỵ Nương đã có cuộc đấu đá gay gắt với Vương Hoàng Hậu và cả hai cố gắng lật đổ nhau. Năm 654, Võ Mỵ Nương sinh một đứa con gái và đứa bé đã mất ngay sau đó. Dù có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng Vương hoàng hậu đã sát hại đứa bé, nhưng do cuộc đối đầu gay gắt đang diễn ra lúc đó, nhiều sử gia vẫn cho rằng Võ Mỵ Nương đã sát hại chính người con của mình để đổ tội cho Vương hoàng hậu dù không có đủ bằng chứng để xác thực giả thuyết trên. Một năm sau đó, Võ Mỵ Nương tố cáo Vương hoàng hậu đã cùng mẫu thân sử dụng bùa phép để hãm hại mình, một sự kiện đã dẫn đến sự phế truất của Vương hoàng hậu.

Võ Mỵ Nương được phong hoàng hậu vào năm 655. Trong vòng năm năm sau đó, sức khỏe của Hoàng Đế Đường Cao Tông bắt đầu suy giảm trầm trọng với những cơn đau đầu và mất thị lực xuất hiện thường xuyên, nguyên do được cho là do huyết áp cao. Trở nên bất lực, ông bắt đầu giao lại việc triều chính cho hoàng hậu. Sử gia Bá Dương cho rằng bệnh của Đường Cao Tông chính là do bị Võ Hoàng Hậu đầu độc ngày qua ngày. Lúc này, Võ Mỵ Nương đã nắm trong tay rất nhiều quyền lực.

Bị đồn giết con để bảo vệ quyền lực

Mặc cho những tin đồn xoay quanh mình và mặc cho việc bản thân là phụ nữ, Võ Mỵ Nương vẫn làm mọi cách để duy trì quyền lực ngay cả bằng những hành động cực kỳ nhẫn tâm. Năm 657, con trai cả của Võ Mỵ Nương và Hoàng Đế Đường Cao Tông là Lý Hoằng qua đời. Một lần nữa, các sử gia lại đưa ra giả thuyết khẳng định chính Võ Hoàng Hậu là nguyên nhân của cái chết này, một số cho rằng bà cảm thấy bất an khi người con trai cả này có tham vọng lấn lướt quyền lực của bà.

hinh3-1647336195.jpg
Ảnh: minh họa

Một cuộc đấu đá tranh giành quyền lực khác xảy ra nhiều năm sau đó, khi một vị đạo sĩ được cả Thiên Hoàng và Thiên Hậu coi trọng là Minh Sùng Nghiễm bị cuồng bạo đánh giết. Võ Hoàng Hậu đổ lỗi vụ mưu sát cho người con trai thứ của bà là Lý Hiền và tố cáo thái tử Hiền mưu đồ bất chính. Dưới áp lực của Thiên Hậu, Đường Cao Tông hạ lệnh phế Thái Tử thành thường dân và chọn lập Lý Hiển làm Thái Tử thay thế.

Dù là chủ nhân của nhiều vụ mưu sát và đấu đá kinh thiên động địa, thế nhưng Võ Hoàng Hậu lại rất giỏi việc triều chính. Bà luôn dùng đúng người, đúng việc và với tính quyết đoán, bà đã nhận được sự tín nhiệm của nhiều người.

Khi Hoàng Đế Đường Cao tông qua đời vào năm 683, Thái Tử Lý Hiển lên nối ngôi, tức Đường Trung Tông. Thiên Hậu Võ Thị vẫn nắm giữ quyền lực nhưng giờ ở vị trí Hoàng Thái Hậu. Theo như di chiếu của Đường Cao Tông, mặc dù thái tử Lý Hiển lên nối ngôi, mọi việc trong triều đều vẫn sẽ do Võ Thái Hậu quyết định. Thế nhưng Vi Hoàng Hậu lại có tham vọng riêng và nó đối nghịch với Võ Thái Hậu. Sau đó một cái kết mà ai cũng có thể đoán được là chỉ trong vòng hai tháng, dưới lệnh của Võ Thái Hậu, vua Đường Trung Tông bị phế truất thành Thái Tử rồi bị đưa đi lưu đày.

hinh4-1647336195.jpg
Ảnh: minh họa

Con trai út của Võ Thái Hậu lên nối ngôi, tức Đường Duệ Tông. Lúc này quyền lực của Võ Thái Hậu tiếp tục mở rộng ngày càng lớn mạnh. Đường Duệ Tông không có thực quyền và bị ngăn cấm tham gia việc triều chính. Việc trị vì đất nước của Võ Thái Hậu dù là hiệu quả nhưng có một sự thật rõ rành rành chính là nó đang được duy trì bằng vũ lực và nỗi khiếp sợ, với sự góp sức của các viên quan hoạt động như một lực lượng cảnh vệ ngầm.

Lên ngôi Hoàng đế, đưa đất nước thịnh vượng

Cảm thấy không thỏa mãn khi phải đứng sau điều hành, vào năm 690, Võ Thái Hậu buộc Đường Duệ Tông phải từ bỏ ngôi vị và tiếp đến thành lập nhà Chu, lúc này bà chính thức lên ngôi Hoàng Đế. Dù triều đại này chỉ tồn tại ngắn ngủi, nó vẫn tạo một dấu ấn mạnh mẽ khi duy nhất một lần trong lịch sử Trung Quốc đã có một lãnh đạo chính thức là nữ giới.

Võ Tắc Thiên tại vị trong vòng 15 năm và chính thức bị lật ngôi vào năm 705 sau khi sức khỏe của bà đã bị suy giảm trầm trọng. Đây cũng là năm cuối cùng của cuộc đời bà.

Có nhiều sử gia chỉ trích Võ Tắc Thiên, cho rằng bà là một người đàn bà mưu mô nham hiểm và đã đi quá xa trên con đường thâu tóm quyền lực. Dù vậy, việc bà lên nắm quyền đã có tác động không nhỏ đến lịch sử Trung Quốc. Bà đã chuyển đổi xã hội Trung Hoa cũ từ bị thống trị bởi các tướng lĩnh thành một xã hội mới được dẫn dắt bởi các học giả trí thức. Triều đại của bà đã giúp đất nước Trung Hoa lúc bấy giờ trở nên phồn thịnh và lớn mạnh, khiến bà trở thành một nhân vật có ảnh hưởng to lớn đối với lịch sử thế giới.