Có nhiều người mua hàng hiệu vì sở thích, có người mua hàng hiệu vì đẳng cấp, cũng có người mua hàng hiệu vì mục đích đầu tư. Dĩ nhiên khi nói về những món "đẻ ra tiền", những cái tên phổ biến được nhắc có thể là Goyard, Rolex, Bearbrick ... Đầu tư hàng hiệu được xem là một hình thức kinh doanh mới mẻ với nguyên lý không có gì lạ: mua một món đồ cao cấp với giá tốt nhất có thể và bán lại giá trị cao hơn. Công việc này đặc biệt thu hút các bạn trẻ, nhất là Gen Z, nhờ vào khả năng gia tăng lợi nhuận đáng kể cùng với môi trường giao dịch năng động.
Trên thế giới, xu hướng này đã tồn tại từ lâu. Tại Việt Nam, đầu tư hàng hiệu cũng không phải là một cơn sốt ảo khi đã tồn tại ít nhất 10 năm trở lại đây. Đây có phải là một phương án đầu tư bền vững hay không thì ngoài thời gian sẽ trả lời ra, còn có nhiều yếu tố khác chi phối.
Ai có thể đầu tư hàng hiệu?
Dạo một vòng thị trường mua bán xa xỉ phẩm qua trung gian, dễ dàng nhận thấy giới đầu tư chia ra làm hai nhánh: những người có đam mê, mua thật dùng thật như tầng lớp thượng lưu; tiếp sau là vì lợi nhuận thuần túy. Nhiều tin đồn cho rằng rich kid Ngọc Thanh Tâm, doanh nhân Moon Doãn sở hữu hàng hiệu để đầu tư, nhưng tất cả họ đều phủ nhận. Có thể thấy, mua hàng hiệu vì đam mê và có khả năng thì không phải nghĩ, ngược lại, bạn thực sự cần đắn đo. Mức độ căng thẳng mà bạn cần đảm đương có thể tương đương với đầu tư nhà đất, bao gồm vay vốn và chờ đợi thời điểm được giá.
'Rich-kid' Ngọc Thanh Tâm cũng từng thừa nhận một số món đồ cô mua như túi Hermès đã tăng giá trị sau một thời gian. Hồi đầu năm nay, cô chia sẻ trên kênh mạng xã hội, những chiếc túi của cô tính tại thời điểm 2020 chỉ có giá khoảng 160k$ (khoảng 3,6 tỷ đồng), nhưng chưa tới một năm sau đó, chiếc túi này có giá 200k$ (khoảng 4,6 tỷ đồng). Nếu bán ra, vì đã sử dụng nên nó sẽ không đưa đến lợi nhuận tiền tỷ như nguyên giá, nhưng hàng trăm triệu là hoàn toàn có thể.
"Đối với những chiếc túi này, nếu như các bạn muốn đầu tư, thì sau một năm con số này quá lời, thậm chí là lời hơn vàng rất rất là nhiều." - Ngọc Thanh Tâm cho biết.
Dễ bán - khó mua
Có thể nói hiện tượng thường xuyên khan hiếm mẫu mã và tăng giá theo thời gian vừa là khó khăn, cũng lại là nguồn cơn tạo công ăn việc làm cho những ai nhanh nhạy với thị trường. Lấy ví dụ Supreme, cái tên đứng đầu (và dường như cũng là đầu têu) cho hướng đi giới hạn số lượng bán ra. Như cơm bữa, các 'con chiên' phải chịu đựng thời tiết giá lạnh, xô đẩy nhau mỗi dịp những mặt hàng mới ra mắt, cùng nhiệm vụ 'dâng' nhiều tiền nhất có thể cho Supreme. Họ biết nếu không nhanh thì số tiền phải mất tiếp theo còn nhiều hơn. Thông thường để mua được một món đồ của Supreme với giá niêm yết chỉ cần vài chục đến vài trăm đô, nhưng nếu không kịp bon chen, bạn sẽ phải cắn răng với mức giá gấp năm gấp mười lần sau đó từ các tay reseller.
Các hãng đôi khi sử dụng những chiến lược đẩy giá trị thương hiệu bằng cách giới hạn người mua. Đơn cử là trường hợp của Rolex đang sử dụng chiến lược 'khách hàng thân thiết', chỉ nhận bán hàng cho ai đã tiêu 100,000$ cho hãng. Quả thật nhiều người có tiền mà không mua được thứ mình muốn,.
Hermès là nhà vô địch trong việc khiến các 'con chiên' điêu đứng. Muốn mua được giá gốc và hàng "real" 100%, bạn phải đặt hẹn để đến mua trực tiếp ở trụ sở Paris, và chưa chắc bạn sẽ đăng ký thành công. Và cho dù bạn có may mắn được gặp nhân viên bán hàng thì cũng không thể khẳng định sẽ mua được thứ mà mình cần. Bạn là khách hàng mới toanh đã đành, thẻ VIP cũng chỉ giúp bạn dễ dàng hơn bằng cách...chi thêm tiền cho các sản phẩm phụ tại cửa hàng.
Nhìn chung, để gom về các sản phẩm với giá tốt nhất, bạn cũng cần sẵn sàng đến tận cửa hàng, hầu hết là ở nước ngoài mà xếp hàng hoặc cố gắng có tên trong danh sách chờ.
Bảo quản ra sao thực sự là một vấn đề
Đây là lý do phổ biến nhất có thể khiến bạn hứng lỗ nặng. Bạn cần hiểu rõ chất liệu của món hàng mình đầu tư vào. Một chiếc Patek Philippe thường trực trên cổ tay là cách marketing tốt nhất. Nhưng không loại trừ khả năng trầy xước ở một chiếc đồng hồ hiệu.
Chất liệu bằng da thật của túi xách, giày dép dễ bị lên mốc nếu lâu ngày bị bỏ quên. Thông thường việc spa lại có thể giải quyết vấn đề, nhưng chỉ dành cho những trường hợp nhẹ. Lắm khi có thể phải vứt bỏ nếu chẳng may điều kiện bảo quản trở nên tồi tệ: ẩm thấp, nhiệt độ cao. Quần áo cũng là đối tượng với các vết ố vàng. Để hàng hóa được trưng bày chưa chắc là một việc không có rủi ro, bởi ai đó có thể tiện tay cầm lấy hoặc phá hỏng tài sản của bạn.
Bỏ ra một phòng riêng có khóa cửa, cộng thêm các phụ kiện cần thiết để bảo quản và trưng bày sản phẩm có thể hơi mất công, bù lại bạn sẽ hoàn toàn yên tâm.
LỜI KẾT CHO ĐẦU TƯ HÀNG HIỆU
Muốn khẳng định đầu tư hàng hiệu ngon ăn không kém bất động sản hay vàng thì cần nhớ rằng bạn sẽ phải đắp vào đó những cái giá tương đương, hoặc sẵn sàng ném tiền qua cửa sổ. Không nên quá tích cực với viễn cảnh kiếm một núi tiền từ con đường này, nhưng cũng không vì thế bi quan bởi có vô số người thành công với nó. Điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ thứ mình tiếp cận và chấp nhận rủi ro đi kèm, cùng với đam mê thực sự. Dẫu sao thì, đam mê vẫn giúp bạn đương đầu với vấn đề hiệu quả hơn.