Kevin Tan là thành viên "cứng" của nhiều hội nhóm sưu tầm khác nhau. Trong phòng, anh trưng bày đủ thứ: một chiếc mặt nạ Iron Man Hulkbuster với kích thước người thật, một mảnh kim loại lấy từ chiếc xe mà tay đua huyền thoại Michael Schumacher đã lái trong mùa giải F1 cuối cùng năm 2012,...
"Tôi thậm chí còn có cả ổ khóa tay nắm tròn từ một cửa hiệu Omega vừa bị đóng cửa", Tan vừa cười, vừa chia sẻ.
Có thể nói, Kevin Tan là một nhà sưu tầm sành sỏi. Nhà của anh giống như một viện bảo tàng thu nhỏ, với vô số những món đồ tưởng chừng như chẳng liên quan gì với nhau, ngoại trừ việc chúng thỏa mãn sở thích bất chợt của người đàn ông nay. Tuy nhiên, chỉ một thứ duy nhất có thể khiến Kevin dành trọn niềm đam mê: nghệ thuật chế tác đồng hồ.
Ban ngày, Kevin làm quản lý tại một công ty môi giới hàng hóa. Anh đồng thời là điều phối viên tại một diễn đàn dành cho những người yêu thích đồng hồ. Suốt 30 năm qua, người đàn ông này đã sưu tầm được 400 chiếc đồng hồ các loại, trong đó có cả những siêu phẩm hiếm có.
Kevin Tan bắt đầu sưu tầm đồng hồ vào năm 16 tuổi (Ảnh: Alvin Teo)
Kevin bắt đầu thú chơi này vào năm 16 tuổi, bằng một chiếc đồng hồ cơ Titoni Airmaster cổ thập niên 70. Anh mua nó tại một cửa hàng ở People’s Park Complex, với giá chỉ 70-80 SGD (1,1-1,3 triệu VNĐ).
"Thời đó, ai cũng đeo Casio G-Shock. Tuy nhiên, tôi muốn một cái gì đó lãng mạn hơn. Khi tôi mua chiếc Airmaster đó, nó đã gần 20 năm tuổi đời. Tôi là người duy nhất trong trường đeo đồng hồ như một ông già", anh nhớ lại.
"Tôi muốn khác biệt so với mọi người. Đó cũng chính là đặc điểm thường thấy trong quãng đời sưu tầm của tôi".
Quả thực, Kevin Tan không quan tâm mấy đến những xu hướng đang thịnh hành. Ngoài chiếc Airmaster, chiếc đồng hồ duy nhất anh coi như kỷ vật là chiếc Omega Speedmaster Moonwatch Calibre 861 của ông mình.
"Khi nghỉ hưu, ông tôi được chọn giữa Omega và Rolex để làm quà. Thật may là ông đã chọn chiếc Speedmaster. Bởi lẽ, nếu ông chọn chiếc Paul Newman Daytona, tôi sẽ phải đem nó đi đấu giá mất", anh đùa.
Ngày nay, những chiếc Rolex Daytona với mặt số theo phong cách Paul Newman không còn mấy. Chúng hiếm đến mức nhiều nhà sưu tầm sẵn sàng bỏ hơn 1 triệu USD (22,8 tỷ VNĐ) cho một phiên bản bằng vàng trên thị trường đồ cũ.
Dù vậy, chiếc Omega Speedmaster Moonwatch Calibre 861 cũng không kém cạnh, khi có giá trị lên tới 7.200 USD (164 triệu VNĐ) ở thời điểm hiện tại.
Kevin Tan chú trọng vào độ kỳ công khi chế tác của từng chiếc đồng hồ (Ảnh: Alvin Teo)
Kevin Tan đam mê sưu tầm đồng hồ theo chủ đề. Vì thần tượng James Bond, anh thích mọi chiếc đồng hồ mà nhân vật điệp viên này từng đeo, kể cả những chiếc rẻ tiền, xấu xí nhất thời Pierce Brosnan đóng.
"Khi mới đi làm, tôi phát cuồng với những chiếc đồng hồ chronograph. Cứ tiết kiệm được khoảng 5.000 SGD (84 triệu VNĐ), tôi lại mua một chiếc. Vì thế, tôi có rất nhiều đồng hồ chronograph đến từ thương hiệu Zenith và Maurice Lacroix", anh cho biết.
Khi có nhiều tiền hơn, Kevin bắt đầu tìm kiếm những thương hiệu đồng hồ ít người biết đến như FP Journe hay MB&F.
"Ngày xưa, đeo Audemars Piguet Royal Oak là một chuyện vô cùng tự hào. Ngày nay, bạn bước vào thang máy và thấy ai cũng có nó. Đây chính là lý do tôi bắt đầu sưu tầm chiếc đồng hồ đến từ các thương hiệu độc lập", anh giải thích.
Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là BST của Kevin thiếu vắng những tên tuổi sừng sỏ trong làng đồng hồ thế giới.
"Tôi không nhất thiết phải mua những mẫu mới nhất hay hot nhất", anh cho biết. "Hôm nào hứng lên thì tôi đeo Rolex Submariner hay Patek Philippe Nautilus. Tôi cũng đeo rất nhiều chiếc Seiko, Casio và Tag Heuer".
"Thế giới đồng hồ rất đa dạng. Bạn có thể tìm mua sản phẩm chất lượng ở các mức giá khác nhau - điều mà xe hay rượu không thể mang lại. Bạn sẽ không thấy một anh chàng mê Ferrari lái Toyota Corolla, bởi một chiếc Corolla không thể ở cùng đẳng cấp".
3 mẫu đồng hồ trong BST đắt giá gồm Breguet, Jaeger-LeCoultre và A Lagne & Sohne của Kevin Tan. (Ảnh: Alvin Teo)
Sở hữu BST đồng hồ đa dạng về cả số lượng lẫn chất lượng, nhưng Kevin Tan ấn tượng nhất với những chiếc đồng hồ được chế tác kỳ công không kém xe Ferrari.
"Tôi đã phải chờ 7-8 năm để thương hiệu Harry Winston chế tác chiếc Opus 3. Nó được vận chuyển đến khách sạn mà tôi ở tại châu Âu bởi hai người đàn ông ăn mặc như cảnh sát chống bạo động. Họ còn đề nghị giúp tôi mở chiếc hộp được đóng gói vô cùng kỳ công", anh nhớ lại.
Vì không muốn "khui hàng" ngay tại sảnh khách sạn, Kevin quyết định mang chiếc hộp lên phòng và tự mình mở. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng.
"Chiếc hộp được làm từ vật liệu nhựa mật độ cao, nên tôi đã làm gãy móng tay trong lúc mở nó. Cuối cùng, tôi đã phải mượn nhân viên khách sạn một chiếc dao thái bít-tết và dành cả ngày trời để ngồi cưa chiếc hộp", anh kể.
"Cứ tưởng tượng rằng giấc mơ đang ở ngay trước mắt, nhưng bạn lại không thể chạm vào!".
Kevin Tan cũng phàn nàn rằng các nhà sưu tầm đồng hồ ngày nay ít khi chú trọng đến quá trình chế tác tinh vi, mà chỉ quan tâm đến sự khan hiếm của mặt hàng.
"Tôi đã phải chờ 4 năm để tậu một chiếc đồng hồ Hajime Asaoka Tsunami, bởi thương hiệu này chế tác sản phẩm hoàn toàn bằng tay. Tuy nhiên, giờ bạn cũng phải chờ tương tự cho một chiếc Royal Oak hay Daytona đơn giản".
400 chiếc đồng hồ không phải là con số nhỏ, vì thế nhà sưu tầm người Singapore này không thể đeo hết tất cả những thứ có trong BST cá nhân. Có những lần anh mua hai chiếc đồng hồ giống y hệt nhau, do quên mất mình đã có cái tương tự.
"Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ được phần lớn BST, bởi tôi mua chúng như một vật kỷ niệm, hoặc trong một khoảnh khắc ngẫu hứng, thậm chí là điên rồ", anh nói. "Đôi khi, tôi cũng mua đồng hồ vì những lý do khá ngu ngốc: vì bạn thách, vì thua cược, vì áp lực bạn bè, vì muốn khoe khoang…".
Dù vậy, Kevin sẽ không bao giờ mua một chiếc đồng hồ chỉ vì nó đang là xu hướng hiện tại, chẳng hạn như Patek Philippe Nautilus Ref 5711 hay Gerald Genta Arena Retrograde Mickey Mouse.
"Tôi đã sưu tầm được gần như mọi thứ mà tôi muốn sưu tầm, nhưng tôi vẫn thích có một chiếc A. Lange & Sohne Triple Split. Nó là sự cải tiến hợp lý từ dòng Double Split, Datograph và 1815 Chronograph", anh giải thích.
"Tôi sưu tầm đồng hồ theo nguyên tắc 5P: triết lý (philosophy), con người (people), sản phẩm (product), quá trình chế tác (process) và giá cả (pricing)".
"Trở ngại duy nhất giữa tôi và chiếc Triple Split lúc này là chữ P cuối cùng!".
(Nguồn: CNA)
Linh Hân