Đó là vào một lần xuôi về huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi tìm gặp chú Út - chủ lò nem Lai Vung vang danh khắp xứ này, hay được người dân miền Tây gọi là "tỷ phú chân đất". Trạm dừng chân Út Thẳng được biết đến là một trong những trạm dừng lớn nhất vùng Đông Nam Bộ với lò nem Lai Vung hoạt động song song trên nền diện tích hơn 20.000 mét vuông.
Chú Út có gần 50 năm gắn bó, xây dựng thương hiệu nem Lai Vung
TỪ "BÁN DẠO" Ở BẾN PHÀ THÀNH "TỶ PHÚ MIỀN TÂY" NHỜ LÝ THUYẾT NGƯỢC ĐỜI
Bên trong lò nem, chú Út bắt đầu cuộc nói chuyện bằng việc giới thiệu tuần tự các công đoạn trước khi một mẻ nem ra lò. "Ở đâu làm nem cũng để là nem Lai Vung, bây giờ còn đỡ vì chữ Lai Vung phải đăng ký thương hiệu độc quyền của huyện. Năm 1977, chú đi bán chỉ có vài người, nem Lai Vung khi ấy còn chưa được biết đến nhiều", chú Út kể.
Hơn chục năm trước, bức tranh về việc khởi tạo một doanh nghiệp ở khu vực thành thị thường mang tính quy mô chính vì vậy mà nó trở nên viển vông với nhiều người dân ở khu vực nông thôn. Chú Út chìa tay tính từng thứ mình đã làm để có một cái tên Út Thẳng vang danh khắp xứ như hiện tại. Thay vì bày vẽ qua nhiều chi tiết, tỷ phú chân đất này lấy 2 yếu tố cho sự phát triển của một doanh nghiệp nông thôn: một là nhân lực làm nội lực để phát triển, còn hai là dùng máy móc làm đòn bẩy.
Chú Lê Ngọc Thẳng (1959, hay thường gọi là Út Thẳng) được biết đến là chủ trạm dừng chân, lò nem Út Thẳng lớn nhất nhì khu vực Đông Nam Bộ
Chú Út chỉ tay về hướng máy móc, thuyết minh với chúng tôi: "Đây là máy xay thịt, kia là máy trộn nem, còn đây là máy chiết nem,... Tất cả đều do một tay chú nhập về. Một máy thay cho 15 nhân công".
Hở nửa số nhân công phải nghỉ do dịch, số còn lại hoạt động hết công sức, quy trình làm đã được uốn nắn từ trước. Trong trang phục bảo hộ, tay nhanh thoăn thoắt, người cán, người gói, người đóng hộp,... Cứ như thế mỗi ngày có vài nghìn chục nem ra lò. Nem Lai Vung Út Thẳng được làm từ nguyên liệu chính đó là thịt heo và bì tươi, phần thịt được sơ chế rồi xay nhuyễn, còn bì được sơ chế, luộc chín ráo nước, rồi cho vào máy cán.
Những làng nem tại Lai Vung đã rất nổi tiếng với loại nem chua độc đáo của mình. Tùy theo từng cơ sở mà sẽ có những bí quyết riêng để tạo nên hương vị nem chua của mình.
Chú Út đồng thời cũng nhắc đến ông Giáo Thơ - ông chủ lò nem Lai Vung đầu tiên ở Đồng Tháp với cách gọi thân mật là "sư phụ".
"Năm 1977, lúc 17 18 tuổi, chú bán nem ở bến xe, bến phà, bán cho sư phụ, rồi được sư phụ truyền nghề. Có khách đặt, chú bắt đầu tự làm rồi bán, sau đó người ta đặt số lượng nhiều chú nhập máy về làm, tính tới hiện tại đã hơn 40 năm. Đầu tiên là lò nem rồi mở nhà chờ, tất cả đều là tự cung tự cấp".
Nếu như rời khỏi quê nhà là quyết định "kiếm kế sinh nhai" của hàng chục nghìn người dân miền Tây thì gia đình chú Út là một ngoại lệ. "Cái kén nghèo khổ" khiến họ không thể trụ vững trên đất mẹ và trở thành lao động xuất cư với mong cầu tiền đồ mai đây sáng lạn. Trong cuộc nói chuyện, chú Út nhắc đến điều này với chúng tôi bằng sự quả quyết: "Không, ai cũng đi, chú ở lại làm cái của mình, trên đất mẹ đẻ của mình".
"Mình phải có bản lĩnh tồn tại. Mình làm giỏi cái của mình thì mới có cái để giúp người khác."
Sự điềm tĩnh của chú Út ít nhất đã kinh qua hơn 40 năm gầy dựng thương hiệu nem bậc nhất Đông Nam Bộ, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động miền Tây.
TRẠM DỪNG CHÂN RỘNG HƠN 20.000 MÉT VUÔNG LỚN NHẤT ĐÔNG NAM BỘ, NHỚ THỜI KỲ HOÀNG KIM TỪ SAU KHI CẦU CẦN THƠ KHÁNH THÀNH
Trên nền diện tích hơn 20 nghìn mét vuông, nhà chờ Út Thẳng chứa tổ hợp khu ăn uống, khu vực nghỉ ngơi, lò nem, khu vực trưng bày quà lưu niệm,... toàn bộ 100% đều hoạt động theo hình thức "tự cung tự cấp".
"Chú chuẩn bị nối dài nhà chờ về phía sau thêm khoảng 10 nghìn mét vuông cho xe thoải mái ra vào", chú Út nói.
Chú Út cho biết ban đầu, nhà chờ chỉ rộng 2.000 mét vuông sau đó được mở rộng thêm hơn 20.000 mét vuông và trong tương lai nó sẽ được nhân rộng thêm để đủ chỗ phục vụ khách du lịch.
Trạm dừng chân Út Thẳng rộng hơn 20.000 mét vuông, nơi mà bất kỳ người dân vùng Đông Nam Bộ nào cũng từng ghé hoặc đi qua
Chú Út cũng không quên thời kỳ "hoàng kim" nhất của trạm dừng chân gia đình, khách ra vào đông như hội, mỗi ngày có thể bán được từ 10 nghìn đến 20.000 chiếc nem.
"Ngày trước phải luỵ phà, người dân đi tới lui, mệt mỏi không ăn uống nhiều, nem bán rất chậm từ sau khi cầu Mỹ Thuận thông thương, đó là thời trạm đông nhất, nem cũng bán được nhất".
NEM LAI VUNG CHUẨN KHÔNG PHẢI AI CŨNG CÓ THỂ PHÂN BIỆT ĐƯỢC, DÂN SÀNH ĐẶC SẢN MẤY CŨNG PHẢI CHÀO THUA NẾU KHÔNG BIẾT ĐIỀU NÀY
Nem Lai Vung là một trong những đặc sản mà ai đi du lịch miền Tây cũng cần phải thử. Xuất phát từ xứ Lai Vung (Đồng Tháp), bà Tư Mặn và ông La Văn An chính là người làm nem đầu tiên ở vùng đất này.
Nem được thợ gói tay tỉ mẩn sau đó niêm phong và đóng hộp
Ban đầu nem Lai Vung được làm để cúng trong các dịp giỗ chạp, lễ tết. Sau này người dân thấy dễ làm và cũng đơn giản nên quyết định học để bán. Thời điểm 1980-1990 có thể xem là cực thịnh của nem Lai Vung trên các bến phà ở Mỹ Thuận hay dọc theo QL1 địa phận của huyện Cái Bè thì thấy chỗ nào cũng bày bán nem Lai Vung. Tiếng lành đồn xa, nem Lai Vung ngày càng trở nên nổi tiếng ở khắp các tỉnh thành khu vực miền Nam.
Thịt làm nem là thịt heo đưa vào cối đá quết nhuyễn, da heo được lạng nhỏ thành từng miếng. Trộn lẫn các thứ thịt, bì, tiêu, ớt và lót kèm lá vông xong người ta gói lại bằng lá chuối để vài ngày cho lên men là thành món ăn đậm đà.
Nhắc về sự khác nhau nổi trội để phân biệt nem Lai Vung với các loại nem chua khác, chú Thẳng như cặn kẽ nói: "Chua dai dòn, hậu ngọt, mới là nem Lai Vung. Nem Lai Vung đúng phải chuẩn 8 phần thịt, 2 phần da bì. Còn nem nào mà da nhiều, đường nhiều là không phải nem Lai Vung".
Bảo Trân