Việt Nam đàm phán thành công hồi hương ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’ từ đời vua Minh Mạng

Tối 14/11 (theo giờ Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo đàm phán thành công việc hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo.

ebd5645b-605c-4a1d-9fb5-b3066bd1ec2d-1668440574.jpeg
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân (trái) và ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn tại văn phòng hãng Millon. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tối ngày 14/11, sau khi làm việc với hãng đấu giá Millon tại Pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đàm phán thành công với để chuyển giao ấn vàng của vua Minh Mạng về Việt Nam.

Theo Bộ, buổi đàm phán diễn ra “trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp". Bộ sau đó sẽ phối hợp với đơn vị Millon và các cơ quan liên quan để đưa ấn vàng về nước trong thời gian sớm nhất, theo quy định pháp luật của hai nước.

f77bc269-5014-40be-bfa5-27377263b5f2-1668440574.jpeg
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương (thứ năm từ phải sang), Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng (thứ tư từ phải sang) cùng các thành viên đoàn và đại diện hãng Millon gặp gỡ đàm phán tại Pháp. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

"Hồi hương ấn vàng về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, 'chảy máu' ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc...", đại diện Bộ cho biết.

Cách đây vài ngày, Việt Nam đã cử các đại diện sang Pháp để làm việc về chiếc ấn được xem như bảo vật quốc gia. Được biết, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm có Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Di sản Văn hóa, ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia... cùng nhiều thành viên khác.

Trước đó, Millon hai lần thông báo thay đổi lịch đấu giá ấn. Lý do dời lịch được thông báo vì đây là chiếc ấn được nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, Millon đổi lịch nhằm tạo điều kiện cho phía Việt Nam có thêm thời gian thương lượng để mua trực tiếp.

Ấn được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823, sau đó được vị vua cuối cùng là Bảo Đại sử dụng. Sau 1945, chiếc Ấn trải qua hành trình về Hà Nội, rồi qua Pháp.

Theo thông tin, chiếc ấn đúc bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7 kg. Đế ấn in dòng chữ "Hoàng đế chi bảo" (Báu vật của hoàng đế). 

Theo cuốn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, ấn được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài... Đại diện Cục khẳng định Hoàng đế chi bảo là ấn vàng lớn, đẹp, quý và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn.

Thời gian qua, việc một cổ vật của Việt Nam là ấn vàng của vua Minh Mạng được đưa đấu giá tạo làn sóng quan tâm. Nhiều cơ quan ban ngành, tổ chức đã tìm giải pháp để ấn quý hồi hương. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đàm phán thành công đưa ấn quý trở về là kết quả tốt đẹp được trông đợi suốt hai tuần vừa qua.

Song Lam

Link nội dung: https://dulichnghiduong.vn/viet-nam-dam-phan-thanh-cong-hoi-huong-an-vang-hoang-de-chi-bao-tu-doi-vua-minh-mang-a24995.html