Bí mật đen tối đế chế Chanel cố gắng vùi lấp: Nhà sáng lập trở thành điệp viên để đòi lại quyền sở hữu chính công ty mang tên mình

Hoài Trần
Khi Chanel mất vào năm 1971, công ty mang tên bà hoàn toàn thuộc về nhà Wertheimers, những người chẳng có quan hệ máu mủ gì với nhà thiết kế thời trang thiên tài này.
bi-mat-den-toi-de-che-chanel-co-gang-vui-lap-1644164972.jpg
Câu chuyện của Coco Chanel được các nhà làm phim khai thác và thu hút đông đảo công chúng.

Đối với giới thời trang, cái tên Chanel có lẽ chẳng còn xa lạ. Những sản phẩm của hãng thời trang này, từ phụ kiện cho đến nước hoa đều trở thành biểu tượng của sự xa xỉ, giàu có và là niềm đam mê của vô số phụ nữ trên thế giới.

Thế nhưng, hãng thời trang danh tiếng này có một bí mật mà họ cố vùi lấp nhiều năm qua khi nhà sáng lập trở thành điệp viên Đức Quốc Xã chỉ để cố giành lại chính thương hiệu của mình.

Khởi đầu đế chế thời trang

Gabrielle "Coco" Chanel là một nhà thiết kế khá nổi tiếng trước thời Thế chiến II. Phong cách thời trang và những mẫu thiết kế tuyệt vời của bà đã giúp người phụ nữ này tiếp cận được với tầng lớp thượng lưu Châu Âu.

photo-1-16008516418921380789755-1643109877.jpg
Coco Chanel

Trong giới thời trang, Chanel đã có nhiều đóng góp cho ngành, từ việc quảng bá màu da rám nắng là biểu tượng của cái đẹp chứ không phải là dấu hiệu cho tầng lớp lao động cho đến chấm dứt sự thống trị của áo nịt ngực trong giới quý tộc.

Có nhiều công lao là vậy nhưng khởi điểm của Chanel khá khiêm tốn. Bà sinh ra trong một gia đình nghèo tại Pháp vào năm 1883 và mồ côi mẹ khi mới 12 tuổi. Cuộc sống khó khăn buộc người cha phải gửi Chanel đến trại trẻ mồ côi cho bé gái. Chính tại đây Chanel đã học được các kỹ năng về thêu thùa và may mặc.

Khi đã lớn và buộc phải rời khỏi trại trẻ mồ côi, Chanel làm nghề thợ may và đi hát ngoài quán rượu. Với vẻ đẹp ở tuổi đôi mươi, Chanel nhanh chóng quyến rũ được Etienne Balsan, người thừa kế của hãng dệt may lớn nhất Pháp lúc đó là Balsan, chuyên sản xuất quân phục cho quân đội Pháp.

Vào năm 1906, Chanel 23 tuổi và chính thức trở thành tình nhân của Balsan. Nhờ mối quan hệ này mà Chanel tiếp cận được giới thượng lưu Châu Âu. Trong thời gian này bà cũng quen được Arthur Capel, một thành viên của giới thượng lưu Anh và bắt đầu cuộc tình tay ba. Tại thời điểm này, cả 2 người tình đều cạnh tranh để có được sự hài lòng của Chanel qua những món quà cũng như thỏa mãn mọi mong muốn của bà.

Nhờ sự trợ giúp tài chính của 2 người tình mà Chanel mở được cửa hàng thời trang đầu tiên tại Paris vào năm 1910 theo ý muốn. Mặc dù gu thời trang của Chanel khiến giới thượng lưu Châu Âu thích thú nhưng chúng chưa đủ để biến Chanel thành người giàu. Trên thực tế, việc tham gia mảng nước hoa mới là một trong những bước đệm giúp nhà thiết kế này trở thành tỷ phú.

Tuy nhiên, đây cũng là bước khởi đầu cho quãng thời gian đen tối mà hãng thời trang Chanel luôn cố tránh nhắc tới.

Trở thành điệp viên

Năm 1921, Chanel ra mắt sản phẩm nước hoa đầu tiên mang tên Chanel No.5. Loại nước hoa này nhanh chóng tạo nên cơn sốt và truyền bá thương hiệu của Chanel ra khắp nước Pháp. Tham vọng của Chanel ngày một lớn khi muốn đưa thương hiệu của mình ra toàn thế giới nhưng mối quan hệ của bà không đủ sức làm điều đó.

Tại thời điểm đó, hệ thống phân phối và logistic cần nguồn lực rất lớn cũng như tốn nhiều thời gian để xây dựng. Không còn cách nào khác, Chanel buộc phải tìm kiếm nhà đầu tư và nhờ các mối quan hệ, bà quen được Pierre Wertheimer, chủ một hãng chuyên bán lẻ thời trang và mỹ phẩm ở các thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ.

Cả 2 đã cùng nhau sáng lập nên Parfums Chanel, đế chế giúp Chanel trở thành một trong những phụ nữ giàu nhất thế giới trong vòng 10 năm sau đó. Thế nhưng do yếu thế hơn nên Chanel chỉ giữ 10% cổ phần của công ty này.

Trên thực tế Chanel cũng không mấy thiện cảm với Pierre khi ông là người Do Thái, còn bản thân Chanel lại mang tư tưởng bài Do Thái. Tuy nhiên vì muốn đạt được ước mơ mà Chanel sẵn sàng gạt bỏ mọi chuyện sang một bên để cùng hợp tác cũng như chấp nhận khoản cổ phần ít ỏi.

Thế nhưng khi công việc kinh doanh ngày càng phát triển, sự mẫu thuẫn giữa 2 người ngày một tăng cao. Chanel lúc đó cho rằng Pierre đang làm giàu trên ý tưởng của bà và việc nắm giữ 10% cổ phần là không tương xứng với công sức của Chanel.

Sự mẫu thuẫn này càng lên cao vào thập niên 1930 khi Đức Quốc Xã lên nắm quyền. Năm 1940 khi quân Đức xâm chiếm Pháp, Chanel thấy được cơ hội giành lại công ty từ tay Pierre. Bà cho đóng cửa hàng thời trang tại Paris khiến 4.000 lao động nữ mất việc làm và chuyển vào sống tại khách sạn Ritz với lý do: "Đây không phải thời điểm để làm thời trang".

Dẫu vậy mục đích của Chanel lại sâu xa hơn nhiều. Khách sạn Ritz là nới ở của rất nhiều sĩ quan cao cấp Đức khi xâm chiếm Pháp. Tại đây, bà đã quen được điệp viên người Đức Baron Hans Gunther Von Dincklage và nhanh chóng có một cuộc tình với người đàn ông này. Chính cuộc tình này đã giúp Chanel tiếp cận được với hệ thống tình báo Đức.

Vào năm 1941, Chanel chính thức gia nhập tình báo Đức với số hiệu F-7124 và mật danh "Westminster". Sau đó Chanel được lệnh tới Madrid-Tây Ban Nha để liên hệ với quân đồng minh và thu thập tình báo. Dẫu vậy Chanel không phải tự nhiên muốn gia nhập tình báo Đức, bà chỉ muốn Đức Quốc Xã sẽ đòi lại công ty của mình từ tay đối tác Do Thái.

Ngày 5/5/1941, Chanel đã viết một bức thư đến những nhà cầm quyền Đức tố cáo Parfums Chanel vẫn nằm trong tay người Do Thái và đề nghị khôi phục lại quyền sở hữu với hãng này.

Thật trớ trêu, Pierre rất thông minh khi nhận ra mối nguy hiểm và đã nhanh chóng chuyển quyền kiểm soát công ty cho người bạn thân Felix Amiot và tạm lánh sang Mỹ. Thế là bất kể cố gắng của Chanel, hãng Parfums Chanel vẫn chẳng thuộc về bà dù rất cố gắng làm việc cho Đức Quốc Xã.

photo-1-16008517578681012751876-1643109935.jpg
Chanel và Pierre Wertheimer

Khi Đức Quốc Xã thất thế và thủ đô Paris của Pháp được giải phóng, Chanel bỏ sang Thụy Sĩ sinh sống cùng người tình điệp viên Đức Baron Dincklage. Trong thời kỳ này, khoảng 10.000 người Paris đã bị đem ra xét xử vì tội phản quốc nhưng Chanel lại thoát được dễ dàng nhờ những mối quan hệ với giới thượng lưu.

Quá khứ bị vùi lấp

Sau chiến tranh, Chanel cố gắng kiện Pierre với những nỗ lực cuối cùng để đòi lại công ty mang tên mình. Bản thân Pierre sau khi được người bạn Felix trao trả lại công ty cũng không muốn to chuyện và làm ảnh hưởng đến thương hiệu Chanel. Lúc này lợi nhuận từ dòng nước hoa và thời trang Chanel quá lớn và việc tiết lộ bà là điệp viên chẳng có lợi cho cả 2 bên.

Bởi vậy vào năm 1947, một bản thỏa thuận mới đã được ký thay thế hợp đồng năm 1924. Theo đó Chanel sẽ nhận được khoản tiền tương ứng số lợi nhuận theo cổ phần bán nước hoa Chanel No.5 trong thời chiến, tương đương 9 triệu USD theo tỷ giá hiện hành.

Dù tỷ lệ cổ phần của Chanel giảm từ 10% xuống chỉ còn 2% tại Parfums Chanel nhưng thu nhập hàng năm của bà đạt khoảng 25 triệu USD/năm, qua đó biến Chanel thành một trong những người phụ nữ giàu nhất thế giới thời hậu Thế chiến II.

Ngoài ra, Pierre cũng chấp nhận thanh toán mọi chi phí sinh hoạt cho Chanel đến hết đời để đổi lại sự im lặng từ bà. Thậm chí ông còn khuyến khích Chanel quay lại ngành thời trang vào năm 1954.

Khi Chanel mất vào năm 1971, công ty mang tên bà hoàn toàn thuộc về nhà Wertheimers. Trong suốt quãng thời gian sau đó, những tranh cãi về cuộc đời Chanel vẫn luôn diễn ra. Tuy nhiên hãng thời trang Chanel vẫn luôn cố gắng xóa nhòa hình ảnh không mấy đẹp về nhà sáng lập thiên tài có đóng góp lớn cho ngành thời trang của họ.