Có ít nhất 100 nhà sưu tập trên toàn thế giới đã đến buổi đấu giá để chiêm ngưỡng và mua bức tranh. Cụ thể, bức tranh này đã được bán với giá hơn 179 triệu USD trong phiên đấu giá lịch sử ngày 11/5/2015. Đây là mức giá cao nhất so với ước tính ban đầu của nhà Christie’s là 140 triệu USD.
Có thể hiện tại, giá trị bức tranh đã tăng lên rất nhiều. Nhiều người đã tò mò với câu hỏi: Điều gì khiến một bức tranh như Les Femmes d'Alger (Phiên bản “O”) đắt đến vậy?
Là tác phẩm quan trọng nhất của Picasso trong nửa sau của sự nghiệp
Từ tháng 12/1954, Picasso đã tạo nên một loạt 15 bức tranh sơn dầu dựa trên bối cảnh Les femmes d'Alger của Eugene Delacroix (1834), bức tranh đã thu hút ông kể từ lần được chiêm ngưỡng nó trong bảo tàng Louvre, tại Pháp. Loạt tranh cũng lấy tựa đề “Les femmes d'Alger”, được tạo ra để tôn vinh người bạn (cũng là đối thủ) vừa qua đời của ông - Henri Matisse, người bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Delacroix. Henri Matisse (1869-1954) được biết đến như là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế kỉ 20.
Với phiên bản đặc biệt này, Picasso muốn mang di sản của Matisse đến gần hơn, đồng thời phản ánh các tác phẩm của các nghệ sĩ trước đó, lấy cảm hứng từ bức tranh của Delacroix. Picasso từng nói với người bạn thân - Hélène Parmelin, “Tôi có cảm giác rằng Delacroix, Giotto, Tintoretto, El Greco, và những người còn lại, cũng như tất cả các họa sĩ hiện đại, có tốt và có xấu, có trừu tượng và không trừu tượng, tất cả đều đang đứng sau và quan sát tôi làm việc. ”
Nói một cách đơn giản, Les femmes d'Alger, (Phiên bản “O”) là tác phẩm quan trọng nhất của Picasso trong nửa sau của sự nghiệp.
Brooke Lampley, giám đốc quốc tế - bộ phận Ấn tượng và hiện đại của Christie cho biết, “Trong số 15 tác phẩm dành riêng cho chủ đề này, đây là tác phẩm được thực hiện đầy đủ, chi tiết và nhỏ gọn nhất. Bức tranh bao gồm tất cả những ảnh hưởng được hiện diện trong suốt sự nghiệp của ông. Phù hợp về màu sắc và kết cấu, nó tổng hợp hoàn hảo các thử nghiệm của Picasso từ những ngày đầu sự nghiệp, cùng với sức hút đối với những hình thể phụ nữ - điều chiếm ưu thế trong các loạt tranh của ông".
Sự tôn vinh và công nhận của giới nghệ thuật
Những lần xuất hiện trong bảo tàng, trong các buổi hồi tưởng về Picasso toàn cầu đã khiến bức tranh được nâng tầm giá trị. Trong số đó có: Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại của New York năm 1957 và 1980, Phòng trưng bày Quốc gia của London năm 1960, Grand Palais của Paris từ năm 1966 đến năm 1967, và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan của New York vào năm 1968.
Trong nhiều giải thưởng, Les femmes d'Alger (Phiên bản “O”) đã được đưa vào cuộc khảo sát “Picasso et les Maîtres” của Louvre năm 2008, và xuất hiện trở lại tại Phòng trưng bày Quốc gia của London năm 2009 cho tác phẩm “Picasso: Thử thách quá khứ” và được treo trong triển lãm “Picasso & Nghệ thuật Anh hiện đại” của Tate Britain vào năm 2012.
Năm 1956, vợ chồng nhà sưu tập người Mỹ - Victor và Sally Ganz đã bán toàn bộ chuỗi 15 bức tranh “Les femmes d'Alger”của Picasso, với tổng số tiền là 212.500 USD. Ông Ganz là chủ tịch của D. Lisner & Company, một nhà sản xuất trang sức nhỏ.
Năm 1941, ông Ganz đã mua bức tranh Picasso đầu tiên Le Rêve với giá chỉ 7.000 USD. Bức tranh này đã từng gây xôn xao dư luận, vì chủ sở hữu tiếp theo là ông trùm sòng bạc Steve Wynn, người đã vô tình… thúc cùi chỏ vào bức “Le Rêve” (Giấc mơ) của Picasso khiến vải tranh bị rách toạc, đúng vào thời điểm ông chuẩn bị đem bán bức tranh với giá 139 triệu USD. Vì sự cố đã góp phần gia tăng sự thú vị cho những câu chuyện bên lề xoay quanh bức tranh, giá bức “Le Rêve” liền đội lên 155 triệu đô. Nhìn chung, chuyện tại sao giá tranh lên cao cũng khá “ngẫu hứng”.
Sau khi ông bà Ganzes qua đời, bộ sưu tập của họ đã được bán tại Christie's vào năm 1997 với tổng giá trị là 206,5 triệu USD, phá vỡ các kỷ lục đấu giá hiện có lúc bấy giờ. Cùng lúc đó, Les femmes d'Alger (Phiên bản “O”) đã giành được 31,902,500 USD, gấp đôi với ước tính ban đầu là 12 triệu USD.
Sự tham gia của giới siêu giàu vào lĩnh vực kinh doanh nghệ thuật
Những triệu phú, tỷ phú giờ đây cũng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh nghệ thuật, khiến giá tranh càng bị đẩy lên cao. Kinh doanh nghệ thuật giờ đây là một hạng mục thời thượng, đẳng cấp trong giới siêu giàu. Sở hữu một tác phẩm quý giá được nhiều người khao khát là “một mũi tên trúng nhiều đích”.
Kiệt tác của Picasso ngày một khan hiếm
Các kiệt tác của Picasso hiện đang khan hiếm và ngày càng đắt hàng. Sự khan hiếm của các tác phẩm đã có tác động và thúc đẩy mong muốn sở hữu tác phẩm quý giá của Picasso lên cao. Càng hiếm có thì càng đắt giá!
Cũng từ đó, Picasso trở thành một trong năm nghệ sĩ có số lượng tác phẩm được bán nhiều nhất ở phương Tây, với tổng doanh thu đấu giá mỗi năm khoảng 300 triệu USD.
Một số triển lãm dành riêng cho những năm cuối cùng trong sự nghiệp của Picasso, mang lại sự hiểu biết và sự công nhận cho các tác phẩm của ông từ những năm 1950.
Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà sưu tập toàn cầu đang tìm kiếm là tác phẩm tuyệt vời nhất của Picasso, và Les Femmes d'Alger (Phiên bản “O”) chắc chắn là một trong số đó.