Giàu giả, sang ảo: sự thật giả lẫn lộn của cái gọi là “giàu sang” như cơn nghiện của không ít người

Hoài Trần
Sự nhầm lẫn giữa giá trị và hiện tượng dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ và biểu hiện về sự giàu có.
giau-gia-sang-ao-su-that-gia-lan-lon-cua-cai-goi-la-giau-sang-nhu-con-nghien-cua-khong-it-nguoi-1643733471.jpeg

Từ lâu, những đề tài khoe giàu, khoe sang nóng sốt không chỉ trên báo chí, mà còn rầm rộ bàn tán trên mạng xã hội. Người khoe vi vu những điểm sang chảnh để PR cho cá nhân, công ty trong khi ở nhà cấp bốn, kẻ khoe sang để livestream bán hàng... nhưng đang nợ đầm đìa. Chuyện nữ doanh nhân bóc mẽ ánh hào quang giàu sang của nhiều ngôi sao showbiz được dư luận chú ý hơn bao giờ hết. Sự thật giả lẫn lộn của cái gọi là “giàu sang” như cơn nghiện của không ít người, chỉ mang lại hệ lụy cho xã hội chứ không phải đích đến của một xã hội khá giả.

HỘI CHỨNG CÂY ANH TÚC CAO VÀ NGÀNH CÔNG NGHIỆP GIẢ GIÀU

Ai cũng thích được người khác trầm trồ, thán phục, nhất là được khen. Khoe giàu cũng nhằm mục đích đó. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đây được coi là một loại bệnh, gọi là hội chứng Tall Poppy Syndrome (Hội chứng cây anh túc cao) - một thuật ngữ nổi tiếng chỉ những người thích khoe khoang tiền tài và địa vị xã hội của người New Zealand và Úc.

Chính sự bùng nổ của mạng xã hội, internet và điện thoại thông minh giá rẻ đã làm việc khoe giàu trở nên phổ biến và thành nhu cầu của rất nhiều người. Những người giàu nhanh, mới giàu và giả giàu là những người hay khoe giàu nhất. Những người mới giàu thích khoe mình có biệt thự kiểu mới, căn hộ penthouse, xe sang đắt tiền như Mercedes, BMW, quần áo, giày dép, mũ, túi phải là những đồ hàng hiệu LV, Gucci..., còn đồ trang sức thì phải đeo khắp người. Giàu hơn nữa thì khoe du thuyền, máy bay riêng... Chính những thứ hàng xa xỉ của những người mới giàu đó lại trở thành tiêu chuẩn cho những người “giả giàu” học theo. Nhưng học theo mà lại không có tiền thì lại phải làm giả. Từ đó, hình thành nên một thị trường cung cấp dịch vụ giả giàu với giá bèo bằng cắt ghép ảnh, video hoặc thuê chỉ để chụp ảnh.

“Họ cho rằng tốt nhất nên loại bỏ sự nghèo đói, ít nhất là trên trang cá nhân của mình”, Tạp chí Maclean’s nhận định. Quan niệm “fake it ’til you make it” (Hãy giả mạo nó cho đến khi bạn có nó) đã dẫn đến hiện tượng giả giàu, rồi đến cả một ngành công nghiệp đi theo phục vụ nhu cầu giả tạo này, từ photoshop hình ảnh, thuê hàng hiệu, xe sang, nhà hàng, khách sạn 5 sao để check-in.

Theo quy luật cung cầu, cái gì có cầu ắt có cung. Muốn thành người giàu chứ gì? Dễ thôi, chỉ cần 20.000 đồng (tương đương 6 nhân dân tệ)! Đó là cả một ngành công nghiệp ở Trung Quốc, chuyên phục vụ những người thích giả giàu bằng những hình ảnh, đoạn phim được cắt ghép đăng trên mạng xã hội. Dịch vụ như vậy xuất hiện từ cách đây 6 năm.

Ai cũng có thể vào vai người giàu thông qua clip 10 giây. Họ sẽ thêm giọng nói, hình ảnh của người mua vào các video góc nhìn thứ nhất thể hiện cho thấy bạn đang đứng cạnh đống tiền, một dinh thự, một kỳ nghỉ ở khách sạn 5 sao xa xỉ, với một người nổi tiếng hoặc siêu xe... Ngoài ra, còn có các dịch vụ bao gồm video về biên lai bán xe hơi sang trọng với tên và ngày tháng đã thay đổi, cũng như các bài đăng trên mạng xã hội được gắn với vị trí ở Dubai hoặc Bali với thông tin của khách hàng, các nhà hàng dưới nước, các hòn đảo nhiệt đới và bàn tiệc phủ đầy hải sản đắt tiền.

Ở Mỹ, những người khoe giàu chuộng chuyên cơ tư nhân hơn xe sang. Các studio như Boyle Heights, Los Angeles được bài trí giống hệt chuyên cơ cá nhân với nội thất xịn sò, sang chảnh để chụp ảnh sống ảo, đánh lừa người theo dõi. Studio thường cho nhóm tối đa 6 người thuê với giá 64 USD/giờ. Đây là địa điểm chụp ảnh đầu tiên tại Los Angeles được thiết kế như một máy bay phản lực riêng độc đáo và đèn cửa sổ nhân tạo. Studio ở Los Angeles không phải là nơi duy nhất phục vụ nhu cầu sống ảo của giới influencer (người ảnh hưởng) theo cách này. Một mô hình sắp đặt được dựng lên ở Fred Segal, Los Angeles vào năm 2017 từng thu hút nhiều ngôi sao mạng xã hội đến check-in. Loạt ảnh y như đang ngồi trên máy bay thật.

Ở Nga, nổi bật nhất là dịch vụ cho thuê phi cơ riêng chỉ để khách chụp hình. Private Jet Studio tại thủ đô Moscow đưa ra giá niêm yết cho mỗi gói chụp ảnh 2 giờ trên chiếc máy bay tư nhân Gulfstream G560 là khoảng 244 USD có thợ chụp ảnh đi kèm. Nếu thuê nhân viên trang điểm, làm tóc, khách tốn thêm 434 USD. Thú cưng cũng có nếu khách muốn, còn thức ăn và rượu được bày ra như thật.

Những đồ xa xỉ trước đây là những thứ khó vươn tới thì nay những người trong tầng lớp trung lưu cũng có thể mua được, các tiêu chuẩn giá trị đó đang giảm dần theo thời gian và dần trở nên phổ biến hơn. Xe hơi Mercedes, BMW hay đồ xa xỉ LV, Hermes, Gucci nhan nhản khắp nơi. Nó không còn quá cao so với mức sống của nhiều người. Bằng cách thuê gia công sản xuất ở các nước có nguồn nguyên liệu và nhân công giá rẻ, các thương hiệu đã tạo ra được nhiều sản phẩm hạng sang nhưng giá rẻ. Nhưng bởi nó đã in trong suy nghĩ của mọi người rằng có những thứ đó là thể hiện sự giàu có, vì thế khi có nó thì phải nhanh chóng chụp ảnh khoe trên mạng xã hội. Còn không có thì có thể dễ dàng đi thuê để chụp ảnh, dịch vụ có khắp nơi.

Không giàu nhưng lại khoe giàu là hình thức lừa đảo kiểu mới, với sự bùng nổ của mạng xã hội, internet và thiết bị di động thông minh cá nhân. Những kẻ giàu “rởm” thường thể hiện lối sống xa hoa trên mạng chỉ để bán hàng hóa, các dịch vụ, chương trình cố vấn hoặc lớp học trực tuyến vô bổ với giá trên trời, hoặc đơn giản hơn là tăng tương tác, theo dõi để thỏa mãn “dục vọng” khoe. Họ lợi dụng những hình ảnh giàu có một cách trắng trợn. Còn khán giả, nếu không tỉnh táo sẽ trở thành con cá, cắn vào “mồi câu” là những hình ảnh giàu sang.

GIÀU THẬT PHẢI VẠ

Người giàu luôn kín đáo và khiêm tốn. Luật ngầm Jantelagen về sự khiêm tốn của giới giàu có Thụy Điển là một minh chứng. Ai biết còn những luật ngầm nào nữa trong tầng lớp giàu có mà thậm chí chúng ta còn chưa từng được nghe đến?

Theo nhà nghiên cứu Elizabeth Currid-Halkett về giới siêu giàu, đối với họ, vật chất chỉ đơn giản là phô trương, giờ đây họ chi tiền không tiếc tay cho đầu tư giáo dục và vốn văn hóa để thể hiện vị thế. Những món đồ xa xỉ từ các thương hiệu nổi tiếng là quá đỗi bình thường, họ luôn khao khát hướng đến sự sang trọng của những món đồ phiên bản giới hạn, khác biệt với số đông. Đó chính là tiêu chuẩn về sự độc quyền mà giới thượng lưu luôn hướng đến. Với họ, số tiền chi cho các dịch vụ giáo dục, tập luyện thể thao, sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật, giao lưu trong giới tinh hoa... vượt xa so với các khoản chi dành cho vật chất.

Khảo sát của nhà nghiên cứu Elizabeth Currid-Halkett cũng cho thấy những người giàu có đang đầu tư đáng kể vào giáo dục, hưu trí và sức khỏe - tất cả đều là những khoản chi kín đáo, nhưng lại đắt đỏ hơn bất kỳ loại túi xách hàng hiệu nào mà người thu nhập trung bình có thể mua. Nếu như 1% siêu giàu ở Mỹ đã chi gần 6% tổng thu nhập của gia đình họ cho giáo dục, con số này ở các gia đình trung lưu là 1%.

Chính vì thế, những hình ảnh giàu sang - mà thực chất là mồi câu - chỉ là những hình ảnh méo mó của người giàu. Những người giàu thật, siêu giàu theo một cách nào đó có thể hiểu là đang rất oan khi bị gắn với những hình ảnh khoe giàu kệch cỡm. Những người giàu có thật lại mặc quần jean, áo pull như tỉ phú Bill Gates, hoặc xếp hàng mua đồ giảm giá như Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook. Họ rất khiếm khi khoe những hình ảnh giàu có. Trừ khi việc khoe đó mang lại lợi ích cực kỳ lớn cho họ thì họ mới sử dụng những hình ảnh giàu có để PR, thể hiện vị thế.

Như Nam tước Charlotte De Rothschild là thành viên gia tộc giàu có Rothschild. Kênh đào Suez nổi tiếng là do gia đình này bỏ tiền đầu tư, nắm gần như phần lớn cổ phần. Họ cũng sở hữu hơn 19% số lượng mỏ vàng, kim cương trên toàn cầu, sở hữu 100 tờ báo nổi tiếng nhất thế giới... Thực tế, gia đình giàu có này khá kín tiếng, họ cấm toàn bộ nhân viên nào viết một chữ về gia tộc hay là cụm từ Rothschild. Nhưng để làm ăn, khi công du đến các nước để mở rộng mạng lưới như Thái Lan, Trung Quốc, hay Việt Nam, các diễn văn của người đại diện gia tộc đều thể hiện sự giàu có và vị thế. Những hình ảnh giàu có và vị thế đó cuối cùng cũng là công cụ PR để việc làm ăn, mở rộng mạng lưới kinh doanh của gia tộc này thêm thuận lợi.

MẶT TRÁI CỦA ẢO VỌNG GIÀU SANG

Màn livestream của nữ doanh nhân gần đây chuyên bóc phốt giới showbiz thu hút hàng trăm ngàn người xem cho thấy mặt trái của “hội chứng cây anh túc cao” ở nhiều ngôi sao, cũng là hiện tượng đáng chú ý của xã hội Việt Nam. Việt Nam mở cửa thị trường, đi từ xã hội thiếu thốn sang khá giả, tăng nhu cầu hưởng thụ vật chất và nâng cấp đời sống. Hình ảnh về cuộc sống giàu sang, đẳng cấp có sức hút với nhiều người, như một tiêu chuẩn để đánh giá thành công và nấc thang trong xã hội. Đó cũng là bình thường và là quy luật đi lên của các mô hình xã hội phát triển.

Tuy nhiên, sự khoe mẽ giàu sang, thúc giục một lối sống thiếu văn hóa với những thị hiếu dung tục đã phát sinh nhiều hiện tượng bị xã hội lên án. Đó là không ít ca sĩ, người mẫu, diễn viên tự tung hô mình là Rich Kid hay giới thượng lưu với nhà trăm tỉ, xe chục tỉ, đeo trang sức hàng hiệu vài tỉ đồng... nhưng bị bóc phốt là đồ đi thuê, mượn. Từ cực đoan này bước sang cực đoan khác do thiếu hụt một tầm nhìn văn hóa và biến tướng thành hội chứng khoe giàu một cách phản cảm.

Tại Việt Nam, ca sĩ N.L cũng khẳng định những điều mà mọi người nhìn thấy trên mạng xã hội hay trên báo chí về sự giàu có, xa xỉ của nhiều ngôi sao showbiz chưa chắc đã là thật. Có thể đằng sau những bữa tiệc sinh nhật hoành tráng, những chuyến du lịch khắp nơi hay hàng hiệu xa xỉ... họ đang nợ nần rất nhiều. “Điều này vô tình làm giới trẻ ảo tưởng về sự nổi tiếng và giàu có đến từ việc hoạt động nghệ thuật”, ca sĩ này nhấn mạnh.

Sự khoe khoang giàu sang cũng là hiện tượng “lệch chuẩn” trong một nền kinh tế vẫn được xếp trong nhóm các nước đang phát triển như Việt Nam. Thú vui “chơi ngông” của nhiều đại gia mua xe Rolls-Royce, Bentley, phi cơ riêng... khiến báo chí nước ngoài cũng phải chú ý. Bên cạnh đó, hàng xa xỉ bán chạy tại một thị trường mà mỗi người dân gánh khoảng 37 triệu đồng nợ công cũng là một “kinh ngạc” đối với nhiều ông chủ hàng hiệu.

Theo chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn tư vấn RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, thực tế dung lượng thị trường hàng xa xỉ Việt Nam lớn hơn con số khảo sát gần 1 tỉ USD rất nhiều. “Vì đối tượng khách hàng mua trực tiếp hàng xa xỉ tại Việt Nam thuộc nhóm khách hàng HENRY (High Earners Not Rich Yet - những người thu nhập cao nhưng chưa giàu) mà chúng tôi không gọi họ là trung lưu, là nhóm khách hàng cận giàu với mức thu nhập khoảng 75.000-100.000 USD/năm”, ông cho biết.

Tại Việt Nam, từng có một khảo sát của Viện Nghiên cứu về Đời sống và Con người khu vực Đông Nam Á Hakuhodo (HILL ASEAN) cho thấy có đến 96% người Việt cho rằng mình thuộc tầng lớp trung lưu. Tỉ lệ này chêch lệch khá cao so với khu vực nhưng nó phản ánh lối sống mong muốn của một nhóm người. Họ xem chi tiêu là một khoản đầu tư trả trước mà lợi ích không quan trọng bằng cảm giác đem lại khi mua sắm nó.

Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A khẳng định, khoe không phải là một hành động xấu mà đây là hành vi bình thường, phản ánh nhu cầu cần được bày tỏ bản thân của mỗi người để phục vụ cho mục đích cụ thể. Thế nhưng, khi lạm dụng nó hay tiêu cực hơn là khoe cái mình không có thì vấn đề sẽ diễn biến theo chiều hướng khác. Khoe giàu, ham hư vinh có thể nói là một thứ “dục vọng” trong con người. Nhưng khi dục vọng đó quá lớn, sẽ để lại hậu quả đáng tiếc. Bởi những thứ có thể kích thích dục vọng, ham muốn của con người nếu không bị kiểm soát sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, ảnh hưởng đến suy nghĩ của giới trẻ, mai một những giá trị sống, giá trị văn hóa của xã hội.

Các chính phủ cũng lường trước những hậu quả xấu do việc ham hư vinh, thích khoe giàu gây ra nên cũng có các chế tài, chiến dịch làm lành mạnh không gian mạng, như ở Trung Quốc. Mạng xã hội TikTok của nước này từ đầu năm 2021 đã bắt đầu cấm khoe khoang sự giàu có trên mạng của mình vì chúng quảng bá các giá trị không lành mạnh. Việc phô trương sự giàu có làm ô nhiễm bầu không khí xã hội và đặc biệt có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ vị thành niên. Nội dung bị cấm bao gồm quảng bá sự sùng bái tiền bạc, sử dụng trẻ vị thành niên trong các video liên quan đến những sản phẩm xa xỉ và thể hiện địa vị xã hội của một người theo cách không phù hợp, bao gồm cả chế nhạo người nghèo. Bịa đặt các câu chuyện - chẳng hạn từ rách rưới đến giàu có hoặc vừa du học về - để tiếp thị sản phẩm hoặc lừa đảo người dùng cũng nằm trong một danh mục cấm khác.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, thừa nhận, khoe khoang giàu có tại Việt Nam là hệ quả của thời kỳ chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang thị trường của Việt Nam. Người ta có thì phải khoe để chứng minh đẳng cấp, còn những người có được ít tiền, hoặc không có nhưng muốn oai thì cũng phải cố khoe cho bằng bạn, bằng bè.

“Sự phát triển của xã hội vật chất kéo theo những khủng hoảng nhất định về văn hóa, tinh thần, làm thay đổi tư duy, nhận thức khiến nhiều người bị nhầm lẫn giữa giá trị với hiện tượng. Khi cái cũ bị tổn thương nhưng chưa mất đi, trong khi cái mới được hình thành nhưng chưa hoàn thiện đã dẫn tới những đảo lộn về giá trị đạo đức, luân lý xã hội thay đổi theo hướng có tiền sẽ lên ngôi, ít tiền bị coi thường”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam nhận định.

Bài viết: Bảo Trung