Đôi bạn thân bỏ học Stanford cùng gia nhập câu lạc bộ những tỷ phú dưới 30 tuổi

ADMIN
Sau vòng gọi vốn mới của Brex, Forbes ước tính hai nhà sáng lập Henrique Dubugras và Pedro Franceschi sở hữu khối tài sản trị giá 1,5 tỷ USD mỗi người. Dubugra và Franceschi quen nhau từ thời học trung học và đều bỏ dở việc học tại Stanford để khởi nghiệp.

Brex, một fintech 5 năm tuổi có trụ sở tại San Francisco vừa huy động được 300 triệu USD trong vòng gọi vốn mới, dẫn đầu bởi Greenoaks Capital và Technology Crossover Ventures (TCV). Công ty được định giá 12,3 tỷ USD sau vòng gọi vốn này – một bước nhảy vọt so với mức định giá 7,4 tỷ USD vào 9 tháng trước.

Hai nhà đồng sáng lập (và đồng CEO) Henrique Dubugras, 26 tuổi và Pedro Franceschi, 25 tuổi, mỗi người nắm giữ 14% cổ phần của Brex và sở hữu khối tài sản khoảng 1,5 tỷ USD, theo ước tính của Forbes.

Henrique Dubugras và Pedro Franceschi từ chối bình luận về con số mà Forbes đưa ra. Tuy nhiên, họ vẫn chia sẻ với tạp chí này về con đường xây dựng startup của mình.

Brex đã tạo dựng tên tuổi với sản phẩm chủ chốt là thẻ tín dụng doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của các công ty mới khởi nghiệp. Trong những năm gần đây, fintech này cũng tung ra các dịch vụ phần mềm mới như sản phẩm quản lý chi phí và tính năng thanh toán hóa đơn kinh doanh.

“Nếu bạn nhận được hóa đơn trong email của mình, bạn có thể chuyển tiếp hóa đơn đó cho chúng tôi và nó sẽ được thanh toán”, Dubugras nói với Forbes trong một cuộc trao đổi qua Zoom. Tháng 5 năm ngoái, công ty đã triển khai một trong những chương trình thưởng tiền điện tử đầu tiên cho các doanh nghiệp.

Brex không phải là "người chơi" duy nhất cố gắng phá vỡ thế giới cứng nhắc, tập trung vào bảng tính của thanh toán B2B. Các đối thủ của công ty bao gồm startup Ramp (thành lập vào năm 2019 và được định giá gần 4 tỷ USD sau vòng huy động vốn vào tháng 8 năm ngoái) và Bill.com (trị giá khoảng 21 tỷ USD) - doanh nghiệp đã mua phần mềm báo cáo chi phí fintech Divvy với giá 2,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, Brex vẫn thu hút được nhiều nhà đầu tư mạo hiểm với khả năng mở rộng ra các sản phẩm khác bên cạnh thẻ tín dụng doanh nghiệp. Dubugras khẳng định rằng anh ấy không quá lo lắng về sự cạnh tranh.

“Thị trường khá lớn và tôi nghĩ rằng có cơ hội cho rất nhiều người”, anh nói. “Hầu hết các khoản thanh toán B2B vẫn dựa trên giấy tờ và séc”.

106868318-1618422667280-brexfo-5632-8244

Henrique Dubugras (trái) và Pedro Franceschi (phải). Ảnh: Brex

Dubugras và Franceschi quen nhau từ một cuộc tranh luận sôi nổi trên Twitter vào tháng 12/2012. Thời điểm đó, họ là học sinh trung học sống ở Sao Paulo và Rio de Janeiro, Brazil. Dòng tweet dài 140 ký tự đã cản trở cuộc tranh luận, vì vậy hai thiếu niên quyết định chuyển sang Skype để thảo luận thêm. Và sau đó họ trở thành bạn thân.

Năm 2013, đôi bạn thân đã ra mắt một công ty khởi nghiệp có tên Pagar.me cho phép các thương nhân Brazil chấp nhận thanh toán trực tuyến. Startup này dần mở rộng và tăng lên tới 150 nhân viên trước khi họ bán nó vào năm 2016 cho một công ty thanh toán lớn hơn ở Brazil có tên là Stone.

Dubugras không chia sẻ về số tiền hai người kiếm được từ thương vụ này nhưng anh cho biết nó đủ để họ trang trải chi phí học tập và có thêm một số tiền tiết kiệm. Cả Dubugras và Franceschi đều từng là sinh viên ngành khoa học máy tính ở Stanford nhưng họ đã bỏ học ngay từ năm nhất.

Sau khi rời Stanford, Dubugras và Franceschi thành lập Brex vào năm 2017. Chỉ 2 năm sau, cặp đôi lọt vào Top 30 under 30 lĩnh vực Tài chính của Forbes. Thời điểm đó, Brex đã huy động được 213 triệu USD và được định giá 1,1 tỷ USD.

Công ty cho biết doanh thu của họ đã tăng hơn gấp đôi trong 12 tháng qua nhưng không tiết lộ con số cụ thể. Trong khi đó, nhà cung cấp dữ liệu thị trường tư nhân PitchBook ước tính Brex đạt doanh thu khoảng 320 triệu USD trong năm 2021. Dubugras chia sẻ rằng Brex hiện có "hàng chục nghìn" khách hàng doanh nghiệp, bao gồm cả những công ty như Carta và Classpass.

Với 300 triệu USD vừa được đầu tư, Brex đặt mục tiêu tăng số nhân viên lên ít nhất 50% trong khi vẫn giữ tiền mặt phòng trường hợp thị trường suy thoái. Mục tiêu ban đầu của công ty là các startup, nhưng Dubugras cho biết các doanh nghiệp thị trường tầm trung chiếm hơn 60% cơ sở khách hàng hiện nay. Năm 2022, công ty hy vọng sẽ có thêm nhiều khách hàng là những doanh nghiệp lớn.