Lê Duẩn là một chính trị gia người Việt Nam, Bí thư Thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1960 đến năm 1976, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1976 đến năm 1986. Lê Duẩn là Tổng Bí thư có thời gian tại vị lâu nhất với 25 năm, 303 ngày.
Là một người có cương vị cao trong xã hội, vậy khi là người cha trong gia đình ông sẽ như thế nào?
Một trong những người con trai của ông - Lê Kiên Thành đã bộc bạch cảm nhận khi làm con của một lãnh đạo. Ngoài ra, ông còn chia sẻ những điều chưa từng kể về cha mình và những gì Cố Tổng bí thư để lại cho con cháu:
Tôi luôn phải chịu áp lực là con của một nhà lãnh đạo.
Phải nhiều năm sau thời niên thiếu, tôi mới ý thức được rằng ba mình khác những người khác.
Từ khi đi học vỡ lòng, tôi không ý thức được chuyện ba tôi làm việc gì quan trọng hay nhà tôi khác các bạn. Hồi đó, đi ra cổng nhà, thấy có bốt gác, tôi cứ nghĩ rằng nhà ai cũng như thế chứ không hề nghĩ ba mình mới được thế. Rồi đến khi học lớp hai, tôi mới lờ mờ hiểu rằng ba mình đang giữ trọng trách nào đó.
Cũng từ khi bắt đầu hiểu được ba tôi có trọng trách lớn hơn người khác, tôi co mình lại một chút. Nhiều khi chơi với bạn bè, phải nhường nhịn bạn một tí. Rồi đi học, phải cố lên một tý vì sợ người ta sẽ nghĩ ngược lại.
Nói thật, rất ít khi đến lớp mà tôi không thuộc bài. Đi lao động cùng lớp, tôi luôn chọn việc gì đó nặng hơn. Tôi sợ bạn bè bảo mình thế nọ, thế kia. Sau này đi sơ tán, nhiều khi bọn tôi rời khỏi trường người ta mới biết tôi là con ai. Khi biết mình là con "ông Ba", họ mới hỏi, "ô tại sao tao thấy mày gánh giỏi thế?", "ô tại sao mày đào đất giỏi thế?".
Tuổi thơ tôi là thế. Tại sao mình cảm thấy như vậy? Bởi vì, đi sơ tán mới thấy, mình được ăn no hơn các bạn, không phải chịu rét như các bạn. Nếu mình học kém không bằng các bạn, điều đó là không nên, là đáng xấu hổ.
Hồi sơ tán ở Hà Tây, mùa đông tôi có cái áo len mặc. Thằng bạn thân nhìn nhìn rồi bảo: "Thành chắc không bao giờ biết rét là gì nhỉ?". Tôi thấy buồn trong lòng. Bạn mình mùa đông mặc lồng hai chiếc áo sơ mi, không có khái niệm áo len. Ở thành phố, phần lớn mọi người đã có áo len chứ không phải riêng nhà tôi. Ở nông thôn, không có chuyện đó.
Câu nói của nó làm tôi thấy dày vò. Và chính nỗi dày vò đó khiến tôi suy nghĩ. Suy nghĩ đó tạo nên tính cách tôi sau này, là động lực để tôi luôn ngăn mình khỏi những hành động không đúng.
Rất tiếc, những năm cuối đời của bố tôi, tôi lại đang nghiên cứu sinh ở Liên Xô cũ. Tôi chỉ được nghe Trung em tôi và anh rể Hồ Ngọc Đại kể một số chuyện. Trung kể, hồi đó thỉnh thoảng em lại ngồi với ba, Trung hơi mê tín, hay nói chuyện quý nhân phù trợ thì Ông bảo, nếu thực sự có quý nhân phù trợ chắc Phật phù hộ ba.
Ông thường nói rằng, theo Phật, cái "không" là cái "có", cái "có" là cái "không". "Khoảnh khắc" không bao giờ được gọi là "có", cái mãi mãi mới gọi là "có". Trước mình, sau mình là "mãi mãi" - đấy mới là tồn tại. Còn bản thân mình chỉ là một khoảnh khắc, lóe lên rồi tắt mất. Thế nên phải gọi đời mình là "không".
Nhưng ba tôi lại cho rằng, nhiều người hiểu hơi khác. Không tồn tại là một tồn tại và tồn tại cũng là một tồn tại. Vì chúng ta đang ở trong sự tồn tại nhất định nên phải phấn đấu, đấu tranh vì cái tồn tại đó chứ không phải ngược lại.
Khi anh rể tôi hỏi: "Ba ơi, ba có nghĩ là ba nên viết di chúc không?". Ông bảo: "thực ra, không nên áp đặt ý chí của mình lên người sống làm gì, không nên".
Ông ví dụ đơn giản, trước khi chết, mình dặn con, mày phải lấy con ông kia nhé. Tại sao đã sắp chết lại bắt con mình phải làm những điều mà nếu không làm được, nó sẽ ân hận, sẽ bị dày vò mãi vì không thực hiện điều người cha dặn?
Cho nên, ông cho rằng người đã xong sứ mệnh ở cõi nhân gian không nên áp đặt ý chí của mình lên người sống làm gì cả. Người sống phải có trách nhiệm tự hiểu, tự làm, tự sống cuộc đời mình.
Chính điều này khiến tôi cảm phục ông ghê gớm. Thực ra, vẫn có nhiều người muốn ba tôi viết lại cái gì đó, như người này nên làm cái này, người kia làm cái kia. Nhưng ông đã không viết.
Khi còn sống, ba tôi chỉ dặn một điều: "Ba chết không để lại cho mấy đứa được đồng xu nào hết, có chăng là để lại cái tiếng của ba".
Tôi nói thật, tôi đi làm kinh doanh, nhà tôi chỉ có mình tôi làm kinh doanh thôi, dù ba chết rất lâu rồi, nhưng các đối tác làm ăn, nếu tình cờ biết tôi là con ông, tự nhiên người ta thấy có gì đó nghiêm túc, tin tưởng hẳn. Có lẽ người ta nghĩ rằng, tôi sẽ không làm gì bậy bạ.
Tôi nhận ra, ba tôi nói đúng. Ông để lại cho con cháu di sản duy nhất là danh tiếng.