Nhà đầu tư không quá xa lạ với khái niệm bất cân xứng thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó là khi một trong các bên giao dịch không biết tất cả và chính xác những thông tin cần biết về bên kia để đưa ra quyết định đúng đắn trong giao dịch. Khi đó, giá cả trên thị trường sẽ có thể quá thấp hoặc quá cao so với giá cân bằng của thị trường. Chính vì thế, tính minh bạch trên thị trường chứng khoán luôn được các nhà đầu tư quan tâm. Những thông tin, báo cáo và số liệu được doanh nghiệp công bố là cơ sở để nhà đầu tư phân tích và ra quyết định đầu tư. Trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân ngày càng tham gia mạnh mẽ và nắm vai trò chủ chốt tại thị trường chứng khoán Việt Nam thì việc đảm bảo tính minh bạch của thị trường càng được chú trọng quan tâm.
Mới đây, việc chủ tịch của một công ty bán lượng lớn cổ phiếu mà không công bố thông tin đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới tài chính và truyền thông. Cụ thể, chiều ngày 10/1 Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có báo cáo về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Đến ngày 11/1, HOSE có thông báo về việc hủy giao dịch bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.
Cổ phiếu FLC thời gian qua cũng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi thị giá cổ phiếu này đã vượt mốc 20.000 đồng/cổ phiếu, tiệm cận vùng đỉnh gần 10 năm trước của chính cổ phiếu này. Vì thế, những động thái của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trịnh Văn Quyết cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng đầu tư. Trong các hội nhóm, diễn đàn về đầu tư, các “chứng sĩ” đã đưa ra nhiều quan điểm liên quan đến động thái bán cổ phiếu FLC. Trong đó, nhiều nhà đầu tư tỏ ra quá quen với những giao dịch nội bộ và “tàu lượn” của các cổ phiếu có liên quan đến Tập đoàn FLC. Số còn lại cũng bày tỏ sự vui mừng khi các cơ quan ban ngành vào cuộc một cách quyết liệt đối với những vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính hồi đầu năm 2021, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết Luật chứng khoán mới đã đưa ra rất nhiều quy định nâng cao tính minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết. Điều đặc biệt quan trọng là đã trao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thêm nhiều công cụ để có thể hỗ trợ trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường. Năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành tất cả là 471 quyết định xử phạt hành chính.
Theo chia sẻ của bà Thanh Bình, các hành vi vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin vẫn luôn là những hành vi vi phạm có số lượng nhiều nhất trên thị trường. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, rất nhiều hành vi vi phạm có dấu hiệu của hoạt động thao túng, có vài giao dịch tương đối bất thường của một số loại cổ phiếu.
“Trong thời gian tới, chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Công an để xử lý một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự. Chúng tôi cũng đang kết hợp rất chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông để làm rõ cơ chế phối hợp, qua đó nâng cao chất lượng, phát hiện cũng như xử lý các vi phạm ở thị trường chứng khoán”, bà Thanh Bình nói.
Mới đây, việc chủ tịch của một công ty bán lượng lớn cổ phiếu mà không công bố thông tin đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới tài chính và truyền thông. Ảnh: Qúy Hòa. |
Bước sang năm 2022, bà Tạ Thanh Bình cho hay: “Trong năm 2022, chúng tôi sẽ chú trọng vào việc phát triển bền vững của thị trường. Thứ nhất, sẽ tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường thông qua việc xử lý các vi phạm trên thị trường chứng khoán một cách nghiêm khắc và triệt để. Từ đó sẽ tạo ra một thị trường vừa trật tự, vừa minh bạch và công bằng. Thứ 2, cố gắng hoàn tất và đưa hệ thống công nghệ hạ tầng vào vận hành cũng như các giải pháp về thanh toán, hỗ trợ nhà đầu tư, hỗ trợ thanh khoản của thị trường.
Và cuối cùng, củng cố các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai thêm các mảng thị trường mới, ví dụ hoàn thiện khung pháp lý và đưa thị trường giao dịch thứ cấp đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Đối với thị trường phái sinh, chúng tôi cố gắng đưa những sản phẩm mới để thị trường này tăng tính hấp dẫn và đa dạng hóa các sản phẩm cho nhà đầu tư. Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng năm 2022 chúng ta sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp có chất lượng gia nhập thị trường chứng khoán”.
Hà Lam