Vay mượn để khởi nghiệp
“Bắc vàng Sư Tử, Nam vàng Kim Thành” là câu nói cửa miệng của thế hệ đi trước khi nhắc tới 2 tiệm vàng lớn nhất của Việt Nam những năm 1940. Ông Phạm Ngọc Giao (sinh năm 1941), con trai trưởng của ông chủ hiệu vàng Sư Tử, tâm sự trên Saostar rằng bản thân rất tự hào vì có bố mẹ vô cùng giỏi giang và tài năng như vậy.
Gia đình ông vốn xuất phát từ làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nơi nổi tiếng về nghề lọc đãi vàng. Bố ông Giao, cụ ông Phạm Văn Thanh vừa tuấn tú vừa giỏi giang, đỗ tú tài nhưng do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cảm thấy không thể theo đuối ước mơ vào cơ quan nhà nước làm cán bộ nên đã có ý định mua vé tàu vào thành phố Vinh, Nghệ An để xin làm công việc làm bánh kẹo kiếm sống.
Trong khi đó, mẹ ông Giao, bà Phạm Thị Tề, lấy chồng năm 17 tuổi, nổi tiếng là một cô gái xinh đẹp, khéo léo. Đêm trước khi quyết định tới Vinh, một người hàng xóm tới gặp ông bà Phạm Văn Thanh để vừa nói lời tạm biệt vừa ngỏ ý vợ chồng ông bà nên suy nghĩ lại vì tiếc rẻ nghề lọc đãi vàng gia truyền. Nghe vậy, cụ Thanh trằn trọc suốt đêm, lại lưu luyến Hà Thành không nguôi, cụ quyết định ở lại phố cổ.
“Hiệu vàng Sư tử với ý nghĩa oai nghiêm được thành lập. Gia đình tôi làm vàng lá ra đẹp mắt độc đáo nên được nhiều người đón nhận. Hồi đó vàng của khách nhưng nhãn hiệu của mình. Vàng chủ yếu từ người dân ở các nơi đặc biệt ở Hoà Bình mang về. Mọi người đổi vàng thô lấy vàng cốt hoặc khách mang vàng thô đến nhờ gia đình tôi chế tác lại”, ông Giao nhớ lại.
Số vốn mà cụ Thanh hùn để lập nghiệp khi ấy là số trang sức còn lại trong nhà và 3 lạng vàng cụ bà hàng xóm cho vay, tổng là 5 lạng vàng. Cụ bàn với vợ nên "liều một phen" và chọn sư vật là con vật biểu tượng cho tiệm vàng, vừa oai phong mà lại không làm hại đến ai.
Thời hoàng kim của tiệm vàng Sư Tử
Giữ vị trí độc tôn trên thị trường với phương thức mới lạ, tiệm vàng khi đó ở 129 Hàng Bạc chỉ rộng khoảng 40 m2 nhưng khách hàng lúc nào cũng xếp hàng đông kín. Mỗi ngày tiệm vàng Sư Tử làm được 1 mẻ, hàng trăm lạng vàng phải đựng bằng chậu, bằng thúng. Nhân công làm luôn tay luôn chân, "lấy công làm lãi". Ông Giao khi đó tuổi tuy còn nhỏ, mỗi ngày đã đều đặn tham gia phụ giúp công việc buôn bán của gia đình cùng 10 gia nhân, đóng gói hàng trăm lạng vàng để xuất khẩu và đi giao hàng cho các nhà buôn trong thành phố.
Ông Giao kể lại với Dân Việt về thời hoàng kim của tiệm vàng gia đình: “Lúc đó tôi chỉ hơn 10 tuổi nhưng vẫn nhớ mãi hình ảnh đoàn người ngoại tỉnh từ Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ tập trung kín nhà tôi để trao đổi, mua bán vàng. Tất cả họ đều mang theo cả tải hoặc cả thúng vàng thô nhìn hoa cả mắt.”
Chỉ 1 năm sau khi mở tiệm vàng, năm 1941, cụ Thanh đã mua được một căn nhà ở số 45 Hàng Bè, liên tiếp hai năm sau đó mua thêm hai căn nhà nữa lần lượt ở số 20 Hàng Vôi và số 94 Cầu Gỗ. Căn nào cũng có diện tích hàng trăm mét vuông, vì thế tiền mua nhà ở thời điểm đó có giá trị tương đương vàng trăm nghìn lượng. Tới năm 1945, gia đình ông bán 3 căn nhà trên để mua căn rộng 600 m2 ở số 115 phố Hàng Bạc ngày nay.
13 năm gây dựng tiệm vàng Sư Tử, cụ Thanh muốn mở rộng công xưởng, vì thế tăng nhân công từ 3 lên 10 người, nhận cả những người lang thang cơ nhỡ để họ học việc; sau này, theo lời ông Giao, những nhân công này "dựng vợ gả chồng" từ những người quen trong xưởng hay hoạt động Cách mạng. 8 chị em ông Giao cũng quen với cảnh trong nhà lúc nào cũng có 3-4 vú em chăm nom nhà cửa, bước chân ra đường là có xe đưa đón.
Tới năm 1958, vì những chính sách mới trong việc quản lý vàng bạc của Nhà nước Việt Nam, tiệm vàng Sư Tử chính thức dừng hoạt động sau 18 năm. Gia đình ông bán lại cho Nhà nước 80 cây vàng cuối cùng với giá niêm yết. Con cái của cụ Thanh và cụ Tề sau này không ai theo nghề bán vàng nhưng ai nấy đều vương giả trong cuộc sống. Riêng ông Giao, con trai trưởng trong nhà tuy là người con thứ 4, đã chọn sinh sống tại căn biệt thự ở Hàng Bạc để lưu giữ những kí ức của bố mẹ.
Bên trong căn biệt thự rộng 600 m2
Ngôi nhà 2 tầng do kiến trúc sư Phạm Hoàng thiết kế, mang vẻ đẹp của phong cách kiến trúc Pháp pha trộn với kiến trúc đình làng Việt cổ với mái ngói uốn cong vút. Khu vườn trong nhà rộng tới 180m2.
Mỗi chi tiết trong căn nhà đều mang những ý nghĩa riêng. Trên cánh cửa phòng, cửa sổ hay trên tường ngôi nhà luôn xuất hiện đan xen hình ảnh con dơi - cách đọc đồng âm với chữ phúc và chữ thọ - biểu tượng cho sức khỏe. 9 giếng trời bên cạnh điện thờ trong phong thủy thể hiện âm dương hòa hợp, giúp gia chủ luôn cảm thấy bình yên, hạnh phúc.
Trong căn phòng đọc sách, bộ bàn ghế cổ có họa tiết phong cách Louis XI ra đời từ những năm 1935 vẫn được gia đình ông Giao giữ lại. Ở thời điểm đó, giá trị bộ bàn ghế được tiết lộ tương đương với 10 cây vàng.
Căn biệt thự này từng được đưa cả vào sách hướng dẫn du lịch phố cổ như cuốn The 36 Guild streets area Hanoi’s Ancient Quarter của Nhật và được nhiều đoàn khách nước ngoài tới tham quan, chiêm ngưỡng. Hiện tại, 5 thế hệ nhà ông Giao đang sống tại căn biệt thự cổ này.
Ảnh: Dân Việt, Saostar, Dân trí.