Hành trình trở thành triệu phú tự thân ở tuổi 21
Bỏ qua định kiến về thế hệ Z là những đứa trẻ lười nhác, chàng trai gốc Virginia đã trở thành triệu phú khi mới 20 tuổi. Anh tập trung kinh doanh trên sàn thương mại điện tử như Project Wifi hay trung tâm dữ liệu khai thác tiền điện tử BlackWater.
Mục tiêu của Kong là thực hiện các dự án tầm cỡ với những người nổi tiếng. Kong thường xuyên khoe cuộc sống xa hoa của mình trên mạng xã hội Instagram với những chiếc xe ô tô thể thao sang trọng hay những chuyến nghỉ dưỡng bên bờ biển.
Được nuôi dạy bởi bố mẹ là người châu Á, Kong đã phải lặn lội kiếm tiền tại tiệm làm móng và nhà hàng của gia đình từ năm 11 tuổi. Anh cho rằng sự thành công nhanh chóng của anh trong giới kinh doanh là nhờ công dạy dỗ nghiêm khắc của bố mẹ, đã giúp anh nhận ra giá trị của đồng tiền từ rất sớm.
Thay vì chăm chỉ học hành để trở thành bác sĩ hay luật sư theo mong muốn của cha mẹ, Kong trốn học và đầu tư toàn bộ nguồn lực vào việc phát triển dự án kinh doanh. Anh được truyền cảm hứng nhờ việc xem các video về các cá nhân làm giàu từ sàn thương mại điện tử. Sau đó, anh tự học hỏi qua các video chia sẻ trên YouTube và thành lập công ty đầu tiên của riêng mình có tên Nuclear Node vào năm lớp tám.
Chỉ trong vài năm, Kong đã hoàn toàn thông thạo lập trình, dropshipping (mô hình bán hàng bỏ qua khâu vận chuyển) và thương mại điện tử. Nhờ những kỹ năng này, anh được gặp gỡ, kết thân và học hỏi rất nhiều từ doanh nhân huyền thoại Kyle Buckner.
Nhờ sự hỗ trợ từ Buckner, tài khoản của Kong đã có 100.000 USD khi anh 18 tuổi. Con số này đã đạt mốc 1 triệu đô chỉ 2 năm sau đó, giúp anh trở thành triệu phú ở tuổi 20. Bên cạnh đó, Kong cũng đồng thời quản lý nhiều công ty. Anh đóng vai trò là Giám đốc công nghệ cho BlackWater và Project Wifi, kiêm chủ tịch của Alqenio.com, một phần mềm dropshipping cho Amazon và Walmart, có chức năng tự động hóa đơn hàng, hàng tồn kho và hàng trả lại.
Kong tin rằng việc anh thành lập một công ty công nghệ trị giá tỷ đô chỉ là vấn đề thời gian.
Tại sao giới trẻ ngày nay thiếu kỷ luật, tính tự giác?
Kong cho rằng thế hệ Z ưu tiên sự thỏa mãn tức thì hơn là thành công lâu dài. “Về cơ bản, phần lớn thế hệ của tôi thiếu kỷ luật và những kỹ năng cần thiết để đạt được mục tiêu và trở nên giàu có. Rất nhiều người không nhận ra điều đó cho đến khi họ gặp bế tắc trong công việc".
Kong chia sẻ thêm: “Thế hệ Z ngày nay dễ dàng có thứ mà họ muốn mà không cần cố gắng. Họ không biết ý nghĩa thực sự của tính cần cù. Vì vậy, họ không có đủ kỷ luật tự giác để tập trung vào bất cứ việc gì. Đây là lý do tại sao họ khó đạt được mục tiêu lớn trong cuộc sống”.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy ở cùng độ tuổi, số lượng thanh niên thế hệ Z sống cùng bố mẹ nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác. Các chuyên gia cho rằng một trong số nguyên nhân là do người trẻ chưa được trang bị đầy đủ để có thể sống tự lập.
Một nghiên cứu khác chỉ ra việc sử dụng mạng xã hội và công nghệ làm thế hệ Z dễ xao nhãng, mất khả năng tập trung vào công việc. Ngược lại, Kong luôn hoàn toàn tập trung vào công việc bất chấp mọi yếu tố gây xao nhãng. “Có rất nhiều điều mà tôi có thể tận hưởng khi còn là thiếu niên nhưng tôi đã bỏ qua tất cả để có ngày hôm nay,” anh nói.
Không ngừng cố gắng ngay cả khi đã thành công
Doanh nhân trẻ giờ đây vẫn dành thời gian mỗi ngày để học một kỹ năng mới. “Bố mẹ đã dạy tôi phải quý trọng thời gian và hiểu rằng muốn đạt được mục tiêu thì cần phải hy sinh”, anh chia sẻ.
Kong cho biết: “Khi hầu hết các bạn cùng trang lứa ngồi ở nhà chơi điện tử, tôi sẽ tận dụng thời gian rảnh để học lập trình, khởi nghiệp và phát triển một bộ kỹ năng nào đó. Tôi sẽ không ra ngoài tiệc tùng vì tôi phải làm việc và hỗ trợ các anh chị em của mình cả ngày”.
Kong chia sẻ quan điểm cá nhân về thành công: “Tôi không tin rằng chỉ học theo sách giáo khoa là sẽ thành công. Tôi luôn tự tìm tòi và học hỏi mọi thứ. Với một vấn đề tôi chưa biết, tôi sẽ lên Youtube và tìm cách học nó. Tôi tin Google là nơi bạn có thể tìm và học hỏi mọi thứ”.
Bất chấp sự thăng tiến nhanh chóng của mình trong lĩnh vực kinh doanh, Kong nhận định rằng không có con đường tắt dẫn đến thành công, thay vào đó mọi người cần duy trì sự kiên định và kỷ luật. Anh giải thích: “Thành công là kết quả của sự cố gắng không ngừng nghỉ và sự cam kết với mục tiêu ban đầu, bất chấp những cơ hội mới”.
Anh chia sẻ thêm: “Những người sáng tạo có xu hướng mắc ‘hội chứng đối tượng tỏa sáng’ (Shiny object syndrome). Họ chuyển qua dự án khác ngay cả khi dự án hiện tại chưa hoàn thành. Bạn cần phải học cách kiểm soát , nếu không bạn sẽ dễ có thói quen bỏ cuộc hơn là đi đến cùng để giành chiến thắng".
Cuối cùng, Kong tin rằng mọi người cần học cách hy sinh các khía cạnh của cuộc sống như gia đình, bạn bè, sở thích cá nhân và tập trung làm một thứ duy nhất thay vì cố gắng làm nhiều việc cùng lúc.
Nguồn: New York Post
Hạ Khương
Link nội dung: https://dulichnghiduong.vn/trieu-phu-tu-than-21-tuoi-cho-rang-the-he-tre-thieu-ky-luat-tu-giac-de-lam-giau-a25230.html