Xung đột giữa thiên nhiên và con người ngày càng nghiêm trọng do sức phát triển của con người quá lớn đã tác động mạnh mẽ tới hệ sinh thái. Vấn đề đặt ra là làm sao để khai thác tiềm năng kinh tế mà không tác động tới các mối quan hệ của cuộc sống giữa cái cũ và cái mới đang phát triển không ngừng.
Từ nửa sau thế kỉ 20, thế giới phát triển và chuyển biến theo hướng mới, tạo cơ hội cho các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Châu Á, có những bước phát triển nhảy vọt. Quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đã tạo cơ sở cho quá trình đô thị hóa diễn ra một cách nhanh chóng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, đặc biệt là Hà Nội. Việc đô thị hóa nhanh chóng ở Hà Nội là một tất yếu hiển nhiên đối với sự phát triển của cả nước.
Thành phố Hà Nội trải qua một tiến trình lịch sử lâu đời, mang trong mình giá trị di sản đồ sộ, cả về di sản kiến trúc lẫn di sản thiên nhiên. Cũng như nhiều đô thị khác ở châu Á trong quá trình phát triển bùng nổ, Hà Nội đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường bất động sản. Các nguồn lợi kinh tế dẫn đến mối đe dọa về sự phá vỡ cấu trúc đô thị lịch sử của nó. Trong yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển, những thành phố có giá trị lịch sử như Hà Nội đang phải đối mặt với các thách thức về đối đầu sự phát triển. Vấn đề đặt ra là làm sao để khai thác sự phát triển mà không tác động tới các mối quan hệ của cuộc sống giữa cái cũ và cái mới đang phát triển không ngừng.
Vấn đề xung đột giữa thiên nhiên và con người ngày càng nghiêm trọng do sức phát triển của con người quá lớn đã tác động mạnh mẽ tới hệ sinh thái. Cả hệ sinh thái thiên nhiên, hệ sinh thái nhân văn đang dần bị phá vỡ trong các đô thị. Các đặc điểm của mối quan hệ qua lại giữa hệ thống này và sự hình thành những hình thái đặc trưng, thể hiện rõ trong 3 khu vực đặc trưng của thành phố Hà Nội.
Là khu vực có cấp độ bảo tồn cao nhất, đặc trưng của khu phố cổ là các phố nghề và các ngôi nhà cổ. Vào thời Lý – Trần, khu dân cư sinh hoạt buôn bán này bắt đầu hình thành, dân cư từ khắp các làng quanh đồng bằng Bắc Bộ tụ tập lại và trở thành khu vực sầm uất nhất kinh thành thời ấy. Khi người Pháp tới Việt Nam, trong khi họ đẩy mạnh xây dựng khu phố Pháp, chỉnh trang lại khu vực ven Hồ Gươm thì khu 36 phố phường được xem như là một khu vực lịch sử, được giữ nguyên không có tác động về chủ trương xây dựng. Nhưng nó vẫn có sự biến đổi, đấu ấn của kiến trúc Pháp tại khu phổ cổ vẫn rất rõ ràng và mang nhiều giá trị. Cấu trúc và mối quan hệ cuộc sống xã hội tại khu vực này trải qua nhiều giai đoạn vẫn vô cùng sinh động và nhiều sức sống. Có sự biến đổi nhưng vẫn giữ được bản sắc. Sự ảnh hưởng của phong cách thuộc địa hiện hữu trên các con phố mặt tiền, nhưng bên trong những con ngõ nhỏ vẫn giữ cấu trúc làng xã, sinh hoạt theo văn hóa truyền thống. Tính bản địa được thể hiện vào bên trong đô thị.
Bên cạnh di sản kiến trúc đô thị là di sản thiên nhiên của khu vực lõi, là Hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi là Hồ Gươm. Hồ Gươm sở hữu vị trí đắc địa nhất Thủ đô. Bao quanh Hồ Gươm là 3 con phố lớn: Hàng Khay, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng. Từ đây dễ dàng đi đến các con phố nhỏ, là nơi lưu giữ những gì tinh túy nhất của Hà Nội. Hồ Gươm có một thệ thống sinh thái thiên nhiên phong phú, bao gồm: nước, đáy, lưu vực, sinh vật và đa dạng sinh học, do đó bất cứ sự can thiệp nào cũng đều có tác động. Đây là một hồ đặc biệt, vừa mang nhiệm vụ điều hòa khí hậu, vừa mang tính chất văn hóa – tâm linh. Hồ Gươm có giá trị sinh học rất lớn với nhiều loài đặc hữu, một số loài quý hiếm như Rùa hồ Gươm, những loài tảo đặc hữu mà nơi khác không có.
Khu phố cổ là khu vực đậm đặc về công trình bảo tồn, các quy định nghiêm ngặt về quản lý đô thị, quản lý xây dựng đều rất khắt khe, một phần tạo ra sự hạn chế cho nhu cầu phát triển, nhất là nhu cầu ở. Vậy nhưng vẫn tồn tại những nút mở. Trên thực tế, có những trường hợp lách luật, cố ý làm sai khác với quy chế, quy định, nhưng khi đi vào sử dụng nó cho thấy tính thích dụng và hợp lý. Khi đó đơn vị ra luật sẽ dần dần “cởi trói” bằng những thông tư, nghị định chỉnh sửa. Điều đó cho thấy rằng nhu cầu phát triển là liên tục và không dừng. Vậy cần tìm đâu là giá trị cốt lõi để đưa ra những cách thức bảo tồn. Bên cạnh đó tìm ra đâu là sự cơ động linh hoạt để tạo ra sức sống cho thành phố, đáp ứng đươc nhu cầu cuộc sống không ngừng nghỉ để đưa ra quy luật phát triển trên nền tảng bảo tồn, tái phát triển trên nền tảng giữ đặc thù khu vực.
Khu phố Pháp ở Hà Nội là một di sản đô thị quý giá góp phần tạo nên bản sắc của không gian đô thị Thủ đô do người Pháp xây dựng. Đây là lần đầu tiên công tác quy hoạch của Hà Nội được thực hiện một cách bài bản, tiếp cận được những đổi mới từ các nước phát triển châu Âu và đặc biệt là yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật đã chú trọng tới yêu cầu nhiệt đới hóa, giá trị này còn giữ lại đến ngày nay. Tới năm 1945 Khu phố Pháp ở Hà Nội đã định hình với tổng diện tích khoảng 780 ha, bao gồm các trung tâm chính trị – hành chính, trung tâm văn hóa – thương mại, khu quân sự và các khu nhà ở chủ yếu dành cho người Pháp.
Hệ sinh thái thiên nhiên trong khu phố Pháp phải kể tới hệ thống sông hồ, đặc biệt là Hồ Tây. Hồ Tây là một trong những thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Hồ Tây là hồ nước tự nhiên nằm ở phía Tây Bắc nội thành Hà Nội với diện tích khoảng 500ha, đường vòng quanh hồ dài gần 20km. Hồ Tây được bao quanh bởi một hành lang xanh và các kiến trúc mềm mại theo lối làng đan xen với phố, một đặc trưng của kiến trúc Hà Nội.
Nhưng vẫn tồn tại những hệ quả ngoài mong muốn của quá trình phát triển kinh tế – xã hội; đô thị hóa khu vực đã trở thành thách thức cho việc bảo tồn và quản lý di tích vùng ven Hồ Tây. Hồ bị lấn chiếm theo nhiều mục đích khác nhau, khiến cho diện tích hồ bị thay đổi theo thời gian và giảm đi nhanh chóng. Một số di tích trùng tu, bảo tồn không đúng trình tự, thiếu khoa học gây ra những bức xúc trong người dân. Chính vì những nguyên nhân này mà bài toán đặt ra là phải cân bằng giữa phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn di tích. Để dù trong mọi điều kiện phát triển vẫn giữ được bản sắc khu vực. Nhưng bản sắc phải được nhìn nhận qua hoạt động của con người. Làm sao giữ được những bản sắc đã trở thành dấu ấn mà không cản trở sự phát triển. Việc thay đổi cái cũ là tất yếu. Con người thay đổi thì bản sắc cũng thay đổi, vấn đề là phải ứng xử với thay đổi đó như thế nào. Có thể thấy ở đây có sự xung đột của tự nhiên, con người xã hội và quy hoạch. Hệ sinh thái thiên nhiên và nhân văn được biểu hiện trong hệ thống di sản kiến trúc và di sản thiên nhiên cần phải cân bằng hóa nó.
Trong lịch sử, sông Hồng luôn gắn bó hữu cơ với quá trình hình thành và phát triển của Hà Nội, cả về không gian kiến trúc cảnh quan và chức năng sử dụng. Khi đường bộ dần dần thay thế vai trò của đường sông, thành phố từng bước phát triển quay lưng lại với dòng sông. Khác với nhiều dòng sông khác trên thế giới, tuy vị trí cũng nằm giữa lòng đô thị nhưng sông Hồng lại không phải lúc nào cũng hiền hòa và dễ chế ngự. Khu vực hai bên sông Hồng đoạn qua Hà Nội luôn bị hư hại, yếu ớt khi có lũ.
Trong thời Pháp thuộc, họ đầu tư xây dựng khu nhượng địa và khu phố Pháp mà không đầu tư xây dựng khu ven sông. Khu vực này dần dần do người dân tự phát, hình thành các khu ở và làng chài cho dân nghèo. Dù là con sông dữ nhưng vẫn không tránh khỏi bị lấn chiếm do nhu cầu phát triển của người dân. Lượng nước sông Hồng cũng giảm đi rất nhiều do thượng lưu sông Hồng phía bên Trung Quốc xây nhiều đập thủy điện. Bãi bồi ngày càng tăng diện tích hơn, các công trình kiến trúc càng kiên cố hơn.
Sông Hồng, đoạn chảy qua khu vực Hà Nội với chiều dài khoảng 100 km, qua nhiều năm bồi đắp của dòng phù sa đã kiến tạo nên nhiều bãi bồi, bãi giữa. Trong đó có các bãi bồi (khu vực phường Phúc Tân, Phúc Xá); bãi giữa (xã Liên Hồng, Liên Hà, chân cầu Long Biên) và bãi đá (Nhật Tân). Đến nay, các bãi giữa, bãi bồi là nơi sinh sống của nhiều cư dân nông nghiệp, tạo thành các hệ sinh thái nông nghiệp bán tự nhiên, thu hút nhiều sự quan tâm của khách du lịch Hà Nội. Mặc dù các bãi giữa, bãi bồi, bãi đá sông Hồng đáp ứng các tiêu chí du lịch sinh thái, tuy nhiên, các hoạt động du lịch này hiện chưa được quản lý tốt mà do các hộ gia đình tự tổ chức kinh doanh. Do phát triển tự phát nên các hoạt động này không kiểm soát được các vấn đề về môi trường, như sức chịu tải của hệ sinh thái, rác thải gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác cát, hoạt động của tàu thuyền, canh tác nông nghiệp có thể ảnh hưởng đến các hệ sinh thái khu vực bãi giữa, bãi bồi sông Hồng.
Có thể thấy, trong đô thị, di sản thiên nhiên không có nhiều nhưng di sản kiến trúc thì đậm đặc. Và ngược lại ngoài đô thị thì ít di sản kiến trúc nhưng nhiều di sản thiên nhiên. Sự phát triển của đời sống xã hội luôn tác động tới điều kiện tự nhiên. Sự tác động qua lại lẫn nhau này sẽ diễn ra như thế nào, cuộc sống của đô thị này diễn ra theo công thức nào?
Cần tập hợp sự tác động của các nhân tố bao gồm dân số, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chính trị và các đối tượng xã hội khác như giá trị nguyện vọng, đạo đức, với các điều kiện môi trường tự nhiên làm nảy sinh ra các quy luật động thái thống nhất tự nhiên – xã hội. Một hệ thống mà đã trải qua quá trình lịch sử tiến hóa của tự nhiên và sự phát triển của xã hội loài người; để từ đó tìm ra chìa khóa mở cánh cửa thiết kế và quản lý đô thị theo cách vừa bảo tồn vừa phát triển, có thể đương đầu với các vấn đề môi trường ngày càng tăng lên và các hệ thống tự nhiên – xã hội luôn luôn thay đổi.
ThS.KTS Nguyễn Kim Anh
Viện Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam
Hà Lam
Link nội dung: https://dulichnghiduong.vn/moi-quan-he-giua-he-sinh-thai-nhan-van-voi-he-sinh-thai-thien-nhien-trong-do-thi-ha-noi-a23847.html