Google kỉ niệm 110 năm ngày sinh giáo sư, bác sĩ người Việt Tôn Thất Tùng vì đóng góp cho Y học thế giới

Hôm nay, 10/5, trên Google Doodle xuất hiện hình ảnh Giáo sư, Bác sĩ Tôn Thất Tùng, nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của ông với nền Y học thế giới. Ông chính là người đầu tiên nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch”.

google-ki-niem-110-nam-ngay-sinh-giao-su-bac-si-nguoi-viet-ton-that-tung-vi-dong-gop-cho-y-hoc-the-gioi-1652172842.png
Hình ảnh Giáo sư, Bác sĩ Tôn Thất Tùng trên Google Doodle. Ảnh: Goole Doodle / Chụp màn hình

Ngày 10/5, nhân dịp sinh nhật lần thứ 110, tác phẩm trên Google Doodle được do nghệ sĩ khách mời Chau Luong thực hiện để tôn vinh Giáo sư Tôn Thất Tùng. Theo Google, Tôn Thất Tùng là bác sĩ phẫu thuật đã cách mạng hóa phương pháp phẫu thuật cắt gan cho các bác sĩ trên khắp thế giới.

Trong lời giới thiệu trên Google Doodle thể hiện nội dung "Cảm ơn ông đã phá bỏ những giới hạn của phẫu thuật để thay đổi vĩnh viễn y khoa" - Google nhấn mạnh khi kết thúc lời giới thiệu Doodle kỷ niệm 110 năm sinh nhật Giáo sư Tôn Thất Tùng. 

Nội dung kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư Tôn Thất Tùng của Google Doodle có phạm vi tiếp cận đến người dùng Google ở Việt Nam và Đức. 

Giáo sư, Bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982) là một bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan, ông là người đầu tiên nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch,” còn được gọi là “phương pháp cắt gan khô” hay “phương pháp Tôn Thất Tùng.”

google-ki-niem-110-nam-ngay-sinh-giao-su-bac-si-nguoi-viet-ton-that-tung-vi-dong-gop-cho-y-hoc-the-gioi-1-1652172983.jpeg
GS Tôn Thất Tùng hướng dẫn học trò trong giờ giảng giải phẫu. Nguồn ảnh: bacsinoitru

Google thông tin, Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh ngày 10/5/1912 tại Huế, Việt Nam - thời kỳ mà chính quyền thuộc địa Pháp cấm người Việt Nam theo học ngành y khoa nâng cao. Năm 1935, vị giáo sư theo học tại Trường Y Dược toàn cấp Đông Dương (một trường thành viên của Viện Đại học Đông Dương). 4 năm học tại đây, vị giáo sư đã thực hiện mổ hơn 200 lá gan và trở thành người đầu tiên thực hiện nghiên cứu tỉ mỉ về gan.

Đồng thời, trong giai đoạn trưởng thành, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã phản đối chính sách hà khắc này và khơi dậy phong trào giáo dục bình đẳng. Những nỗ lực của ông cuối cùng đã buộc chính quyền thuộc địa cho phép sinh viên Việt Nam tham gia kỳ thi tuyển sinh năm 1938.

Kiến thức sâu rộng về giải phẫu gan đã giúp Giáo sư Tôn Thất Tùng nhận ra phương pháp phẫu thuật gan truyền thống - một phương pháp cần từ 3-6 giờ để hoàn tất - là rủi ro và rườm rà không cần thiết.

Thay vào đó, ông đã sáng lập ra phương pháp phẫu thuật mới giúp giảm chảy máu bằng cách thắt chặt các tĩnh mạch gan trước ca mổ, rút ngắn thời gian ca mổ xuống còn 4-8 phút.

Kỹ thuật đột phá của ông, thường được gọi là “Phương pháp Tôn Thất Tùng”, được các bác sĩ phẫu thuật trên toàn cầu sử dụng bởi có khả năng giảm mất máu và cứu sống vô số sinh mạng. 

GS Tôn Thất Tùng cũng là 1 trong những người đầu tiên phong, xây dựng Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Lúc sinh thời, GS Tôn Thất Tùng nổi tiếng bởi xuất thân từ gia đình quý tộc họ Nguyễn nhưng không theo nghiệp học làm quan mà quyết tâm theo ngành y.

Ông làm việc không mệt mỏi cho đến tận cuối đời và để lại 123 công trình khoa học có giá trị. Ông mất năm 1982, hưởng thọ 70 tuổi.
 

Link nội dung: https://dulichnghiduong.vn/google-ki-niem-110-nam-ngay-sinh-giao-su-bac-si-nguoi-viet-ton-that-tung-vi-dong-gop-cho-y-hoc-the-gioi-a24207.html