Các nhãn hàng công nghệ Trung Quốc thường hay sử dụng những Influencer/KOLs ngành giải trí hay thể thao làm đại sứ thương hiệu. Điển hình có thể kể đến gã khổng lồ Huawei với những chiến dịch Influencer Marketing kết hợp với Lionel Messi hay Wonder Woman Gal Gadot và các Celeb Hoa Ngữ khác.
Không chỉ thuê ngoài đắt đỏ, những công ty, tập đoàn sau đây đã tạo bất ngờ khi mới đây đã quyết định sử dụng chính “cây nhà lá vườn” - các CEO của mình như Lei Jun (Xiaomi), tỷ phú Jack Ma,... làm đại sứ thương hiệu cho chính sản phẩm của mình. Điều đáng nói, các vị "KOLs 0 đồng" này "xịn sò" hơn bất cứ nhân vật được thuê ngoài nào.
Lei Jun - CEO của hãng điện thoại thông minh Xiaomi
Lei Jun – nhà sáng lập kiêm CEO của hãng Xiaomi - nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ 4 thế giới, có buổi bán hàng livestream đầu tiên thành công mỹ mãn trên nền tảng Douyin vào ngày 16/08/2020.
Buổi livestream của ông đạt 50,5 triệu lượt xem, thu về 210 triệu NDT (khoảng 30 triệu USD ~700 tỷ đồng) chỉ sau 2 tiếng live. Đặc biệt, doanh thu đạt được là từ những đồ dùng có giá trị nhỏ như bút bi, cân điện tử đến những món giá trị cao hơn là smartphone và TV.
"Thực ra tôi không giỏi trong việc livestream này. Tôi bị bộ phận bán hàng ép lên đây", ông Lei Jun nói. Phải chăng đây là kế hoạch “để con át chủ bài lộ diện”.
Ông cũng chia sẻ mình thực sự sợ livestream bán hàng, và có lẽ vì vậy nên có những lỗi nhỏ của người mới vào nghề. Những KOLs khác có lẽ cần sự hài hước, nhưng CEO Xiaomi đây chỉ có sự lúng túng, lỗi nhỏ đáng yêu, thứ lại làm cho buổi livestream càng thêm thú vị.
Trong buổi bán hàng online đầu tiên của ông, Lei Jun bán được hơn 20 sản phẩm, từ bút bi, cân điện tử đến smartphone, TV, với giá mỗi món từ một đến 49.999 nhân dân tệ. Nhiều sản phẩm cháy hàng ngay khi được ông Lei Jun giới thiệu.
Đến khoảng 22h, buổi live kết thúc. Nhiều người tiếc nuối và yêu cầu CEO Xiaomi tiếp tục bán thêm vì đặt hàng không kịp, các mặt hàng được săn ngay trong chớp mắt, họ cũng để lại bình luận rằng rất hài lòng về buổi live. Để chiều lòng khách hàng, ông Lei Jun cũng hứa sẽ cân nhắc về lần phát sóng tiếp theo.
Tỷ phú Jack Ma - bán 15.000 thỏi son chỉ trong năm phút
Tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba là một ví dụ điển hình. Ông từng tham gia cuộc thi bán hàng online với ngôi sao livestream Austin Li Jiaqi, người được mệnh danh là "vua son môi", anh từng bán 15.000 thỏi son chỉ trong năm phút trên Taobao Live. Cuộc thi xem ai có thể bán nhiều son hơn, phát trực tiếp trên nền tảng Youku vào hồi tháng 04/2018, đã thu hút hàng triệu người xem.
Mặc dù không phải dân trong ngành, tỷ phú Jack Ma đã bắt đầu sau “chiến thần livestream” một chút. Nhưng có lẽ kinh nghiệm từ buổi live năm 2019, thực hiện một chiến dịch livestream tương tự với ca sĩ Wei Ya để tiêu thụ nông sản nên ông cũng có kinh nghiệm, không bị lúng túng, mặc dù không dễ gì mạnh dạn mà tô son thẳng lên môi như “vua son môi” được. Nhưng ông cũng thể hiện sự thích thú cũng như hăng say giới thiệu về sản phẩm của mình rao bán không kém gì đối thủ.
CEO Mingzhu Dong - CEO kiếm được hàng chục triệu USD sau 3 tiếng livestream
Hôm 10/5, doanh số bán hàng của Gree Electric Electrical thu 43,8 triệu USD, riêng phiên livestream của Chủ tịch Dong Mingzhu, 'nữ hoàng đồ gia dụng' Trung Quốc, đạt 14,1 triệu USD.
Bà Dong Mingzhu, chủ tịch Gree Electric Electrical, tham gia livestream bán hàng được phát trên nền tảng xã hội Kuaishou lúc 19h30 tối 10/5 và nhanh chóng thu hút 16 triệu lượt xem. Trong phiên bán, bà Dong giới thiệu một máy lọc khí nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và một cốc nước ép. Phiên bán hàng này còn có sự góp mặt của những ngôi sao livestream nổi tiếng tại Trung Quốc đại lục do Gree mời về.
Theo dữ liệu từ Kuaishou, doanh số bán hàng trong phiên livestream của bà Dong đạt 100 triệu nhân dân tệ (14,1 triệu USD) trong 30 phút và 310 triệu nhân dân tệ (43,8 triệu USD) trong cả phiên phát sóng 3 giờ.
Trước đó, Gree, nhà sản xuất máy điều hòa không khí lớn nhất của Trung Quốc, báo cáo doanh thu giảm 50% và lợi nhuận ròng lao dốc 72,5% trong ba tháng đầu năm do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19.
"Bán hàng trực tuyến cho phép người mua hàng tương tác và chúng tôi hoàn toàn có thể hiểu được mọi nhu cầu của họ. Tôi không hy vọng thu hút người mua vì giá rẻ, mà hy vọng các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc được biết đến rộng rãi", bà Dong nói. Bà cũng cho biết là mình tổ chức buổi livestream vì muốn mở đường, chỉ dẫn đường cho hơn 30.000 nhà phân phối của công ty.
Việc mua sắm qua livestream ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Những người nổi tiếng lên livestream bán hàng không còn xa lạ, tuy nhiên, sự xuất hiện của các CEO khiên nhiều người tin tưởng hơn vào chất lượng sản phẩm. Người mua cũng có cơ hội tương tác trực tiếp với những người nổi tiếng mà họ hiếm khi được trò chuyện ngoài đời.
Theo tạp chí Forbes, ước tính ngành này thu về 60 tỷ USD hàng năm. Theo iiMedia Research, tổng giá trị các giao dịch thông qua livestream tại Trung Quốc đạt 61 tỷ USD trong năm 2019. Do ảnh hưởng của Covid-19, lĩnh vực này đang tăng trưởng đột phá và được dự đoán đạt 129 tỷ USD trong năm. Quy mô thị trường thương mại điện tử livestream của Trung Quốc đạt 1.200 tỷ nhân dân tệ (178 tỷ USD) vào năm 2020.
Thông tin từ Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 cho thấy, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam ước tính đạt 16,4 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước. Đến năm 2025, quy mô của thị trường có thể lên đến 39 tỷ USD với tốc độ phát triển là 29%. Trong đó, livestream để tương tác trực tiếp với người dùng là giải pháp thúc đẩy bán hàng đáng chú ý.