Ngày 6/4/2022, Nhà Thờ Lớn - công trình tôn giáo và là biểu tượng du lịch nổi tiếng bậc nhất thủ đô lộ diện với vẻ ngoài được phủ lớp sơn đen trầm, các dấu vết thời gian được trát mịn. Nhiều du khách cho rằng “áo mới” của Nhà Thờ Lớn làm mất đi dáng vẻ rêu phong, hoài cổ ngày xưa, thay vào đó là diện mạo hiện đại, khang trang hơn nhưng lạ lẫm, lạnh lẽo hơn.
Nhà Thờ Lớn trước đây với đặc trưng phong cách kiến trúc Gothic trung cổ, nguyên mẫu làm theo nhà thờ Đức Bà Paris, điểm nhấn là những mái vòm uốn cong hướng lên trời (Ảnh sưu tầm)
(Ảnh @giangha645)
Diện mạo mới nhất của Nhà Thờ Lớn Hà Nội
Giàn giáo và màn che dần được tháo bỏ, để lộ toàn bộ bề mặt. So với diện mạo trước đây, lớp sơn mới đã che đi một vài đường nét trên nền tường, vòm cửa..
Ở luồng quan điểm khác, một bộ phận dư luận cho rằng Nhà Thờ Lớn bản chất là nơi sinh hoạt tôn giáo, việc tu sửa - cải tạo để tăng tuổi thọ công trình, đảm bảo mỹ quan an toàn trong sinh hoạt, không phải để trở thành biểu tượng check-in sống ảo mà khen - chê, xấu - đẹp. Với những người giáo dân, việc hoàn thiện cải tạo Nhà Thờ vào mùa Phục Sinh mang ý nghĩa tích cực hơn.
Trước những luồng tranh cãi, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với anh N.D.Dũng - Giám sát Kỹ và Mỹ thuật cho công trình Nhà Thờ Lớn để làm rõ sự thật về “bộ áo mới” của công trình hơn 135 tuổi.
Quá trình thảo luận gian lao cho “bộ áo mới” của Nhà Thờ Lớn với nhiều đơn vị thầu khác nhau
Nửa đầu năm 2021, phần phía sau của Nhà Thờ Lớn bắt đầu được tu sửa. Dư luận được biết chính thức thông tin trùng tu công trình vào cuối tháng 4/2021 khi giàn giáo và màn che được bao phủ dần mặt phía trước nhà thờ. Lúc này, mặt trước Nhà Thờ Lớn vẫn giữ lớp sơn cũ với những vết rêu phong, loang lổ.
Những hình ảnh cuối cùng của Nhà Thờ Lớn trước khi đại tu
Đầu tháng 1/2022, Nhà Thờ Lớn đã có lớp sơn xám và dần tháo hết giáo cùng màn che (Ảnh sưu tầm)
Về công đoạn khởi công trùng tu Nhà Thờ, anh Dũng chia sẻ: “Nhà Thờ Lớn đã hơn 135 năm tuổi, bị thấm nặng nề vào lớp gạch nung bên trong nên bên thi công phải bóc hết lớp tường cũ, trát lại một lượt mới. Trong quá trình làm việc, các bên có nhiều ý kiến như sơn màu ghi hoặc sơn nước… Khi dư luận góp ý thì bên thi công cũng tìm cách sơn lại, vẽ vào thành hình thức giả cổ như diện mạo trước đây”. Nhìn chung, việc “thay áo” cho công trình là cần thiết, dù diện mạo mới có thể chưa hoàn toàn hợp ý số đông.
“90% những người đang thi công Nhà Thờ Lớn đều theo đạo Thiên Chúa, họ bỏ công ra làm một phần là vì công việc, một phần là công đức. Có nhiều đơn vị thi công, bên tôi phụ trách thầu sơn và mỹ thuật, còn các công đoạn giáo, xây trát, phục dựng… cũng có các đơn vị riêng”, anh Dũng cho biết.
Tháo dỡ giàn giáo không có nghĩa là đã sơn sửa xong, sẽ có công đoạn giả cổ tỉ mẩn như vẽ tranh
Từ sau Tết Âm lịch đến nay, gần như giàn giáo và các đoạn phủ màn che phía trước Nhà Thờ Lớn đã bị tháo bỏ, cùng với lớp sơn chuyển từ xám sang đen, nhiều người cho rằng công trình đã hoàn thiện “áo mới” và bày tỏ cảm giác lạ lẫm, không ưng ý. Anh Dũng giải thích, một bộ phận công chúng đã hiểu sai:
“Nhiều lần dư luận bàn tán về việc đặt/bỏ giàn giáo ở Nhà Thờ Lớn, nhưng thực chất vấn đề không hề liên quan. Câu chuyện ở đây là hình thế của nhà thờ: rộng ở dưới, hẹp và nhọn dần ở trên, cho nên đến một giai đoạn, phải tháo giáo ra thợ mới trát/sơn được tiếp (vì giữ lại sẽ bị vướng). Mọi người nghĩ tháo giáo ra là đã hoàn thiện nhưng không phải, mà vẫn đang tiếp tục trát theo khuôn phục chế 3D, linh hoạt theo hình thức thi công phù hợp”.
Cuối tháng 2/2022, Nhà Thờ Lớn có lớp sơn lót màu xám, đã tháo bỏ giàn giáo
“Tôi đồng hành với dự án trùng tu Nhà Thờ Lớn từ tháng 4 năm ngoái, cuối năm bắt đầu sơn. Bên trong đã xong xuôi, bên ngoài vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Về cơ bản, đơn vị thi công bên trong và bên ngoài Nhà Thờ Lớn là hai đơn vị khác nhau, nhưng vẫn sử dụng sơn của bên tôi. Đây là một chủng loại sơn mới - sơn hiệu ứng, mới du nhập vào Việt Nam khoảng 3 - 4 năm nay.
Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện lớp sơn và thêm công đoạn vẽ tái tạo lại các chi tiết như vết mưa, vết loang, bóc sơn… Phục dựng diện mạo cho Nhà Thờ Lớn thực chất có 5 công đoạn, đầu tiên là sơn lót, rồi sơn đen, rồi sơn thêm 2 lớp màu để tái tạo các lớp “bong tróc”, cuối cùng là mỹ hoạ các vệt rêu, vết mưa… Sơn đen như hiện nay mới là giai đoạn 2. Dự kiến mọi công đoạn sẽ hoàn thiện trước Lễ Phục Sinh năm nay (Chủ Nhật, 17/4 - PV)”, anh Dũng chia sẻ.
Màu đen trầm hiện nay mới là giai đoạn 2 của công cuộc cải tạo
Như vậy, Nhà Thờ Lớn hiện vẫn đang trong quá trình cải tạo, sau lớp sơn đen còn bao gồm nhiều giai đoạn phủ màu, vẽ đường nét tạo giả cổ tỉ mẩn, để tái tạo lại dáng dấp lịch sử, theo cách mới hơn, an toàn hơn, đảm bảo tuổi thọ và độ an toàn cho công trình. Hy vọng các giáo dân và người dân Hà Nội và cả nước kiên nhẫn, ngóng chờ “bộ áo mới” hoàn thiện của Nhà Thờ Lớn trong 2 tuần tới đây.
Gia Hiển