Cuộc so tài mới đầy thách thức giữa các tỉ phú mang tên Metaverse

Hoài Trần
Cuộc so găng giữa các tỉ phú đang dời sang trận địa mới: metaverse. Kể từ tháng 10, các lượt tìm kiếm có từ khóa metaverse trên Google đã tăng vọt. Phố Wall càng thúc đẩy thêm cơn sốt này.
lux-cuoc-chien-metaverse-1641347175.jpg
Việc nhà sáng lập Facebook đổi tên công ty khiến giới công nghệ bàn tán xôn xao. Không lâu sau đó, Metaverse trở thành cơn sốt.

Khi Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, tuyên bố vào tháng 10 rằng ông đổi tên công ty mẹ của mạng xã hội lớn nhất thế giới sang Meta Platforms để tạo ra một vũ trụ ảo (metaverse), ông đã nhận không ít lời chế giễu. Một số người cho rằng ông đang tung hỏa mù để dời sự chú ý của giới chính trị. Một số khác thì bảo, ông chỉ đơn thuần là một tỉ phú công nghệ đang theo đuổi một giấc mơ thời thơ ấu, giống như Jeff Bezos của Amazon, Elon Musk của Tesla hay Richard Branson của Virgin đang theo đuổi giấc mơ bay vào không gian vũ trụ.

Vấn đề là Zuckerberg đã chọn đúng điểm rơi. Kể từ tháng 10, các lượt tìm kiếm có từ khóa metaverse trên Google đã tăng vọt. Phố Wall càng thúc đẩy thêm cơn sốt này. Theo Bernstein, thuật ngữ metaverse đã xuất hiện 449 lần trong các cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh quý III, tăng từ mức 100 lần của quý II/2021. Công ty này cho rằng các thị trường với doanh thu hằng năm ít nhất 2.000 tỉ USD có thể sẽ bị phá bĩnh bởi metaverse. Ngân hàng Jefferies cũng đánh giá mặc dù metaverse có thể còn hơn 1 thập kỷ nữa mới định hình rõ nét nhưng có tiềm năng phá bĩnh “gần như mọi thứ trong cuộc sống con người”.

Metaverse có thể hiểu là một thế giới ảo được tạo nên từ mạng internet và các công cụ hỗ trợ thực tế ảo tăng cường hoặc các công cụ khác, nhằm giúp người dùng có được những trải nghiệm chân thật nhất. Bất cứ thứ gì có thể làm cho thế giới ảo trở nên thực hơn và làm thế giới thực trở nên màu sắc hơn với các trải nghiệm ảo thì đều có thể trở thành một phần của metaverse.

Các gã khổng lồ khác như Microsoft cũng đã lên kế hoạch dấn thân vào metaverse. Nhưng những tập đoàn lớn vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các nhà sáng lập mới có nhiều khả năng xúc tiến mạnh mẽ cuộc chơi này. Mark Zuckerberg, với giá trị tài sản ròng xấp xỉ 125 tỉ USD và gần như nắm trọn quyền kiểm soát đối với công ty trị giá hơn 900 tỉ USD, đang là người chơi năng nổ nhất.

Các tỉ phú tích cực khác còn có Jensen Huang của Nvidia, nhà sản xuất chip đồ họa trị giá 722 tỉ USD và Pony Ma của Tencent, tập đoàn công nghệ Trung Quốc trị giá 550 tỉ USD. Trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh vào tháng 11 vừa qua, Pony Ma lần đầu tiên tiết lộ tầm nhìn của Tencent về metaverse.

Theo Pony Ma, con đường rõ ràng nhất để tiếp cận metaverse chính là qua video game - cỗ máy tăng doanh thu lớn nhất của Tencent. Nó có thể là các game có tính tương tác cao, hoặc các loại game sử dụng cùng một hạ tầng chung để cho phép người chơi có thể tự sản xuất game. Một số trong các ý tưởng này đã bắt đầu thành hình ở các công thuộc danh mục đầu tư của Tencent như Epic Games, Roblox và Discord.

Con đường thứ 2 bước vào metaverse, theo Pony Ma, có thể là mạng xã hội “được game hóa và hỗ trợ cho nhiều trải nghiệm có thể lập trình được”. Một mạng xã hội như vậy cần một loạt công cụ như năng lực đồ họa 3D, hay các công cụ UGC và PGC mà các công ty game cần đến. Con đường thứ 3 là “tạo ra những trải nghiệm thế giới thực nhưng được tăng cường bởi công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR)”. Tencent không tiết lộ sẽ triển khai 3 kế hoạch này như thế nào nhưng cho biết Công ty được trang bị đầy đủ công nghệ và nhân tài để triển khai metaverse.

Nhà sáng lập của Epic là Tim Sweeney cũng rất hứng thú với metaverse. Gần đây ông trả lời Bloomberg rằng metaverse chính là một cơ hội hàng ngàn tỉ USD và rằng các doanh nghiệp như công ty của ông đang trong một cuộc đua giành lấy 1 tỉ người sử dụng nhằm đặt ra các tiêu chuẩn cho metaverse trong tương lai.

Một cuộc so găng giữa các tỉ phú đang bắt đầu nóng lên, tương tự như cuộc đua vào không gian vũ trụ của Jeff Bezos hay Elon Musk. Thay vì là khoa học tên lửa, cuộc chiến này sẽ được đấu bằng các thiết bị thực tế ảo (như kính, thiết bị đeo tai), blockchain, tiền mã hóa và năng lực máy tính khổng lồ.

Ảnh: AFP, Getty Images.
Vũ trụ ảo mà các tỉ phú này dựng nên sẽ như thế nào thì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Ảnh: AFP, Getty Images.

Vũ trụ ảo mà các tỉ phú này dựng nên sẽ như thế nào thì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Liệu metaverse sẽ là một thế giới tương lai ảo, với các avatar, biệt thự đồ sợ bên bãi biển và những thú vui náo nhiệt khác, mà so sánh với nó, thế giới thực tại sẽ trở thành một nơi nhàm chán? Hay metaverse sẽ là một phiên bản xa hoa hơn với những trải nghiệm “đắm chìm” hơn so với thế giới thực: một cách để giao tiếp, làm việc và chơi online trong khi cuộc sống trong thế giới thực vẫn diễn ra bình thường? Thậm chí cũng chưa rõ liệu người dùng internet của tương lai sẽ bị hấp dẫn bởi các giấc mơ mà những vị tỉ phú công nghệ này dựng lên?

Điều này vẫn chờ tương lai trả lời. Còn hiện tại, quy mô đầu tư của Meta, Nvidia, Epic và Tencent sẽ cho thấy mức độ quan tâm đến metaverse của các tỉ phú. Zuckerberg đã dành ra tới 10 tỉ USD trong năm nay chủ yếu để phát triển kính và thiết bị đeo tai AR mà ông hy vọng sẽ mở ra cánh cửa bước vào metaverse như cách iPhone của Apple đã làm với internet di động. Nvidia đang tập trung vào cái mà Công ty gọi là omiverse, một công nghệ dựa trên các chip của Hãng có thể đưa các kỹ sư, nhà thiết kế và các nhân tài khác tề tựu với nhau trong thế giới ảo để thỏa sức sáng tạo.

Epic đã tạo ra các thế giới ảo trong nhiều năm nay, trong đó có tựa game nổi tiếng Fortnite. Trong metaverse, át chủ bài của Epic có thể là Unreal Engine, một nền tảng cho phép các nhà phát triển của Epic và các nhà phát triển khác tạo ra những trải nghiệm 3D giống như đời thực, trong đó có game, phim ảnh, mô hình kiến trúc và các thiết kế công nghiệp.

Đằng sau những tham vọng lớn cho metaverse là những lý do “đời thường”. Đầu tiên, internet di động đang tiến đến thời cáo chung. Ở Mỹ và châu Âu, giới chính trị đang đe dọa siết chặt quy định hơn đối với tình trạng độc quyền và những hành vi lạm dụng riêng tư cá nhân, đặc biệt là Facebook và Google. Tại Trung Quốc, sự thẳng tay của chính quyền cũng khiến ngành công nghệ nước này cảm thấy khó thở, vì thế doanh nghiệp nào muốn trụ lại buộc phải tìm hướng đi mới.

Thứ 2, các công ty đang sống trong một thế giới bị kiềm chế lẫn nhau. Apple là một “phiền toái” không nhỏ đối với Zuckerberg và Sweeny. Hãng sản xuất iPhone đang sử dụng cấu hình riêng tư trong hệ điều hành IOS để kiểm soát mức độ mà Facebook có thể bán các quảng cáo số. Epic của Sweeny đang tham gia vào cuộc chiến chống độc quyền với Apple về các mức phí mà App Store áp lên các nhà phát triển game. Cuộc chiến này đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Đó là lý do cả Zuckerberg lẫn Sweeny đều tuyên bố hùng hồn họ sẽ thúc đẩy tính tương tác qua lại giữa các hệ thống, xóa bỏ tình trạng “tháp ngà” và lập ra các tiêu chuẩn chung. Họ cũng muốn trở thành kiến trúc sư tạo lập các hệ điều hành của tương lai.

Quan trọng là metaverse đang hứa hẹn tạo ra những điều vĩ đại kế tiếp mà chẳng ai muốn bỏ lỡ. Nắm trong tay các nguồn lực khổng lồ, Mark Zuckerberg, Jensen Huang, Tim Sweeny, hay Pony Ma có thể hứa hẹn tương lai cho một thế giới internet cởi mở hơn, khiến người ta có thể đắm chìm trong đó, còn hơn cả thế giới internet di động hiện nay. Và người nào cũng muốn đặt chân đến thế giới đó trước tiên để có thể đặt ra luật chơi theo lợi thế của mình.