Bác sĩ Lê Thị Cao Nguyên trở thành động lực cho rất nhiều bạn trẻ, khi cùng lúc làm chuyên môn, kinh doanh và giảng viên đại học. Cô là giảng viên bộ môn da liễu của trường ĐH Y Dược Huế khi tuổi đời chỉ mới 24, là chủ và bác sĩ chính của bốn trung tâm thẩm mỹ, làm đẹp và showroom mỹ phẩm tại Huế và Đà Nẵng, là người phụ nữ của gia đình, là nàng dâu năng động của đất cố đô.
Trong cuộc trò chuyện với Luxlifestyle, bác sĩ Cao Nguyên đã chia sẻ về hành trình đầy cảm hứng của mình:
Con đường trở thành bác sĩ của chị?
Hồi nhỏ tôi háo thắng, thích chinh phục bản thân, chuyện trở thành bác sĩ cũng rất ngẫu nhiên, xuất phát từ tính cách này. Gia đình tôi không ai theo ngành y, ba mẹ theo nghề buôn bán, gia cảnh bình thường. Lúc đi học tôi nghĩ rằng ngành y thi điểm rất cao, rất khó.
Tôi có một người bạn nam chơi thân, gia đình có điều kiện, có nền tảng tốt và muốn làm bác sĩ nên tôi cũng muốn chinh phục. Tôi đã nghĩ “con trai làm được, con gái cũng làm được”. Năm đó khoảng lớp 8, lớp 9.
Từ lời hứa trẻ con đó, tôi quyết tâm học. Xuyên suốt những năm phổ thông, tôi cũng thấy hứng thú với ngành, bộ môn chuyên ngành khối B là toán hoá sinh. Và 5 năm sau cả hai chúng tôi đều trở thành bác sĩ.
Tôi đã quan niệm đã đi học là phải học cho thật tốt. Khi học đại học, hầu như năm nào tôi cũng đạt học bổng. Năm 2012, tôi tốt nghiệp ĐH Y Dược Huế loại giỏi, đứng top 13 trong khoảng 300 bác sĩ đa khoa cùng đợt, được trường giữ lại làm giảng viên cho bộ môn da liễu.
Ba năm sau tôi đi học tiếp, thi tuyển đầu vào đúng giai đoạn vừa mới sinh con, công việc bộn bề, một lần nữa tôi nỗ lực để giành tấm vé vào ngành Thạc sĩ da liễu tại TP HCM với điểm và tỷ lệ chọi đầu vào cao.
Từ đâu chị chuyển hướng sang kinh doanh?
Bản thân tôi rất thích kinh doanh, khi còn nhỏ rất thích những cô giám đốc mặc vest cầm túi. Học thạc sĩ xong là năm 2018 về nhà và khởi nghiệp, bắt đầu là phòng khám nhỏ. Sau một thời gian, tôi thích làm thương hiệu, thích lan toả tâm huyết, ngành nghề đam mê của mình và mở thêm chi nhánh, chính thức thành lập công ty.
Trong thời gian học ở TP HCM tôi đã tận dụng mọi cơ hội để học hỏi ở đối tác, đồng nghiệp, từ trong quá trình làm việc và đọc sách thêm. Đó là những hành trang kiến thức ban đầu cùng tôi thử nghiệm và đúc kết khi trở về Huế.
Rất nhiều người tiếp xúc với tôi đã nói tôi là bác sĩ mà khí chất không giống nhiều bác sĩ khác. Tức là thường bác sĩ chỉ tập trung đúng chuyên môn của mình. Với tôi, mọi người thấy được một người vừa chịu trách nhiệm chuyên môn, người kinh doanh, xây dựng nhiệm thương hiệu Akina và dấn thân liên tục để đổi mới mình.
Chị có thể chia sẻ về tham vọng kinh doanh của mình?
Gọi là tham vọng để làm này kia nọ là chưa đâu, chẳng qua tôi muốn trải nghiệm cuộc sống của mình. Tôi dám thử thách, dám khác mình, dám dấn thân, dám xây dựng ở một thị trường da liễu thẩm mỹ mới ở Huế.
Huế là thị trường khó với ngành da liễu thẩm mỹ, nhiều người họ lắc đầu. Để so sánh sự cao cấp so với TP HCM thì tôi không dám vì tài chính còn hạn hẹp. Nhưng để xây dựng một nơi đàng hoàng, cao cấp, máy móc chất lượng thì tôi thấy mình là một trong những người tiên phong.
Theo tôi quan sát, mặt bằng người dân Huế còn nghèo, dòng tiền không mạnh, dòng tiền cho chi tiêu, mua sắm, tận hưởng không nhiều, chủ yếu họ tích luỹ, thành ra việc họ chi trả cho làm đẹp cao cấp thực sự là thử thách.
Sau một năm kiên nhẫn, tôi khá là may mắn đó nên tôi được mọi người chấp nhận, bằng nỗ lực thể hiện qua chất lượng và hiệu quả. Thời điểm ban đầu, nhiều lúc tổng doanh thu của Akina vượt ngưỡng 1 tỷ đồng/tháng. Sau khi có biến động do dịch bệnh, việc đi lại hạn chế hơn nên thu nhập cũng ít hơn.
Tại các cơ sở của tôi, hầu như tôi là người đứng chính hết, một mình mình gánh hết hoạt động điều hành, kinh doanh. Thường trong ngành thẩm mỹ bạn sẽ thấy có rất nhiều tài phiệt, họ có nguồn tài chính, và nhờ đó họ làm nhẹ nhàng hơn, không quá lo ngại tiền bạc khi làm cái mới. Nhưng mà tôi nguồn lực có hạn, không cho phép mình thất bại, thất bại có nguồn khác đâu mà đắp vào. Tôi đi mỗi bước là mỗi bước phải cẩn thận, xem xét kĩ nhiều vấn đề, phải học hỏi nhiều mới đỡ va vấp.
Đến bây giờ quy mô hoạt động của chị như thế nào?
Hiện tại tôi có bốn cơ sở với thương hiệu Akina, gồm ba Trung tâm điều trị mụn, phòng khám chống lão hoá và thẩm mĩ nội khoa, showroom mỹ phẩm ở Huế và một trung tâm làm đẹp ở Đà Nẵng. Tôi có hơn 30 nhân sự và đội ngũ bác sĩ đồng hành cùng mình.
Bác sĩ Cao Nguyên liên tục cập nhật công nghệ, kiến thức làm đẹp mới trên thế giới.
Huế là nơi tôi làm quen với khách hàng, để tạo kinh nghiệm và thử sức những thứ mình mong muốn. Sau đó tôi thấy thị trường ở đây quá nhỏ so với năng lượng mình có thể làm với khách hàng nên sau quá trình tích luỹ kinh nghiệm, trải nghiệm, ..., tôi dấn thân thử thị trường thử thách hơn là Đà Nẵng vào đầu 2022.
Khi tôi đến Đà Nẵng là vùng đất mới, khách hàng mới, may mắn thay tôi có nhân sự trung thành, sẵn sàng rời xa Huế, tình nguyện vào Đà Nẵng cùng tôi gây dựng cơ sở mới. Tôi vô cùng biết ơn và trân quý tình cảm của mọi người.
Vừa mới mở doanh nghiệp, đi vào ổn định chưa bao lâu thì gặp phải các đợt dịch covid. Chị thích nghi như thế nào?
May mắn là tôi đã sống sót, tạm ổn, sống sót qua hai mùa dịch, đầu tư thêm hai mặt bằng.
Trước khi có dịch Covid, tôi có một trung tâm chống lão hoá: dành cho những người muốn chống lão hoá, một trung tâm điều trị mụn chỉn chu, đàng hoàng, dành cho sinh viên học sinh.
Thực ra không phải dịch tới nên tôi bị ảnh hưởng đâu, mà vì dịch nên dịch vụ tại chỗ bị hạn chế, tôi mới chuyển đổi, thức thời để sống sót, đầu tư để cứu sống những chỗ khác. Vì mùa dịch nên khách hàng có nhu cầu skincare tại nhà nhiều hơn, bác sĩ tư vấn online nhiều hơn.
Tôi tức tốc xây dựng quy trình làm việc online và mở thêm showroom mỹ phẩm tại Huế luôn, cũng là nơi rất chỉn chu để khách hàng có thể tới lựa chọn sản phẩm tốt, chính hãng, nguồn gốc rõ ràng, và ưu tiên về mỹ phẩm trị liệu. Akina Cosmetic & Heathy center đã ra đời từ đó, có chuyên viên, bác sĩ tư vấn online. Từ đó, Akina dễ tiếp cận trên quy mô toàn quốc hơn.
Chính vì vậy mặc dù là công ty nhỏ nhưng mà tôi vẫn duy trì được hệ thống 30 nhân sự và hỗ trợ mọi người rất tốt. thành ra mọi người vẫn sống ổn định trong khoảng thời gian dịch xảy ra. Tôi rất mừng vì điều đó.
Trong 2 năm dịch bệnh, thay vì tôi đóng góp cho dân nghèo như nhiều năm trước, tôi làm từ thiện hỗ trợ chống dịch, quyên góp vật tư y tế, khẩu trang, găng tay, quyên góp tiền cho các đội phản ứng nhanh.
Cách chị quản lý nhân sự để mọi người tin tưởng và đồng lòng với mình?
Không biết do tôi may mắn hay “khó tính” ngay từ đầu. Khi tuyển dụng nhân sự, tôi xem xét thái độ trước. Ở trung tâm tôi không có chuyện nội bộ cạnh tranh, chênh lệch thu nhập giữa các bạn nhân viên. Thay vào đó, mọi người rất đoàn kết và hỗ trợ nhau. Với khách hàng, các bạn coi trọng khách hàng, cư xử với khách hàng nào cũng tốt như nhau, không quan tâm tiền tip.
Đội ngũ Akina.
Về chuyên môn, quy trình làm việc tôi xây dựng 3,4 năm nay chuẩn y khoa, mọi người đã quen với cách làm việc này, đã đồng bộ, chỉn chu chất lượng dịch vụ. Các bác sĩ, nhân viên được đào tạo kiến thức mới liên tục.
Cách chị tạo dựng niềm tin với khách hàng với một thương hiệu mới?
Khi xây dựng phòng khám, tôi phải cân nhắc làm sao phải hoà hợp, hợp với nhu cầu, tài chính và kì vọng của khách hàng, và với liệu trình bác sĩ đạt được cho họ. Tôi tư vấn các vấn đề phát sinh ngắn hạn, lâu dài, theo cơ địa, cần thời gian và xử lý như thế nào. Còn nếu mình không kĩ từ đầu thì khách hàng dễ mất niềm tin.
Bản thân tôi thường mất khoảng thời gian nửa tiếng, 45 phút để tư vấn toàn diện cho khách hàng. Ví dụ như khách hàng tới chỉ thấy một vấn đề trên da thôi, nhưng mà tôi sẽ tư vấn đa chiều dưới góc nhìn của một bác sĩ da liễu và bác sĩ thẩm mĩ.
Chìa khoá chinh phục khách hàng ngoài chuyên môn vững còn phải kiên nhẫn, lắng nghe, cảm thông, thấu hiểu và đưa phương pháp cho khách hàng. Còn khi có vấn đề phát sinh, dù là bất cẩn từ phía khách hàng, ngay lập tức mình phản biện lại khách hàng là tôi đúng, khách hàng sai, … thì không được. Thực ra khách hàng chỉ muốn đẹp thôi. Mình hiểu tâm lý đó và mình phục hồi cho khách hàng mình từ từ. Để khách hàng dành thời gian đó cho mình thì phải trao đủ niềm tin, vậy thì ngay khâu tư vấn phải kĩ càng.
Xây dựng được niềm tin đã khó rồi, giữ được niềm tin lâu dài càng khó hơn, tất nhiên không thể 100% ai cũng tin mình hết được. Sự cố công việc chắc chắc có, quan trọng nhất là cách mình giải quyết. Tôi luôn cố gắng tối ưu quy trình của doanh nghiệp mình và lắng nghe, tiếp thu ý kiến của khách hàng.
Ví dụ tai biến trên da rất phổ biến trong quá trình điều trị. Chẳng hạn như với vài trường hợp hiếm hoi peel da làm da tăng sắc tố, mình phải càng ngày càng tối ưu công thức và liệu trình làm sao tối ưu bằng sản phẩm an toàn, quy trình kĩ, từ bước chăm sóc da của nhân viên trị liệu, tư vấn chăm sóc da tại nhà, quy trình phục hồi phải kĩ nữa. Sau khi mình kĩ xong rồi khách vẫn bị vấn đề đó thì mình phải có chế độ phục hồi, hỗ trợ và chăm sóc khách hàng. Đồng thời, nghiên cứu tối ưu thời gian phục hồi.
Khi kĩ càng như vậy, chị có sợ ảnh hưởng đến doanh thu?
Trong giới bác sĩ cần những khách hàng thông thái hơn là cần những khách hàng nóng vội, mình cần quan tâm đến sức khoẻ khách hàng. Cái gì cũng có hai mặt. Uy tín của một bác sĩ rất quan trọng, làm việc cả đời với ngành nghề.
Ai đã làm nghề bác sĩ thì không thể đánh đổi bằng cấp bác sĩ, ngành nghề, uy tín và cái đức. Cái đức ở đây không phải đạo đức bình thường, mà đạo đức của người bác sĩ. Không thể vì tiền, vì kinh doanh mà chúng ta có khách hàng càng nhiều càng tốt. Phải chọn lọc khách hàng.
Bác sĩ Cao Nguyên còn là chuyên gia tin cậy của các nhãn hàng quốc tế.
Bây giờ bác sĩ phải đi chọn lọc khách hàng, chứ không phải chỉ khách hàng mới chọn bác sĩ. Không phải khách hàng nào vào tôi cũng chọn đâu. Mỗi ngày mình đặt cái tâm, trách nhiệm của mình trên mỗi khách hàng quá nhiều, mà tối còn lo lắng vì khách hàng chưa hiểu, chưa tin thì vô tình tạo bạo lực tinh thần, sẽ không có năng lượng làm việc tốt, phục vụ cho những khách hàng khác được. Chính vì vậy, chọn lọc khách là bảo vệ uy tín, bảo vệ ngành nghề, sức khoẻ và tâm huyết của mình hơn nữa.
May mắn, lượng khách hàng ngày nay đã thông thái, biết chọn bác sĩ uy tín để chăm sóc và làm đẹp hơn so với ngày trước.
Đâu là những yếu tố thách thức nhất trong ngành da liễu?
Sức cạnh tranh và đào thải mạnh. Nếu không chứng minh được bản lĩnh và chất lượng trên thị trường và khó đứng vững. Hoạt động marketing phải mạnh, đúng cách, đúng đối tượng. Nếu không đổi mới, đẩy mạnh chương trình liên tục, thương hiệu của bạn sẽ biến mất khỏi tâm trí của khách hàng.
Theo chị, đâu là động cơ làm đẹp của chị em phụ nữ ngày nay?
Tôi thấy phụ nữ ngày nay, đặc biệt là các khách hàng của Akina biết yêu thương bản thân mình hơn. Ngoài ra, mạng xã hội phát triển nên có nhu cầu làm đẹp để tự tin và khoe hình ảnh. Đó là những động cơ chính.
Chị có thể chia sẻ về công tác giảng dạy tại trường đại học?
Cùng với sinh viên Đại học Y Dược Huế.
Dạy học là một niềm vui của tôi. Là một người sinh sống và làm việc tại Huế, nơi mọi thứ có vẻ bình lặng hơn, tôi muốn sinh viên thế hệ sau phải nghĩ khác, dấn thân, thay đổi bản thân mình, dám sống hết mình, chứng minh bằng sự thành công của mình và sống ích cho xã hội.
Còn nhớ ngày 20/11/2020, các bạn sinh viên ĐH Y Dược Huế đã chọn tôi để làm nhân vật trong video cảm ơn người giáo viên đã có sự thay đổi lớn, tác động tích cực đối với thế hệ sinh viên trẻ. Tôi cảm thấy ấm lòng vì năng lượng của mình truyền đến được cho mọi người, sinh viên và thế hệ trẻ.
Với khối lượng công việc nhiều như vậy, chị vượt qua với những căng thẳng, áp lực trong công việc và cuộc sống ra sao?
Phải dung hoà mọi thứ. Tôi học cách làm sự tức giận của mình tiêu biến nhanh mà không gây ảnh hưởng nhiều đến mọi người xung quanh bằng cách mở các kênh video, nghe những lời hướng dẫn, học cách kiểm soát cảm xúc, nên tập trung vào vấn đề gì, học cách cảm thông hơn.
Cách chị cân bằng với cuộc sống, dành thời gian cho gia đình?
Hiện tại tôi vẫn dành thời gian dạy con, nói chuyện với con, hướng dẫn con phát triển ngôn ngữ. Ngoài ra, tôi cân bằng cuộc sống bằng cách ngoài giờ làm việc thì dành cho gia đình và phát triển bản thân. Tôi tự thưởng cho mình sau những thời gian làm việc vất vả bằng cách đi chơi cùng gia đình, thỉnh thoảng mua sắm những món đồ tự tặng mình.
Cuộc sống hôn nhân có những giai đoạn khó khăn, giận hờn ban đầu. Để hạnh phúc tôi đã phải học, tự hiểu bản thân mình thì mình không hiểu, hiểu tâm lý người chồng, chính mình để vượt qua khó khăn, vượt lên cái tôi chính mình.
Ai là người truyền cảm hứng cho sự nghiệp của chị?
Người truyền động lực về tinh thần học tập và rèn luyện là mẹ chồng mình. Mẹ chồng là người làm việc trong ngành y đến lúc lớn tuổi, trên 60 rồi vẫn học tập, làm việc liên tục.
Mẹ đã đạt được học vị Phó giáo sư Tiến sĩ ngành nội khoa. Mẹ thường xuyên học tập, mẹ có thể thức khuya, mẹ có thể hoàn thành công việc rất nhiều. Bên cạnh đó mẹ dành thời gian chuyên môn, tâm huyết cho bệnh nhân của mình. Mẹ được nhiều bệnh nhân tin tưởng đến khám và điều trị, mẹ vẫn đang chấm đề tài luận văn, luận án và hướng dẫn cho Tiến sĩ khác.
Về cuộc sống gia đình, mẹ cũng đã cũng truyền cảm hứng cho mình nhiều lắm. Mẹ chồng rất yêu thương con cháu và đặc biệt yêu thương con dâu.
Tôi may mắn được gia đình chồng tâm lý, ủng hộ tôi rất nhiều trong công việc và trong cuộc sống gia đình. Ông xã là người bên cạnh, tôn trọng và ủng hộ tất cả các quyết định của tôi.
Dù có sóng gió mấy chăng nữa, về nhà vẫn yên ấm và hạnh phúc nhất.
Khi tôi quyết định kinh doanh, ba mẹ chồng đã khuyên “Con có một tuổi trẻ duy nhất con muốn thử thách bản thân thì con cứ cố gắng, nhưng nhớ cân bằng với cuộc sống gia đình. Bởi vì dù sự nghiệp có phát triển đi chăng nữa nhưng gia đình không có hạnh phúc, không có nền tảng vững chắc thì mình không có đạt được điều mà mình mong muốn”.
Cảm ơn chị đã tham gia buổi trò chuyện, chúc chị ngày luôn đạt được những hoài bão của mình!