Vanilla, hay còn được gọi một cách phổ biến là ‘vani’, là loại hương liệu đắt thứ hai trên thế giới, được chiết xuất từ những loài lan thuộc chi Vanilla. Đảo quốc Madagascar nằm ở Đông Phi là nơi sản xuất ra 80% lượng vani toàn cầu. Nắm giữ thứ hương liệu quý giá được coi là ‘vàng xanh’ này, nhưng Madagascar vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới.
Người Pháp đã mang vani tới thuộc địa Madagascar như thế nào?
Cây lan vani phát triển mạnh nhất ở khu vực có rừng mưa nhiệt đới, dồi dào nắng mưa. Tuy nhiên, nó không phải giống cây bản địa ở Madagascar mà vốn bắt nguồn từ Trung Mỹ và Nam Mỹ cách đó cả chục nghìn dặm. Người bản địa đã trồng lan vani hàng thế kỷ nhờ sự giúp sức của loài ong phong lan trong việc thụ phấn.
Vào những năm 1520, Hernán Cortés – lãnh đạo đoàn thám hiểm người Tây Ban Nha, một trong những người mở đường cho công cuộc thuộc địa hóa châu Mỹ – đã mang giống cây này về nước. Nó nhanh chóng trở nên phổ biến trong các món tráng miệng của châu Âu thời bấy giờ như kem lạnh, kem cháy crème brûlée hay bánh kẹo. Đây là hương vị mà nữ vương Elizabeth I rất mê.
Trong khi Tây Ban Nha vẫn kiểm soát hoàn toàn việc mua bán vani, các nước châu Âu khác cũng thử trồng loài lan này nhưng không thành công vì loài ong phong lan không sống ở khu vực đó.
Năm 1841, Edmond Albius - một cậu bé nô lệ 12 tuổi sống trên hòn đảo Réunion do Pháp cai trị - đã phát hiện ra rằng, hoa lan vani có thể tự thụ phấn nếu ta gạt bỏ màng ngăn cách nhị và nhụy của hoa đi. Người Pháp lập tức tận dụng khám phá ấy và cho trồng vani trên một hòn đảo thuộc địa khác là Madagascar. Việc trồng trọt phát triển mạnh vì điều kiện tự nhiên vô cùng hoàn hảo.
Nỗi vất vả của nông dân trồng vani ở MadagascarThụ phấn bằng tay 40 triệu bông hoa
Ngày nay, ở những thị trấn chuyên trồng vani, người ta vẫn phải thụ phấn bằng tay cho 40 triệu bông hoa lan như cậu bé Edmond Albius đã làm 200 năm trước. Một người nông dân có thể thụ phấn 500 bông hoa mỗi ngày. Lan vani chỉ ra hoa một lần trong năm, để rồi 9 tháng sau mới kết thành quả có chứa hạt và tinh dầu làm nên loại hương liệu không thể thiếu trong các món tráng miệng.
10% sản lượng mất do trộm cắp
Giá quả vani trong những năm gần đây đã nhảy vọt do lượng cầu tăng và lượng cung giảm do lốc xoáy phá hoại mùa màng. Năm 2018, vani có giá gần 600 USD/kg, đắt hơn cả bạc. Từ đó đến giờ, giá vani đã giảm xuống còn 250 USD/kg nhưng vẫn chẳng hề rẻ chút nào. Đây là cái giá hấp dẫn đối với bọn trộm cắp.
Nhiều người nông dân phải tự trang bị vũ khí và tuần tra cánh đồng vào ban đêm. Các quan chức địa phương ước tính: năm 2018, khoảng 10% sản lượng thu hoạch vani của năm bị mất do trộm cắp. Đáng buồn thay, một số kẻ trộm lại là trẻ con do hoàn cảnh quá nghèo khổ.
Những người nông dân gần đây đã áp dụng việc in mã số lên các quả vani để dễ kiểm soát và phát hiện nếu có trộm cắp. Nhưng đồng thời, để đề phòng trộm cắp, nhiều người thu hoạch quả vani trước khi chúng hoàn toàn chín tới. Điều này khiến chất lượng đi xuống thấy rõ.
Trung gian thét giá bao nhiêu cũng phải chịu
Sau khi thu hoạch, nông dân phải rất nhanh chân vì quả vani bắt đầu lên men ngay sau khi bị hái. Họ đóng gói quả vani trong những cái túi sức chứa khoảng 20 kg và vận chuyển hàng dặm đường đất bằng cách đi bộ đến chợ.
Trước đây, những người trung gian sẽ mua lại quả vani tươi. Vì quả vani bị hỏng rất nhanh, nên bên trung gian có thể ép giá nông dân tùy ý một cách dễ dàng và kiếm bộn tiền từ đó. Có năm, nông dân vui vẻ ra về nhưng cũng có những mùa chỉ thu được vài đồng ‘còm’. Những người nông dân ở đây hay nói rằng: ‘Phải dũng cảm lắm mới dám đi trồng vani vì không biết đến cuối có lãi được đồng nào không hay tay trắng.’
Nhưng ngày nay, nhiều nông dân đã bán quả vani trực tiếp cho các hợp tác xã (HTX), ví dụ như HTX Sahanala. Họ kiểm tra chất lượng, mã số nhãn hiệu trên quả vani và trao tay tiền mặt cho người nông dân. Nhờ đó, giá mua bán đã bình ổn hơn trước. Một người nông dân có thể kiếm được 17 USD/kg quả vani tươi.
Mất thêm 3 tháng để chính thức được xuất khẩu
Các HTX sau đó sẽ mang quả vani tới cơ sở chế biến, nơi tạo công ăn việc làm hàng nghìn công nhân trên khắp Madagascar. Đến đây, người ta vẫn phải làm nhiều biện pháp để chống trộm như lắp hàng rào điện, camera theo dõi và thuê bảo vệ đi tuần đêm.
Trước khi xuất khẩu, quả vani phải trải qua quá trình chế biến trong 3 tháng. Đầu tiên, công nhân phải phân loại quả theo chất lượng và kích thước rồi rửa sạch bụi bẩn.
Quả vani được phân loại bằng tay. Ảnh: Insider Business.
Sau đó, quả được ngâm trong nước nóng để giải phóng hợp chất vani, đây chính là thứ làm nên hương vị quen thuộc trong chiếc bánh, que kem người ta ăn hàng ngày. Việc ngâm nước nóng kéo dài chưa đầy một phút, tùy vào việc quả chín đến đâu.
Ngay sau đó, công nhân phải tức tốc đổ quả vani vào thùng khi hãy còn nóng và ủ 48 tiếng đồng hồ. Sau khi được lấy ra, quả vani sẽ chuyển sang màu nâu và được đem đi phơi trong khoảng 15 đến 30 ngày tùy vào độ ẩm.
Bãi phơi quả vani tại HTX Sahanala. Ảnh: Insider Business.
Ở nơi đóng gói, người ta lăn các quả vani một cách nhẹ nhàng để ép ra tinh dầu và hương vani mà không làm nát. Sau đó, họ bó các quả vani lại với nhau, cân lên và đóng góp để chở đi.
Quả vani của HTX Sahanala sẽ đến với nhà máy sản xuất thực phẩm tại Mỹ là Archer Daniels Midland và lấy về doanh thu khá lớn, khoảng 40 triệu USD/năm. Quả vani qua xử lý có giá cao hơn rất nhiều, khoảng 250 USD/kg, tương đương 1300% của số tiền 17 USD/kg mà người nông dân thu được khi bán quả tươi.
Giá bán biến động gập ghềnh
Một vấn đề lớn không kém mà nông dân Madagascar phải đối mặt là sự biến động về giá. Trong những năm trượt giá, nông dân Madagascar sống trong nghèo khổ cùng cực. Khoảng 81% dân số nơi này chỉ kiếm được 2 USD/ngày. Vì thế, nhiều người phải trồng thêm các hoa màu, rau củ khác để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Có những năm giá lên thì nông dân, trung gian và bên xuất khẩu kiếm được nhiều hơn. Nhưng nó cũng phần nào gây ra lạm phát khiến vật giá tăng cao.
Để bình ổn, chính phủ Madagascar đã đề ra mức giá tối thiểu vào năm 2020. Ngày nay, mức giá ấy cho bên xuất khẩu là ít nhất 250 USD/kg. Nhưng nhiều công ty nhập vani lại không bằng lòng với việc đó và bắt đầu tìm nguồn hàng từ những đất nước bán rẻ hơn, hoặc quay sang mua vani tổng hợp.
Tình hình bây giờ hoàn toàn phụ thuộc vào chính phủ Madagascar, chưa rõ họ có thay đổi chiến lược và quay về việc thả nổi theo đúng giá trên toàn cầu hay không. Chính vì thế, người nông dân chỉ có thể trông chờ vào các HTX như Sahanala. Nơi đây, họ đảm bảo mức giá 17 USD/kg, tổng cộng khoảng 2.600 USD/năm cho các nông dân. Dù mức giá vẫn quá ‘bèo’ so với con số 250 USD/kg khi xuất khẩu, nhưng đối với người nông dân vốn đã phải bỏ ra quá nhiều để trồng nên vani, đây là mức giá ‘có còn hơn không’.
Nạn trộm cắp tiếp diễn, chính sách giá của chính phủ khó thực thi, lại thêm nhu cầu thị trường đang thay đổi, người nông dân trồng vani nơi đây tỏ ra hoang mang trước tương lai và vẫn chưa rõ thứ hương liệu ‘vàng xanh’ này có thể mang lại gì cho họ về lâu về dài.
Tham khảo từ: Insider Business
Thùy An
Link nội dung: https://dulichnghiduong.vn/vi-sao-madagascar-van-ngheo-du-di-dau-ve-xuat-khau-vani-huong-lieu-vang-xanh-dat-hon-bac-a25216.html