Đại thi hào, nhà thần học Rumi (1207-1273), một trong những nhà thơ vĩ đại nhất mọi thời đại đã nói “Đừng thấy mình lẻ loi, cả vũ trụ đang ở trong bạn.”
Triết gia người Trung Quốc, Trang Tử nói: “Độc hữu chi nhân, thị vị chi quý”, ý nói rằng “Người biết ở một mình mới trở thành người xuất chúng, được coi là tôn quý”.
“Độc hữu” ở đây chỉ sự tự do tự tại, sự hài hòa tự thân, hoàn thiện bản thân, cũng chính là biết cách chung sống với chính mình.
Phải biết rằng, từ nhỏ đến lớn, chúng ta đã học quá nhiều đạo lý về cách làm thế nào để chung sống với người khác, hòa nhập với xã hội và trở nên xuất sắc trong cộng đồng, nhưng lại quên mất một điều căn bản nhất, kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.
Nếu ai có thể chiến thắng bản thân, học cách chung sống với bản thân thì người đó có thể chiến thắng tất cả.
Nhiều doanh nhân cũng thừa nhận, trong quá trình khởi nghiệp, họ đã phải chịu đựng nỗi cô đơn thất bại trong một thời gian dài và chỉ dám nhắc lại khi đã có một thành công mới. Nhưng kể cả khi đã thành công, trở thành một doanh nhân thành đạt, thì họ vẫn phải đối diện với một nỗi cô đơn khác, trong những tình huống khác.
Trong phỏng vấn với trang Insider, tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk đã nói về sự cô đơn. Elon Musk cũng thừa nhận rằng “sự cô đơn đã là một phần bình thường trong cuộc sống của tôi”. Tỷ phú này nói: “Có nhiều lúc tôi rất cô đơn. Tôi chắc chắn ai cũng có lúc cô đơn cả, đây là chuyện tương đối cơ bản".
“Chẳng hạn, tôi đang tập trung làm việc liên quan đến tên lửa và tôi ở trong căn nhà nhỏ, chú chó cũng không ở cùng tôi, lúc đó tôi thấy khá cô đơn vì tôi chỉ có một mình, đến một chú chó cũng không có bên cạnh” – Ông chủ Tesla cho biết.
Một trường hợp gây tranh cãi gần đây, ca sĩ Sơn Tùng M-TP cũng từng phát ngôn: "Muốn ngồi ở vị trí mà không ai ngồi được thì phải chịu được những cảm giác giác mà không ai chịu được".
Trái ngược lại với sự nghiệp hoạt động nghệ thuật sôi nổi, Sơn Tùng M-TP dường như khá kín tiếng trước truyền thông. Để đạt kết quả như hiện tại, Sơn Tùng đã trải qua không ít khó khăn cùng những áp lực từ sự chỉ trích từ công chúng - điều mà với một người trẻ tuổi khó có thể vượt qua.
Năm ngoái, ngày 3/5/2021, trong công bố ly hôn mà Bill Gates đăng tải trên Twitter hôm, cặp đôi đã chia sẻ: “Trong 27 năm qua, chúng tôi đã nuôi dạy 3 người con tuyệt vời và xây dựng một tổ chức hoạt động trên toàn thế giới để giúp tất cả mọi người có cuộc sống khỏe mạnh và hiệu quả. Chúng tôi tiếp tục tin tưởng vào sứ mệnh đó và sẽ tiếp tục công việc cùng nhau tại quỹ, nhưng chúng tôi không còn tin rằng chúng tôi có thể cùng nhau như một cặp vợ chồng trong giai đoạn tiếp theo của cuộc đời" - Bill và Melinda Gates nói.
Bill Gates và Melina. Ảnh: US magazine
Thông báo này gây nhiều tiếc nuối, khi trước đó cặp đôi được thế giới ngưỡng mộ. Và sau đó, Bill Gates cũng từng thừa nhận mình rơi vào trạng thái cô đơn sau khi ly hôn.
Không một ai có thể ở bên ta trọn đời. Đôi khi, điều chúng ta phải làm là học được cách đối mặt, chung sống với bản thân tốt hơn mỗi ngày.
Theo 2 nhà tâm lý học Satoshi Kanazawa tại Khoa Kinh tế ĐH London (Anh), và Norman Li - ĐH Quản lý Singapore, những người có IQ càng cao sẽ có ít nhu cầu giao tiếp với người ngoài.
Lý do là vì càng thông minh, bộ não của họ hoạt động càng lập dị. Càng lập dị, họ càng khó giao tiếp với người khác. Và khi không thể thấu hiểu, cách tốt nhất và phù hợp nhất cho cả đôi bên là im lặng.
Điều này đặc biệt đúng với các thiên tài, những người luôn coi hoạt động xã hội là cực hình. Ví dụ như Isaac Newton, Leonardo da Vinci, Albert Einstein, tất cả đều là những thiên tài trong lĩnh vực của họ, và đều cô độc.
Vấn đề là do họ không có nhu cầu giao tiếp, và họ chỉ quan tâm đến những gì quan trọng với bản thân. Nói cách khác, họ hạnh phúc vì được cô đơn.
Trong cuốn "Đại tông sư" của Trang Tử cũng có viết về hai chú cá cố chấp nằm cùng nhau trong cái hồ cạn nước, có cố gắng làm ướt cho nhau để duy trì sự sống. Theo ông, so việc cố gắng cho qua ngày như vậy, chi bằng tha cho nhau, đi đến nơi biển rộng sông dài sống một cuộc sống mới.
Trong đời người, nếu có cơ hội cùng đồng hành với một lữ khách, dù là 1 tháng, 1 năm hay 10 năm, đó cũng là một loại may mắn. Nhưng suy cho cùng, chỉ có bản thân mới có thể tự hoàn thành được lịch trình của mình. Bạn phải làm chủ sinh mệnh của chính mình trước, sau đó mới có thể sống tốt được.
Nhà bác học lỗi lạc Einstein từng nói: “Những người xuất chúng, sở hữu khối óc vĩ đại luôn phải đối mặt với những chỉ trích kịch liệt từ những kẻ mang đầu óc tầm thường.”
Một người có ước mơ, có hành động để biến ước mơ thành hiện thực, cũng có đủ năng lực và sự vĩ đại để làm tốt hơn người khác thì họ bắt buộc phải trở nên khác biệt.
Họ dám bước ra khỏi số đông đang lầm lũi từng ngày trong những niềm mơ vụn vặt, nhỏ bé như danh tiếng, địa vị, nhà xe, bằng cấp, phụ nữ hay rượu ngon…
Số đông lại đang mải mê giam cần bản thân trong những lo lắng nhỏ, lo sợ thành công là một tài khoản có giới hạn, cần phải tranh cướp và giẫm đạp lên nhau để giành lấy.
Khác với họ, người có khối óc xuất chúng lại nhìn thấu đạo lý rằng, khác biệt đồng nghĩa với cô đơn, nhưng cũng đồng nghĩa với sự tự do. Ở đó, tài năng sẽ đem tới sự thịnh vượng thích đáng.
Người có trí tuệ lớn sẽ không bận lòng tới lời ong tiếng ve của thiên hạ. Họ dành thời gian để sáng kiến và tạo ra nhiều ý tưởng đột phá chứ không hoài công giải thích lý do. Đơn giản là vì, họ đã quen với tư duy độc hữu, dù cô đơn nhưng đầy giá trị. Sự thành công đến từ chính năng lực của họ, chứ không đến từ miệng lưỡi hay cái nhìn của thế gian.
Nếu có dịp, Einstein thường thực hiện những cuộc trốn chạy và thưởng thức nỗi cô đơn khi dong buồm ra khơi hoặc lặng lẽ biến mất. Tuy nhiên, là một con người của công chúng, những ràng buộc với xã hội khiến nhà khoa học hiếm khi được tận hưởng những khoảnh khắc riêng tư. Mặc dù bị mang ra đùa vui vì tật đãng trí, chối từ danh lợi nhưng Einstein không mắc bệnh. Tư duy độc lập của ông là nhờ nền giáo dục tiên tiến của hai bậc sinh thành từ thời thơ ấu, với người mẹ luôn khuyến khích và một người cha biết ôn tồn an ủi, luôn tạo điều kiện để con trai phát triển nhân cách.
Trong trí tuệ của Trang Tử, nhiệm vụ đời người không gì khác là: Tìm thấy chính mình và tìm thấy con đường của chính mình. Có lẽ, trên chặng đường này, ai cũng có lúc cảm thấy cô đơn, nhưng chấp nhận sự cô đơn chính là bắt đầu của một cuộc sống viên mãn.
Nếu bản thân mình cũng không thể hòa hợp được, bạn sẽ vĩnh viễn không thể hòa hợp được với người khác.
Giống như cách mà nhà triết học người Đức Arthur Schopenhauer đã nói: "Chỉ khi một người cô đơn, anh ta mới có thể trở thành chính mình.
Nếu ai đó không yêu cô đơn, thì anh ta không yêu tự do, bởi vì chỉ khi một người cô đơn, anh ta mới được tự do."
Chúng ta có thể đồng hành đi khắp giang hồ, nhưng lại chỉ có thể tự mình đi tới chân trời và góc bể.
Tận hưởng sự cô đơn là một niềm vui nhẹ nhàng và dễ chịu, không liên quan đến vật chất hay sở thích, cũng không bị tham vọng hay nhu cầu ảnh hưởng. Nó đến từ nội tâm con người với trái tim rộng mở, có sự bình tĩnh và đầy tự chủ.
Tận hưởng sự cô đơn cũng là một loại tư thái bản lĩnh, khi chúng ta tiến bước giữa đời, nhanh thì có thể hưởng thụ tốc độ, chậm thì có thể ngắm nhìn cảnh sắc xung quanh, không để hư danh che mắt, không bị dối trá giấu lòng.
Đó là bản lĩnh của người khiêm nhường, ôn nhã nhưng trí tuệ và khôn ngoan.
Khi làm con cừu sẽ nhàm chán, còn cái giá để làm sư tử là sự cô đơn. Tương tự như vậy, khi muốn sum vầy hãy làm cây cỏ, khi làm cổ thụ thì phải chấp nhận nỗi cô đơn.
Cô độc từ lâu đã liên quan đến khả năng sáng tạo và sự siêu việt. “Nếu không có sự cô độc lớn lao, không một tác phẩm tử tế nào có thể sinh ra”; Picasso đã nói. Trung tâm của những câu chuyện tôn giáo chính là những người tìm kiếm – Moses, Jesus, Đức Phật – những người đã rời xa đám đông để khi quay trở về; họ mang theo những nhận thức và hiểu biết sâu sắc cho cộng đồng.
Có một điểm hạn chế với những người có chuyên môn càng thông minh, thì càng yếu trong lãnh vực cảm xúc và trong đối xử với người khác. Tức là chính các điểm mạnh về IQ lại là cái giá của sự thiếu các khả năng về mặt xã hội.
Suy cho cùng, mỗi một trải nghiệm đều có cái giá của nó, kể cả sự cô đơn.
Tổng hợp
Link nội dung: https://dulichnghiduong.vn/tan-huong-co-don-la-mot-loai-tri-tue-vuot-qua-duoc-co-don-moi-tro-nen-xuat-chung-a24182.html