'Ông chủ' 9X Hải Phòng và hành trình theo đuổi sở thích mặc Âu phục cổ điển

Lê Thành Hưng (SN 1993, quê Hải Phòng) là một trong cái tên nổi bật của cộng đồng những 'gentleman' Việt trẻ theo đuổi phong cách thời trang Sartorial.

"Nghề chơi cũng lắm công phu", "ông chủ" 9X Hải Phòng và hành trình theo đuổi sở thích mặc Âu phục cổ điển - Ảnh 1.

 

Yêu thích những bộ phim cũ mang sắc màu cổ điển từ nhỏ và thường bị thu hút bởi vẻ đẹp của những bộ Âu phục (hay còn gọi là "suit"), Hưng không biết tự bao giờ tâm trí luôn muốn trở thành những "gentleman" như vậy. Bởi thế, cậu luôn tự dặn mình không những phải chỉn chu về hình thể, mà còn cần chuẩn bị cả vẻ đẹp tâm hồn bên trong, để có thể thể hiện được hết nét thanh lịch của lối ăn mặc cổ điển.

Mãi tới năm 2016, cậu mới bắt đầu tìm hiểu sâu sắc và quyết định theo đuổi lối chơi Âu phục. Sau đó, chính Hưng là người bắt đầu đưa phong cách thời trang Sartorial tới nhiều người hơn qua các nền tảng mạng xã hội. Nhận được sự ủng hộ lớn, "mối quan hệ" giữa cậu và lối phục sức này ngày càng được "xe duyên". Đam mê thời trang nhưng chính cậu phải thừa nhận, ăn vận giống như Sartorial là việc một việc khá cầu kì và tốn kém.

Hưng bày tỏ về sở thích của mình: "Bất cứ ai, khi theo đuổi một bộ môn nào đó vì sở thích và đam mê thúc đẩy, chắc chắn đều biết: "Nghề chơi cũng lắm công phu". Theo mình, bộ môn "chơi" nào cũng sẽ đều tốn kém, nhất là khi bạn bắt đầu tìm hiểu và quyết định "chơi" sâu ở mức độ nhất định. Cũng có thời điểm dịch bệnh diễn ra căng thẳng, mình từng không thể theo đuổi được trong một khoảng thời gian dài. Do đó, "nghề chơi" cũng cần tới đức tính kiên trì và vốn kiến thức nhất định để có thể theo đuổi đam mê đúng cách".

"Nghề chơi cũng lắm công phu", "ông chủ" 9X Hải Phòng và hành trình theo đuổi sở thích mặc Âu phục cổ điển - Ảnh 1.

 

Bộ suit đắt nhất mà Hưng từng may, có giá 50 triệu đồng, được làm từ chất liệu vải với 100% Virgin Wool (lông tơ của cừu được cạo lần đầu) loại 180s của hãng Drago trứ danh, là vào năm ngoái. Đây là bộ suit mà cậu mong muốn sở hữu trong suốt một thời gian dài bởi ở thời điểm đó, đại dịch vẫn kéo dài, tài chính cá nhân chưa ổn định. Nhưng vì quá thích nên bản thân Hưng quyết định chi một số tiền lớn chỉ để thỏa mãn niềm đam mê.

"Nghề chơi cũng lắm công phu", "ông chủ" 9X Hải Phòng và hành trình theo đuổi sở thích mặc Âu phục cổ điển - Ảnh 3.

 

"Để có thể tự mình trải qua các cung bậc của "nghề chơi" này, mình từng nhiều lần vào Nam ra Bắc chỉ để được chiêm ngưỡng những tiệm may đo Âu phục: từ những tiệm ẩn mình kín tiếng mà bạn bè rỉ tai nhau với tay nghề cực cao tới những cửa hàng có danh tiếng lâu năm nằm trên con phố lớn trong ngành suit này. Trong thời gian đó, mình đã vô tình gặp chú Đại, một người thợ may có gần 40 năm kinh nghiệm trong nghề. Là một người thợ may yêu cái đẹp, chú Đại bắt đầu phụ việc từ năm 12 tuổi, và đã chứng kiến từng bước đổi thay trong ngành thời trang may đo thủ công đầy tỉ mỉ. Cũng từ đây, mình được truyền cảm hứng với nghề may đo Âu phục qua những cuộc trò chuyện thâm tình với chú", Hưng kể lại.

Học hỏi, bổ sung những kiến thức từ những người đi trước, tuy vậy, cậu không tự tin cho lắm khi khởi nghiệp thời trang. Đứng giữa ranh giới giữa việc giữ phong cách ăn mặc như một đam mê và mở ra thương hiệu riêng để kinh doanh cá nhân, Hưng đã phải suy nghĩ rất nhiều. Khó khăn đầu tiên, cậu phải vượt qua chính mình, chấp nhận từ bỏ ngành nghề mình từng được đào tạo chuyên môn để chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới với kinh nghiệm duy nhất "thu" về chỉ từ niềm đam mê vô tận.

Khó khăn thứ hai, cậu thừa nhận việc vận hành một cửa hàng may đo Âu phục không hề đơn giản. Để đem lại những giá trị tốt nhất tới cộng đồng người sử dụng, Hưng đã luôn kiếm tìm những nhà may, thậm chí là những "nghệ nhân" trong giới may mặc. Để quản lý nhân sự hiệu quả, Hưng buộc mình cần phải hiểu rõ những người làm việc cùng và nắm được mong muốn của họ và đáp ứng lâu dài. Đối với nhóm nhân sự tại xưởng sản xuất, vì đa phần làm việc với các cô chú nên Hưng cần độ tinh tế và nhạy cảm hơn khi làm việc chung, cùng với việc luôn tối giản hóa mọi yêu cầu để có thể quản lý chất lượng đầu việc ở hiệu quả cao nhất.

 

Khó khăn thứ ba, cậu tự giao cho mình và các nhân viên sứ mệnh muốn phổ cập phong cách Sartorial và kiến thức thời trang đến khách hàng. Cậu nhớ lại: "Đôi khi khách hàng vì tham khảo quá nhiều kiến thức trên Internet lại khiến họ "bội thực", vô tình chẳng biết nhu cầu thực sự của bản thân. Chẳng hạn, có những bạn theo đuổi phong cách Minimalism nhưng lại yêu cầu rất nhiều chi tiết khi "custom" riêng. Điều đó không xấu, nhưng vô tình làm mất đi màu sắc cá nhân của bạn ấy về tính đơn giản trong phong cách Minimalism.

Hay có những vị khách lớn tuổi đặc biệt ưa chuộng phong cách suit rộng theo kiểu Pháp xưa. Vì thế, đặc điểm chung của họ đa phần đều ưa thích cách thức may theo tinh thần xưa cũ. Nên, khi mới tiếp xúc với những kiểu dáng đương đại, họ cảm thấy mặc lên không phù hợp. Mình đã phải sửa đi sửa lại nhiều lần đến mức tưởng chừng muốn bỏ cuộc... Nhưng sau những lần như vậy, mình đã tìm ra điểm chung của những bộ Âu phục mang hơi hướng xưa cũ và những bộ suit phóng khoáng với phong cách Địa Trung Hải mà bản thân hướng đến".

"Nghề chơi cũng lắm công phu", "ông chủ" 9X Hải Phòng và hành trình theo đuổi sở thích mặc Âu phục cổ điển - Ảnh 5.

 

Để làm nên một bộ Âu phục đẹp, tất cả các bước của quy trình đều vô cùng quan trọng, tay nghề phải đạt được độ "chuẩn" nhất vì kĩ thuật may suit là kĩ thuật cao nhất của ngành may đo, yêu cầu sự tinh chỉnh, hoàn toàn cá nhân hóa tới từng khách hàng. Hưng bộc bạch, ngoài kiến thức về thời trang nói chung, cậu còn phải học về mỹ thuật để có thể nắm bắt và làm chủ được tỷ lệ và hình thái - "chìa khóa" cuối cùng của ngành thủ công. Bởi hình thái và tỉ lệ giống như màu sắc riêng của mỗi nhà may, thể hiện được phần nào tính cách và chiều sâu kiến thức với những phong cách đa dạng tùy biến.

Hưng tiết lộ: "Ngoài ra, chất liệu cũng đóng vai trò "chìa khóa" để quyết định tính "phóng khoáng" hay "cổ điển" của một bộ cánh. Trong những lần thử nghiệm trước đó, không ít nhà may có phần ái ngại khi phục vụ Hưng vì mình khá kĩ tính. Tuy nhiên, sau khi kết nối với chú Đại, mình hiểu hơn về đặc tính từng loại vải để sử dụng chúng hiệu quả hơn, cũng như cảm nhận được cái "hồn" của những tác phẩm. Sau này, mình tiết kiệm thời gian hơn khi giới hạn được những mẫu vải qua catalogue từ hãng gửi về, với những mẫu vải và chất liệu từ những nhà cung cấp vải có tên tuổi trên thế giới".

"Nghề chơi cũng lắm công phu", "ông chủ" 9X Hải Phòng và hành trình theo đuổi sở thích mặc Âu phục cổ điển - Ảnh 3.

 

Hưng không ngại thừa nhận, mình cần phải là một người khó tính, luôn nghiêm túc và khắt khe trong từng công đoạn: từ việc lựa chọn vải, lên ý tưởng, thiết kế suit cho khách hàng sao cho đẹp, chuẩn mà không quá cứng nhắc, rập khuôn, mới có thể đưa ra thị trường những tác phẩm hoàn mĩ. Trong ngành này, cậu thần tượng Chad Park (Hàn Quốc) theo đuổi phong cách Relaxed-fit và Andreas Weinas (Thụy Điển) theo đuổi phong cách Slim-fit - đều là những doanh nhân và người có ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng Sartorial trên thế giới.

"Bản thân mình sau khi tìm được màu sắc riêng trong ngành may đo Âu phục này vẫn luôn phải trau dồi, học hỏi những xu hướng thời trang đang thay đổi chóng mặt từng ngày để khách hàng nói riêng, và ngành suit Việt Nam nói chung luôn bắt kịp những phong cách thời trang "trending" nhất dù mang bất kỳ hơi hướng nào, hiện đại hay cổ điển..., kỹ thuật và chất lượng luôn được cập nhật, nâng cấp để luôn đảm bảo đạt được kết quả tốt nhất", 9X vui vẻ chia sẻ về hành trình trong tương lai.

Sinh Hồng

Link nội dung: https://dulichnghiduong.vn/ong-chu-9x-hai-phong-va-hanh-trinh-theo-duoi-so-thich-mac-au-phuc-co-dien-a24728.html