Câu chuyện về "nữ hoàng chấm bi" siêu giàu sống trong trại tâm thần

Lâm Bảo Duy
Yayoi Kusama, nghệ sĩ đương đại nổi tiếng Nhật Bản, người có hàng loạt tác phẩm nghệ thuật bán giá "triệu đô" lại chọn một trại tâm thần ở Tokyo, Nhật Bản là nhà của mình.

Yayoi Kusama sinh ngày 22 tháng 3 năm 1929 và là một trong những nghệ sĩ đương đại Nhật Bản nổi tiếng nhất thế giới. Bà là con út trong một gia đình giàu có. Khi còn nhỏ, mẹ của Yayoi Kusama thường bắt bà đi theo dõi bố mỗi khi bố ra ngoài để xem bố của bà có quan hệ ngoài luồng với người phụ nữ khác hay không. Mẹ của Yayoi Kusama cũng cấm bà vẽ tranh và Yayoi thường xuyên bị tịch thu mực và vải, điều này có thể giải thích cho niềm đam mê sáng tạo đầy ám ảnh của bà sau này.

Để thoát khỏi gia đình gia trưởng và áp bức, Yayoi Kusama đăng ký vào một học viện nghệ thuật ở Kyoto, nơi bà theo học các lớp Nihonga, một sự phục hưng đầu thế kỷ 20 của nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. Tuy nhiên, Yayoi Kusama không thể phù hợp với môi trường nghiêm ngặt của cơ sở nghệ thuật cổ xưa này, nơi mà mối quan hệ giữa chủ nhân và học giả thuộc về một truyền thống lâu đời.

Là một nghệ sĩ trẻ đầy khát vọng, Kusama vô cùng ngưỡng mộ họa sĩ nổi tiếng Georgia O'Keeffe và thậm chí còn viết thư cho Georgia để xin lời khuyên. Georgia O'Keeffe trả lời Yayoi Kusama rằng Yayoi nên đến Mỹ và giới thiệu tác phẩm của mình tới càng nhiều người càng tốt.

Ở tuổi đôi mươi, Kusama đã làm được điều đó. Phản ứng lại những gì Yayoi coi là cổ hủ, nữ nghệ sĩ quyết định tìm kiếm tự do và danh tiếng ở nước ngoài. Yayoi Kusama chuyển đến New York, Mỹ sống và làm việc từ năm 1958 đến 1975. "Mỹ thực sự là đất nước đã nuôi dưỡng tôi", Kusama từng nói.

Yayoi Kusama hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực điêu khắc và sắp đặt, nhưng cũng hoạt động trong lĩnh vực hội họa, biểu diễn, video nghệ thuật, thời trang, thơ ca, tiểu thuyết và các nghệ thuật khác. Tác phẩm của nữ nghệ sĩ đặc biệt thành công trong cuộc đấu giá. Tính đến năm 2012, các tác phẩm của bà có doanh thu cao nhất so với bất kỳ nghệ sĩ nữ nào hiện còn sống.

Vào tháng 11 năm 2008, nhà đấu giá Christie's New York đã bán một bức tranh của Yayoi Kusama với giá 5,1 triệu USD, mức giá kỷ lục đối với một nữ họa sĩ còn sống. Một tác phẩm khác của bà có tên White No. 28 từng được bán với giá 7,1 triệu USD tại một cuộc đấu giá của Christie năm 2014.

Giữa năm nay, trong cuộc đấu giá ở New York, Mỹ, một tuyển tập 11 tác phẩm của Yayoi Kusama sáng tác từ cuối những năm 50 và đầu những năm 60 đã được bán với tổng giá là 15,2 triệu USD, gần gấp đôi kỳ vọng trước khi bán là 8,8 triệu USD.

5-1639359146389-1640969202.jpg
Nữ nghệ sĩ nổi tiếng người Nhật Bản Yayoi Kusama.

Yayoi Kusama được đặt biệt danh "nữ hoàng chấm bi" từ những năm 50 khi bà bắt đầu vẽ những bức tranh chấm bi nổi tiếng. Nữ nghệ sĩ nói rằng, khi còn nhỏ, bà đã nhìn chằm chằm hàng giờ vào hàng triệu viên sỏi trắng dưới đáy sông sau nhà.

Sau đó khi vẽ tranh, bà cảm thấy, việc lặp lại các dấu chấm sẽ giúp "xóa tan" những lo lắng của bà. Bà từng vẽ rất nhiều chấm bi lên chính cơ thể của mình trong các bộ phim nghệ thuật và hàng loạt tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của bà ngập tràn các chấm bi. Trong những lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng, Kusama thường đội tóc giả màu đỏ và mặc váy chấm bi.

Là một nghệ sĩ nổi tiếng và sở hữu khối tài sản hàng chục triệu USD, Kusama cũng rất cởi mở về sức khỏe tâm thần của mình. Bà từng nói, nghệ thuật đã trở thành cách để bà thể hiện những vấn đề về tinh thần của chính mình. Bà chia sẻ với trang Infinity Net rằng: "Tôi chiến đấu với đau đớn, lo lắng và sợ hãi mỗi ngày và phương pháp duy nhất tôi tìm thấy để làm giảm bệnh tật của mình là tiếp tục sáng tạo nghệ thuật. Tôi đi theo sợi dây của nghệ thuật và bằng cách nào đó tôi đã khám phá ra một con đường sống".

Yayoi Kusama mô tả công việc của mình như là một "liều thuốc nghệ thuật". Các bức tranh Lưới vô cực của bà từng giành được nhiều lời khen ngợi của giới phê bình ở New York, bắt nguồn từ ảo giác thị giác mà bà cho rằng đã ám ảnh mình từ khi còn nhỏ. Hiện nữ nghệ sĩ sống tự nguyện trong một trại tâm thần ở Tokyo, Nhật Bản. Đây là nhà của bà từ năm 1977.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, Yayoi nói với tạp chí Dazed rằng: "Tôi đã có những ngày đen tối và những khoảng thời gian không may mắn nhưng tôi đã vượt qua chúng bằng sức mạnh của nghệ thuật".

Trong suốt cuộc đời của mình, Yayoi Kusama đã sử dụng nghệ thuật như một cách để xóa bỏ những tổn thương thời thơ ấu, ảo giác và sự áp bức của việc trở thành một nghệ sĩ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Đổi lại, Yayoi Kusama đã tạo ra một số tác phẩm nghệ thuật tâm lý nhất thế giới.

Thay vì bị "hủy diệt" bởi căn bệnh tâm thần của mình, Kusama sử dụng nó như một điểm trao quyền. Sự dũng cảm của bà khi đối mặt với sự áp bức của nghệ thuật và định kiến của xã hội cùng khả năng sống sót và thành công khi mắc bệnh tâm thần đã chứng minh rằng, một người có thể sống tốt và công khai các vấn đề về tinh thần của họ.

Là nữ nghệ sĩ có sự nghiệp ghi dấu ấn sâu đậm trong nền nghệ thuật đương đại. Quan trọng hơn, Yayoi Kusama còn là người thay đổi quan điểm về bệnh tâm thần và giúp xóa bỏ những điều cấm kỵ về sức khỏe tâm thần. Ở một khía cạnh nào đó, nghệ thuật của Kusama không chỉ là bức tranh minh họa về kinh nghiệm sống của bà mà còn là minh chứng rõ ràng rằng các vấn đề về tinh thần không hẳn luôn là rào cản và cũng không cản trở việc tạo ra những tác phẩm mà hàng triệu người muốn thưởng thức.

Theo Christies