Suốt 10 năm theo đuổi niềm đam mê với cây cảnh, anh Lâm Văn Kiển (25 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP. HCM) đang sở hữu bộ sưu tập với nhiều dáng bonsai độc lạ, có giá trị cao. Ngoài vườn cây tại nhà, hiện anh còn đang là thợ sửa kiểng, người quản lý cho trên 10 vườn cây ở khắp thành phố.
Được biết, anh Kiển tìm đến nghề sửa kiểng vào năm 14 tuổi. "Lúc đó, kinh tế gia đình tôi khó khăn, nên tôi chỉ định tìm một công việc có thể nuôi sống gia đình", anh chia sẻ. Dần dà, nhờ bản tính kỹ lưỡng, làm việc hết mình, cộng với bàn tay khéo léo, chàng nghệ nhân trẻ tuổi này được nhiều người biết đến, và trở thành người sửa hàng trăm cây kiểng giá trị cao, thu nhập mỗi tháng từ 30-50 triệu đồng.
Khi mới vào nghề, anh Kiển phải tập phân biệt các loại cây, học về lượng nước, phân bón. Sau đó, anh mới chạm đến giai đoạn tạo tác những thế cây căn bản. Trong quá trình thao tác, người nghệ nhân cũng dần dần hiểu được cách tạo nên một tỷ lệ đẹp cho chậu cây. Trong ảnh là công đoạn tỉa lá, uốn cành.
Các giống cây được anh Kiển chọn tạo hình là mai chiếu thuỷ, linh sâm. nguyệt quế... trong đó có những chậu có giá trị lên đến 1 tỷ đồng. Theo anh, từ một "cây nguyên liệu", tức cây giống, phải mất khoảng 7-8 năm mới ra được một cây bonsai hoàn thiện, đối với cây nhỏ thì cần khoảng 6-7 năm. "Chăm cây bonsai cũng giống như điêu khắc hay hội hoạ, chỉ khác biệt là mình tạo tác trên vật thể sống. Người nghệ nhân cũng phải tính trước tương lai, ví dụ như khoảng 3 năm nữa nhánh của cây sẽ như thế nào. Từ đó mới biết cách để chăm sóc", nghệ nhân bonsai 9x chia sẻ.
Theo anh Kiển, người chăm cây bonsai buộc phải tỉ mỉ, chú ý đến từng chi tiết nhỏ. "Qua từng giai đoạn phát triển, cây sẽ cần lượng nước, lượng phân khác nhau. Người chăm cây phải có đủ kiến thức, kinh nghiệm thực hành, thì mới tạo ra được một cây bonsai tốt". Khu vườn mà anh đang chăm sóc cũng nhập các loại cây từ Nhật, Đài Loan, rồi sửa lại cho phù hợp với lối chơi của người dân Việt Nam.
Đối với anh Kiển, một cây bonsai đẹp sẽ có những yếu tố như phần rễ hài hoà, thân có tỷ lệ "vàng", không còn sẹo... Một chậu bonsai thường có giá khoảng 300-400 triệu đồng, cây nhỏ thì hơn 100 triệu đồng. "Giá trị của cây được tính bằng quá trình tư duy, thương hiệu của nghệ nhân, ngoài ra còn phụ thuộc vào độ hiếm, đẹp của cây nguyên liệu", anh Kiển chia sẻ.
Bên cạnh đó, khi phối cảnh cho một cây bonsai, phần chậu nên đơn giản hết mức có thể để tôn lên vẻ đẹp của thân cây. Chất liệu của tiểu cảnh như đá, rêu cũng phải được lựa chọn kỹ càng, sao cho phù hợp với chủ đề, cảm xúc mà người nghệ nhân muốn thể hiện.
Đối với nghề chăm bonsai, đôi khi người nghệ nhân phải lấy nghề nuôi nghề: "Nhiều người bạn của tôi chăm bonsai như một nghề tay trái, họ làm một nghề khác để nuôi sống đam mê của mình. Cá nhân tôi thì đã làm thợ, mỗi ngày đều có thu nhập từ việc sửa cây. Tôi lấy nguồn ấy để tái đầu tư cho khu vườn riêng của mình". Tuy nhiên, nếu có một vị khách nhìn ra được giá trị của cây trong tương lai, họ sẵn sàng chi một mức giá cao để mua, người chăm cây không cần chờ đến khi cây lớn rồi mới bán.
Được biết, anh Kiển đã đạt được nhiều giải thưởng từ các cuộc thi trong nước, và cũng được tặng danh hiệu nghệ nhân bonsai khi chỉ mới 21 tuổi.
Sau 10 năm vào nghề, chàng nghệ nhân bonsai 9x đã học được rất nhiều điều."Cũng giống quá trình phát triển của cây, tôi được dịp soi lại mình mỗi ngày, xem thử có tiến bộ hơn so với ngày hôm qua hay không. Tôi hay là nhìn ra ngoài thế giới và biết rằng vẫn còn nhiều người giỏi hơn mình nữa. Vì thế, tôi cũng phải liên tục cập nhật xu hướng trong nước, quốc tế, lúc nào cũng trên tinh thần phát triển", anh bày tỏ.
Nguồn: Nghệ nhân bonsai 9x kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ chăm cây tiền tỷ - Trí Thức Trẻ
Phùng Tiên
Link nội dung: https://dulichnghiduong.vn/nghe-nhan-bonsai-9x-kiem-tien-trieu-moi-ngay-nho-cham-cay-tien-ty-a24358.html