Năm 1970, một nữ tu sĩ người Zambia đã viết thư cho Tiến sĩ Ernst Stuhlinger, sau đó là phó giám đốc khoa học tại Trung tâm không gian Marshall (NASA) để hỏi lý do tại sao ông có thể đề nghị chi hàng tỷ đôla cho các dự án không gian tới Sao Hỏa tại thời điểm mà hàng triệu trẻ em đang chết đói trên Trái Đất. Cũng nhanh chóng sau đó, Stuhlinger viết thư trả lời kèm theo bức ảnh “Earthrise”, bức ảnh Trái Đất nhô lên khỏi đường chân trời khi chụp từ Mặt Trăng bởi phi hành gia William Anders vào năm 1968. Bức thư này sau đó đã được NASA xuất bản và đặt tựa đề: "Why Explore Space?". Dưới đây xin được giới thiệu bản lược dịch của bức thư.
"06 tháng Năm 1970
Sơ Jucunda thân mến:
Lá thư của sơ là một trong rất nhiều lá thư mà tôi nhận được hàng ngày, tuy vậy nó làm tôi xúc động sâu sắc hơn cả bởi lá thư đến từ chiều sâu của một tâm trí đang tìm kiếm và một trái tim nhân hậu.
***
Trước khi cố gắng để mô tả chi tiết hơn cách các chương trình không gian của chúng tôi góp phần vào việc giải quyết các vấn đề trên Trái Đất, tôi muốn liên hệ ngắn gọn một câu chuyện có thật để sơ dễ hình dung. Khoảng 400 năm trước đây, có một bá tước sống trong một thị trấn nhỏ ở Đức. Là một người nhân ái, ông đã dành ra một phần lớn thu nhập của mình cho người nghèo ở thị trấn. Điều này đã được người dân rất ngưỡng mộ và quý trọng, bởi vì nghèo đói thường xuyên xảy ra trong suốt thời Trung cổ, cùng với nạn dịch hạch hoành hành thường xuyên. Một ngày, bá tước gặp một người kì lạ. Khác với những người dân trong thị trấn, ông ta có một bàn làm việc và một phòng thí nghiệm nhỏ trong ngôi nhà của mình, và ông đã lao động chăm chỉ vào ban ngày để có thể dành một vài giờ mỗi tối để làm việc trong phòng thí nghiệm của mình. Ông mài các thấu kính nhỏ từ những mảnh thủy tinh; gắn chúng trong ống, và sử dụng thiết bị này để nhìn vào các đối tượng rất nhỏ. Bá tước đặc biệt bị cuốn hút bởi những sinh vật nhỏ bé được quan sát với độ phóng đại ông chưa bao giờ thấy trước đây. Ngay lập tức, ông mời nhà phát minh di chuyển phòng thí nghiệm của mình tới lâu đài để trở thành một gia nhân trong gia đình; và từ đó trở đi, cống hiến tất cả thời gian của mình cho sự phát triển và hoàn thiện các thiết bị quang học.
Người dân thị trấn, tuy nhiên, trở nên giận dữ khi nghĩ rằng rằng bá tước đã lãng phí tiền bạc cho một trò giải trí vô bổ. "Chúng tôi đang đau đớn vì bị bệnh dịch", họ nói, "trong khi ông ta trả tiền cho người đàn ông đó vì một thú vui vô bổ!”. Nhưng ngài bá tước vẫn kiên định: "Tôi giúp đỡ các bạn tất cả mọi thứ trong khả năng của tôi" ông nói, "nhưng tôi cũng sẽ hỗ trợ người đàn ông này và công việc của anh ta, bởi vì tôi biết rằng một ngày không xa, nó sẽ có kết quả!".
Thật vậy, và đó cũng chính là câu chuyện của việc phát minh ra một trong những thiết bị quan trọng nhất cho sự tiến bộ của y học ngày nay: Kính hiển vi. Kể từ khi ra đời, kính hiển vi đã đóng góp nhiều hơn tất cả những phát minh khác cho sự tiến bộ và phát triển của y học; và rằng, việc loại bỏ các bệnh dịch hạch và nhiều bệnh truyền nhiễm khác từ hầu khắp mọi nơi trên thế giới phần lớn là kết quả của việc nghiên cứu cùng với kính hiển vi.
Bá tước, bằng cách giữ lại một số tiền chi tiêu của mình cho nghiên cứu và phát triển đã đóng góp để giảm bớt các bệnh tật của nhân loại lớn hơn nhiều so với việc cho đi hết tất cả cho cộng đồng đang chịu đựng bệnh dịch.
Tôi thậm chí còn tin rằng bằng cách làm việc cho các chương trình không gian, tôi có thể đóng góp để cứu trợ và thậm chí có giải pháp cho các vấn đề nghiêm trọng như đói nghèo trên Trái Đất. Về cơ bản, vấn đề thiếu lương thực xuất phát từ hai nguyên nhân: sản xuất thực phẩm và phân phối thực phẩm. Sản xuất lương thực trong nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, đánh cá biển và các hoạt động quy mô lớn khác là hiệu quả ở một số nơi trên thế giới, nhưng lại vô cùng khó khăn ở nhiều nơi khác. Ví dụ, những vùng đất rộng lớn có thể được sử dụng tốt hơn nếu các phương pháp kiểm soát nguồn nước, sử dụng phân bón, dự báo thời tiết, đánh giá độ màu mỡ, lập trình cho sự phát triển cho cây trồng, lựa chọn đất, thói quen trồng, thời gian trồng trọt, khảo sát cây trồng và lập kế hoạch thu hoạch được áp dụng một cách hiệu quả.
Các công cụ tốt nhất để cải thiện tất cả các chức năng này; không nghi ngờ gì nữa, chắc chắn là vệ tinh nhân tạo quay quanh Trái Đất. Quay quanh Trái Đất ở trên cao, vệ tinh có thể bao quát một vùng đất rộng trong một thời gian ngắn, có thể quan sát và đo lường một lượng lớn các yếu tố cho biết trạng thái và điều kiện của các loại cây trồng, đất, hạn hán, mưa, tuyết phủ, vv, và truyền các thông tin này về các trạm mặt đất để sử dụng thích hợp. Người ta đã ước tính rằng ngay cả một hệ thống cỡ nhỏ các vệ tinh quan sát Trái Đất cùng làm việc trong một chương trình để cải tiến nông nghiệp trên toàn thế giới, sẽ tăng vụ mùa hàng năm tương đương với nhiều tỷ đô la.
Sự phân bố của thực phẩm cho những người nghèo lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Các nhà cầm quyền của một quốc gia nhỏ bé có thể cảm thấy bất an trước viễn cảnh của việc có một lượng lớn thực phẩm vận chuyển vào đất nước của mình bởi một quốc gia lớn, đơn giản chỉ vì lo ngại rằng cùng với các thực phẩm, sự ảnh hưởng của các thế lực nước ngoài cũng sâu sắc hơn. Cứu trợ hiệu quả cho tình trạng thiếu lương thực, tôi e là, sẽ không đến trước khi ranh giới giữa các quốc gia đã trở nên ít gây chia rẽ hơn ngày nay. Tôi không tin rằng chương trình không gian sẽ thực hiện được điều kỳ diệu này qua một đêm. Tuy nhiên, chương trình không gian chắc chắn là một trong những những đại sứ hứa hẹn nhất và tích cực nhất trong công việc này.
Hãy để tôi nhắc nhở bạn về một sự kiện gần như thảm kịch gần đây của Apollo 13. Khi thời gian quay lại Trái Đất của các phi hành gia đã tiệm cận nguy hiểm, Liên Xô đã ngưng phát tất cả các tín hiệu radio trong các băng tần số được sử dụng bởi dự án Apollo để tránh bất kỳ nhiễu sóng có thể; và chiến hạm Nga đã đóng quân ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương trong trường hợp cứu hộ khẩn cấp trở nên cần thiết. Nếu khoang bảo vệ phi hành gia Hoa Kỳ đã hạ cánh xuống gần một con tàu của Nga, người Nga chắc chắn sẽ chăm sóc và nỗ lực cứu hộ như là khi phi hành gia Nga trở về từ một chuyến đi không gian. Nếu nhà du hành vũ trụ của Nga phải ở trong một tình huống khẩn cấp tương tự, người Mỹ sẽ làm như vậy mà không chần chừ gì.
Sản lượng lương thực cao hơn thông qua khảo sát và đánh giá từ quỹ đạo vệ tinh, và phân phối thực phẩm tốt hơn thông qua cải thiện các mối quan hệ quốc tế, chỉ là hai ví dụ về cách các chương trình không gian sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống trên Trái Đất. Tôi xin trích dẫn hai ví dụ khác: kích thích phát triển công nghệ, và sản sinh ra các kiến thức khoa học mới.
Các yêu cầu về độ chính xác cao và độ bền khắc nghiệt của vật liệu áp dụng cho các thành phần của một tàu vũ trụ tới mặt trăng là hoàn toàn chưa từng có trong lịch sử của kỹ thuật. Sự phát triển của hệ thống đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo đã cung cấp cho chúng ta một cơ hội duy nhất để tìm các vật liệu và phương pháp mới, phát minh ra hệ thống kỹ thuật tốt hơn để kéo dài tuổi thọ của các công cụ, và thậm chí khám phá các định luật mới của tự nhiên.
Tất cả các kiến thức kĩ thuật mới có được cũng xuất hiện cho các ứng dụng ở trên Trái Đất. Mỗi năm, có khoảng một ngàn cải tiến kỹ thuật được tạo ra trong chương trình không gian tìm được ứng dụng vào công nghệ của thế giới hàng ngày, nơi dẫn đến các thiết bị nhà bếp và thiết bị nông nghiệp tốt hơn, tàu thủy và máy bay tốt hơn, dự báo thời tiết và cảnh báo bão chính xác hơn, cái thiện hệ thống thông tin liên lạc, dụng cụ y tế, đồ dùng tốt hơn và các công cụ cho cuộc sống hàng ngày. Có lẽ, bạn sẽ hỏi tại sao chúng ta phải phát triển đầu tiên một hệ thống hỗ trợ cuộc sống cho các nhà du hành Mặt Trăng trước khi chúng ta có thể xây dựng một hệ thống cảm biến từ xa đọc cho bệnh nhân tim mạch. Câu trả lời rất đơn giản: sự tiến bộ đáng kể trong các giải pháp của các vấn đề kỹ thuật thường được thực hiện không phải bằng một cách tiếp cận trực tiếp; mà từ việc thiết lập một mục tiêu thách thức mà nhờ đó có một động lực mạnh mẽ cho công việc sáng tạo, đốt cháy trí tưởng tượng và thúc đẩy những nỗ lực tốt nhất, và đóng vai trò như một chất xúc tác tạo ra một chuỗi các phản ứng khác.
Các chương trình không gian, không có bất kỳ nghi ngờ gì nữa đóng chính xác vai trò này. Các chuyến đi đến Hỏa tinh sẽ chắc chắn không mang lại một nguồn trực tiếp thức ăn cho người đói. Tuy nhiên, nó sẽ dẫn đến rất nhiều công nghệ mới và khả năng mà các ứng dụng từ dự án này sẽ có giá trị nhiều lần chi phí của việc thực hiện.
Bên cạnh nhu cầu về công nghệ mới, có một nhu cầu rất cấp bách để tiếp tục tìm ra các kiến thức cơ bản mới trong các ngành khoa học, nếu chúng ta muốn cải thiện điều kiện sống của con người trên trái đất. Chúng ta cần thêm nhiều kiến thức về vật lý và hóa học, sinh học và sinh lý học, và đặc biệt trong y học để đối phó với tất cả những vấn đề đe dọa cuộc sống của con người: nạn đói, bệnh tật, ô nhiễm thực phẩm và nước, ô nhiễm môi trường. Một lần nữa, các chương trình không gian với những cơ hội tuyệt vời để tham gia vào các nghiên cứu thực sự ấn tượng như nghiên cứu mặt trăng và các hành tinh, vật lý và thiên văn học, sinh học và y học là một chất xúc tác gần như lý tưởng cho phản ứng thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, cơ hội để quan sát các hiện tượng thú vị của tự nhiên, và vật chất hỗ trợ cần thiết để thực hiện các nỗ lực nghiên cứu.
Mặc dù chương trình vũ trụ có vẻ như dẫn chúng ta xa rời Trái Đất, đến với mặt trăng, mặt trời, các hành tinh và những vì sao, tôi tin rằng không một vật thể vũ trụ nào có được sự quan tâm và nghiên cứu bởi những nhà khoa học vũ trụ nhiều như Trái Đất của chúng ta. Đây sẽ là một Trái Đất tốt đẹp hơn, không chỉ bởi tất cả những kiến thức khoa học và công nghệ mới chúng ta sẽ áp dụng để làm cuộc sống tươi đẹp hơn, mà còn bởi chúng ta đang trân trọng sâu sắc hơn Trái Đất, cuộc sống và nhân loại.
Bức ảnh mà tôi đính kèm với lá thư này ghi lại một hình ảnh của Trái Đất nhìn từ tàu Apollo 8 khi nó quay quanh quỹ đạo mặt trăng vào Giáng sinh năm 1968. Trong tất cả những thành quả tuyệt vời của chương trình vũ trụ cho đến nay, bức ảnh này có lẽ là thành quả quan trọng nhất. Chúng ta được mở mắt trước sự thật rằng Trái Đất của chúng ta là một hòn đảo xinh đẹp và quý giá nhường nào trong một khoảng không vô định, rằng không có nơi nào khác chúng ta có thể sống ngoại trừ lớp bề mặt mỏng của hành tinh này, bao vây bởi sự trống rỗng lạnh lẽo của vũ trụ. Chưa bao giờ trước đây người ta nhận ra Trái Đất hữu hạn đến thế, và sự can thiệp của con người đến cân bằng sinh thái của Địa cầu nguy hiểm đến mức nào. Kể từ khi bức ảnh được công bố lần đầu tiên, những tiếng cảnh báo ngày càng khẩn thiết hơn về những vấn đề nghiêm trọng mà nhân loại ở thời đại của chúng ta phải đối mặt: ô nhiễm, nạn đói, nghèo khổ, sinh sống ở thành thị, sản xuất lương thực. Chắc chắn không phải tình cờ mà chúng ta bắt đầu nhận thấy những nhiệm vụ to lớn đang chờ vào thời điểm khi mà kỉ nguyên vũ trụ non trẻ cho ta cái nhìn rõ ràng đầu tiên về hành tinh của mình.
Tuy nhiên rất may mắn là, kỉ nguyên vũ trụ không chỉ đưa đến một tấm gương trong đó chúng ta thấy chính mình, nó còn cho chúng ta công nghệ, thách thức, động lực, và cả niềm lạc quan để đương đầu với những nhiệm vụ này với sự tự tin. Tôi tin rằng những gì chúng ta học được trong chương trình không gian đang ủng hộ cho những gì Albert Schweitzer nghĩ khi ông nói: "Tôi đang nhìn vào tương lai với lo ngại, nhưng cũng với hy vọng tốt đẹp."
Tất cả những lời cầu chúc tốt đẹp nhất của tôi là dành cho sơ cùng với những đứa trẻ của sơ.
Trân trọng,
Ernst Stuhlinger,
Phó Giám đốc Khoa học
Trung tâm Không gian NASA Marshall."
Robert Stephens