Rolex sở hữu trụ sở ở khắp nơi trên thế giới.
Acacias: Đại bản doanh của Rolex
Acacias chính là trụ sở quốc tế của Rolex và là nơi làm việc của các lãnh đạo cao cấp của tập đoàn, và đây cũng là điểm cuối trong quy trình sản xuất đồng hồ của Rolex, nơi chuyển đồng hồ hoàn chỉnh đến 3 chi nhánh khác để kiểm tra lại. Các bộ phận Marketing, thiết kế, truyền thông, nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng làm việc tại đây.
Được khánh thành vào năm 1965 và được cải tạo vào năm 2002 và 2006, đại bản doanh của Rolex bao gồm một bộ phận sản xuất với 2 tòa nhà 10 tầng, với nhiệm vụ chính đó là công đoạn lắp ráp cuối cùng, cùng với đó là các bộ phận chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm (QC).
Cũng chính tại nơi đây, một vị chuyên gia (X) đã nhận ra rằng trước đó mình (và chắc cũng nhiều đồng nghiệp khác của ông) đã hiểu sai về Rolex như thế nào. "Trước đó, tôi đã được nhiều người trong giới rỉ tai rằng Rolex sử dụng rất nhiều máy móc tự động hiện đại để sản xuất đồng hồ, tránh sự can thiệp của yếu tố con người. Nhưng đến tận nơi thì tôi mới biết rằng những thông tin đó hoàn toàn sai lầm."
Ông cho biết nhân viên làm việc ở khắp mọi nơi, có hàng tá nhân viên lắp ráp làm việc trong một căn phòng đặc biệt hoàn toàn không có bụi và độ ẩm. Ở đây sẽ thực hiện những bước cuối cùng của công đoạn lắp ráp chiếc đồng hồ, việc này bao gồm lắp đặt các bộ phận được sản xuất ở 3 cơ sở còn lại vào chiếc đồng hồ. Rolex tự sản xuất gần như tất cả các bộ phận của một chiếc đồng hồ, chỉ trừ kim đồng hồ và mặt kính là đặt hàng của các nhà sản xuất khác.
Những câu chuyện chuyên gia này kể lại vô cùng chi tiết và chân thực về nhà máy đồng hồ xa xỉ bậc nhất thế giới
Bạn có thể nhìn thấy những chiếc mặt đồng hồ và kim đồng hồ được lắp một cách cẩn thận, bộ máy được đặt vào vỏ và từng số Serial của từng chiếc đồng hồ sẽ được cập nhật trên hệ thống thông tin toàn cầu – cho phép Rolex có thể quản lý được từng chiếc đồng hồ của hãng. Việc đặt chiếc kim vào đồng hồ nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng việc đảm bảo chiếc kim được quay với một áp lực chuẩn xác và được đặt hoàn toàn song song với mặt đồng hồ thì lại là một câu chuyện khác. Và sau khi mặt đồng hồ được lắp vào chiếc đồng hồ, một người thợ sẽ có nhiệm vụ kiểm tra rằng không có một hạt bụi nào được phép lọt vào trong chiếc đồng hồ.
Ở công đoạn kiểm tra khả năng chống nước, mỗi chiếc đồng hồ sẽ được đặt vào điều kiện thực tế – hoặc một bể áp suất có khả năng mô phỏng độ sâu tương ứng và được tăng thêm 10% áp lực để có thể có kết quả rõ ràng hơn. Còn với đồng hồ lặn thì sao? Cũng không có gì bất ngờ khi những chiếc đồng hồ này sẽ phải chịu thêm 25% áp lực trong một chiếc máy đặc biệt được thiết kế bởi đối tác thân thiết của Rolex – COMEX. Có tới 99.9% những chiếc đồng hồ vượt qua được công đoạn kiểm tra này.
Sau bài kiểm tra khả năng chống nước và tự lên dây cót, chiếc đồng hồ này sẽ được đặt vào những chiếc hộp và được kiểm tra độ chính xác trong vòng 24 giờ. Trước khi cuộc kiểm tra bắt đầu, chiếc đồng hồ được chụp ảnh và sau đó chính xác 24 giờ, chiếc đồng hồ sẽ được chụp ảnh lại một lần nữa, và nếu 2 hình ảnh đó không giống nhau thì chiếc đồng hồ sẽ bị trả về để điều chỉnh lại.
Và nếu những chiếc đồng hồ vượt qua bài kiểm tra cuối cùng này, chúng sẽ được lắp dây, đóng gói và vận chuyển tới các nhà phân phối và đưa ra thị trường.
Chi nhánh Plan-Les-Ouates: Phòng thí nghiệm có dáng dấp phim khoa học viễn tưởng
Nơi đây có một lò đúc riêng, những máy móc cực kỳ hiện đại giống trong phim Star Wars và cả máy kiểm tra võng mạc. Vâng! Chính là thiết bị quét võng mạc giống như trong Captain America, đoạn Nick Fury lật kèo đòi lại được quyển kiểm soát hệ thống. PLO được xây dựng vào năm 2006 và là cơ sở sản xuất lớn nhất của Rolex, bao gồm 6 tòa nhà dài 65m, rộng 30m và cao 30m được nối với nhau bởi một khu vực trung tâm. Và tôi sẽ phải nhấn mạnh rằng bạn sẽ không thể biết được tòa nhà này hoành tráng như thế nào nếu nhìn từ bên ngoài đâu. Tòa nhà PLO có 11 tầng nhưng chỉ 5 tầng được nhìn thấy từ bên ngoài, còn 6 tầng còn lại thì hoàn toàn nằm bên dưới mặt đất, ngăn chặn việc nhòm ngó của những vị khách không mời hay các đối thủ cạnh tranh.
Để vào được bên trong, chúng tôi không chỉ phải bỏ lại máy ảnh mà còn phải để lại cả điện thoại và các thiết bị điện tử khác. Theo ý tôi, cơ sở này chính là tinh hoa công nghệ của Rolex và nó không giống bất kỳ một nhà máy sản xuất đồng hồ nào khác trên thế giới. Và tôi sẽ giải thích lý do tại sao.
Sau khi được phép đi vào tòa nhà, chúng tôi đi thang máy xuống tham quan một số tầng ở bên dưới mặt đất. Cánh cửa mở ra và khung cảnh bên trong giống như trong phim vậy. Hành lang rất rộng rãi bằng xi măng, và có rất nhiều khu vực bị giới hạn – nếu một người không có nhiệm vụ phải vào một căn phòng nào đó, thì đơn giản là họ sẽ không được vào căn phòng đó. Chúng tôi tập trung sự chú ý vào một cánh cửa thang máy khổng lồ, và sau khi hỏi thăm thì biết được rằng chiếc thang máy đó có tải trọng lên tới 5 tấn.
Chúng tôi di chuyển dần tới một căn phòng được bảo mật kĩ càng – chúng tôi sắp được chứng kiến hệ thống vận chuyển hàng tự động huyền thoại của Rolex, người hướng dẫn chúng tôi đưa mắt vào máy quét võng mạc (tôi không hề nói điêu luôn!), cánh cửa mở ra và cảm giác của chúng tôi lúc đó chỉ được gói gọn trong một từ “sửng sốt”.
Xin lỗi, chúng tôi không được phép chụp ảnh và Rolex cũng không cung cấp cho chúng tôi một bức ảnh nào. Nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để miêu tả hệ thống này: tại đây có hai gian phòng lớn, được chia cắt bởi một hệ thống đường ray với tổng chiều dài 1.5km. Hệ thống này có thể vận chuyển 2,800 khay linh kiện một giờ giữa 60,000 ngăn lưu trữ và xưởng lắp ráp ở tầng trên. Khung cảnh này giống hệt như những cảnh tàu vũ trụ trong phim Star Wars, có thể nói như vậy để bạn dễ hình dung.
Nếu ai đó ở xưởng lắp ráp ở phía trên yêu cầu một linh kiện nào đó, hệ thống này sẽ chỉ mất 6-8 phút để lấy nó ra từ kho và đưa đến nơi yêu cầu. Tôi còn nhớ khi vẫn còn đang học đại học, thầy giáo của chúng tôi đã khẳng định rằng Wal-Mart chính là biểu tượng của lĩnh vực logistics chuyên nghiệp. Nhưng bây giờ tôi có thể khẳng định rằng ông nói như vậy chỉ vì ông chưa được đặt chân tới nhà máy Rolex mà thôi.
Một lò đúc riêng
Rolex sở hữu một lò đúc riêng, nơi tạo ra công thức của 3 loại vàng khác nhau và hợp chất thép không rỉ độc quyền – 904L. Tại sao? Lý do đơn giản chỉ vì đây là Rolex.
Rolex có thể tạo nên những nguyên liệu đặc biệt này bởi vì họ đã đầu tư vào một thứ mà những công ty sản xuất đồng hồ khác có khi vẫn chưa thể nhìn thấy trong mơ – một phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất với những chuyên gia đẳng cấp thế giới không chỉ trong lĩnh vực nguyên vật liệu, mà còn về nghiên cứu phân tích lực và cả lĩnh vực hóa học. Phòng thí nghiệm này quả thật là phi thường, không chỉ vì máy móc hiện đại hay những thí nghiệm đặc biệt mà còn bởi vì những con người ở nơi đây. Những người làm việc ở đây đều là những nhà khoa học hàng đầu và đặc biệt là họ đều không làm trong ngành sản xuất đồng hồ.
Bộ phận nghiên cứu vật liệu Ceramic của Rolex hiện cũng đang dẫn đầu trong ngành công nghiệp, nếu hiện tại chúng ta chỉ thấy Ceramic phần lớn được sử dụng trên vòng bezel, nhưng đội ngũ nghiên cứu đã tính đến nhiều khả năng ứng dụng mới.
Nhà máy sản xuất bộ máy đồng hồ ở Bienne
Bộ phận đánh bóng của Rolex
Tại PLO, chuyên gia này đã nhìn thấy một thứ mà ông chưa từng nghĩ sẽ được nhìn thấy – bộ phận đánh bóng đồng hồ. Những chiếc vỏ đồng hồ sẽ được đánh bóng một cách thủ công bằng một bánh mài. Bất cứ lúc nào cũng có khoảng 50-60 người đang đánh bóng những chiếc vỏ đồng hồ Rolex. Tại Rolex, yếu tố con người được sử dụng rất nhiều và điều đó cũng làm tăng thêm giá trị của những chiếc đồng hồ.
Việc lắp ráp những dây đồng hồ làm nên thương hiệu Rolex Oyster và Jubilee cũng được làm một cách thủ công với sự hỗ trợ của một công cụ cực kỳ độc đáo – và tất nhiên công cụ đó cũng được làm chính tại nơi đây.”
Mặt đồng hồ và kỹ thuật chạm ngọc
Nội dung: Theo lời kể của chuyên gia X và Rolex
Hình ảnh: Rolex
Biên tập: luxlifestyle